Vượt qua những nỗi lo, tỷ phú Phạm Nhật Vượng ghi dấu chưa từng có
Cổ phiếu của tỷ phú số 1 Việt Nam Phạm Nhật Vượng tiếp tục bứt phá vượt lên sự nghi ngờ chung trên thị trường chứng khoán cũng như nỗi lo bao phủ khắp thế giới. Tài sản của ông Vượng lên đỉnh lịch sử mới.
Kết thúc phiên giao dịch 22/8, cổ phiếu Tập đoàn Vingroup (VIC) của tỷ phú USD Phạm Nhật Vượng đã ghi dấu chưa từng có: tăng 3.700 đồng (3%) lên 126.100 đồng/cp.
Đây là mức giá cao kỷ lục mới (giá điều chỉnh) của cổ phiếu này kể từ khi Vingroup niêm yết trên sàn chứng khoán hồi giữa tháng 9/2007.
Với mức giá trên đỉnh mới, ông Phạm Nhật Vượng cũng ghi dấu ấn chưa từng có tại Việt Nam với khối tài sản kỷ lục: trên 10 tỷ USD.
Trước đó, cách đây hơn 5 tháng, tài sản của ông trùm Phạm Nhật Vượng đã chạm mốc 10 tỷ USD. Tuy nhiên, bóng ma ám ảnh của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung cùng với những cú sốc trên thị trường tài chính thế giới đã khiến thị trường chứng khoán trong nước chịu áp lực giảm rất lớn, giao dịch ảm đạm, đa phần cổ phiếu mất giá hoặc chùng lại.
Mặc dù vậy, những diễn biến khá tích cực từ chính tập đoàn của tỷ phú số 1 Việt Nam đã kéo giá cổ phiếu này liên tục đi lên trong vài phiên gần đây và vượt qua những áp lực từ một triển vọng không mấy sáng sủa của nền kinh tế thế giới.
Tới hết 22/8, số lượng cổ phiếu của ông Phạm Nhật Vượng quy ra tiền đạt 10,1 tỷ USD, nhưng theo Forbes con số này là 8 tỷ USD.
Trước đó vài ngày, cú thỏa thuận vào giờ chót với gần 1 ngàn tỷ đồng cổ phiếu của tỷ phú USD Phạm Nhật Vượng đã giúp thị trường chứng khoán chung đảo chiều, chấm dứt chuỗi 12 phiên bán ròng của các nhà đầu tư ngoại. Sự quan tâm của khối ngoại đối với cổ phiếu Việt tiếp tục gia tăng.
Thương vụ mua ròng một khối lượng lớn cổ phiếu VIC giúp nhiều NĐT kỳ vọng một dòng vốn ngoại mới sẽ đổ vào tập đoàn tư nhất lớn nhất Việt Nam và giúp ông Phạm Nhật Vượng tiếp tục một loạt các tham vọng đầu tư khủng, từ ô tô, công nghệ cho tới dịch vụ vận chuyển hành khách hàng không.
Video đang HOT
Hồi cuối tháng 5, Vingroup và doanh nghiệp con của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã hoàn thành phát hành riêng lẻ và bán tổng cộng 205,4 triệu cổ phiếu VIC cho Tập đoàn SK Group của Hàn Quốc thu về 23 ngàn tỷ đồng (khoảng 1 tỷ USD). SK Group trở thành cổ đông ngoại lớn nhất nắm giữ 6% cổ phần của Vingroup.
Nhóm bộ 3 cổ phiếu của ông Phạm Nhật Vượng: Vingroup, Vinhomes và Vincom Retail được xem là động lực lớn giúp TTCK tăng trở lại trong vài phiên gần đây và VN-Index hướng lên sát ngưỡng 1.000 điểm.
Sự bứt phá của cổ phiếu Vingroup trong khoảng 1 tuần qua đã giúp túi tiền của chủ tịch tập đoàn, ông Phạm Nhật Vượng, gia tăng chóng mặt lên mức cao kỷ lục mới: lần đầu tiên vượt ngưỡng 10 tỷ USD.
Cụ thể, với việc sở hữu 1,865 tỷ cổ phiếu VIC, ông Phạm Nhật Vượng đang có túi tiền quy từ cổ phiếu này trị giá hơn 235 ngàn tỷ đồng (tương đương gần 10,1 tỷ USD), cao hơn mức 7,9 tỷ USD mà Forbes ghi nhận tính tới hết ngày 18/3/2019.
Ông Phạm Nhật Vượng.
Không chỉ ông Vượng, mà vợ đại gia này cũng giàu kỷ lục. Bà Phạm Thu Hương đang sở hữu hơn 151 triệu cổ phiếu VIC, trị giá gần 19,1 ngàn tỷ đồng và là người có cơ hội sáng sủa nhất trở thành nữ tỷ phú USD thứ 2 tại Đông Nam Á, sau bà Nguyễn Thị Phương Thảo, CEO VietJet.
Giá trị tài sản trên sàn chứng khoán của ông Phạm Nhật Vượng hiện đã vượt qua vốn hóa gần như toàn bộ các doanh nghiệp lớn trên sàn chứng khoán Việt Nam như: Vinamilk, GAS, Sabeco, BIDV, Masan, Vietinbank, Vietjet,…
Thị trường chứng khoán (TTCK), sáng 23/8, chùng lại đôi chút. Tuy nhiên, VN-Index vẫn giữ ở sát ngưỡng 1.000 điểm. Áp lực bán chốt lời trước ngưỡng này là khá rõ ràng. Dù vậy, thị trường đã trụ khá tốt.
Nhiều cổ phiếu trụ cột vẫn tăng giá như: Hòa Phát, Vinhomes, Sabeco, VietJet…
Các CTCK tiếp tục đưa ra những dự báo thận trọng.
Theo BVSC, VN-Index dự báo sẽ gặp khó khăn khi tiếp cận vùng kháng cự 998-1.000 điểm. Tại đây, thị trường có thể sẽ vấp phải áp lực điều chỉnh về vùng 986-990 điểm trong những phiên tiếp theo. Trong kịch bản tích cực, chỉ số tiếp tục vượt qua ngưỡng 1.000 điểm, xu hướng đi lên của thị trường sẽ được củng cố với vùng giá mục tiêu tiếp theo nằm tại 1.014-1.020 điểm trong ngắn hạn. Diễn biến phân hóa sẽ tiếp tục diễn ra theo từng dòng cổ phiếu, thậm chí sự phân hóa còn xảy ra trong cả các nhóm ngành cụ thể.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 22/8, VN-Index tăng 2,88 điểm lên 997,26 điểm; HNX-Index tăng 0,49 điểm lên 103,5 điểm và Upcom-Index tăng 0,1 điểm lên 57,93 điểm. Thanh khoản đạt 180 triệu đơn vị, trị giá 4,3 ngàn tỷ đồng.
V. Hà
Theo vietnamnet.vn
Lợi nhuận tăng 100%, cổ phiếu Vinhomes vẫn rớt giá cuối phiên
Dù lợi nhuận quý 2 năm 2019 tăng tới hơn 100% so với cùng kỳ, nhưng cổ phiếu Vinhomes (mã VHM) vẫn chịu cú rớt giá mạnh cuối phiên giao dịch ngày 30.7.
Cổ phiếu Vinhomes rớt giá mạnh cuối phiên
Ảnh Anh Vũ
Dù lợi nhuận quý 2 tăng tới hơn 100% so với cùng kỳ, nhưng cổ phiếu Vinhomes (mã VHM) vẫn chịu cú rớt giá mạnh cuối phiên giao dịch ngày 30.7.
Trước đó, báo cáo tài chính của CTCP Vinhomes cho thấy, kết thúc quý 2.2019, lợi nhuận sau thuế của VHM đạt 8.455 tỉ đồng, tăng gấp 102% so với cùng kỳ năm ngoái.
Lũy kế 6 tháng đầu năm,Vinhomes đạt doanh thu thuần 26.769 tỉ đồng, lãi sau thuế đạt 11.142 tỉ đồng, tăng lần lượt 172% và 136% so với cùng kỳ năm trước.
Mức lợi nhuận đột biến ngoài dự báo này giúp VHM tăng mạnh trong cả phiên sáng và là một trong những cổ phiếu trụ nâng đỡ thị trường. VHM có thời điểm tăng lên 89.400 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, càng về cuối phiên, lực xả càng mạnh, đóng cửa, VHM quay đầu giảm tới 4,33% tại mức giá 84.000 đồng/cổ phiếu.
Nguyên nhân chính do Vn-Index chạm ngưỡng 1.000 điểm, VHM đã tăng một đoạn khá dài nên nhiều nhà đầu tư thực hiện chốt lời.
Đà rơi của VHM kéo các cổ phiếu họ VinGroup còn lại như VRE giảm 2,45%, VIC giảm 1,53%, còn chỉ số Vn-Index sau khi vượt ngưỡng 1.000 điểm phiên sáng, đóng cửa đã rơi mất gần 12 điểm, về 986,02 điểm (giảm 1,19%).
Thị trường hôm nay cũng rớt thảm do các "trụ" (các cổ phiếu vốn hoá lớn) bị xả mạnh. MWG của CTCP Thế giới di động giảm 2,17%, VCB của Vietcombank xanh trong cả phiên sáng, đóng cửa vẫn đảo chiều giảm 0,49%. Các cổ phiếu dòng ngân hàng cũng giảm la liệt: TCB giảm 0,48%, MBB giảm 2,67%, CTG giảm 0,96%.
Đáng chú ý, với kết quả kinh doanh quý 2 sụt giảm, BID giảm 2,23%, xuống còn 35.000 đồng/cổ phiếu.
Đà giảm ở nhóm bluechips cũng lan rộng ra thị trường, nhóm dầu khí trong phiên hôm nay có diễn biến khá tích cực, nhưng áp lực bán trên toàn thị trường những phút cuối phiên khiến GAS, PVD, PVS, PVT, PXS... chìm trong sắc đỏ.
Điểm sáng hiếm hoi trong phiên giao dịch là Sabeco (mã SAB). Sau khi về tay tỉ phú người Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi, lợi nhuận sau thuế quý 2 của SAB đạt 1.530 tỉ đồng, tăng 19% so với quý 2 năm 2018. SAB tăng 1,08%, đóng cửa 281 đồng/cổ phiếu.
Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 11,92 điểm (-1,19%) xuống còn 986,02 điểm. Toàn sàn có 89 mã tăng, 207 mã giảm và 69 mã đứng giá. HNX-Index giảm 0,86 điểm (-0,82%) xuống còn 10,4,43 điểm. Toàn sàn có 56 mã tăng, 85 mã giảm và 57 mã đứng giá.
Thanh khoản thị trường chung duy trì ở mức thấp, với tổng khối lượng giao dịch đạt 188 triệu cổ phiếu, trị giá chỉ 4.100 tỉ đồng.
Theo thanhnien.vn
Qua nhiều sóng gió, vị tỷ phú USD Việt chi đậm 3 ngàn tỷ chia nhau Tỷ phú USD kín tiếng và đáng gờm Nguyễn Đăng Quang tiếp tục khẳng định vị trí hàng đầu trong lĩnh vực hàng tiêu dùng nhanh cho dù sóng gió liên hồi trong thời gian gần đây. CTCP Hàng tiêu dùng Masan - Masan Consumer (MCH) của tỷ phú nước mắm và tương ớt Nguyễn Đăng Quang vừa chốt danh sách cổ đông...