Vướng mắc đủ việc, nhiều doanh nghiệp cổ phần hóa vẫn chưa niêm yết
Mặc dù đã bị bêu tên, xử phạt, nhưng nhiều doanh nghiệp sau cổ phần hóa vẫn chưa chịu đăng ký giao dịch trên sàn chứng khoán.
Thông tư 180/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1//1/2016 quy định, các đối tượng phải lên UPCoM bao gồm công ty đại chúng không đủ điều kiện niêm yết, hoặc đủ điều kiện niêm yết nhưng chưa niêm yết, công ty hủy niêm yết nhưng vẫn đáp ứng điều kiện là công ty đại chúng, doanh nghiệp nhà nước đã chào bán chứng khoán ra công chúng mà chưa niêm yết.
Trong vòng một 1 năm kể từ ngày Thông tư có hiệu lực, công ty đã là công ty đại chúng và công ty đại chúng đã hủy niêm yết trước thời điểm Thông tư này có hiệu lực phải hoàn tất thủ tục đăng ký giao dịch trên UPCoM.
Trước Thông tư 180, có một số văn bản pháp luật khác yêu cầu các đối tượng trên phải đưa cổ phiếu lên niêm yết hoặc đăng ký giao dịch trên UPCoM.
Tính đến đầu tháng 9/2019 có 755 doanh nghiệp sau cổ phần hóa vẫn chưa niêm yết và đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán. Trong đó, chỉ có 154 doanh nghiệp bổ sung mới.
Câu chuyện đằng sau Cienco 1 và Vegetexco
Tổng Công ty Xây dựng Công trình Giao thông 1 – CTCP (Cienco 1) được thành lập năm 1964, là một trong những doanh nghiệp hàng đầu về xây dựng cơ sở hạ tầng của Việt Nam.
Cienco 1 được cổ phần hóa (IPO) vào ngày 21/3/2014 với khối lượng chào bán là hơn 16 triệu cổ phần và mức giá khởi điểm là 10.000 đồng/cổ phần. Toàn bộ số cổ phần nêu trên đã được bán hết, thu về hơn 161 tỷ đồng.
Đến cuối năm 2014, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) tiếp tục thoái toàn bộ 35% vốn nhà nước. Đến thời điểm giữa năm 2015, cổ đông lớn nhất của Cienco1 là Công ty TNHH Sản xuất – Thương mại – Dịch vụ Yên Khánh (nắm 35,58%), trong khi các cán bộ, người lao động trong Cienco1 chỉ chiếm chưa đầy 6%.
Tại kỳ Đại hội đồng cổ đông lần đầu diễn ra vào cuối tháng 4/2014, với số phiếu ủng hộ lên đến 99,73%, đại hội đã thông qua chủ trương niêm yết 70 triệu cổ phiếu trên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX).
Thế nhưng, hơn 4 năm trôi qua, Cienco 1 vẫn nợ nghĩa vụ đưa cổ phiếu lên HNX theo nghị quyết Đại hội đồng cổ đông, cũng như theo quy định pháp luật.
Video đang HOT
Cuối tháng 2/2019, Cienco 1 bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xử phạt 450 triệu đồng do hai lỗi vi phạm là không đăng ký giao dịch chứng khoán, không báo cáo theo quy định pháp luật.
Được biết, Cienco 1 vi phạm quy định về đưa cổ phiếu lên sàn kéo dài một phần là do cán bộ ở một số ban quản lý dự án bị vướng vào vòng lao lý và có những vướng mắc liên quan đến một số dự án của Bộ GTVT.
Một tên tuổi lớn khác nằm trong danh sách các doanh nghiệp chậm lên sàn là Tổng Công ty Rau quả nông sản – CTCP (Vegetexco). Ngày 4/9/2015, Vegetexco Vietnam đã tổ chức IPO thành công khi phân phối hết 27,67 triệu cổ phần (tương đương 38,8% vốn điều lệ) cho 6 nhà đầu tư.
Đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có bất kỳ thông tin về kế hoạch lên sàn của Vegetexco. Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên các năm 2015, 2016, 2017, nội dung về việc lên sàn chứng khoán đều không được đề cập.
áng chú ý, trong số hơn 20 doanh nghiệp bị xử phạt do lỗi vi phạm quy định về đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán, vào tháng 4/2019, Vegetexco dính án phạt nặng nhất với mức phạt lên đến 520 triệu đồng.
Ngoài lỗi chậm đưa cổ phiếu lên sàn, Vegetexco còn bị Uỷ ban chứng khoán phát hiện 2 sai phạm khác là không công bố thông tin theo quy định và vi phạm quy định quản trị công ty về giao dịch với cổ đông.
Không chỉ bị Uỷ ban chứng khoán xử phạt, với hành vi khai sai dẫn đến thiếu số thuế phải nộp, Vegetexco còn vừa bị Cục Thuế TP. Hà Nội xử phạt hơn 2,7 tỷ đồng, đồng thời bị truy thu số tiền thuế thu nhập doanh nghiệp lên đến gần 14 tỷ đồng do các sai phạm trong giai đoạn 2016-2017.
Nhiều doanh nghiệp cổ phần hoá vẫn chây ì niêm yết cổ phiếu.
Vướng mắc gì?
Ngoài 2 cái tên chậm lên sàn đình đám kể trên, Uỷ ban chứng khoán cũng đã xử phạt đối với một số doanh nghiệp khác như CTCP Cơ điện Trần Phú, Tổng công ty Cơ điện xây dựng, Tổng công ty May đáp cầu, CTCP Giày da và may mặc xuất khẩu (Legamex), CTCP Dệt may Thắng Lợi, CTCP Bánh kẹo Hải Châu, CTCP Sơn tổng hợp Hà Nội,…
Lý giải cho việc chậm lên sàn của mình, nguyên nhân phổ biến nhất các doanh nghiệp này đưa ra là không đủ số lượng cổ đông cần thiết hoặc/và không đủ vốn điều lệ cần thiết để trở thành công ty đại chúng và đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán.
Ngoài ra, các nguyên nhân khác có thể kể đến như: đang hoàn thiện hồ sơ quyết toán cổ phần hóa, đang tiến hành bàn giao cho Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh Vốn Nhà nước (SCIC), đang hoàn thiện hồ sơ lưu ký chứng khoán, đang hoàn tất thủ tục lên sàn… Cá biệt có trường hợp cho rằng việc niêm yết chưa mang lại nhiều lợi ích cho cổ đông và công ty.
Biện pháp thúc đẩy doanh nghiệp lên sàn hiện vẫn chủ yếu trông đợi vào chế tài xử phạt. Thực tế cho thấy, sau khi bị Uỷ ban chứng khoán xử phạt, có doanh nghiệp đã đưa cổ phiếu lên sàn, nhưng vẫn có những doanh nghiệp tiếp tục chây ì đăng ký giao dịch, niêm yết cổ phiếu.
Anh Nhi
Theo vietnamdaily.net.vn
Bộ Tài chính "điểm tên" các Bộ, ngành thực hiện việc thoái vốn chậm
Bộ Tài chính cho biết, những đơn vị còn nhiều doanh nghiệp phải thực hiện thoái vốn với giá trị lớn là: Bộ Công Thương, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Xây dựng, TP Hà Nội.
Bộ Tài chính cho biết, trong năm 2019 có 9 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa, tuy nhiên trong đó chỉ có 3 doanh nghiệp thuộc danh mục các doanh nghiệp cổ phần hóa theo công văn số 991/TTg-ĐMDN ngày 10/7/2017 phê duyệt Danh mục doanh nghiệp Nhà nước hoàn thành cổ phần hóa theo từng năm giai đoạn 2017-2020 và Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg ngày 15/8/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Danh mục doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa đến hết năm 2020.
Lũy kế giai đoạn 2016 - 2019, đã có 168 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa với tổng giá trị doanh nghiệp là 443.056 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước là 206.694 tỷ đồng.
Tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn chậm không đạt kế hoạch đề ra, trong đó Bộ Xây dựng còn phải thoái vốn tại 8/11 Tổng công ty cổ phần...
Tuy nhiên trong 168 doanh nghiệp đã cổ phần hóa chỉ có 36/168 doanh nghiệp cổ phần hóa thuộc danh mục 128 doanh nghiệp cổ phần hóa theo công văn số 991/TTg-ĐMDN và Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (đạt 28% kế hoạch), số doanh nghiệp còn phải thực hiện cổ phần hóa theo kế hoạch tính đến hết năm 2020 là 92 doanh nghiệp.
Như vậy, theo Bộ Tài chính, tiến độ cổ phần hóa các doanh nghiệp còn chậm, không đạt được kế hoạch đề ra.
Về tình hình thoái vốn, theo quyết định số 1232/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ thì giai đoạn 2017 - 2020 thực hiện thoái khoảng 60.000 tỷ đồng vốn nhà nước tại các doanh nghiệp.
Trong năm 2019, có 13 doanh nghiệp thuộc danh mục ban hành theo quyết định số 1232 thực hiện thoái vốn với giá trị 896 tỷ đồng, thu về 1.839 tỷ đồng.
Lũy kế từ năm 2017 - 2019, thoái vốn nhà nước tại 92 đơn vị, với giá trị 4.704 tỷ đồng, thu về 8.964 tỷ đồng.
Bộ Tài chính cũng đánh giá, việc triển khai thoái vốn nhà nước theo quyết định số 1232/QĐ-TTg còn chậm, chỉ đạt 7,8% kế hoạch, không đạt kế hoạch đề ra.
Những đơn vị còn nhiều doanh nghiệp phải thực hiện thoái vốn với giá trị lớn là: Bộ Công Thương (thoái vốn tại Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam), Bộ Giao thông vận tải (thoái 30,4% vốn nhà nước đầu tư tại Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - Công ty CP và 35,16% vốn nhà nước đầu tư tại Tổng công ty Hàng không Việt Nam - Công ty CP), Bộ Xây dựng (còn phải thoái vốn tại 8/11 Tổng công ty cổ phần); TP Hà Nội (còn phải thoái vốn tại 31/34 doanh nghiệp).
Theo Bộ Tài chính, tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn, phê duyệt phương án cơ cấu lại chậm, không đạt được theo kế hoạch đã đề ra. Chậm quyết toán bàn giao sang công ty cổ phần. Chậm bàn giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước về SCIC, chưa đảm bảo kế hoạch theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Đồng thời, nhiều doanh nghiệp chậm đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán làm ảnh hưởng đến tính công khai, minh bạch của thị trường, chậm đổi mới công tác quản trị doanh nghiệp sau cổ phần theo thông lệ và chuẩn mực của các doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán, cũng như hạn chế công tác giám sát của toàn xã hội đối với hoạt động của các doanh nghiệp này.
Bộ Tài chính cho rằng, nguyên nhân là do một số Bộ, ngành, địa phương, Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước còn chưa thực sự nghiêm túc triển khai kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại DNNN theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và chấp hành chế độ báo cáo.
Nhất là vai trò, nhận thức, trách nhiệm của người đứng đầu doanh nghiệp, đơn vị còn chưa cao, chưa quyết liệt trong việc đổi mới hoạt động của doanh nghiệp, công khai minh bạch, đúng quy định pháp luật, đảm bảo nguyên tắc thị trường, chống lợi ích nhóm trong cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước....
Theo Infonet.vn
Hàng loạt 'ông lớn' cổ phần hóa nhưng chưa chịu lên sàn Theo Bộ Tài chính, còn 755 doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa chưa thực hiện đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán. Trong số này góp mặt nhiều tên tuổi lớn như: Cty CP Khách sạn Thắng Lợi, Tổng công ty Thiết bị y tế Việt Nam, Cty CP Điện cơ Thống Nhất, Cty CP Vàng bạc đá...