Vườn lan rừng “khủng” của 9X Quảng Nam, có 10.000 giò giả hạc
Năm 2016, sau khi xuất ngũ về lại quê hương, anh Huỳnh Đức Tài (SN 1995, ở thôn 3, xã Tiên Mỹ, huyện Tiên Phước, Quảng Nam) đã chọn mô hình trồng lan rừng làm hướng vừa thỏa đam mê vừa làm kinh tế.
Với niềm đam mê lan rừng từ nhỏ, cùng với sự đầu tư bài bản, khu vườn trồng lan rừng của anh Tài đã đem lại thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm.
Thú đam mê lan rừng
Trò chuyện cùng phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN, anh Tài cho biết, tình cờ trong một chuyến đi thăm lại đồng đội cũ tại Gia Lai, anh bắt gặp các chàng trai, cô gái gùi những nhánh lan rừng trên vai để đi bán, thấy đẹp nên anh Tài đã mua về trồng thử, anh rất hứng thú và có ý tưởng tạo ra một vườn lan rừng.
Vườn lan rừng của anh Huỳnh Đức Tài ở xã Tiên Mỹ, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam). Ảnh: CTV.
Ban đầu, anh Tài chỉ ý định mang lan rừng về chơi như một thú vui và đam mê, chăm sóc để ra hoa cho đẹp, làm cảnh nhưng sau khi trồng được một thời gian, vừa làm vừa học hỏi kinh nghiệm trồng lan rừng thì những nhánh lan rừng phát triển tốt, đã khích lệ cho anh tiếp tục nhân giống mở rộng vườn.
Mô hình trồng lan rừng của anh Huỳnh Đức Tài bước đầu cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: CTV.
Thấy những nhánh lan rừng cho hoa đẹp, anh Tài đã chụp thành quả của mình đăng trên trang Facebook cá nhân chỉ để khoe hoa và mời bạn bè ngắm, nhưng lại được cộng đồng mạng quan tâm. Từ đó, tình yêu lan rừng đã bén duyên với chàng trai trẻ, anh quyết định tìm hiểu một số loại lan rừng thích hợp với khí hậu của địa phương để trồng cũng như học hỏi kỹ thuật nuôi cấy lan cho hiệu quả.
Ngoài việc làm kinh tế giỏi, anh Tài còn giải quyết hàng chục lao động cho địa phương, với mức lương từ 4-5 triệu đồng/tháng. Ảnh: CTV.
Ban đầu do vốn ít nên anh Tài chỉ đầu tư hai loại là quế lan hương rừng Quảng Nam và kiều hồng Quảng Nam. Mua đi bán lại một thời gian ngắn anh Tài đã có trong tay một số vốn. Nhận thấy lợi nhuận từ cây lan phi điệp khá cao lại dễ nhân giống nên anh Tài đã mạnh dạn đầu tư theo hướng có quy mô vườn 2 tầng với tổng diện tích mặt bằng trên 1.000m2.
Tầng trên nhiều nắng gió nên anh Tài trồng 10.000 giò lan phi điệp hay còn gọi là giả hạc. Các loại lan phi điệp-lan giả hạc đang được ưa chuộng hiện nay và được giới sành chơi lan mua với giá trị hàng trăm triệu đồng. Tầng dưới anh trồng làn rừng kiếm tiên vũ Quảng Nam và các loại lan rừng khác như nghinh xuân, lan trầm, hạc vỹ…
Với niềm đam mê lan rừng từ nhỏ, cùng với sự đầu tư bài bản, khu vườn trồng lan rừng của anh Tài đã đem lại thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm. Ảnh: CTV.
Video đang HOT
Tính đến nay, vườn lan rừng anh Tài có hơn 20 chủng loại lan rừng khác nhau, tiêu biểu như: phi điệp lá phát tài, phi điệp 5 cánh trắng, quế lan hương rừng Quảng Nam và kiều hồng Quảng Nam… được anh đặc biệt quan tâm. “Điều làm cho các loại lan có giá trị chính là vì màu sắc đẹp, lạ, cấu trúc bông chặt chẽ, hương thơm nồng nàn…”, anh Tài lý giải với phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN.
Có lẽ như một sự tình cờ mà lại hữu duyên, anh Tài đã dấn thân vào công việc trồng, kinh doanh các loại lan rừng và tự làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình ngay khi tuổi đời còn khá trẻ.
Làm giàu từ lan rừng
Anh Tài cho biết, các giống lan rừng được anh tìm kiếm, sưu tầm, trao đổi, mua ở nhiều nơi, được chăm sóc tỉ mỉ mỗi ngày với kỹ thuật hiện đại. Anh không ngừng học hỏi những kiến thức, kỹ thuật trồng lan rừng, không ngừng trao đổi kinh nghiệm trồng lan rừng với anh, em, bạn bè trong giới chơi lan, trồng lan rừng…
Hiên nay, vườn lan rừng của anh Tài có hơn 20 chủng loại lan rừng khác nhau, tiêu biểu như: phi điệp lá phát tài, phi điệp 5 cánh trắng (giả hạc 5 cánh trắng), quế lan hương rừng Quảng Nam và kiều hồng Quảng Nam…Ảnh: CTV.
“Để trồng và chăm sóc cho cây lan rừng phát triển, hạn chế nhiễm bệnh thì đòi hỏi phải kiên trì tìm tòi học hỏi, nhất là khi nhân giống cây thì phải có kiến thức chuyên sâu, và điều quan trọng là chọn giống lan rừng phải phù hợp với khí hậu. Nhiều người cứ lầm tưởng cứ tưới nhiều, bón phân đạm nhiều là tốt nhưng tưới nhiều cây dễ úng, chết ngạt, thúi rễ,…”, anh Tài chia sẻ về kinh nghiệm trồng lan rừng.
Sau nhiều năm chăm sóc, phát triển vườn lan rừng, đến nay khu vườn lan rừng của anh đã đem lại hiệu quả kinh tế cao và dần dần khẳng định thương hiệu của mình trên chính mảnh đất quê hương Tiên Mỹ (Tiên Phước, Quảng Nam).
Những nhánh lan rừng ra hoa anh Tài thường chụp và đăng trên Facebook cá nhân của mình, khách hỏi mua thì anh bán. Doanh thu năm 2019, anh Tài bán lan rừng qua Facebook và qua các kênh khác là trên 5 tỷ đồng.
Đến nay, quy mô vườn lan rừng 2 tầng của anh Tài có diện tích hơn 1.000m2, hơn 20 loại lan rừng với nhiều màu sắc khác nhau. Ảnh: CTV.
Hiện nay anh Tài đã đăng ký kênh Youtube “vườn lan rừng” với hơn 12 nghìn lượt xem, qua kênh anh Tài đã hướng dẫn cách trồng lan, cách làm giá thể, cách chăm sóc… các loại hoa lan cho những người đam mê lan trên khắp mọi miền đất nước. Ngoài ra, anh Tài còn tạo công ăn việc làm cho 10 lao động tại điạ phương với thu nhập trung bình 4-5 triệu đồng/người/tháng.
Thời gian tới, anh Tài dự định phát triển, mở rộng vườn lan theo hướng cafe kết hợp tham quan du lịch. Ảnh: CTV.
Hiện nay, hàng ngày vườn lan rừng của anh Tài đã thu hút hàng trăm lượt khách đến thăm về mô hình vườn và học hỏi kinh nghiệm trồng lan rừng, đây cũng là điểm để du khách đến check-in.
Trong tương lai, anh Tài dự định phát triển, mở rộng vườn lan rừng theo hướng cafe kết hợp tham quan du lịch trãi nghiệm nghề trồng lan. Đây sẽ là sân chơi cho những người có cùng đam mê trồng lan đến giao lưu, học hỏi và là cơ hội để từ đó tìm kiếm nguồn khách hàng.
Sự nỗ lực của anh Tài thời gian qua đã minh chứng cho những thành quả mà anh xứng đáng nhận được hôm nay. Ảnh: CTV.
Sự nỗ lực của anh Tài thời gian qua đã minh chứng cho những thành quả mà anh xứng đáng nhận được hôm nay. Khởi nghiệp từ mô hình cây cảnh không còn là đề tài xa lạ với mọi người, nhưng với một người trẻ như anh Tài thì đây là công việc không hề dễ dàng, cần lắm sự kiên nhẫn, quyết tâm cùng nhiệt huyết của tuổi trẻ.
Theo Danviet
Bỏ nghề giáo viên, 8X Lai Châu về làm vườn lan "rậm như rừng"
Sau 11 năm gắn bó với nghề giáo viên, anh Hoàng Trọng Nghĩa (SN 1982) ở bản mới (xã San Thàng, thành phố Lai Châu, tỉnh Lai Châu) đã quyết định xin thôi việc, ở nhà chuyên tâm thực hiện niềm đam mê trồng, chăm sóc lan rừng. Từ niềm đam mê ấy, anh đã gây dựng được vườn lan rừng tiền tỷ ở mảnh đất cuối trời Tây Bắc.
Đến nhà anh Nghĩa, nhìn đâu cũng thấy lan. Lan chất đống trên sân, trong nhà, treo lủng lẳng trên giàn trước hiên nhà, trên sân thượng và phủ kín mảnh đồi rộng hơn 2.000m2, ở sau nhà.
Mở đầu câu chuyện với PV Báo điện tử DANVIET.VN, anh Nghĩa chia sẻ: "Trong gia đình tôi, người chơi lan lâu năm nhất là mẹ tôi. Mẹ tôi bắt đầu trồng lan rừng từ năm 1998. Khi đó tôi mới là cậu học sinh cấp 3, chưa biết tí tẹo gì về lan cả. Khi những giò lan treo trước hiên nhà bắt đầu nở hoa, khoe sắc, tôi mới bắt đầu để ý đến chúng. Học hỏi và làm theo mẹ mỗi khi rảnh rỗi, rồi tôi "nghiện" lan lúc nào cũng không hay. Không ít lần tôi trốn học, vào rừng tìm lan rừng đem về nhà trồng, chăm sóc".
Anh Nghĩa bên cạnh loài lan rừng Hoàng Thảo Tam Bảo sắc
Được biết, sau khi tốt nghiệp THPT, anh Nghĩa thi đỗ vào trường Cao đẳng Sư phạm Điện Biên (tỉnh Điện Biên). Trong thời gian này, anh Nghĩa vẫn không từ bỏ niềm đam mê lan rừng. Những lúc rảnh rỗi, anh lại giúp đỡ chị gái gây dựng vườn lan rừng ở thành phố Điện Biên Phủ.
Sau khi tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm Điện Biên (tỉnh Điện Biên), năm 2005, anh Nghĩa xin về dạy học tại trường THCS xã Thèn Sin (huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu). 5 năm sau, anh được điều chuyển về dạy tại trường THCS xã Bản Hon (huyện Tam Đường). Trong quá trình dạy học, ngoài thời gian ở trường, khi về nhà anh lại phụ giúp mẹ trồng, chăm sóc lan rừng và coi đó là nghề tay trái. Vườn lan của gia đình anh rộng dần theo năm tháng, số lượng lên đến 10.000 giò lan rừng các loại.
Trong vườn lan thu nhỏ của anh Nghĩa có một số loài lan đột biến có giá trị từ 100 triệu đồng - 300 triệu đồng/giò như: Lan Hoàng Thảo kèn trắng, Lan Phi Điệp hồng mắt đỏ...
Những tưởng sẽ đeo đuổi nghề giáo viên cho đến lúc nghỉ hưu, thế nhưng sau 11 năm đứng trên bục giảng, anh Nghĩa đã quyết định xin nghỉ việc để có thể toàn tâm, toàn ý cho công việc trồng, chăm sóc, kinh doanh lan rừng.
Qua câu chuyện với anh Nghĩa, PV Báo điện tử DANVIET.VN được biết: Ngoài học hỏi kỹ thuật trồng, chăm sóc lan rừng từ mẹ, anh Nghĩa còn tự mầy mò tìm hiểu về đặc tính của các loại lan rừng. Anh không ngừng sưu tầm, thu mua lan rừng về trồng, chăm sóc sau đó bán, trao đổi lại cho những người có cùng sở thích.
Theo chân anh Nghĩa ra thăm vườn lan phía sau nhà, chúng tôi không khỏi choáng ngợp trước hàng nghìn giò lan được treo lủng lẳng trên giàn, nhìn chẳng khác gì một rừng lan thu nhỏ.
Do từ thời cấp 3, anh Nghĩa đã cùng bạn bè lên núi đại ngàn hái lan rừng nên anh trèo từ giàn này sang giàn khác nhanh như khỉ, vượn leo trèo cây.
Vườn lan của anh Nghĩa được đầu tư khá bài bản. Thay vì sử dụng giàn làm bằng treo gỗ như trước đây, năm 2014, anh Nghĩa mạnh dạn đầu tư xây dựng khung giàn bằng sắt chắc chắn để treo lan rừng các loại. Để giảm bớt công tưới tắm, anh Nghĩa đầu tư hệ thống phun sương tự động phía trên những giò lan rừng. Cứ mỗi tuần, anh lại tưới mát cho vườn lan một lần vào buổi sáng.
Chia sẻ với phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN về kỹ thuật trồng, chăm sóc lan rừng, anh Nghĩa vui vẻ cho hay: "Tôi chủ yếu trồng lan rừng trên những giá thể: Gỗ, cây dương sỉ, chậu dớn.. Sau khi trồng, tôi dùng nước vôi trong phun vào từng giò lan để diệt trừ nấm khuẩn, đồng thời phun luôn thuốc kích rễ, để những nhánh lan rừng nhanh chóng mọc rễ trên giá thể. Tôi chăm sóc lan theo mùa và theo từng thời kì sinh trưởng phát triển của chúng".
Vườn lan của anh Nghĩa được đầu tư khá bài bản.
Cũng theo anh Nghĩa, tùy vào từng dòng lan khác nhau mà lựa chọn thời điểm trồng thích hợp, nếu trồng không đúng mùa, cây lan sẽ héo dần và chết. Anh Nghĩa sử dụng các loại phân bón: Đạm, lân, kali hòa với nước, sau đó phun trực tiếp vào rễ và thân cây lan. Tùy từng mùa mà anh cho lan "ăn" loại phân, liều lượng phù hợp.
Để lan rừng phát triển tốt, anh Nghĩa đầu tư hệ thống phun sương tự động cho từng giàn.
Cũng nhờ chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, vườn lan rừng nhà anh Nghĩa luôn sinh trưởng, phát triển tốt, nở hoa đều đặn. Cứ vào khoảng trung tuần tháng 3 hàng năm, vườn lan nhà anh đồng loạt nở hoa, khoe sắc, tỏa hương ngào ngạt. Nhiều du khách khi đến Lai Châu vào mùa này, thường tìm đến vườn lan nhà anh để được chiêm ngưỡng rừng hoa lan đua nở.
Trong vườn nhà anh Nghĩa hiện có khoảng 10.000 giò lan rừng các loại, trong đó có nhiều dòng quý hiếm như: Hoàng thảo kèn, Hoàng thảo kèn Lai Châu, Phi điệp Lai Châu, Sơn Thủy tiên... Tùy từng giò lan, dòng lan mà anh Nghĩa bán ra thị trường với mức giá khác nhau. Có giò chỉ vài trăm nghìn, nhưng cũng có giò giá bán lên đến cả trăm triệu đồng/giò.
Anh Nghĩa cho biết: Tôi bắt đầu thích lan rừng từ những năm học cấp 3. Thời đó, thỉnh thoảng tôi lại cùng bạn học người Mông, Thái lên rừng hái lan về chơi.
Khách mua lan của nhà anh Nghĩa ở nhiều địa phương khác nhau. Anh chủ yếu bán qua mạng xã hội. Mỗi năm bán ra thị trường cả nghìn giò lan các loại, anh Nghĩa thu cả tỷ đồng. Trừ chi phí, mỗi năm anh Nghĩa cũng lãi khoảng 500 triệu đồng từ bán lan cho khách.
Theo Danviet
Quảng Nam: Bắt được lươn màu vàng vện như lông hổ Những ngày này, người dân ở Phú Ninh, Quảng Nam đã ngỡ ngàng với con lươn màu vàng có đốm đen chen lẫn nhau giống như lông hổ trông rất kỳ lạ. Ngày 6/2, phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN trao đổi với chủ nhân con "lươn vàng" là ông Phạm Văn Thảo (44 tuổi, trú thị trấn Phú Thịnh, huyện Phú Ninh,...