Vướng trừng phạt, 5 triệu thùng dầu Nga lênh đênh trên biển, không đến được Ấn Độ
Sáu tàu chở gần 5 triệu thùng dầu của Nga đã không tới được điểm đến ở Ấn Độ.
Một số tàu lênh đênh cách bờ biển vài km trong nhiều tuần mà không đưa ra lý do.
Công ty dầu khí Rosneft- Tuapsenefteprodukt, cơ sở vận chuyển dầu chính ở miền Nam nước Nga. Ảnh: Sputnik
Theo trang Bloomberg ngày 20/12, các lệnh trừng phạt gần đây mà Mỹ áp đặt với thực thể vi phạm trần giá dầu 60 USD/thùng có thể một phần là lý do.
Ngày 16/11, Bộ Tài chính Mỹ xử phạt tàu NS Century của công ty vận tải Sovcomflot (Nga) vì vi phạm trần giá.
Hai ngày sau, con tàu dừng lại ở phía Nam Sri Lanka trong khi chở dầu của Nga đến cảng Vadinar của Ấn Độ.
Hai tàu chở dầu nữa đang hướng đến một cảng khác tên là Paradip của Ấn Độ cũng dừng đột ngột trước khi đến đích. Một tàu khác có thể sẽ sớm dừng lại trước khi tới được cảng Paradip.
Năm trong số các tàu đang lênh đênh ngoài biển thuộc về công ty Sovcomflot.
Video đang HOT
Cả Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đều bắt đầu tăng cường các biện pháp trừng phạt để thực thi trần giá với dầu thô vận chuyển bằng đường biển của Nga. Biện pháp này được áp dụng vào năm 2022 nhằm hạn chế doanh thu từ dầu mỏ của Nga mà không gây bất ổn cho thị trường toàn cầu.
Mặc dù Nga đã cố gắng tránh được mức trần giá này trong những tháng gần đây thông qua đội tàu chở dầu không được bảo hiểm, nhưng lợi nhuận từ dầu khí của Nga đã giảm 41% vào năm 2023 trong bối cảnh các lệnh trừng phạt bị thắt chặt.
Khi phương Tây thoát phụ thuộc vào dầu mỏ Nga, nước này đã chuyển sang các thị trường mới như Trung Quốc và Ấn Độ, bán dầu giá rẻ.
Ấn Độ là khách hàng đặc biệt quan trọng đối với Nga, vì nước này đã mua hơn 60% lượng dầu vận chuyển bằng đường biển của Nga, trở thành khách mua dầu thô Nga vận chuyển bằng đường biển nhiều thứ hai sau Trung Quốc.
Trong khi đó, ngày 20/12, liên minh quốc tế áp đặt giá trần dầu mỏ vận chuyển bằng đường biển của Nga đã công bố những thay đổi đối với cơ chế tuân thủ mà Bộ Tài chính Mỹ khẳng định sẽ khiến các nhà xuất khẩu Nga khó vượt qua mức giá trần.
Tuyên bố của Bộ Tài chính Mỹ nêu rõ liên minh sẽ sớm yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ hàng hải phương Tây phải có được cam kết từ các đối tác rằng dầu mỏ Nga được bán dưới mức trần mỗi lần bốc/dỡ. Tuyên bố có đoạn: “Những thay đổi này sẽ làm phức tạp thêm nỗ lực của các nhà xuất khẩu Nga nhằm phá vỡ trần giá, đồng thời làm tăng thêm chi phí cho các nhà xuất khẩu Nga”.
Trước đó, năm 2022, Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đã áp đặt mức giá trần 60 USD/thùng đối với dầu mỏ vận chuyển bằng đường biển của Nga để đáp trả việc Moskva phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Cơ chế trần giá các công ty phương Tây cung cấp các dịch vụ như tài chính, bảo hiểm và vận chuyển đối với lượng dầu bán vượt mức giá trần.
Mới đây, EU đã thông qua gói trừng phạt thứ 12 nhằm vào Nga. Gói trừng phạt của EU tập trung vào việc áp đặt các lệnh cấm nhập khẩu kim cương có nguồn gốc từ Nga, cũng như áp đặt thêm các lệnh cấm nhập khẩu và xuất khẩu đối với hàng hóa Nga, ngăn chặn hành vi lách luật trừng phạt và lấp lỗ hổng của các lệnh trừng phạt trước đó. Gói trừng phạt này còn bổ sung hơn 140 cá nhân và thực thể vào danh sách phong tỏa tài sản.
Về phần mình, theo hãng thông tấn TASS, ngày 19/12, Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov cho biết các biện pháp trừng phạt mới của EU nhằm vào mặt hàng kim cương của Nga sẽ không mang lại lợi ích gì cho liên minh này vì thị phần của Nga trên thị trường kim cương khá ổn định.
Trước đó cùng ngày, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cũng khẳng định Nga sẽ tránh được các lệnh trừng phạt của EU nhằm vào mặt hàng kim cương của nước này.
Đan Mạch được giao kiểm tra và chặn tàu chở dầu Nga, Moskva phản ứng
Đan Mạch có thể bắt đầu kiểm tra các tàu chở dầu của Nga trong vùng biển của mình và chặn chúng nếu cần thiết theo kế hoạch mới của EU.
Nhiều chuyến tàu vận chuyển dầu Nga đi qua lãnh hải Đan Mạch. Ảnh: Reuters
Theo trang tin châu Âu Euronews.com ngày 15/11, Đan Mạch sẽ được giao nhiệm vụ kiểm tra và có khả năng ngăn chặn các tàu chở dầu của Nga đi qua vùng biển của nước này theo kế hoạch mới của EU.
Nhiệm vụ của Đan Mạch được đưa ra khi phương Tây đang tìm kiếm nhiều cách hơn để đảm bảo đáp ứng mức giới hạn 60 USD/thùng đối với dầu thô của Nga. Gói trừng phạt thứ 12 của EU nhằm vào Nga "sẽ bao gồm các hành động thắt chặt trần giá dầu, giảm doanh thu mà nước này nhận được từ việc bán dầu - không phải cho chúng tôi [EU] mà cho các nước khác - và đấu tranh chống gian lận", người đứng đầu chính sách đối ngoại của EU Josep Borrell cho biết.
Việc Đan Mạch kiểm tra các tàu chở dầu của Nga có thể là một trong những biện pháp trong gói trừng phạt mới của EU. Đan Mạch được chọn chủ yếu vì vị trí địa lý của nước này. Tất cả dầu của Nga được vận chuyển qua Biển Baltic - chiếm khoảng 60% tổng lượng dầu xuất khẩu bằng đường biển của Moskva - đều đi qua eo biển Đan Mạch trên đường đến thị trường quốc tế.
Ước tính của tờ Financial Times (Anh) cho biết, khoảng 2 triệu thùng dầu của Nga đi qua eo biển Đan Mạch mỗi ngày, tương đương với ba tàu chở dầu lớp Aframax.
Theo nguồn tin trên, mục tiêu chính của Đan Mạch sẽ là các tàu chở dầu không có bảo hiểm của phương Tây. Việc kiểm tra sẽ được thực hiện trên cơ sở luật pháp quốc tế cho phép các nước kiểm tra tàu nếu có lo ngại rằng chúng có thể gây hại cho môi trường.
Các điều kiện về "giá trần" đối với nhiên liệu của Nga quy định rằng các công ty bảo hiểm phương Tây chỉ có thể cung cấp dịch vụ bảo hiểm cho việc vận chuyển dầu từ Nga nếu dầu được bán với giá thấp hơn 60 USD/thùng.
Trong khi đó, EU nghi ngờ rằng nhiều tàu chở dầu của Nga không có bảo hiểm như vậy, đặc biệt là bảo hiểm bồi thường tổn thất do rò rỉ và tràn dầu. Một trong những nguồn tin nắm rõ về vấn đề trên nói: "Nhiệm vụ chính là đảm bảo tuân thủ các quy tắc bảo hiểm".
Tuy nhiên, một số quan chức EU lưu ý rằng sự thành công của sáng kiến trên phần lớn phụ thuộc vào khả năng Hải quân Đan Mạch ngăn chặn và kiểm tra tàu chở dầu. Ngoài ra còn có câu hỏi phải làm gì nếu con tàu không chịu dừng lại.
Cùng ngày (15/11), Nga tuyên bố tất cả các tàu, bao gồm cả tàu của Nga, được tự do đi qua Biển Baltic và nói rằng bất kỳ nỗ lực nào vi phạm luật pháp quốc tế về tự do di chuyển hàng hải đều nguy hiểm.
Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nói với các phóng viên: "Tôi nhắc lại rằng tất cả các tàu, kể cả tàu của Nga, đều có quyền tự do đi qua eo biển Baltic. Bất kỳ hành động nào đi ngược lại điều này đều vi phạm luật pháp quốc tế và hậu quả sẽ rất nguy hiểm".
Trước đó người phát ngôn của Bộ chỉ huy liên quân Đan Mạch thông báo rằng quân đội Đan Mạch "không kiểm tra hành chính hoặc tàu thuyền đi qua eo biển, ngoại trừ các trường hợp liên quan đến an ninh hàng hải".
Các hãng bảo hiểm phương Tây lo ngại thiệt hại vì lệnh trừng phạt Nga Theo trang oilprice.com, có vẻ như việc thúc đẩy trừng phạt Nga đang phản tác dụng và làm tổn thương các công ty bảo hiểm và công ty vận chuyển ở phương Tây nhiều hơn. Các tàu chở dầu tại khu phức hợp Sheskharis thuộc Chernomortransneft, một công ty con của Transneft ở Novorossiysk, Nga. Ảnh: AP Một năm trước, tờ Financial Times...