Vươn tới những tầm cao mới
Thời điểm này nói đến kỷ lục chắc chắn hầu như mọi người đều hiểu đó chẳng thể là những thứ “to nhất”, “nặng nhất”, “cao nhất”… vốn vẫn được nghe thấy nhiều trong thời gian gần đây.
Ở đây là những kỷ lục thực sự, những kỷ lục đáng tự hào nhất cho cả một dân tộc vừa đến bất ngờ và liên tiếp từ đấu trường thể thao lớn nhất khu vực Đông Nam Á – SEA Games 28. Từ Singapore, Đoàn thể thao Việt Nam đã tạo “cơn mưa kỷ lục”, trong đó riêng bơi lội phá 10 kỷ lục. Những kỷ lục đáng kinh ngạc, làm ngỡ ngàng các chuyên gia thể thao, khiến hàng triệu con tim Việt ngây ngất. Đó là 8 kỷ lục do “cô gái vàng” Ánh Viên thiết lập trên đường đua xanh, là Quý Phước có kỷ lục ở nội dung 200m, Lâm Quang Nhật có một kỷ lục 1.500m tự do, là kỷ lục của các VĐV điền kinh phá bỏ khi nó đã ngự trị tới 24 năm, Nguyễn Văn Lai phá kỷ lục của Ramachandran tồn tại đúng 20 năm, Nguyễn Thị Huyền với kỷ lục mới ở nội dung 400m rào tồn tại từ năm 1995…
Tám kỷ lục SEA Games của Ánh Viên khiến giới chuyên môn đi từ bất ngờ này tới bất ngờ khác. Nữ kình ngư của Việt Nam đã trở thành VĐV giữ nhiều kỷ lục SEA Games nhất hiện nay, vượt xa các huyền thoại bơi lội Singapore như Tao Li (5 kỷ lục), Liu Xiang (4 kỷ lục). Những kết quả vượt bậc này cho thấy trình độ và đẳng cấp của Ánh Viên đã vượt tầm khu vực. Ánh Viên cùng với các đồng đội đang chắp cánh nâng tầm cho thể thao nước nhà.
Giành được huy chương vàng là khát khao của mọi VĐV cũng như của người hâm mộ Việt Nam nói chung. Nhưng phá kỷ lục trong các nội dung thi đấu là khát vọng cháy bỏng mà không phải VĐV nào cũng dễ dàng đạt được. Chỉ hai năm trước, ở SEA Games 27 tổ chức tại Myanmar, Đoàn thể thao Việt Nam đã nỗ lực và phải rất vất vả mới có thể thiết lập được 5 kỷ lục, trong đó Ánh Viên, VĐV đang gây sốt ở SEA Games 28, cũng chỉ đạt 2 kỷ lục. Đặc biệt, môn bóng đá nam qua nhiều mùa SEA Games vẫn luôn được kỳ vọng một lần đứng trên bậc cao nhất của bục danh dự. Nhưng niềm mơ ước ấy của bao người hâm mộ vẫn chưa đạt được dù họ không ngừng hy vọng. Điều đó đã cho thấy sự khát khao chiến thắng của người hâm mộ. Tuy nhiên, khi mà môn bóng đá nam chưa làm được điều ấy thì các bộ môn khác đã có sự bứt phá vượt bậc và những người con của dân tộc đã mang đến cho người hâm mộ cơ hội được ngẩng cao đầu tự hào.
Những kỷ lục, kèm theo đó là những tấm huy chương vàng, ở các môn cơ bản trong hệ thống Olympic đã nâng tầm thể thao Việt Nam lên một tầm mức mới. Song, cũng không vì thế mà các VĐV giảm cố gắng. Thực tế, những thành công, kỷ lục này vẫn chưa là gì so với trình độ đỉnh cao khu vực và thế giới. Ngoài việc đầu tư, sự khổ luyện trong môi trường chuyên nghiệp thì các VĐV của ta vẫn cần xác định tâm lý lao động nghiêm túc. Thật vui khi chính Ánh Viên khẳng định: “Nếu bây giờ mà em hài lòng với bản thân thì em là người thất bại ngay chính từ bây giờ. Ngày mai hoặc ngày mốt em vẫn cứ phải quyết tâm”. Vâng, ở một mặt trận không có tiếng súng nhưng vô cùng khốc liệt đòi hỏi sự phấn đấu không ngừng của những VĐV, những người chiến sĩ như Ánh Viên… Đất nước, người hâm mộ đang chờ thêm những kỷ lục từ họ!
Nữ Quỳnh
Video đang HOT
Theo_Hà Nội Mới
Ngày Thể thao Việt Nam: Mơ về một tầm cao mới
Ngày thể thao Việt Nam (TTVN) 27/3 cũng là ngày mà những người làm thể thao ôn lại những mặt được và chưa được trong 1 năm hoạt động thể thao, và quan trọng nhất là nghĩ về mục tiêu vươn đến tầm cao mới.
Một kỳ SEA Games khác thường
Một trong những mục tiêu quan trọng nhất của TTVN trong năm nay vẫn là SEA Games 28. Nói gì thì nói, đấu trường khu vực vẫn là sân chơi quan trọng, vừa giúp cho ngành thể thao thẩm định được chất lượng của thể thao nước nhà, vừa là bàn đạp để chúng ta nghĩ đến chuyện tấn công vào các đấu trường cao hơn như Asiad hay Olympic.
So với mọi năm, SEA Games 28 diễn ra trong bối cảnh có nhiều điều lạ. Điều lạ đầu tiên với hầu hết người hoạt động thể thao trong khu vực đấy là về mặt thời điểm tổ chức. Thay vì diễn ra vào cuối mỗi năm lẻ, nước chủ nhà Singapore lại tổ chức đại hội từ mùa hè, thời điểm cuối tháng 5 và đầu tháng 6.
Chính điều này khiến cho kế hoạch tập huấn và việc chọn điểm rơi phong độ của nhiều môn phải thay đổi cho phù hợp. Rõ nhất là trong đợt nghỉ Tết Nguyên Đán vừa rồi, hầu hết các VĐV đỉnh cao đều thu ngắn tối đa những ngày nghỉ Tết, vì SEA Games đã ở ngay trước mắt.
Điều lạ thứ hai là BTC chủ nhà loại khá nhiều môn thế mạnh của TTVN (nhóm các môn võ), thay vào đó là những môn mạnh của nước chủ nhà Singapore.
Ánh Viên là một trong những VĐV được đầu tư trọng điểm để hướng đến đấu trường Olympic
Dù vậy, nếu để ý kỹ, hầu hết các môn có trong chương trình thi đấu SEA Games 28, vốn là thế mạnh của Singapore như Cưỡi ngựa nghệ thuật, 3 môn phối hợp (bơi, đua xe đạp, chạy bộ), đấu kiếm, hockey trên cỏ, bóng mềm, bóng nước... đều là các môn có trong chương trình thi đấu của các kỳ Olympic.
Những môn này vốn lạ với TTVN vì chúng ta ít tập trung đầu tư, chứ không phải nó lạ với phong trào Olympic thế giới. Thế nên, đấy cũng là một cách tiếp cận khác với đấu trường SEA Games, theo hướng gần giống với đấu trường Olympic (từ thời điểm tổ chức cho đến các môn thi), và TTVN không phải không có cái hay khi tiếp cận với kỳ SEA Games 28 trái thông lệ này.
Từ đầu tư dàn trải sang đầu tư trọng điểm?
Ngày TTVN mỗi năm cũng là dịp để những người làm thể thao nước nhà đánh giá lại tính hiệu quả trong công tác đầu tư suốt 1 năm qua. Và nếu để ý kỹ, có thể thấy trong thời gian gần đây, xu hướng đầu tư của TTVN đã bắt đầu có sự chuyển dịch đáng kể: Đó là chuyển từ đầu tư dàn trải tốn kém, sang đầu tư trọng điểm.
Sở dĩ phải nói đến câu chuyện đầu tư trọng điểm vì thay cho sự dàn trải mà mỗi kỳ SEA Games chúng ta lại thay đổi nhiều nhóm môn thi, trong đó có nhiều môn chỉ chơi một lần rồi bỏ, người ta quay sang đầu tư trọng điểm nhóm môn có trong chương trình thi đấu Asiad và Olympic, để vừa không lạc lỏng với xu thế chung của toàn cầu, vừa có giá trị sử dụng lâu dài.
Nhóm môn và nhóm VĐV trọng điểm đang được đầu tư mạnh phải kể đến Ánh Viên (bơi lội), Thạch Kim Tuấn (cử tạ), Phan Thị Hà Thanh (thể dục dụng cụ), tổ cự ly ngắn và trung bình trong môn điền kinh... Những cái tên kể trên đều đã tiếp cận với trình độ châu Á. Rồi còn phải kể thêm Hoàng Xuân Vinh (bắn súng), Quách Thị Lan, Bùi Thị Thu Thảo (điền kinh).
Dĩ nhiên, việc chuyển đổi hướng đầu tư từ dàn trải sang trọng điểm không thể thực hiện trọn vẹn trong một sớm một chiều. Rồi ngay cả các môn và các VĐV đang được đầu tư trọng điểm cũng có lúc bị tính sai về điểm rơi, do một số nhà quản lý quá ham thành tích mà sắp VĐV của mình thi đấu quá nhiều giải, kể cả các giải vốn dành cho học sinh - sinh viên.
Rồi cũng có những sự lãng phí nhất định trong công tác đầu tư, vì chưa đúng phương pháp mà nhiều tài năng vốn đầy triển vọng nay đang có dẫu hiệu giẫm chân tại chỗ, như trường hợp của Hoàng Quý Phước (bơi).
Bên cạnh đó, vẫn có những lãng phí trong việc sử dụng các cơ sở vật chất phục vụ thể thao, nhiều công trình quy mô lớn được hình thành nhưng không được sử dụng hết công suất, hoặc chưa đúng với công năng.
Tuy nhiên, cần ghi nhận hết sức khách quan về những nỗ lực mà những người làm thể thao đã và đang thực hiện trong thời gian vừa rồi, trong bối cảnh mà TTVN đã có một số bước chuyển mình, cùng một thế hệ VĐV được đào tạo bài bản ở các môn cơ bản, được định hướng tấn công thẳng vào đấu trường Olympic 2016 như Thạch Kim Tuấn và Nguyễn Thị Ánh Viên.
Trọng Vũ
Theo Dantri
Liên tiếp các vụ mất tích bí ẩn: Càng tìm kiếm càng vô vọng Thời gian gần đây xảy ra liên tiếp các vụ nữ sinh mất tích, khi tìm thấy có người đã không cón sống hoặc còn sống thì rơi vào tình trạng hoang mang, không bắt chuyện với ai. Thi thể được tìm thấy dưới hồ nước Sau 13 ngày mất tích, chiều tối 25-3, Công an huyện Dĩ An, Bình Dương đã xác...