‘Vương quốc’ của những cặp vợ chồng nhí
Ở Tà Lài, có cặp đang làm lễ cưới thì cô dâu tuổi 16 đau bụng đẻ nên ngày trọng đại chỉ có mỗi chú rể chưa đủ tuổi thành niên. Hay có nữ sinh đang học lớp 7 bỗng than đau đầu rồi nghỉ học về lấy chồng.
Tà Lài là xã vùng sâu của huyện Tân Phú (Đồng Nai), nơi sinh sống của cộng đồng người Mạ và S”tiêng, giáp với vùng đệm Vườn Quốc gia Cát Tiên. Dù hệ thống điện đường trường trạm đã phủ khắp các thôn xóm nhưng bóng đen hủ tục của nạn tảo hôn trong cộng đồng người Mạ vẫn còn hiện hữu.
Để đến được “Vương quốc” của những cặp vợ chồng nhí, phải băng qua cầu treo Tà Lài thơ mộng dài 164 m trong sương lạnh phủ dày. Từ đầu cầu bên này nhìn sang bên kia sông, thấy buôn làng của người Mạ chìm trong sương gió. Đối lập với khung cảnh non nước hữu tình ấy, bên kia sông ẩn chứa biết bao câu chuyện buồn quanh những thiếu nữ chưa kịp lớn vì ham vui đã làm vợ, làm mẹ.
Gia đình anh K”Gái (43 tuổi) và chị K”Brích (38 tuổi) có 7 người con và chị đã lên chức bà ngoại. Cô con gái K”Thơm (17 tuổi) đã lấy chồng và sinh con. Chồng của K”Thơm là Điểu Dương, người S”tiêng, lớn hơn cô 2 tuổi.
Trong căn nhà cấp 4 gần cuối làng, kể về chuyện tình của mình, K”Thơm cho biết, hồi lấy chồng chỉ mới 16 tuổi: “Em biết Điểu Dương khi đang là học sinh. Sau vài lần gặp đi vui chơi, ăn uống chung với các bạn, Điểu Dương nói thương em, đòi cưới em làm vợ. Nó dọa nếu không cưới được em sẽ tự tử. Thương nó quá nên em đồng ý lấy. Hai đứa quen nhau năm 2010, đến năm 2011 thì trở thành vợ chồng”, K”Thơm kể bằng giọng buồn buồn.
Những bà mẹ nhí ở buôn làng Mạ. Ảnh: ANTG.
Video đang HOT
Đang tuổi ăn tuổi học, lấy chồng khi mới 16 tuổi nên K”Thơm phải bỏ học, xa gia đình về Bình Phước làm dâu. Chị K”Brích nhìn con ngồi bó gối ủ rũ chẳng muốn trở về nhà chồng, mà lòng dạ quéo quắt. Chị cho biết, do nhà chồng làm rẫy, lại ít người nên K”Thơm phải thức dậy từ mờ sáng lên rẫy làm việc quần quật đến tối mịt mới về chứ không được sung sướng như hồi còn đi học. Chịu hết xiết, K”Thơm nhớ nhà, khóc lóc đòi về nhà bố mẹ đẻ khiến Điểu Dương bấm bụng chở “cô vợ nhí” về Tà Lài giao cho bố mẹ vợ rồi bỏ đi.
“Em thích ở nhà bố mẹ đẻ thôi, không muốn về Bình Phước nữa đâu. Về nhà Điểu Dương cực lắm, khổ lắm. Em muốn đi học nhưng bố mẹ Điểu Dương không cho vì nhà thiếu người làm”, bà mẹ nhí vừa nói vừa rấm rứt khóc. Còn chị K”Brích chỉ biết thở dài: “Lúc nó bỏ học cứ một hai đòi lấy chồng, thầy cô, bạn bè, vợ chồng mình khuyên bảo, nói hết lời nhưng nó không nghe. Giờ lấy chồng rồi thì phải theo chồng thôi, nhớ thì về thăm, chứ ở luôn sao được”.
Anh K”Gái cứ lắc đầu giọng chán nản: “Từ lúc 2 đứa lấy nhau đến giờ, cứ cãi nhau, giận nhau suốt. Cha mẹ hai bên khuyên bảo thế nào cũng chẳng nghe. Ngày trước mà vợ chồng sống với nhau như thế này, làng phạt nặng lắm đó”.
Anh K”Yếu – đại biểu HĐND xã Tà Lài, năm nay 45 tuổi nhưng đã là ông ngoại từ năm trước. Vợ chồng K”Yếu có 5 đứa con, con trai lớn của K”Yếu là K”Ái năm nay 28 tuổi nhưng chưa chịu lấy vợ chứ nếu không K”Yếu đã là ông nội từ lâu rồi.
Đang học yên lành với tương lai rộng mở, bỗng dưng K”Rutơ (con gái K”Yếu) bỏ học về làng đòi lấy chồng. Khi gia đình biết chuyện, cô đã có thai gần 5 tháng. Lấy chồng khi mới 17 tuổi nên K”Rutơ không thể đăng ký kết hôn. Cô cũng phải bỏ dở việc học ở trường Văn hóa nghệ thuật Đồng Nai, về nhà chồng làm rẫy.
Gần 3 năm kể từ ngày làm vợ, nay K”Rutơ đã làm mẹ. Ở tuổi 20, độ tuổi đẹp và tươi tắn nhất của người phụ nữ nhưng K”Rutơ héo hon, gầy guộc đến lạ. Cô địu đứa con bụng ỏng đít teo nằm thiêm thiếp, mắt mũi kèm nhèm, chỉ biết cúi đầu, im lặng trước những lời thăm hỏi. “Nhà mình rẫy ít, hai bên gia đình đều nghèo nên tụi nhỏ lấy nhau rồi phải đi làm mướn, làm được đồng nào ăn đồng nấy, nói chung là nghèo khổ lắm. Mà hai đứa cứ cãi nhau suốt ngày nên K”Rutơ nay ở bên nội, mai về ngoại”, K”Yếu bộc bạch.
Khắp buôn làng Mạ là những cô vợ trẻ con bé xíu địu con, mang bầu ngồi bên bữa cơm sáng chẳng có gì ngoài dúm rau rừng luộc với vài con cá khô. Chủ nhiệm Nhà văn hóa Tà Lài Nguyễn Thị Ánh Tuyết trăn trở: “Vừa rồi K”Trẽn con ông K”Sơ lúc đang học lớp 7 bỗng than đau đầu rồi nghỉ học về lấy chồng. Vì không đủ tuổi nên hai đứa không làm hôn thú và cũng chẳng làm đám cưới. Rồi có bé K”Rọ là con ông K”Ec sinh con khi đang là học sinh lớp 9 THCS Tà Lài”.
Trước đó nữa, nhiều chuyện dở khóc dở cười đã xảy ra ở Tà Lài. Có cặp đang làm lễ cưới thì cô dâu tuổi 16 đau bụng đẻ nên ngày trọng đại chỉ có mỗi chú rể chưa đủ tuổi thành niên. “Con gái ở làng cứ 15-16 tuổi là đi lấy chồng. Nhiều em đang sinh hoạt ở nhà văn hóa hễ thích thì nghỉ ngang, hỏi mới biết nghỉ lấy chồng. Có em mới 15 tuổi đã mang thai… gia đình 2 bên chẳng chịu tổ chức đám cưới, cứ mặc tụi nhỏ thương thì ráp lại với nhau mà sống”, bà Tuyết kể.
Lấy chồng rồi, nhiều cô bé chưa kịp lớn đã phải nghỉ học, ngày ngày muối mặt với gánh nặng cơm áo. Ảnh: ANTG.
Ông K”Bách, trưởng ấp 4 thừa nhận, chuyện con em người Mạ mới 15 – 16 tuổi đã lấy nhau là có thật và khá phổ biến. Có những đám cưới tảo hôn, dù biết nhưng khó ngăn chặn bởi chặn làm sao được khi “cô dâu nhí” bị “sưng bụng”. Làm căng, làm mạnh, bắt bỏ tù thì tội cho con gái và đứa bé trong bụng.
“Tuyên truyền, phân tích thiệt hơn biết bao lần nhưng tụi nhỏ không nghe, không chịu hiểu. Hễ thấy thích là chúng g”bổ (yêu thương) rồi tầm-pài (ngủ với nhau) đến có bầu. Vì cha mẹ tụi nhỏ không ngăn cản, không nói được nên cứ để mặc chúng thích thì lấy nhau, miễn sao không dính họ hàng máu mủ với nhau là được”, ông K”Bách nói.
Bà Phạm Thị Vinh, Phó chủ tịch UBND xã Tà Lài cho biết, xã có khoảng 7.600 dân, trong đó đồng bào dân tộc chiếm 30%, với 12 dân tộc. Ấp 4 là một trong 3 ấp đặc biệt khó khăn, với khoảng 1.200 khẩu là người S”tiêng và người Mạ.
Thở dài khi đề cập đến tập tục khó bỏ ở buôn làng Mạ, bà Kiều Thị Hải, Chủ tịch Hội phụ nữ xã thổ lộ, khi bố mẹ hai bên và chính quyền biết chuyện thì sự thể đã lỡ làng, chỉ còn cách vận động không được làm đám cưới rình rang. Gặp đám cưới tảo hôn là người thân quen, khi nhận được thiệp mời, lắm lúc cán bộ địa phương cũng lâm cảnh dở khóc dở cười. “Không đi không được bởi sợ phía đàng trai, nhà gái giận, trách. Mà đi thì chẳng khác gì mình tiếp tay, cổ súy cho hiện tượng tảo hôn. Giải pháp hay nhất là gửi thiệp chúc mừng”, bà Hải nói.
Già làng K”Lư, gần 90 tuổi, trò chuyện: “Luật làng quy định, khi chưa làm đám cưới, chưa được bố mẹ 2 bên đồng ý thì trai gái không được ăn nằm với nhau. Nếu chưa cưới nhau mà có thai, làng sẽ phạt một con dê, một con heo. Làng cũng phạt gia đình con trai phải cưới con gái và phạt heo, trâu để cúng tạ tội Yàng, đãi làng. Lấy nhau rồi con gái phải ra bìa rừng làm chòi nhỏ, sanh con xong phải làm lễ cúng tạ tội rồi mới được về làng. Đứa nào không làm đúng như vậy làng sẽ đuổi đi. Còn bây giờ hình như tụi trẻ nó không còn sợ Yàng nữa rồi!”.
Bây giờ, đa phần nhà ai cũng nghèo, cũng đông con, các già làng muốn phạt cũng đành chịu vì nhà nào cũng lo ăn từng ngày, lấy tiền, lấy trâu đâu mà nộp phạt. Bà Tuyết cho rằng, những năm sau này, tiếng nói của các già làng không còn giá trị, sức mạnh như trước nữa nên dẫu muốn duy trì nề nếp, tập tục như ngày trước cũng đành lực bất tòng tâm. Trong khi, các đoàn thể không mạnh và không thực sự quyết tâm, quyết liệt trước nạn tảo hôn. Mặt khác, cách giáo dục của cha mẹ ở làng rất “thoáng”, con cái muốn đi đâu thì đi, muốn làm gì thì làm.
Theo VNExpress
Kon Tum: "Nóng" tình trạng tảo hôn
Theo số liệu thống kê từ Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh, trung bình mỗi năm trên địa bàn tỉnh có trên 100 cặp tảo hôn.
Y Hluôn với cơ ngơi của mình.
Xã Rờ Cơi, huyện Sa Thầy là một trong những nơi xảy ra tình trạng tảo hôn. Nhiều trẻ chỉ khoảng 13 - 16 tuổi là "bắt chồng". Y Hluôn - trú tại làng Krem năm nay 19 tuổi, đã sinh 2 cháu, cháu đầu Y Thu 3 tuổi, cháu Y Tè mới 1 tháng tuổi đang địu trên lưng còn đỏ hỏn, khuôn mặt tái mét vì mới "vượt cạn". Căn nhà tạm bợ trống hoác, phía trên lợp tôn, vách bằng nứa che tạm, tài sản cả gia đình chẳng có gì. Năm Y Hluôn lập gia đình mới chỉ 15 tuổi. Năm vừa qua Y Ă trú tại làng Khúc Long bỏ học, bắt chồng ở tuổi 13, năm sau sinh con đầu lòng. Gặp chồng nát rượu, ăn cắp, vậy là ly hôn. Chị Y Úp - nguyên Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Rời Cơi - cho biết: Tình trạng trẻ em bỏ học, tảo hôn chính quyền địa phương không hay biết, đến khi biết thì "sự việc đã rồi".
Tại địa bàn huyện Ngọc Hồi, từ năm 2008 đến năm 2012, trung bình mỗi năm có đến 39 cặp tảo hôn. Y Che sinh năm 1996, trú tại thị trấn Plei Kần từ năm 2011 đã "bắt chồng". Ông Thao Ú trú tại xã Bờ Y cũng có con chưa đến tuổi thành niên đã lập gia đình.
Chị Nguyễn Thị Nhàn - cán bộ phụ trách công tác dân số thị trấn Plei Kần, huyện Ngọc Hồi - cho biết: Do ý thức người dân về công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình chưa tốt. Bên cạnh đó, kinh phi tuyên truyền vận động quá eo hẹp nên cán bộ cũng khó mặn mà. Ông Trần Đình Trình - Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Ui, huyện Đăk Hà - cho rằng: " Bà con đồng bào dân tộc thiểu số không biết tiếng phổ thông, còn cán bộ tuyên truyền công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình không thông thạo tiếng địa phương nên hiệu quả tuyên truyền không cao".
Để giảm thiểu tình trạng tảo hôn trong thời gian tới, ông Nguyễn Văn Thịnh - Phó Chi cục trưởng, phụ trách Chi cục Dân số tỉnh Kon Tum - xác định giải pháp: "Trong những năm tiếp theo để ngăn chặn tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết, Chi cục Dân số mở rộng hoạt động truyền thông về cơ sở; đồng thời tham mưu UBND tỉnh, Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình hỗ trợ kinh phí để mở rộng hoạt động trên địa bàn...".
Theo Lao Động
Trùm "thảo khấu" kể chuyện quay về nẻo sáng Người đời vẫn bảo "sa ngã có năm bảy đường nhưng hoàn lương chỉ duy một lối", và thật may, tôi đã kịp quay lại theo lối duy nhất ấy... Sinh năm 1969, là thứ 6 trong 8 anh chị em của một gia đình người Dao ở vùng còn nhiều hủ tục, chỉ có anh cả được chăm lo, còn các con...