Vượt 4.000 km, đây là chiếc đèn Trung thu độc đáo nhất năm
Đó là chiếc đèn Trung thu được Trung úy Nguyễn Viết Tưởng đang công tác tại Đảo Đá Lớn, Trường Sa tự tay làm và gửi về cho các con – con trai đầu 4 tuổi mới được gặp bố 2 lần và con trai thứ hai gần 1 tuổi chưa một lần gặp bố.
Nhiều người đã gọi món quà Trung thu của Trung úy Nguyễn Viết Tưởng là chiếc đèn lồng trông trăng đặc biệt nhất cả nước bởi suốt 13 năm công tác tại Trường Sa, đây là lần đầu tiên người lính này tự tay làm đèn lồng và đặc biệt hơn, đó lại là món quà anh gửi đến các con của mình: Cháu Khôi Nguyên (4 tuổi) và Việt Anh (gần 1 tuổi).
Bố là bộ đội Trường Sa, cháu Khôi Nguyên mới được gặp bố 2 lần còn em trai từ lúc chào đời đến nay vẫn chưa một lần gặp bố.
Trao đổi với Báo Gia đình & Xã hội về chiếc đèn lồng độc đáo, Trung úy Nguyễn Viết Tưởng xúc động tâm sự: “Chiếc đèn này được tôi làm từ hôm 2/8 đến 18/8 thì xong. Ý tưởng khiến tôi bắt tay làm là từ bài thơ “Quà Trung thu của ba” của tác giả Hồng Diệu, được nhạc sĩ Quỳnh Hợp phổ nhạc thành bài hát quen thuộc với thiếu nhi. Khi tình cờ nghe bài hát, lòng tôi trào lên nỗi bâng khuâng, thương nhớ nghĩ về các con mình. Do điều kiện công tác xa nhà nên những dịp lễ Tết hay Trung thu trước đó các cháu chưa bao giờ được nhận quà của bố. Nghĩ vậy, tôi quyết định sẽ làm một món quà tặng các con. Rất may, chiếc đèn lồng hoàn thiện đúng đợt có tàu ra đảo nên tôi có điều kiện gửi về cho các con”.
Bé Khôi Nguyên bên món quà của bố
Người lính có “thâm niên” 13 năm công tác tại Trường Sa tiết lộ, vật liệu để anh làm chiếc đèn lồng khá “độc, lạ”. Bộ khung đèn lồng được anh tận dụng từ tre luồng vớt ở biển khơi, phơi khô, tỉ mỉ vót chẻ thành từng thanh mỏng. Giấy màu không có sẵn, Trung úy Tưởng dùng giấy A4 cắt dán vào thân đèn.
“Anh em đồng đội rất vui mừng và chia sẻ với tôi suốt quá trình làm món quà nhỏ cho con. Một số anh em mua giúp tôi vật liệu trong đất liền gửi tàu ra, các anh em khác cùng ngồi làm đèn lồng, người cắt dán, người tô vẽ những hình thù thật ngộ nghĩnh và tưởng tượng rằng các cháu nhỏ nhận được sẽ vui mừng đến thế nào”, anh Tưởng nói.
Hành trình vượt gần 4.000km của chiếc đèn từ khâu vật liệu gửi từ Khánh Hòa gửi ra Trường Sa, từ Trường Sa vào Vũng Tàu, về TP HCM, ra Hà Nội, về Hải Phòng đến tay các con Trung úy Nguyễn Viết Tưởng là hành trình đong đầy kỉ niệm. Anh Tưởng chia sẻ, rất nhiều người đã hỗ trợ anh thì món quà mới có thể vượt sóng gió biển khơi về với đất liền.
Trung úy Nguyễn Viết Tưởng
Mới đây, ba mẹ con chị Đỗ Thị Thơm – vợ Trung úy Nguyễn Viết Tưởng – đã được đón đến địa điểm chương trình “Bố ở đảo xa, con ở nhà có bạn” do Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh phối hợp với Bộ Tư lệnh Hải quân và Câu lạc bộ “Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương” tổ chức để nhận món quà đầy ý nghĩa này. Cháu Khôi Nguyên sau nhiều ngày hồi hộp nghe bố tiết lộ về món quà, khi tận mắt trông thấy chiếc đèn đã nhờ mẹ gọi điện ngay cho bố để khoe: “Bố ơi! con thích lắm, con vui lắm”.
Video đang HOT
Trong khi em trai còn chưa biết nói, chỉ dõi ánh mắt tò mò vào ánh sáng lung linh tỏa ra từ chiếc đèn của bố thì bé Khôi Nguyên đã biết khám phá và reo lên khi phát hiện bên trong chiếc đèn còn có lá cờ Tổ quốc, xe tăng, tàu ngầm Kilo… Với Khôi Nguyên, món quà Trung thu ấy như chứa đựng cả một thế giới cổ tích diệu kì.
Nhìn các con xúm xít, đưa tay vuốt từng mép bìa cong cho phẳng rồi cùng các bạn rước chiếc đèn của bố gửi về từ đảo xa với nụ cười hồn nhiên, rạng rỡ… chị Thơm không giấu nổi ánh mắt rưng rưng. Chị tâm sự, đây là Trung thu mà gia đình chị sẽ không bao giờ quên được.
Bây giờ, ở Trường Sa đang bắt đầu mùa biển động. Trung úy Nguyễn Viết Tưởng chia sẻ, từ khi anh công tác ở đảo đến nay, mỗi dịp Trung thu thời tiết thường mưa gió, hiếm khi người lính đảo ngắm được trọn vẹn một vầng trăng tròn trên bầu trời trong và nhiều sao như khi ở đất liền. Nhưng kí ức tuổi thơ, niềm vui của các con mình, các cháu thiếu nhi ở hiện tại là niềm hạnh phúc vô bờ với anh và đồng đội.
Anh kể, mỗi khi rảnh rỗi, anh vẫn nghe và nhẩm theo những câu hát trong bài “Quà trung thu của ba”: “Cha nói cha có quà/ Cho con Rằm tháng Tám/ Chiếc lồng đèn rất sáng/ Cha gửi từ đảo xa/ Đèn lồng nhỏ của cha/ Có cả một mái nhà/ Đỏ thắm cờ Tổ Quốc/ Cha gọi đó Trường Sa/ Trong trái tim của cha/ Có con và có mẹ”.
Theo Thùy Phương (Gia đình & Xã hội)
Ngắm đèn lồng "siêu khủng" trước ngày hội Thành Tuyên
Những mô hình đèn rước khổng lồ như lưỡng long, hai con dê qua cầu, Thánh Gióng, đài sen dâng Bác... đang được người dân Tuyên Quang hoàn thiện trước Trung thu để tham dự Lễ hội Thành Tuyên 2015.
Từ ngày 24-26.9 (tức 12-14.8 Âm lịch), tại thành phố Tuyên Quang sẽ diễn ra lễ hội Trung thu với chủ đề: "Lung linh sắc màu Đêm hội Thành Tuyên". Đây là một hoạt động thường niên được tổ chức tại tỉnh Tuyên Quang từ năm 2004.
Điểm nhấn của sự kiện là màn rước những mô hình đèn Trung thu khổng lồ qua các tuyến phố. Lễ hội đã được sách kỉ lục Guiness Việt Nam xác nhận là lễ hội có nhiều mô hình đèn lớn nhất Việt Nam.
Theo ông Nguyễn Hải Anh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang, Trưởng ban tổ chức lễ hội: Năm nay, dự kiến sẽ có từ 86 - 92 mô hình đèn trung thu của 7 xã, phường trên địa bàn thành phố. Đặc biệt, Lễ hội Thành Tuyên 2015 còn có sự tham gia rước đèn trung thu của 6 huyện khác trong tỉnh làm cho Lễ hội càng thêm phần đặc sắc, ý nghĩa.
Các mô hình đèn trung thu được xây dựng xuất phát từ biểu tượng trong các câu chuyện lịch sử, truyền thuyết dân gian và từ thực tiễn đời sống, lao động sản xuất của nhân dân trong từng giai đoạn lịch sử. Nhiều mô hình được ứng dụng khoa học công nghệ một cách sáng tạo, hiện đại mà vẫn gìn giữ được bản sắc văn hóa truyền thống.
Hiện tại, mô hình đèn rước của nhiều xã, phường, tổ dân phố trên địa bàn thành phố Tuyên Quang đang gấp rút được hoàn thiện. Người dân cùng góp tiền, góp sức, góp ý tưởng để làm lên những mô hình đèn rước Trung thu độc, lạ trình diễn trong lễ hội sắp tới.
Các xã, phường, tổ dân phố trên địa bàn thành phố Tuyên Quang và các huyện trong tỉnh đang trong quá trình hoàn thiện các mô hình đèn rước để tham dự Lễ hội Thành Tuyên 2015.
Tại thôn An Hòa 1 (xã An Tường, thành phố Tuyên Quang), các hộ dân đang tích cực làm mô hình đèn rước "Đóa Sen Dâng Bác". Mô hình có tổng 24 cánh sen xếp thành 3 tầng nở ra cụp vào. Ảnh Bác Hồ cao 2,5m đặt phía sau đài sen. Tổng chi phí làm mô hình hết hơn 20 triệu đồng do người dân trong thôn tự nguyện đóng góp.
Ông Nguyễn Duy Tiến, Bí thư, trưởng thôn An Hòa 1, xã An Tường, TP.Tuyên Quang cho biết, đây là năm thứ 4 liên tiếp thôn An Lạc 1 tham dự lễ hội rước đèn trung thu. Năm nay, thôn chọn làm mô hình "Đóa Sen Dâng Bác" bởi hoa Sen là hiện thân cho tính cách, lối sống và tâm hồn người Việt. Những người lên ý tưởng cũng mong muốn gửi gắm đến mỗi người dân trong thôn luôn học tập, lao động sản xuất đạt nhiều thành tích, xây dựng cuộc sống ấm no hạnh phúc... như lời Bác Hồ đã từng dạy.
Lấy ý tưởng từ câu chuyện ngụ ngôn "Dê đen và dê trắng", tổ 31 phường Tân Quang, thành phố Tuyên Quang đã xây dựng mô hình đèn trung thu với chủ đề " Hai con dê qua cầu" trị giá hơn 30 triệu đồng. Ý nghĩa người dân gửi gắm qua mô hình là việc giữ gìn tình làng, nghĩa xóm, đồng thời nhắc nhở về tình trạng mất an toàn khi tham gia giao thông hiện nay do ý thức của người đi đường.
Phần đa các xã, phường, tổ dân phố đều làm xe mô hình có lắp bánh lốp ô tô, khung sắt, sàn gỗ chắc chắn, có hệ thống điều khiển bằng tay, âm thanh, ánh sáng bắt mắt. Người dân cũng cam kết mô hình không sử dụng động cơ gắn máy gây nguy hiểm, mất trật tự an toàn giao thông.
Trong ảnh là mô hình đôi rồng khổng lồ dài hơn 20 mét với chi phí gần 50 triệu đồng của người dân tổ dân phố 12, phường Tân Quang, thành phố Tuyên Quang.
Rồng được phủ một lớp sơn sặc sỡ bên ngoài.
Phần đầu của một con rồng đã hoàn thiện đang chờ lắp ghép vào phần thân.
Mô hình "Hai con dê qua cầu" trị giá hơn 30 triệu đồng của người dân tổ 31, phường Tân Quang.
Tại nhà văn hóa thôn Hưng Kiều 3, đèn rước hình Thánh Gióng cưỡi ngựa cơ bản đã hoàn thiện.
Thánh Gióng uy nghi, cưỡi ngựa, tay cầm thân tre. Mô hình lấy ý tưởng từ truyền thuyết Thánh Gióng đánh giặc bảo vệ bờ cõi.
Không khí làm mô hình đèn rước trung thu ở thôn An Hòa 1, xã An Tường, TP.Tuyên Quang đang diễn ra hết sức nhộn nhịp.
Mô hình đèn rước của thôn có tên gọi "Đóa Sen Dâng Bác". Các thành viên trong thôn mỗi người một việc để hoàn thiện mô hình nhanh hơn.
Từng công đoạn, chi tiết được đo đạc và thực hiện tỉ mỉ.
Ngoài ra, để đảm bao an toàn phòng chống cháy nổ, công an TP. Tuyên Quang cũng đến từng phường, xã, tổ dân phố kiểm tra, nhắc nhở người dân, đồng thời hướng dẫn người dân cách sử dụng bình cứu hỏa khi gặp sự cố.
Theo Triệu Quang (danviet.vn)
Nghệ nhân làm đèn kéo quân Mỗi dịp Trung thu, ông Sinh (Hà Nội) lại tỉ mẩn vót nan tre làm đèn kéo quân bán đi khắp tỉnh thành, với mong muốn trẻ con được chơi những đồ truyền thống, không độc hại. Từ năm 8 tuổi, ông Vũ Văn Sinh đã biết tự làm đèn cho các em và các bạn cùng chơi. Lớn lên trong ngôi làng...