Vuột mất cơ hội kinh doanh vì thiếu vốn
Chuyên gia đề xuất cho phép doanh nghiệp chuyển lỗ về năm trước hoặc năm sau nhằm giảm áp lực, vượt qua khó khăn trước mắt.
Nhiều doanh nghiệp (DN) cho biết bước đầu giảm bớt được áp lực khó khăn nhờ chính sách giãn nợ, giãn nộp thuế của Chính phủ. Tuy nhiên, họ rất cần giảm lãi suất cho các khoản vay đang phải trả và bơm thêm tiền để giúp họ nắm bắt các cơ hội mở rộng sản xuất, kinh doanh.
Đại gia cũng khó
Ngày 20-5, Trường ĐH Kinh tế – Luật và Viện Nghiên cứu phát triển công nghệ ngân hàng (ĐH Quốc gia TP.HCM) đồng tổ chức hội thảo với chủ đề “Lựa chọn chính sách phục hồi kinh tế Việt Nam giai đoạn COVID-19″. Tại đây, ông Võ Quốc Thắng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đồng Tâm, đánh giá điểm tích cực của chính sách hỗ trợ từ Chính phủ thời gian qua là giãn nộp thuế.
“Thay vì mỗi tháng phải nộp thuế từ 100 đến 200 triệu đồng thì giãn thời gian cho năm tháng sau mới nộp. Chính sách này rất thiết thực ở thời điểm này” – ông Thắng bình luận.
Tuy nhiên, ông Thắng cho rằng với gói hỗ trợ tín dụng 250.000 tỉ đồng thì các nhà kinh doanh chưa được hưởng lợi gì nhiều. Lý do là mức giảm lãi suất cho vay chỉ 0,2%-0,5%/năm thực sự không có ý nghĩa trước những khó khăn mà cộng đồng DN đang gặp phải.
“Thậm chí ở thời điểm này, nếu ngân hàng có cho vay mới với lãi suất cực thấp, ví dụ chỉ 3%/năm, DN cũng không có nhu cầu để vay vì cả cung lẫn cầu đều khó khăn do dịch. Điều mà chúng tôi cần lúc này là giảm lãi suất đối với các khoản đã vay. Hiện có một số ngân hàng chấp nhận hy sinh lợi nhuận để giảm mạnh lãi suất đối với các khoản DN đang vay. Đây là sự hỗ trợ rất thiết thực” – ông Thắng bày tỏ.
Đồng quan điểm, Chủ tịch Hiệp hội Nhựa TP.HCM Trần Việt Anh nhìn nhận điểm sáng trong giai đoạn dịch COVID-19 bùng phát đối với ngành nhựa là sản phẩm khẩu trang, găng tay cao su… có nhu cầu tăng cao và giá tốt. Song đáng tiếc là những DN nhỏ và vừa sản xuất sản phẩm này lại thiếu vốn để mua nguyên liệu. Cuối cùng họ đành để vuột mất cơ hội.
Video đang HOT
Ông Trần Việt Anh dẫn chứng: Giá thành một thùng khẩu trang chỉ 700.000 đồng, bán cho hệ thống nhà thuốc chỉ 1 triệu đồng nhưng xuất khẩu có giá 17 triệu đồng. Thế nhưng hiện các đơn vị sản xuất khẩu trang, găng tay gặp khó do nguyên liệu nhỏ giọt, khó vay được để mở rộng sản xuất.
Ngoài ra, theo ông Anh, chính sách giãn thuế giá trị gia tăng không áp dụng cho DN có hàng nhập khẩu. Điều này là không công bằng, vì hàng ngàn container vừa nhập về cảng phải đóng ngay loại thuế này. Trong khi thời điểm khó khăn do dịch, DN rất cần giãn thuế. Vì vậy, Chính phủ cần cho phép giãn thuế giá trị gia tăng đối với hàng nhập khẩu.
“Ngoài ra, đối với các đơn vị phải nhập khẩu nguyên phụ liệu, có xuất khẩu thì cần có chính sách cho họ vay USD để có thể nhanh chóng ổn định đầu vào, nhập máy móc kịp thời nhằm nắm bắt cơ hội mua nguyên liệu giá đang giảm rất mạnh. Ngân hàng chỉ cần xem quá khứ của DN đó một quý trước, nếu không có nợ xấu, dòng tiền tốt, có nguồn thu ngoại tệ thì có thể tăng hạn mức cho vay USD lên. Ví dụ, trước cho vay 1 triệu USD thì hiện nay có thể cho vay 2 triệu USD” – ông Việt Anh đề xuất.
Nhiều DN mong muốn các ngân hàng giảm lãi suất để giúp họ vượt qua khó khăn. Ảnh: TL
Lãi vay vẫn là gánh nặng lớn
Nhiều chuyên gia cho rằng không ít DN đã phải ngưng hoạt động và có thể phải giải thể, phá sản trước khi cải thiện được dòng tiền. Vì vậy, phải bơm tiền thực cho họ mới tạo nhiên liệu kích hoạt cỗ máy kinh doanh tái khởi động.
Để giải quyết vấn đề khó tiếp cận vốn của cộng đồng DN, TS Trần Hùng Sơn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển công nghệ ngân hàng, đề xuất dịch chuyển rủi ro của chủ nợ về phía Chính phủ thông qua các chương trình bảo lãnh tín dụng; thực hiện bảo lãnh tín dụng đóng vai trò tương tự như bảo hiểm tiền gửi.
Nếu cần sẽ nới thêm hạn mức tín dụng
Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, cho biết các ngân hàng cũng muốn đổ vốn cho các DN nhỏ và vừa nhưng năng lực DN yếu quá, tay không bắt giặc, minh bạch tài chính không có thì không ngân hàng nào dám cho vay. Trước đây cũng đã xảy ra chuyện cho vay rồi để lại một đống nợ xấu phải giải quyết.
“Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước cam kết đáp ứng đủ vốn cho nền kinh tế, có thể xem xét nới thêm hạn mức tín dụng, tạo khả năng cho vay cho các ngân hàng. Tuy nhiên, các ngân hàng sẽ không hạ chuẩn cho vay vì sẽ dẫn đến nhiều hệ quả xấu, rủi ro cho nền kinh tế” – ông Tú nói.
Về chính sách lãi suất, ông Sơn cho rằng việc cắt giảm lãi suất vừa qua không đáng kể khiến cho lãi vay vẫn là gánh nặng lớn cho bên đi vay. Ngân hàng Nhà nước hiện có dư địa đủ lớn cho việc nới lỏng tiền tệ mạnh hơn và hạ thấp hơn nữa mặt bằng lãi suất huy động, lãi suất cho vay.
Đối với chính sách tài khóa ngắn hạn, TS Sơn khuyến nghị Chính phủ cần cho phép DN, đặc biệt là DN nhỏ và vừa hạch toán đầy đủ chi phí và các khoản có liên quan đến tiền lương, tiền công phát sinh trong năm 2020. Điều kiện để được hưởng chính sách này là không được sa thải người lao động và không được giảm lương người lao động trong năm 2020 và 2021.
“Chính phủ cần có chính sách tài khóa trung hạn cho phép DN chuyển lỗ. Cụ thể, Bộ Tài chính nghiên cứu cho phép họ chủ động chuyển lỗ về năm trước (2019 và 2018) hoặc năm sau (2021, 2022 và 2023) trong hạn định năm năm. Từ đó góp phần tạo dòng tiền vào cho DN do được hoàn thuế và ngăn dòng tiền ra do giảm thuế thu nhập” – TS Sơn đề xuất.
TS Lê Xuân Sang, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, kiến nghị Chính phủ cần đưa ra chính sách kích cầu. Song chính sách này phải tính đến thực tiễn tác động của dịch đối với từng nhóm DN theo ngành hàng, đặc điểm ngành hàng và cả mức tác động lẫn hiệu quả kinh doanh. Việc cào bằng hay không tính đến đầy đủ các yếu tố trên có thể làm giảm hiệu quả kích cầu, thậm chí bị trục lợi, gây mất lòng tin trong cộng đồng.
“Có thể phải xây dựng hệ thống hậu kiểm, phạt nguội những trường hợp khai báo không trung thực để thụ hưởng gói hỗ trợ từ Chính phủ. Qua đó để bảo đảm tính tức thời, hiệu quả và nghiêm minh của chính sách kích cầu” – TS Sang nhấn mạnh.
Đẩy mạnh giải ngân gói đầu tư công 700.000 tỉ
Nhiều chuyên gia đề nghị cần nhanh chóng khơi thông khối tiền đầu tư công 700.000 tỉ đồng trong năm 2020. Về vấn đề này, ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT, cho hay kết quả giải ngân đầu tư bốn tháng đầu năm nay đạt trên 18%, cao hơn cùng kỳ năm ngoái.
“Chính phủ đang giao các bộ, cơ quan trung ương, địa phương để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân 100% vốn đầu tư công năm 2020, bao gồm các nguồn vốn các năm trước chuyển sang. Vì vậy, các cấp triển khai thực hiện đều phải quan tâm đến các khâu thủ tục và trách nhiệm hơn trong đẩy nhanh tiến độ giải ngân” – ông Phương nhấn mạnh.
Hanoisme kiến nghị gỡ khó cho doanh nghiệp nhỏ và vừa
Để đồng hành và hỗ trợ DN, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa TP Hà Nội (Hanoisme) Mạc Quốc Anh cho rằng, việc hỗ trợ vốn vay và lãi suất vay... cho DN là rất cần thiết, song chương trình này cần kéo dài bởi ảnh hưởng của dịch bệnh đối với các DN là rất lớn.
Sau cuộc khảo sát nhanh và tổng hợp tình hình ảnh hưởng của dịch Covid-19 tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN trên địa bàn Hà Nội mới đây, Hanoisme kiến nghị với UBND TP Hà Nội triển khai một loạt các giải pháp giúp DN như: Tiếp tục đẩy mạnh cải cách TTHC cho DN. Đẩy mạnh đầu tư mở rộng sản xuất, đầu tư các cụm công nghiệp để có quỹ đất mở rộng sản xuất, kinh doanh. Hạn chế, giảm tần suất, số lượng các cuộc thanh tra, kiểm tra liên quan đến các DN trừ các trường hợp vi phạm.
Tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại để tăng nhu cầu mua sản phẩm. Giảm tiền thuê mặt bằng (giá thuê đất hàng năm giảm 50% cho 6 tháng đầu năm 2020) và các loại tiền điện, tiền nước, các loại phí, lệ phí khác liên quan đến DN. Cung cấp và dự báo kịp thời thông tin thị trường.
Cộng đồng DN nhỏ và vừa Hà Nội kiến nghị Chính phủ hoãn, giãn thuế thu nhập DN, giảm thuế thu nhập DN còn 15 - 17%. Giảm 50% thuế VAT, thuế đất đến hết quý II/2020; Giãn thời gian trả nợ ngân hàng, khoanh nợ... Cụ thể, hỗ trợ thanh khoản, duy trì cho vay, miễn giảm lãi suất cho vay, khoanh nợ, giãn nợ, nới lỏng các điều khoản trả nợ, đẩy nhanh quá trình và thời gian xem xét các đơn xin vay và giải ngân các khoản vay, miễn lãi quá hạn các khoản vay; Giảm, giãn, hoãn đóng tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của người lao động.
Lùi thời gian nộp thuế VAT đối với hàng nhập khẩu từ 120 - 180 ngày (thay vì hiện nay là nộp luôn). Tăng cường hỗ trợ nhanh các thủ tục thông quan hàng hóa đối với hàng xuất, hàng nhập.
Tất cả các giải pháp này nếu thực hiện sẽ đem lại lòng tin của người dân, DN và khẳng định Chính phủ sẽ kiểm soát được dịch bệnh. Từ đó, sẽ giảm bớt ảnh hưởng tiêu cực đến phát triển kinh tế... "Để đồng hành và hỗ trợ DN, việc hỗ trợ vốn vay và lãi suất vay... cho DN là rất cần thiết. Song chương trình cần kéo dài bởi ảnh hưởng của dịch bệnh đối với các DN là rất lớn" - ông Mạc Quốc Anh nhấn mạnh.
Tập đoàn năng lượng Singapore Jadestone Energy muốn mở rộng quy mô đầu tư tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí tại Việt Nam Jadestone Energy là tập đoàn năng lượng đa quốc gia, trụ sở chính đặt tại Singapore. Đây là công ty mẹ của Mitra Energy, công ty đã và đang điều hành 8 hợp đồng dầu khí cả ngoài khơi và trên đất liền Việt Nam. Jadestone cũng đã thực hiện các chương trình tìm kiếm, thăm dò dầu khí rất tích cực với...