Vượt đèn đỏ vẫn phổ biến
Tình trạng người điều khiển phương tiện vượt đèn đỏ ở các nút giao thông Thủ đô vẫn diễn ra khá phổ biến. Thậm chí, vi phạm diễn ra ngay cả khi có sự hiện diện của lực lượng chức năng.
Vi phạm Luật Giao thông đường bộ tại ngã tư Thái Hà – Láng Hạ. Ảnh: Hải Linh
Nút giao hỗn loạn vì vượt đèn đỏ
17 giờ 30 chiều 23/9, nút giao Trần Phú – Nguyễn Khuyến – Nguyễn Văn Lộc (quận Hà Đông) đông như mắc cửi. Trên tuyến đường Trần Phú, các phương tiện lao đi vun vút mong thoát khỏi nút giao trước khi tín hiệu đèn xanh hết thời hiệu. Khi đèn đỏ bật lên, dòng phương tiện từ đường Nguyễn Văn Lộc tràn lên phía trước để sang đường. Tuy nhiên, hàng chục phương tiện trên đường Trần Phú vẫn cố tình lao tới bất chấp đèn đỏ đã bật cả chục giây. Một số chủ phương tiện đã dừng chờ đèn đỏ quyết định “a dua” chạy theo, nối liền với đoàn xe phía trước ngang nhiên đi tiếp. Tiếng bấm còi inh ỏi, tiếng rồ ga, tiếng “chửi đổng” của những người bị “cướp” mất quyền di chuyển từ đường Nguyễn Văn Lộc đi ra càng khiến cho không khí tại nút giao này trở nên ngột ngạt.
Chị Nguyễn Thị An, trú tại tòa nhà SDU, số 143 Trần Phú, Hà Đông – gần nút giao Trần Phú – Nguyễn Khuyến – Nguyễn Văn Lộc cho biết, lâu nay, nút giao này vẫn được biết tới là “điểm đen” ùn tắc cũng như tình trạng vi phạm giao thông, đặc biệt là vượt đèn đỏ. “Cả một đoạn dài trên đường Trần Phú chỉ có chỗ nút giao này là điểm mở lớn nhất để các phương tiện sang đường. Tuy nhiên, điểm mở lại nằm ngay ngã tư nối liền tuyến Trần Phú – Nguyễn Trãi với khu vực Văn Quán và Mỗ Lao nên lượng phương tiện qua lại lúc nào cũng đông đúc. Mỗi lần đi qua nút giao này là tôi cảm thấy vô cùng mệt mỏi, ngột ngạt” – chị An nói.
Video đang HOT
Qua khảo sát thực tế, còn nhiều nút giao thông khác như ngã tư Nguyễn Chí Thanh – Đê La Thành, ngã tư Nguyễn Văn Huyên – Hoàng Quốc Việt…, tình trạng phương tiện vượt đèn đỏ cũng diễn ra thường xuyên. Đáng chú ý, vào lúc cao điểm, tại các nút giao thường có lực lượng cảnh sát giao thông hoặc lực lượng chức năng đứng phân luồng, điều tiết giao thông nhưng tình trạng vượt đèn đỏ vẫn diễn ra. Nguyên nhân một phần vì những thời điểm đó lưu lượng phương tiện quá đông, lực lượng chức năng phải tập trung nhiệm vụ phân luồng, điều tiết giao thông nên không thể xử lý những trường hợp vượt đèn đỏ.
Cần tổ chức giao thông khoa học, thuận tiện
TS Nguyễn Hữu Đức – chuyên gia giao thông phân tích, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng vi phạm vượt đèn đỏ là do ý thức chấp hành luật của người tham gia giao thông còn nhiều hạn chế. Thói quen tham gia giao thông tùy tiện, tùy thích khiến nhiều người cho rằng việc vượt đèn đỏ là điều bình thường, miễn sao giúp họ đi nhanh hơn trong lúc cần kíp. Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Hữu Đức, vấn đề cốt lõi dẫn đến các vi phạm giao thông ở các TP lớn như Hà Nội, đặc biệt là tình trạng vượt đèn đỏ, đi ngược chiều… do cách tổ chức giao thông chưa khoa học, hợp lý và bộc lộ nhiều bất cập.
Chính cách bố trí, tổ chức giao thông thiếu hợp lý dẫn tới việc tham gia giao thông của người dân không thuận lợi. Cộng thêm tình trạng ùn tắc giao thông ngày càng nghiêm trọng, họ dần xuất hiện tâm lý nóng vội, tìm cách “xé rào”, “lách luật”, sẵn sàng vi phạm giao thông, vượt đèn đỏ. “Nhiều người cho rằng muốn giảm tình trạng vi phạm giao thông phải tăng chế tài xử phạt. Nhưng không phải với lỗi vi phạm nào, việc tăng chế tài cũng mang đến hiệu quả, nhất là với đặc trưng giao thông của một số địa phương rất đặc biệt như Hà Nội hay TP Hồ Chí Minh. Cách tốt nhất để giảm vi phạm cho người dân vẫn phải tăng cường giáo dục tuyên truyền và đặc biệt là tổ chức, quy hoạch giao thông khoa học, tạo thuận lợi nhất cho người tham gia giao thông” – TS Nguyễn Hữu Đức nói.
Theo Kinhtedothi
"Chôn chân" tại các điểm mở...
Gần đây, điểm quay đầu xe được mở quá nhiều đang trở thành nguyên nhân gây ùn tắc nghiêm trọng trên các tuyến đường nội thành Hà Nội.
Cảnh tượng phương tiện xung đột, chen lấn gây ùn tắc giao thông, mất ATGT nghiêm trọng tại điểm quay đầu đối diện ngõ 21 Lê Văn Lương
8h sáng 9/9, trực tiếp lưu thông trên đường Lê Văn Lương, PV Báo Giao thông cùng hàng nghìn người tham gia giao thông khác phải "chôn chân" hàng chục phút tại vị trí điểm mở đối diện ngõ 21 của tuyến đường này.
Do điểm mở trên đối diện với đường đấu nối của tòa nhà Star City, hễ vào khung giờ cao điểm, các cư dân sống trong tòa nhà lại ồ ạt nối đuôi nhau cắt ngang đường chuyển về hướng đường Khuất Duy Tiến, xung đột với các phương tiện lưu thông về hướng Láng Hạ khiến giao thông trở nên hỗn loạn. Chỉ cần một người đi ô tô sơ ý đạp nhầm chân ga, hậu quả cho các xe xung quanh sẽ rất khó lường.
Trên trục đường Giải Phóng, các phương tiện đi về hướng Ngã Tư Vọng cũng thường xuyên gặp tình cảnh ách tắc giao thông khi di chuyển qua điểm mở đối diện ngõ 897 Giải Phóng. Điểm mở này đối diện với đường vào khu vực xe trả khách của BX Giáp Bát - nơi có hàng trăm xe ôm hoạt động mỗi ngày nên các hướng phương tiện từ ngõ 897 đi ra, từ làn đường hướng Linh Đàm quay đầu vào cổng bến xe và dòng xe đi thẳng liên tục chen lấn, xung đột nhau, nguy cơ mất ATGT luôn thường trực.
Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại đường Tôn Đức Thắng (đoạn từ ngã tư Quốc Tử Giám - Tôn Đức Thắng đến ngã sáu Ô Chợ Dừa), đoạn đường chưa đầy 2km nhưng có đến 6 điểm quay đầu, 5 điểm trong số đó được mở đối diện với các phố: Hàng Bột, Đoàn Thị Điểm, Phan Văn Trị, Quan Thổ 1,...; Điểm mở đối diện số 522 Nguyễn Trãi được thiết kế gần với đường Khương Đình,...
Chuyên gia giao thông, TS. Nguyễn Hữu Đức cho rằng, phần lớn điểm mở ở Hà Nội hiện nay đấu nối trực tiếp/tiệm cận với các tuyến đường nhánh, đông dân cư, tạo nên tâm lý đi tắt, cắt đường, bất chấp nguy hiểm, quay đầu đi ngược chiều sang làn đường kế bên để tiết kiệm khoảng cách của người dân.
Theo TS. Đức, điểm quay đầu bắt đầu được hình thành trên các tuyến đường từ những năm 2009, 2010, khi đó Hà Nội chưa có hệ thống cầu vượt nhằm giải tỏa áp lực giao thông tại các nút giao có mật độ phương tiện cao.
"Tuy nhiên, đó chỉ là giải pháp tình thế, nếu lạm dụng quá nhiều sẽ gây ra phản tác dụng. Thời điểm hiện tại, vấn đề ách tắc tại các ngã tư lớn có mật độ khoảng 10-15 vạn hành khách/ngày đã được giải quyết bằng hệ thống cầu vượt, mật độ phương tiện cũng đã tăng lên gấp 2, 3 lần so với năm 2010 thì việc giảm bớt các điểm quay đầu là cần thiết. Những điểm đã tồn tại, lực lượng chức năng cũng cần bố trí dải phân cách mềm, phòng trường hợp nếu ùn tắc sẽ ngăn không cho các phương tiện rẽ", TS. Đức nói.
Nam Khánh
Theo Baogiaothong
Cụ bà Hà Tĩnh đi xe máy vượt đèn đỏ bị xe tải tông nhập viện Khi đến ngã tư ở thị trấn Cẩm Xuyên, bà Nguyễn Thị Ch., 75 tuổi vượt đèn đỏ thì bị xe tải lao tới tông trúng, bị thương. Vào khoảng 18h chiều nay, xe tải BKS 29H 01536 (chưa rõ danh tính tài xế) chạy trên quốc lộ 1A theo hướng Bắc - Nam. Khi đi đến ngã tư ở thị trấn Cẩm...