Vườn rau xanh của thầy và trò
Với hàng trăm HS ăn, ở tại trường, thầy cô giáo trường PTDTBT THCS ở huyện Mường Lát (Thanh Hóa) đã tận dụng mọi khoảng đất trống để trồng các loại rau, nuôi lợn nhằm cung cấp thêm thực phẩm cho bữa ăn của trò.
Thầy Nguyễn Duy Thủy – Hiệu trưởng Trường PTDTBT THCS Trung Lý hướng dẫn học sinh cách chăm bón rau xanh.
Đây cũng là phòng thí nghiệm khổng lồ mà hầu hết HS đều muốn tới để thực hành kiến thức được học và “ngắm” thành quả của mình.
Rèn luyện tính chuyên cần
Bước vào năm học mới, thầy trò Trường PTDTBT THCS Trung Lý lại bắt tay vào tăng gia sản xuất trồng rau xanh, nuôi lợn để cải thiện bữa ăn bán trú. Thầy Nguyễn Duy Thủy – Hiệu trưởng nhà trường – cho biết: Với ý tưởng rèn luyện tính chuyên cần cho HS, đồng thời cải thiện bữa ăn cho các em, Ban giám hiệu đã xây dựng phong trao trồng rau xanh và chăn nuôi lợn, để cung cấp thực phẩm cho nhà bếp.
Do địa hình khuôn viên của nhà trường không bằng phẳng, nên mỗi lớp được chia một mảnh vườn nhỏ ở khuôn viên trường. Mỗi buổi chiều, sau giờ lên lớp, giáo viên chủ nhiệm có trách nhiệm hướng dẫn HS vun trồng, chăm sóc phần rau xanh của lớp mình, để nhập cho nhà bếp nấu ăn.
“Các loại rau được trồng theo mùa và buổi sáng – chiều, thầy trò của lớp lại thu hoạch rau xanh, nhập cho nhà bếp. Năm học 2020 – 2021, sau khi kết thúc năm học, có lớp thu được hơn 10 triệu đồng tiền rau. Số tiền ấy, lớp làm quỹ hoạt động, chi tiền thưởng, mua sắm quà Tết… cho các em”, thầy Thủy chia sẻ.
Thầy Nguyễn Văn Mạnh, giáo viên chủ nhiệm lớp 7C, cho hay: Thời điểm này là mùa trồng rau cải. Khí hậu phù hợp với loại rau này nên phát triển rất nhanh. Nguồn nước để tưới rau, được nhà trường hỗ trợ nối đường ống dẫn về tận vườn. Cứ mỗi buổi chiều, lớp lại phân công một số em xuống vườn tưới rau. Sáng hôm sau, thể dục buổi sáng xong, trước giờ lên lớp, thầy và trò tranh thủ xuống hái rau đem lên cân cho nhà bếp.
Em Giàng A Tồng (học sinh lớp 7C) nhà ở bản Cánh Cộng (Trung Lý) cách trường 40km, vì thế em phải ở lại trường để học. Giàng A Tồng cho biết: “Thầy, cô giáo là người hướng dẫn cách chăm sóc, tưới rau. Hàng ngày, sau buổi học trên lớp, chúng em lại chia nhau tranh thủ đi chăm sóc rau xanh, thái chuối cho lợn ăn. Mùa nào trồng rau ấy, vì thế bữa cơm hàng ngày đều có rau sạch để ăn”.
Video đang HOT
Học sinh mang rau đi nhập cho nhà bếp của trường.
Thầy, trò cùng nỗ lực vượt khó
Trường PTDTBT THCS Trung Lý nằm trên một sườn đồi tại bản Táo, xã Trung Lý, huyện Mường Lát. Đợt mưa lũ hồi đầu tháng 9/2018, nhà trường bị hư hỏng một dãy nhà bán trú, gồm: 5 phòng lắp ghép; sập đổ 8 phòng vệ sinh dành cho học sinh, sập 1 nhà bếp phục vụ nấu ăn bán trú và bị sụt lún, lở đất nhiều nơi ở xung quanh khuôn viên nhà trường.
Sau đợt mưa lũ gây ra, vừa qua nhà trường đã được tài trợ xây dựng dãy nhà 2 tầng với 10 phòng học. Bên cạnh đó, các cấp ủy, chính quyền địa phương cũng đầu tư, xây dựng nhà bán trú cho học sinh, gồm: 15 phòng lắp ghép và 10 phòng ở xây kiên cố. Hệ thống bờ kè chống sạt lở đã được xây dựng. Nhà trường đang chuẩn bị được đầu tư xây dựng nhà hiệu bộ.
Năm học 2021 – 2022, nhà trường có 504 học sinh. Trong số 435 em hưởng chế độ bán trú có 427 em ở lại ký túc xá của trường. HS đông nhưng nhà trường chỉ có 23 cán bộ, giáo viên và nhân viên. “Tình trạng thiếu giáo viên đứng lớp đang là vấn đề nan giải. Nhà trường có 13 lớp, nhưng hiện tại mới chỉ có 16 giáo viên đứng lớp. Nếu tính theo Quyết định 3185/2016 của UBND tỉnh Thanh Hóa, nhà trường hiện tại đang thiếu tới 10 giáo viên”, thầy Thủy thông tin.
Mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn, song thầy, trò Trường PTDTBT THCS Trung Lý đã nỗ lực vươn lên để dạy và học thật tốt cũng như chăm sóc bữa ăn, giấc ngủ cho các em. Theo thầy Nguyễn Duy Thủy, diện tích đất trồng rau sạch của nhà trường có khoảng vài trăm mét vuông. Do đó, mỗi năm học, nhà trường gần như chủ động được nguồn rau xanh, sạch trong khoảng hơn 7 tháng.
“Với cách làm này, mỗi năm nhà trường thu được một khoản tiền bán lợn, rau cho nhà bếp. Số tiền đó được tái đầu tư mua lợn giống, rau. Đồng thời, dành quỹ để trước khi nghỉ Tết Nguyên đán, hay tổng kết năm học tổ chức liên hoan, mua quà cho HS, nhằm động viên các em vươn lên trong học tập”, thầy Thủy cho biết thêm.
Hòa Bình: Nâng cao chất lượng bữa ăn bán trú trong các nhà trường
Công tác dạy và học bán trú tại thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình, những năm qua được thực hiện tốt, nên số học sinh ăn bán trú tại các trường trên địa bàn ngày một tăng.
Nguồn cung cấp thực phẩm đầu vào được nhà trường chọn lựa kỹ càng, đơn vị cung cấp thực phẩm uy tín và có địa chỉ rõ ràng trên địa bàn thành phố.
Theo Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Hòa Bình, tổng số học sinh hệ Mầm non trên địa bàn hiện là 8.782 trẻ, 100% trẻ ăn bán trú; số học sinh Tiểu học, liên cấp Tiểu học và Trung học cơ sở là 12.927 em, trong đó có 6.829 học sinh ăn bán trú tại trường. Công tác quản lý, chăm sóc bán trú của các đơn vị nhà trường đang cho thấy hiệu quả, nhận được sự đồng tình, ủng hộ của phụ huynh và học sinh.
Chén bát của học sinh ăn bán trú luôn được rửa sạch sẽ và giữ khô ráo sau mỗi buổi ăn.
Cô giáo Phạm Thị Huệ, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Sông Đà, thành phố Hòa Bình, cho biết, năm học 2021-2022, toàn trường có 1.009 học sinh, trong đó có 800 em ở các khối đăng ký ăn bán trú tại trường. Ban Giám hiệu nhà trường cùng các thầy, cô giáo đặc biệt quan tâm tới công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho bữa ăn bán trú của học sinh.
Những khay cơm nóng hổi được nấu tại bếp ăn của nhà trường.
Trước khi năm học mới bắt đầu, nhà trường đã lựa chọn rất kỹ nhà cung cấp thực phẩm có uy tín, địa chỉ rõ ràng và ký hợp đồng cam kết trách nhiệm cung cấp cho học sinh tại trường một bữa ăn chính đảm bảo các yếu tố về dinh dưỡng, tốt nhất cho sức khỏe của học sinh.
Nhà trường xây dựng, cải tạo khu vực bếp ăn, nhà ăn; quy trình chế biến thức ăn được thực hiện khoa học, ngăn nắp, gọn gàng, sạch sẽ. Nhà trường đặt ra quy định nghiêm ngặt về công tác phòng, chống dịch COVID-19 theo khuyến cáo, quy định của Bộ Y tế khi tổ chức cho học sinh các khối ăn bán trú tại trường. Nhờ đó, nhiều năm qua nhà trường được đánh giá làm tốt công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong bữa ăn bán trú cho học sinh.
Cô giáo Phạm Thị Huệ, Hiệu trưởng Trường tiểu học Sông Đà, trực tiếp mỗi ngày kiểm tra bếp ăn, quy trình chế biến thực phẩm nhằm đảm bảo các bữa ăn cho học sinh đầy đủ dinh dưỡng và vệ sinh an toàn.
Trên địa bàn thành phố Hòa Bình có 18 trường tổ chức ăn bán trú cho học sinh khối tiểu học và liên cấp. Bếp ăn của các trường đều thực hiện nghiêm quy trình nghiêm ngặt về vệ sinh an toàn thực phẩm như: Quản lý, sử dụng và chế biến thực phẩm đều có hợp đồng xác định rõ nguồn gốc thực phẩm sạch với các nhà cung cấp, có đầy đủ hồ sơ, danh tính người cung cấp thực phẩm, ký cam kết cung cấp thực phẩm sạch.
Thực đơn, thực phẩm được các nhà trường thay đổi theo tuần, theo mùa và thông báo công khai tại lớp học. Nhân viên phục vụ chế biến tại bếp ăn đều đáp ứng đủ yêu cầu cơ bản như có chứng chỉ nấu ăn, có kinh nghiệm làm việc tối thiểu từ 2-3 năm tại đơn vị trường học, nhà hàng ăn uống... Cùng với đó, quản lý nhà trường và nhân viên cấp dưỡng tại bếp ăn đều phải nắm vững kiến thức về an toàn vệ sinh thực phẩm, biết cách lựa chọn thực phẩm, chế độ kiểm thực ba bước, chế độ lưu mẫu thức ăn...
Các nhân viên phục vụ trong bếp ăn trường tiểu học Sông Đà luôn thực hiện đầy đủ các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm khi chế biến các món ăn.
Em Đào Ngọc Hà, học sinh lớp 2A2, Trường Tiểu học Sông Đà cho biết: "Con thích ở bán trú tại trường và chơi với các bạn. Chúng con được ăn các bữa khác nhau rất ngon vào buổi trưa, nhiều bạn còn xin cô ăn thêm phần cơm. Cô quản lớp luôn nhắc nhở chúng con ăn, ngủ, vệ sinh tay cẩn thận. Con và các bạn hứa sẽ cố gắng học hành chăm ngoan để không phụ công của cô giáo, bố mẹ".
Xác định mục tiêu nâng cao chất lượng bữa ăn bán trú là nhiệm vụ quan trọng trong các cấp học, nhiều năm qua, ngành Giáo dục thành phố Hòa Bình đã triển khai các biện pháp tích cực, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong trường học, trong mỗi bữa ăn của học sinh, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo và đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Nét rạng rỡ của một bạn nhỏ khối lớp 1 trong bữa ăn bán trú tại Trường tiểu học Sông Đà - thanh phố Hòa Bình.
Theo báo cáo đánh giá của Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Hòa Bình, việc tổ chức nấu ăn bán trú đã góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện của các nhà trường. Các trường học đã xây dựng quy chế, quy định chặt chẽ việc phân công nhiệm vụ cho giáo viên và nhân viên trực tiếp quản lý học sinh bán trú các buổi trong ngày, công khai minh bạch về tài chính.
Ông Lê Văn Công, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Hòa Bình cho biết, xác định đây là một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, hằng năm Phòng đã có nhiều văn bản, chỉ đạo thành lập các đơn vị quản lý, tổ chức nhiều đợt kiểm tra, yêu cầu các đơn vị, nhà trường quản lý chặt chẽ khâu cung ứng thực phẩm đầu vào, trang thiết bị phục vụ nhà bếp, khâu chế biến thực phẩm... đặt mục tiêu đảm bảo bữa ăn bán trú của học sinh trên địa bàn thành phố ngon miệng, đủ dinh dưỡng và đạt các tiêu chí về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Niềm vui trong mỗi bữa ăn của các em học sinh Trường tiểu học Sông Đà.
Việc các đoàn kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm liên ngành của thành phố và tỉnh Hòa Bình thực hiện nhiều đợt kiểm tra đột xuất cũng như định kỳ trong thời gian qua đã góp phần tạo ra một môi trường phấn đấu không ngừng trong việc nâng cao chất lượng từng bữa ăn của các đơn vị trường học, góp phần vì sự phát triển toàn diện của mỗi học sinh, tạo thêm niềm tin để bậc phụ huynh yên tâm khi gửi gắm con em mình đến lớp.
Những ngôi trường "dựng" lên từ tinh thần thiện nguyện Ước mơ cho các con nhỏ được học trong ngôi trường khang trang, được ăn bán trú như những trẻ em miền xuôi là trăn trở, là mong mỏi của biết bao thế hệ thầy, cô giáo và phụ huynh học sinh ở vùng sâu, vùng xa của huyện Bá Thước. Trường Mầm non Lũng Cao - khu Cao Sơn. Ảnh: Tô Dung...