Vườn lan rừng ở đất sen hồng Đồng Tháp, có nhiều loài lan quý hiếm
Bằng tình yêu đặc biệt với hoa lan, hơn 15 năm qua, ông Hồ Quốc Minh ngụ khóm Tân Hiệp, phường Tân Quy Đông, TP.Sa Đéc (tỉnh Đồng Tháp) sưu tầm nhiều giống lan rừng. Từ trồng vài chậu cho vui, đến nay, ông Minh đã sở hữu cả khu vườn lan rừng.
Tình yêu đặc biệt với lan rừng
Ông Hồ Quốc Minh chia sẻ, nhiều lần đi chụp ảnh hay tham quan tại các khu rừng, không ít lần ông gặp những nhánh lan rừng bám vào các cây cổ thụ nở hoa rực rỡ. Ông thấy nét đẹp của hoa lan rừng mang vẻ hoang dại nhưng kiêu sa, hút hồn người.
Ông Minh bộc bạch: “Nhớ lại lần đầu, tôi mua một chậu lan rừng về trồng nhưng chưa hề biết giống lan rừng này có đặc tính ra sao. Chỉ là tôi bị hút hồn bởi vẻ đẹp của lan rừng và mua trồng để ngắm như một thú vui. Tình yêu của tôi dành cho lan rừng ngày càng lớn hơn”.
Ông Hồ Quốc Minh chăm sóc từng cây lan rừng trong khu vườn nhà mình. Vườn lan rừng của gia đình ông Minh có hàng trăm giò, trong đó có nhiều giò lan rừng quý hiếm.
Ban đầu, do mới “tập tành chơi lan rừng” nên chưa hiểu hết về lan rừng lại không có nhiều kỹ thuật chăm sóc lan rừng nên ông Minh còn khá lúng túng. Do đó, lan rừng bị chết nhiều hoặc trồng mãi không nở hoa.
Ông Minh đã dành nhiều thời gian tìm hiểu và gia nhập Hội chơi lan của TP.Sa Đéc nhằm học hỏi kinh nghiệm trồng lan. Dần dần, ông Minh đúc kết được nhiều kinh nghiệm trồng lan rừng quý báu cho bản thân. Để trồng lan rừng, ông Minh luôn tuân thủ tốt việc chọn giá thể cho từng loại; tuân thủ tốt các điều kiện về gió, nước và ánh nắng trong khu vực trồng.
Có khi ông phải đi tìm mua lan rừng ở các nước lân cận như: Lào, Campuchia… Ngày qua ngày, từ khắp nơi, các loại lan rừng quý hiếm cứ theo chân ông Hồ Quốc Minh về với vườn nhà ông.
Theo ông Minh, mỗi loại lan rừng mang kiểu dáng khác nhau nhưng có điểm chung là đẹp tự nhiên và quyến rũ bởi màu sắc. Vẻ đẹp của lan rừng dễ đi sâu vào lòng người, giúp cho người chơi cảm thấy tâm hồn thoải mái và yêu đời hơn.
Khi tình yêu dành cho hoa lan rừng quá lớn, ông Hồ Quốc Minh đã quyết định bỏ nghề nhiếp ảnh để theo đuổi trồng lan rừng. Từ đó niềm đam mê lan rừng, ý tưởng kinh doanh lan rừng cũng hình thành trong ông Minh.
Để “đứa con” tinh thần của mình phát triển tốt, ông Minh đã xây dựng một khu vườn lan rừng khá bài bản với hệ thống giàn, nhà lưới và phun tưới nước tự động.
Video đang HOT
Thuần dưỡng thành công nhiều giống lan rừng
Qua thời gian gầy dựng, khu vườn lan rừng của ông Hồ Quốc Minh đã đầy đủ hơn với hơn 100 chủng loại lan rừng, trong đó có nhiều loại lan rừng quý hiếm, độc, lạ như: lan giả hạc, lan ngọc điểm, lan trầm, lan trúc mành, lan nghinh xuân, lan rừng sơn thủy tiên…
Theo ông Minh, để cây lan rừng phát triển tốt, ra hoa, tỏa hương người trồng phải xử lý nấm, khuẩn cho cây. Giá trị của mỗi giò lan rừng phụ thuộc vào độ quý hiếm và vẻ đẹp của hoa, nhất là những loại hoa lan rừng đột biến có giá trị cao gấp nhiều lần chủng loại bình thường.
Kế đến, người trồng lan rừng phải chú trọng đến dáng dấp của lan rừng để tạo nên giá trị, phải biết cách tạo chồi, gốc lạ mắt. Ngoài trồng, phải chú trọng tốt việc xử lý các giá thể trồng lan rừng như: than, xơ dừa, nước tưới, phân bón… tất cả đều phải phù hợp thì cây mới phát triển tốt.
“Trồng lan rừng cũng cần có niềm đam mê và tâm huyết. Điều quan trọng nhất khi trồng lan rừng là phải tìm hiểu về môi trường sống của từng loại. Mỗi loại lan rừng có đặc tính khác nhau, từ môi trường đến nhiệt độ thích nghi. Bên cạnh việc sưu tầm thì tôi cũng chú trọng khâu bảo tồn và nhân giống lan rừng để giữ được giá trị độc đáo của giống cây trồng đặc biệt này…”, ông Minh tâm sự.
“Mặc dù công việc bảo tồn và nhân giống lan rừng gặp nhiều khó khăn nhưng với mỗi giống lan rừng đều có sức sống mãnh liệt nên ông luôn thích thú. Khi thuần dưỡng thành công một giống lan rừng, trong tôi như có thêm hi vọng mới, niềm tin mới”, ông Minh thổ lộ.
Mỗi khi có khách đến tham quan vườn lan rừng, ông Minh luôn sẵn sàng giới thiệu và chia sẻ về đặc điểm của từng loại lan rừng. Đồng thời, nếu du khách có nhã ý trồng lan rừng, ông Minh cũng sẵn sàng chia sẻ lại từng giống với giá cả phù hợp.
Ông Minh sẽ tiếp tục mở rộng quy mô khu vườn lan rừng để giới thiệu đến du khách gần xa nhiều giống lan rừng độc lạ, đồng thời không ngừng săn tìm thêm nhiều giống lan rừng quý hiếm để đa dạng hóa bộ sưu tập hoa lan rừng của mình.
Theo Khánh Phan (Báo Đồng Tháp)
Bỏ nghề giáo viên, 8X Lai Châu về làm vườn lan "rậm như rừng"
Sau 11 năm gắn bó với nghề giáo viên, anh Hoàng Trọng Nghĩa (SN 1982) ở bản mới (xã San Thàng, thành phố Lai Châu, tỉnh Lai Châu) đã quyết định xin thôi việc, ở nhà chuyên tâm thực hiện niềm đam mê trồng, chăm sóc lan rừng. Từ niềm đam mê ấy, anh đã gây dựng được vườn lan rừng tiền tỷ ở mảnh đất cuối trời Tây Bắc.
Đến nhà anh Nghĩa, nhìn đâu cũng thấy lan. Lan chất đống trên sân, trong nhà, treo lủng lẳng trên giàn trước hiên nhà, trên sân thượng và phủ kín mảnh đồi rộng hơn 2.000m2, ở sau nhà.
Mở đầu câu chuyện với PV Báo điện tử DANVIET.VN, anh Nghĩa chia sẻ: "Trong gia đình tôi, người chơi lan lâu năm nhất là mẹ tôi. Mẹ tôi bắt đầu trồng lan rừng từ năm 1998. Khi đó tôi mới là cậu học sinh cấp 3, chưa biết tí tẹo gì về lan cả. Khi những giò lan treo trước hiên nhà bắt đầu nở hoa, khoe sắc, tôi mới bắt đầu để ý đến chúng. Học hỏi và làm theo mẹ mỗi khi rảnh rỗi, rồi tôi "nghiện" lan lúc nào cũng không hay. Không ít lần tôi trốn học, vào rừng tìm lan rừng đem về nhà trồng, chăm sóc".
Anh Nghĩa bên cạnh loài lan rừng Hoàng Thảo Tam Bảo sắc
Được biết, sau khi tốt nghiệp THPT, anh Nghĩa thi đỗ vào trường Cao đẳng Sư phạm Điện Biên (tỉnh Điện Biên). Trong thời gian này, anh Nghĩa vẫn không từ bỏ niềm đam mê lan rừng. Những lúc rảnh rỗi, anh lại giúp đỡ chị gái gây dựng vườn lan rừng ở thành phố Điện Biên Phủ.
Sau khi tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm Điện Biên (tỉnh Điện Biên), năm 2005, anh Nghĩa xin về dạy học tại trường THCS xã Thèn Sin (huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu). 5 năm sau, anh được điều chuyển về dạy tại trường THCS xã Bản Hon (huyện Tam Đường). Trong quá trình dạy học, ngoài thời gian ở trường, khi về nhà anh lại phụ giúp mẹ trồng, chăm sóc lan rừng và coi đó là nghề tay trái. Vườn lan của gia đình anh rộng dần theo năm tháng, số lượng lên đến 10.000 giò lan rừng các loại.
Trong vườn lan thu nhỏ của anh Nghĩa có một số loài lan đột biến có giá trị từ 100 triệu đồng - 300 triệu đồng/giò như: Lan Hoàng Thảo kèn trắng, Lan Phi Điệp hồng mắt đỏ...
Những tưởng sẽ đeo đuổi nghề giáo viên cho đến lúc nghỉ hưu, thế nhưng sau 11 năm đứng trên bục giảng, anh Nghĩa đã quyết định xin nghỉ việc để có thể toàn tâm, toàn ý cho công việc trồng, chăm sóc, kinh doanh lan rừng.
Qua câu chuyện với anh Nghĩa, PV Báo điện tử DANVIET.VN được biết: Ngoài học hỏi kỹ thuật trồng, chăm sóc lan rừng từ mẹ, anh Nghĩa còn tự mầy mò tìm hiểu về đặc tính của các loại lan rừng. Anh không ngừng sưu tầm, thu mua lan rừng về trồng, chăm sóc sau đó bán, trao đổi lại cho những người có cùng sở thích.
Theo chân anh Nghĩa ra thăm vườn lan phía sau nhà, chúng tôi không khỏi choáng ngợp trước hàng nghìn giò lan được treo lủng lẳng trên giàn, nhìn chẳng khác gì một rừng lan thu nhỏ.
Do từ thời cấp 3, anh Nghĩa đã cùng bạn bè lên núi đại ngàn hái lan rừng nên anh trèo từ giàn này sang giàn khác nhanh như khỉ, vượn leo trèo cây.
Vườn lan của anh Nghĩa được đầu tư khá bài bản. Thay vì sử dụng giàn làm bằng treo gỗ như trước đây, năm 2014, anh Nghĩa mạnh dạn đầu tư xây dựng khung giàn bằng sắt chắc chắn để treo lan rừng các loại. Để giảm bớt công tưới tắm, anh Nghĩa đầu tư hệ thống phun sương tự động phía trên những giò lan rừng. Cứ mỗi tuần, anh lại tưới mát cho vườn lan một lần vào buổi sáng.
Chia sẻ với phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN về kỹ thuật trồng, chăm sóc lan rừng, anh Nghĩa vui vẻ cho hay: "Tôi chủ yếu trồng lan rừng trên những giá thể: Gỗ, cây dương sỉ, chậu dớn.. Sau khi trồng, tôi dùng nước vôi trong phun vào từng giò lan để diệt trừ nấm khuẩn, đồng thời phun luôn thuốc kích rễ, để những nhánh lan rừng nhanh chóng mọc rễ trên giá thể. Tôi chăm sóc lan theo mùa và theo từng thời kì sinh trưởng phát triển của chúng".
Vườn lan của anh Nghĩa được đầu tư khá bài bản.
Cũng theo anh Nghĩa, tùy vào từng dòng lan khác nhau mà lựa chọn thời điểm trồng thích hợp, nếu trồng không đúng mùa, cây lan sẽ héo dần và chết. Anh Nghĩa sử dụng các loại phân bón: Đạm, lân, kali hòa với nước, sau đó phun trực tiếp vào rễ và thân cây lan. Tùy từng mùa mà anh cho lan "ăn" loại phân, liều lượng phù hợp.
Để lan rừng phát triển tốt, anh Nghĩa đầu tư hệ thống phun sương tự động cho từng giàn.
Cũng nhờ chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, vườn lan rừng nhà anh Nghĩa luôn sinh trưởng, phát triển tốt, nở hoa đều đặn. Cứ vào khoảng trung tuần tháng 3 hàng năm, vườn lan nhà anh đồng loạt nở hoa, khoe sắc, tỏa hương ngào ngạt. Nhiều du khách khi đến Lai Châu vào mùa này, thường tìm đến vườn lan nhà anh để được chiêm ngưỡng rừng hoa lan đua nở.
Trong vườn nhà anh Nghĩa hiện có khoảng 10.000 giò lan rừng các loại, trong đó có nhiều dòng quý hiếm như: Hoàng thảo kèn, Hoàng thảo kèn Lai Châu, Phi điệp Lai Châu, Sơn Thủy tiên... Tùy từng giò lan, dòng lan mà anh Nghĩa bán ra thị trường với mức giá khác nhau. Có giò chỉ vài trăm nghìn, nhưng cũng có giò giá bán lên đến cả trăm triệu đồng/giò.
Anh Nghĩa cho biết: Tôi bắt đầu thích lan rừng từ những năm học cấp 3. Thời đó, thỉnh thoảng tôi lại cùng bạn học người Mông, Thái lên rừng hái lan về chơi.
Khách mua lan của nhà anh Nghĩa ở nhiều địa phương khác nhau. Anh chủ yếu bán qua mạng xã hội. Mỗi năm bán ra thị trường cả nghìn giò lan các loại, anh Nghĩa thu cả tỷ đồng. Trừ chi phí, mỗi năm anh Nghĩa cũng lãi khoảng 500 triệu đồng từ bán lan cho khách.
Theo Danviet
Vườn lan rừng "khủng" của 9X Quảng Nam, có 10.000 giò giả hạc Năm 2016, sau khi xuất ngũ về lại quê hương, anh Huỳnh Đức Tài (SN 1995, ở thôn 3, xã Tiên Mỹ, huyện Tiên Phước, Quảng Nam) đã chọn mô hình trồng lan rừng làm hướng vừa thỏa đam mê vừa làm kinh tế. Với niềm đam mê lan rừng từ nhỏ, cùng với sự đầu tư bài bản, khu vườn trồng lan...