Vườn rau hữu cơ xanh mướt giá rẻ giữa vùng đất nhiễm phèn
Không cần đầu tư cả trăm triệu, nông dân trên vùng đất quanh năm ngập mặn, nhiễn phèn giờ đã có thể trồng cả ngàn mét vuông rau hữu cơ bằng mô hình giá thể.
Bằng phương pháp lắp đặt nhà lưới với chi phí tiết kiệm tối đa, làm giá thể hữu cơ ngay trên nền đất ngập, hợp tác xã nông nghiệp hữu cơ Trường Thịnh vừa thí điểm thành công mô hình này tại nông trường Phạm Văn Hai (Bình Chánh, TP.HCM).
Du khách thường xuyên tham quan mô hình của HTX Trường Thịnh
Được mệnh danh là “vùng đất chết” vì quanh năm nước ngập, đất bị nhiễm phèn nặng, việc canh tác nông nghiệp ở HTX này gặp rất nhiều khó khăn. Nông dân trực tiếp trồng rau trên đất phèn thường không đem lại hiệu quả.
Ông Võ Thành Dũng, Phó giám đốc HTX cho biết, đã bắt đầu thực hiện mô hình này từ năm 2012. Trong đó, khó khăn nhất là phải tìm được nguồn hữu cơ giá rẻ làm đất nhân tạo.
Ông Dũng giới thiệu mô hình mà mình tâm huyết triển khai cho HTX và xã viên
Video đang HOT
HTX hiện đang trồng thí điểm trên diện tích 2000m2. Tính tổng cộng chi phí lắp đặt nhà màng, nguồn đất nhân tạo, cây giống… chỉ khoảng 40 – 50 triệu/1.000m2.
Sau khi phủ bạt nền, vun đất nhân tạo cao độ 10cm thì bắt đầu trồng và thu hoạch. Đặc điểm nổi bật của phương pháp canh tác này là rau quả trồng trong nhà màng phòng trừ sâu bệnh gây hại; tận dụng được hết các phế thải nông nghiệp như lục bình, cỏ dại, các loại rác thải hữu cơ từ chợ đầu mối.
Việc sử dụng cột chống bằng cây gỗ giúp tiết kiệm chi phí
Vì không phải tốn công xử lý đất, làm cỏ, lại không sử dụng phân bón hóa học hay thuốc trừ sâu nên mô hình này không những giảm được giá thành sản phẩm mà còn giải quyết được vấn đề ô nhiễm môi trường.
Do không kén chọn đất nên mô hình này có thể áp dụng trên mọi loại đất, kể cả đất nghèo kiệt vẫn có thể sản xuất được rau cho năng suất cao.
Rau lên xanh tốt từ nguồn đất hữu cơ được thu mua với giá thành thấp
Ngoài ra, đây còn là mô hình trình diễn để bà con quanh vùng có thể tham quan học tập và nhân rộng vì tài nguyên đất còn nhiều. Sau thành công bước đầu, đơn vị này đang tính đến việc triển khai lắp đặt hệ thống tưới phun tự động.
“Cùng với việc cải tạo lại lối đi cho sạch sẽ, nông dân có thể đủng đỉnh mang giày đi dạo trong vườn, hoặc tha hồ đi chơi, cứ canh đúng giờ về nhà bấm nút”, đại diện hợp tác xã nông nghiệp hữu cơ Trường Thịnh cho biết.
Xung quanh khu nhà vườn hầu hết là cây cỏ dại hoặc quen chịu ngập, phèn
Chị Lương Mỹ Hạnh (ấp 3, xã Phạm Văn Hai) cho biết, chị đã sử dụng rau của HTX từ nửa năm nay vì yên tâm vào chất lượng: “Rau trồng trên đất hữu cơ, phát triển xanh tốt nhưng vẫn giữ được hương và vị. Đặc biệt, ở đây còn có rau cải xanh cay nồng như mù tạt, loại này không dễ tìm thấy ngoài chợ”.
Chị Hạnh cũng chia sẻ nên phát triển rộng diện tích trồng theo mô hình này vì trong siêu thị cũng có rau sạch nhưng giá cao và không phải ai cũng thường xuyên lui tới.
Lượng rau thu hoạch hiện phục vụ chủ yếu cho dân cư trong vùng
Sau khi hoàn thiện quy trình khép kín sản xuất rau sạch, HTX sẽ chịu trách nhiệm cung cấp vật tư, nguyên liệu đầu vào và bao tiêu sản phẩm cho xã viên.
“Hiện nay, các mặt hàng nông sản đang chịu sự cạnh tranh giữa thực phẩm an toàn và không an toàn. Phương pháp canh tác mới nếu được nhân rộng, không chỉ đa dạng nguồn cung thực phẩm sạch mà còn góp phần lấy lại niềm tin của người tiêu dùng”, ông Dũng nói.
Theo Danviet
Nhận diện nông sản thực phẩm an toàn Việt tại Hà Nội
Sẽ có 1.800 chủng loại sản phẩm là nông sản thực phẩm an toàn tham gia vào "Tuần lễ nhận diện nông sản thực phẩm an toàn Việt".
Sáng 4.10, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông nghiệp (NN&PTNN) Hà Nội phối hợp với Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp (Bộ NN&PTNT) tổ chức Hội nghị triển khai Tuần lễ nhận diện nông sản thực phẩm an toàn Việt tại Hà Nội.
Phát biểu tại hội nghị triển khai công tác "Tuần lễ nhận diện nông sản thực phẩm an toàn Việt tại Hà Nội", ông Nguyễn Văn Chí, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp Hà Nội cho rằng, tuần lễ là một cơ hội rất tốt để cho người tiêu dùng biết đến các sản phẩm an toàn của Nam bộ một cách chính thống, có cơ quan quản lý nhà nước đứng ra đảm bảo. Không chỉ đảm bảo ở khâu kiểm tra, phân tích miễn phí các sản phẩm trưng bày tại tuần lễ mà còn đảm bảo từ khâu quản lý đầu vào, nghĩa là từ lúc sản xuất, sơ chế, đóng gói sản phẩm.
"Tuần lễ nhận diện nông sản thực phẩm an toàn Việt tại Hà Nội" sẽ được tổ chức từ ngày 12.10 đến ngày 17.10
"Tuần lễ nhận diện nông sản thực phẩm an toàn Việt tại Hà Nội" sẽ được tổ chức từ ngày 12.10 đến ngày 17.10 với khoảng 100 gian hàng bán nông sản thực phẩm an toàn Việt tại Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp, số 489 Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, Hà Nội. Đồng thời, kết hợp với 141 địa điểm bán hàng được tổ chức đồng loạt ở nhiều quận nội thành với sự tham gia chung tay của nhiều DN phân phối nông sản thực phẩm an toàn như Công ty CP Nhất Nam (chuỗi siêu thị Fivimart), Công ty TNHH Thực phẩm sạch BigGreen, Công ty CP VietRAP Đầu tư thương mại...
Mục đích của tuần lễ nhằm giới thiệu các sản phẩm an toàn Việt đến đông đảo người tiêu dùng Thủ đô để họ biết cách nhận biết, phân biệt và lựa chọn; đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông, quảng bá sản phẩm an toàn, đặc sản Việt và giới thiệu các cơ sở sản xuất tiêu biểu, doanh nghiệp phân phối uy tín phục vụ công tác kết nối giao thương; tăng cường công tác quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm.
Chương trình nằm trong chuỗi các hoạt động Xúc tiến thương mại Nông nghiệp Hà Nội năm 2016 nhằm thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 13/CT-Tg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về vệ sinh an toàn thực phẩm, thiết thực hưởng ứng năm cao điểm vệ sinh an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp do Bộ NN&PTNT, UBND Thành phố Hà Nội phát động.
Theo Danviet
Ninh Thuận: Chắp cánh cho "nữ hoàng" bay cao, bay xa Từ năm 1980 đến nay, cây nho được ví như "nữ hoàng" trên địa bàn tỉnh, giúp người dân thoát nghèo, thậm chí không ít người vươn lên làm giàu. Đặc biệt, với nho đỏ (Red Cardinal), nho xanh (NH 01-48), nho đen (Black Queen)... được người tiêu dùng biết đến, đã tạo nên "thương hiệu" hình ảnh khi nói đến nho Ninh...