Vượt qua định kiến xã hội, nhiều phụ nữ Trung Quốc chủ động ly hôn
Xu hướng phụ nữ chủ động ly hôn đang dần phổ biến ở các quốc gia châu Á, trong đó có Trung Quốc.Điều này cho thấy phụ nữ đã dám vượt qua định kiến xã hội để tìm kiếm hạnh phúc đích thực.
Trung Quốc đã đơn giản hóa thủ tục ly hôn năm 2003 và tỷ lệ ly hôn đã tăng vọt. Ảnh: bizjournals.com
“Trong nhiều lần cãi vã, mẹ thường nói với bố rằng kết hôn là điều tồi tệ nhất trong cuộc đời bà. Tôi đã luôn thông cảm với mẹ vì bố tôi thực sự là một người đàn ông thiếu trách nhiệm và ích kỷ. Tuy nhiên, mẹ chưa từng nghĩ đến việc ly hôn bởi quan niệm truyền thống lấy chồng thì phải theo chồng”, một người phụ nữ giấu tên chia sẻ.
Phụ nữ Trung Quốc chỉ được trao quyền ly hôn theo quy định của luật hôn nhân mới vào năm 1950. Dù vậy, trên thực tế chỉ có một tỷ lệ nhỏ phụ nữ can đảm thực hiện quyền này và thường vì lý do chính trị.
Nhưng hiện tại, quan niệm truyền thống về viêc ly hôn của phụ nữ Trung Quốc đã dần thay đổi. Đầu tháng 11, bà Zhou Quiang, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao đã tiết lộ trong một phát biểu rằng có đến 74% các vụ ly hôn tại Trung Quốc là do phụ nữ gửi đơn kiện. Bà cho biết mốc thời gian 7 năm mặn nồng trong một cuộc hôn nhân nay đang giảm dần còn 3 năm bởi ngày càng có nhiều cặp đôi Trung Quốc ly hôn chỉ sau một vài năm chung sống.
“Tôi đã nâng ly chúc mừng con gái mình khi nghe tin con quyết định ly hôn. Tôi coi đó là một thành tựu trong việc giải phóng phụ nữ Trung Quốc, bởi họ đã quyết đoán hơn trong việc theo đuổi những ước mơ của mình. Họ không còn tự ép mình phải chấp nhận một cuộc hôn nhân không hạnh phúc như thời của các bà, các mẹ”, một phụ nữ nói.
Phụ nữ ly hôn được cho là hành động đi ngược với văn hóa truyền thống tại Trung Quốc, bởi theo quan niệm truyền thống, phụ nữ đã kết hôn dù sống trong một cuộc hôn nhân hạnh phúc hay khổ đau vẫn phải chịu đựng.
Còn với thế hệ phụ nữ trẻ ngày nay, đặc biệt là những người có học vấn cao, họ đã trở nên độc lập, quyết đoán và có nhận thức rõ hơn về quyền lợi của mình. Phụ nữ thời hiện đại được cho là có cách tìm kiếm hạnh phúc quyết liệt hơn phụ nữ truyền thống.
Video đang HOT
Ba năm trước, cô Ye Hong, một nghệ sĩ 38 tuổi đã ly hôn chồng sau khi tình cờ phát hiện những bức ảnh nhạy cảm trên máy tính của anh. Mẹ của cô khuyên rằng hãy nghĩ đến đứa con nhỏ và tiếp tục cuộc hôn nhân. Nhưng Ye Hong không thay đổi ý định, người phụ nữ này đã quyết định chấm dứt cuộc hôn nhân kéo dài 13 năm của mình. “Tôi không thể sống cùng một người đàn ông mà tôi đã không còn tôn trọng”, cô nói.
Hiện nay, nhiều cuộc hôn nhân ở Trung Quốc còn không kéo dài được lâu như vậy. Theo báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (Hong Kong, Trung Quốc), tỷ lệ ly hôn tại Trung Quốc đã tăng vọt trong thời kỳ cải cách, mở cửa. Tỷ suất ly hôn thô – số vụ ly hôn tính trên 1000 dân – đã tăng vọt từ 0.018% năm 1978 lên 0.32% năm 2018.
Tỷ lệ này bắt đầu tăng mạnh từ năm 2003 khi thủ tục ly hôn ở Trung Quốc trở nên dễ dàng và nhanh chóng hơn. Trong năm 2016, có tới 4,2 triệu cặp vợ chồng, chủ yếu là ở thành thị, đã lựa chọn ly hôn khi cuộc sống hôn nhân không hạnh phúc.
Một sinh viên ở Bắc Kinh đã hóa trang thành cô dâu bị chồng đánh đập để phản đối nạn bạo hành gia đình. Ảnh: SCMP
Xã hội ngày càng phát triển, phụ nữ bắt đầu quan tâm hơn đến chất lượng cuộc sống của mình. Độc lập tài chính cũng khiến họ dễ dàng quyết định mọi việc hơn. Nếu bị ngược đãi, người chồng không chung thủy hay không đạt được những kỳ vọng của mình, phụ nữ sẽ quyết định “đường ai nấy đi”.
Mặc dù những quan niệm truyền thống đã dần được nới lỏng, nhưng xã hội Trung Quốc vẫn còn những ánh mắt kỳ thị những người ly hôn.
“Mẹ tôi không dám kể với hàng xóm về việc tôi đã ly hôn, điều này đã được giữ bí mật suốt 14 năm. Đối với bà, ly hôn là một điều nhục nhã đối với người phụ nữ và ảnh hưởng đến danh dự của cả gia đình”, một người phụ nữ đã ly hôn nói.
Số vụ ly hôn gia tăng trong những năm gần đây đã gây ra nhiều áp lực đối với các nhà chức trách. Họ cho rằng tỷ lệ ly hôn gia tăng gây khó khăn trong việc duy trì dân số ổn định và làm gia tăng bất ổn xã hội. Do vậy, nhiều địa phương đã nỗ lực kiềm chế xu hướng này.
Năm 2016, Tòa án Nhân dân Tối cao đã chỉ thị các thẩm phán phải cân bằng việc “tôn trọng mong muốn của người dân” và nỗ lực giải hòa các vụ ly hôn theo quan điểm “ổn định gia đình là cơ sở của một xã hội hài hòa”. Năm 2018, các tòa án địa phương đã đưa ra các biện pháp như hòa giải miễn phí, cho thời gian cân nhắc, thậm chí là đưa ra một bộ câu hỏi để hàn gắn các cặp vợ chồng muốn ly hôn.
Điều đáng ngạc nhiên là cách giải quyết này đã khiến hơn một nửa số đơn ly hôn bị tòa phủ quyết.
Chính phủ không nên can thiệp vào việc ly hôn của người dân nhưng cũng không nên xem nhẹ việc ly hôn. Tuy nhiên, việc ngăn cản phụ nữ giải thoát khỏi cuộc hôn nhân không hạnh phúc sẽ kìm kẹp quyền tự do của họ. Trong mọi trường hợp, ly hôn là quyền dân sự của mỗi người và điều này cần phải được tôn trọng.
Theo một báo cáo, ở các quốc gia như Anh và Mỹ, số lượng phụ nữ chủ động nộp đơn ly hôn ngày càng nhiều hơn nam giới. Tại một xã hội đang trong quá trình hiện đại hóa như Trung Quốc, việc phụ nữ đưa ra quyết định ly hôn được đánh giá là phù hợp với xu thế của toàn cầu. Điều này không còn đáng ngại vì trong thế giới hiện đại mô hình gia đình đang dần trở nên đa dạng hơn.
Hải Vân
Theo Báo Tin tức
Phụ nữ sống vì con hay vì chính mình?
"Khi bạn là một người mẹ, bạn không bao giờ thực sự cô độc trong suy nghĩ của mình. Một người mẹ luôn phải nghĩ hai lần, một lần cho bản thân và một lần cho con cái" - Sophia Loren.
Sáng nay, cô bạn gửi vào nhóm "bà tám" của chúng tôi một bài viết với nội dung chính là "Chờ con thi đại học xong sẽ ly hôn" và hỏi rằng: Tại sao phụ nữ lại phải chịu đựng như vậy, tại sao không ly hôn luôn nếu thấy không ở được nữa mà phải chịu đựng suốt 10 năm, sao không sống vì mình, con cái sống trong gia đình như thế nó có hạnh phúc không?
Đương nhiên, nghe là các bạn cũng đoán được cô ấy chưa lập gia đình và chưa có con. Thế là một cuộc tranh luận nảy lửa nổ ra chia 2 phe: Phe đã có gia đình và phe độc thân, và đến giờ vẫn chưa có hồi kết vì mỗi người đều có lý do riêng của họ.
Với tư cách là một phụ nữ đã có 2 đứa con, tôi hoàn toàn đồng ý với câu nói trên của Sophia Loren. Rất nhiều bạn bè của tôi cũng đã chia sẻ rằng: Khi chưa có con, trong nhà chồng là số 2, họ là số 1, nhưng đến khi có con rồi chồng ngay lập tức bị tụt hạng, con với họ lúc này mới là tất cả và ngay lập tức được leo lên vị trí số 1 vô điều kiện, đương nhiên chồng sẽ xuống vị trí số 3.
Sự quan tâm của phụ nữ dành cho chồng lúc này đã giảm đi rất nhiều, đây cũng là nguyên nhân dẫn đến sự đổ vỡ trong một số gia đình nếu người chồng không hiểu và thông cảm cho vợ. Và cũng đừng ông chồng nào dại dột mà đi ganh tỵ với con, đừng than trách rằng, em lúc nào cũng chỉ biết có mỗi con không thèm nhòm ngó đến chồng. Ơ kìa, con là của chung, sao anh không cùng vợ chăm con quan tâm con để cùng vun vén gia đình?
Người ta có câu: "Phụ nữ khôn tìm bình yên bên con cái, đừng dại dột mong cầu hạnh phúc từ chồng" cũng không sai. Dì của tôi, gia đình cũng bắt đầu lục đục từ khi dì đẻ liên tiếp 2 đứa trong 5 năm. Dì buộc phải nghỉ làm ở nhà chăm con, và khi ở nhà có nghĩa mọi chi tiêu đều phải "ngửa tay" xin chồng. Mà mỗi lần xin là chồng cằn nhằn, kêu tại sao tiêu tốn thế, phải biết tiết kiệm, cô không thương tôi đi kiếm tiền vất vả sao?
Thậm chí còn đòi gắn camera trong nhà, vì "cô ở nhà sướng quá phải không, tôi phải xem cô ở nhà làm gì mà lúc nào cũng than bận". Dì chịu đựng hết, không nói tiếng nào. Có lần con ốm, gọi cho chồng nhưng anh bảo đang bận, cô tự đưa con đi viện đi. Dì cúp máy không nói tiếng nào, và từ sau đó, mọi việc dì tự làm tự gánh vác không bao giờ mở miệng nhờ chồng. Rồi cũng đến ngày 2 đứa trẻ có thể đi học, dì bắt đầu quay trở lại với công việc, dì tự kiếm tiền và tiêu tiền của chính mình, hàng tháng yêu cầu chồng đưa một số tiền lo cho 2 con.
Tôi từng hỏi, sao dì không ly hôn đi, sống như vậy có khác gì mẹ đơn thân đâu. Dì thở dài, 2 đứa trẻ còn nhỏ, dì không muốn chúng bị tổn thương khi bố mẹ ly hôn. Thế rồi, bẵng đi nhiều năm, dì cũng ly hôn ở tuổi gần ngũ tuần, gọi điện cho tôi mà giọng dì đầy phấn khởi, dì bảo từ nay sẽ sống cho chính mình, vì 2 đứa con đã trưởng thành và đã có thể tự lo cho cuộc sống của chúng. Từ nay dì sẽ sống cho chính mình, làm điều mình thích, tự do và hạnh phúc.
Vì con, dì phải chịu đựng suốt hơn 10 năm trời để rồi ly hôn ở độ tuổi này, độ tuổi mà người ta hay bảo nhau "con chăm cha không bằng bà chăm ông". Vì con phụ nữ hoàn toàn có thể hy sinh mọi thứ của bản thân, thậm chí kể cả là niềm vui, hạnh phúc, thậm chí là tính mạng. Nhưng điều đó không có nghĩa là họ không biết sống cho bản thân mình, chỉ là chưa đến thời điểm thích hợp.
Hơn nữa, những lựa chọn của dì trong thời kỳ hôn nhân cũng cho thấy dì đã cùng lúc sống vì mình và vì con, vì mình nên dì tự chủ mọi thứ, dì không bi lụy, không dựa dẫm vào ai. Tôi tin dì cũng đã có thời gian sống vui vẻ, ly hôn chỉ là dì không phải sống chung nhà với người đàn ông nào khác thôi.
Ngẫm lại bản thân, tôi cũng đang sống vì con, nhưng nếu có khả năng độc lập tài chính và người chồng không còn hòa hợp thì tôi vẫn có thể sẽ nghĩ đến chuyện ly hôn. Nhưng đó là nói, còn thực tế cũng có thể tôi sẽ khác.
Xét đến cùng, phụ nữ sống vì con cũng là vì chính mình. Con cái trưởng thành, thành công hạnh phúc cũng chính là gia tài lớn nhất của phụ nữ. Nơi họ có thể tìm bình yên khi xế chiều.
Theo kinhtedothi.vn
Cụ ông 70 tuổi kiên quyết ly hôn vợ để có 3 tỷ nuôi bồ nhí Bố tôi năm nay 70 tuổi, tác phong vẫn còn nhanh nhẹn, hoạt bát và sở hữu gu ăn mặc phong độ. Mẹ tôi kém bố 10 tuổi nhưng có phần già nua, sức khỏe kém hơn chồng. Suốt tuổi trẻ, ông bà lấy nhau, lần lượt sinh 4 đứa con, 2 trai, 2 gái. Một mình mẹ bươn chải, nuôi con, gửi...