Vườn địa đàng lưng núi Pù Bin
Sau một đêm không ngủ, lái xe trên những con đường hẹp vắt ngang lưng núi, dưới bầu trời đan đầy những ánh sao và mảnh trăng thượng tuần trắng bạc, chúng tôi đã lạc bước tới nơi đây – Vườn địa đàng lưng núi Pù Bin (Mai Châu – Hòa Bình).
Nếp nhà sàn, rừng trúc, cảnh vật hoang sơ nhưng níu bước chân du khách
Đây có lẽ là chuyến đi “đột xuất” và đáng nhớ khi mà chúng tôi chẳng kịp mang theo máy ảnh chuyên dụng, một chuyến đi kéo dài vỏn vẹn 15 tiếng trong đó có tới 6 tiếng xe chạy xuyên màn đêm dày đặc sương mờ, rong ruổi trên những con đường vắng bóng người qua lại. Phía trước chúng tôi là một điểm đến không hẹn trước, nơi có những xóm-bản vẫn còn giữ lại những mái gỗ thâm đen bóng loáng. Và ở phía cuối chặng đường là khung cảnh choáng ngợp nhưng cũng bình dị vô cùng.
Trên đường từ Mộc Châu trở về Hà Nội, nơi lưng chừng đèo Thung Khe mù sương có một ngã rẽ hướng đi Pù Bin gợi bao tò mò cho trái tim mê khám phá những miền đất lạ của chúng tôi. Tách ra khỏi đường dẫn lên đỉnh đèo Thung Khe, chúng tôi tiến vào con đường nhỏ theo hướng biển chỉ đường. Trên suốt chặng đường ấy, họa hoằn lắm mới bắt gặp một chiếc xe máy đi xuôi chiều, cảnh vật vẫn còn đầy vẻ hoang sơ và thanh tịnh. Những con dốc heo hút, những khúc cua gấp cứ trôi dần về phía sau bánh xe của chúng tôi và mở ra những màu xanh ngút của núi rừng. Đi được chừng nửa đường, một khu vườn đá thấp thoáng hiện ra sau những khóm cây dại chen lẫn với ruộng ngô. Chúng tôi thoáng chút ngỡ ngàng bởi thứ cảm giác như đang đi giữa cao nguyên đá Đồng Văn, khác chăng chỉ là nơi đây không có tiếng khèn Mông giữa lưng trời mà thay vào là tiếng mõ trâu đang vang vọng giữa thung lũng trù phú. Phải mất tới hơn một giờ chúng tôi mới đi hết con đường dài vẻn vẹn 17km ấy, trở ngại không nằm ở đường đi khó, cũng không phải núi non hiểm trở mà bởi cảnh đẹp say lòng người cứ níu bước chân. Đặc biệt là rừng tre xanh ngút đầy huyền hoặc nơi cuối con đường.
Video đang HOT
Toàn cảnh Mai Châu nhìn từ Pù Bin
Ở nơi điểm cuối của con đường, một con đường ngầu đỏ vắt qua những triền núi ẩn hiện đã lôi cuốn chúng tôi. Loay hoay hỏi đường mới biết đó là đường lên Xóm Hiềng, “chỗ ấy đường khó đi lắm”, một người dân đã cảnh báo chúng tôi như vậy. Quả nhiên vậy, từ ngã rẽ Pù Bin – Hiềng, con đường nhựa mảnh mai tựa dải lụa đã không còn nữa mà chỉ toàn những gập ghềnh đất-đá ngầu lên bụi đỏ. Những sống trâu khổng lồ, ổ voi ngập nước xuất hiện dày đặc thử tài tay lái. Một bên là vách núi một bên là thung lũng với những hàng rào tre hiện lên trên nền cỏ xanh mướt gợi lên một vẻ đẹp mê hoặc, hẳn là vào mùa xuân hoa mận, hoa mai sẽ phủ trắng nơi đây. Trên đỉnh Xóm Hiềng, toàn cảnh của núi rừng Mai Châu lọt cả vào trong tầm mắt. Trên triền núi xanh màu cỏ, dưới cái nắng vàng dịu và bầu không khí mát lạnh, đàn bò nhà ai đang nhởn nhơ gặm cỏ, và đâu đó tiếng sáo mục đồng đang vang vẳng giữa thinh không. Những gian nan, mệt nhọc của chặng đường như đã chìm cả vào buổi trưa êm ả ấy.
Tuấn Linh
Theo ANTD
Đi trên đường 20 Quyết Thắng
Đường 20 Quyết Thắng. Mới chỉ nghe qua, người nghe không khỏi tò mò bởi cái tên đường có phần kỳ lạ và dữ dội, cũng bởi mỗi mét trên con đường này là mỗi mét xương máu của chiến tranh.
Ngã ba Trạ Ang trên đường 20 Quyết Thắng
Đường 20 - Quyết Thắng bắt đầu từ bản làng Phong Nha xinh đẹp, bên dòng sông Son xanh thẫm một màu rừng núi Trường Sơn. Trải hết chiều dài 123km cắt ngang khu bảo tồn thiên nhiên rừng quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng rồi đi sang nước bạn Lào và dừng lại ở ngã ba Lùm Phùm thuộc tỉnh Khăm Muộn, Lào, đường 20 - Quyết Thắng là tuyến giao thông mang tầm chiến lược trong việc vận tải của đường mòn Hồ Chí Minh lịch sử. Binh đoàn 559, đơn vị xây dựng đã đặt cho con đường cái tên 20 bởi lẽ bộ đội, TNXP, công nhân và dân công ba sẵn sàng đã tham gia mở, xây dựng và bảo vệ con đường này hầu hết đều ở lứa tuổi 20. Đây là con đường huyết mạch phá thế độc đạo, nối đông Trường Sơn với tây Trường Sơn, giành thế chủ động thắng lợi trên mặt trận giao thông - vận tải nên còn có tên gọi: Đường 20 - Quyết Thắng. Cũng bởi vị trí quan trọng mang tầm lịch sử như vậy mà trong suốt thời kỳ chiến tranh chống Mỹ, cứ mỗi mét đường là mỗi mét máu xương của những tuổi 20 mãi mãi nằm lại nơi đây...
Ngày nay, đi trên đường 20 Quyết Thắng, xen lẫn màu xanh bạt ngàn của núi rừng Trường Sơn, xen lẫn những danh thắng đã trở thành di sản như Phong Nha Kẻ Bàng, động Thiên Đường... thì vẫn còn đó những dấu ấn, di tích chiến tranh, những địa danh lịch sử từng ghi dấu ấn oai hùng...
Di tích hang Tám Cô
Hang Tám Cô nằm trên km16 của con đường 20 Quyết Thắng huyền thoại ấy, một phần của đường Trường Sơn lịch sử, nơi bom đạn Mỹ đánh phá ngày đêm nhằm chặt đứt sự chi viện của miền Bắc cho miền Nam và cũng là nơi lực lượng TNXP đổ máu để giữ cho tuyến đường thông suốt. Ngày 14-11-1972, trước cửa hang Tám Cô, tám anh chị TNXP đang san lấp hố bom để thông đường thì máy bay Mỹ ập đến. Họ vội chạy vào hang để tránh bom. Mỹ đánh bom làm sập cửa hang. Cả tám anh chị đều là người huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa, cùng lứa tuổi từ 20-25, cùng nhập ngũ ngày 20-6-1971 vào Đại đội thanh niên xung phong 163 đã anh dũng hy sinh. Cái chết bi hùng của các anh, các chị đã làm xúc động lòng người, nhất là đối với lứa tuổi thanh niên. Đồng đội đã dựng bia khắc tên các anh các chị bên một hang đá. Hiện nay, tại khu di tích Hang Tám Cô, miếu thờ tám cô tại đây vẫn còn ghi lại những dấu ấn năm xưa chưa hề phai nhạt, dấu ấn về một lịch sử oai hùng.
Rồi những ngã ba Trạ Ang, ngầm Ta Lê, đèo Pu-La-Nhích, cua chữ A... và còn nhiều nữa những địa danh như thế, mỗi mét đường là mỗi mét xương máu hi sinh để giữ lại trên con đường 20 Quyết Thắng một màu xanh thẳm của núi rừng, của Trường Sơn, của những con người lứa tuổi 20 bất tử.
Vũ Thanh
Theo ANTD
Mùa cải nương trên triền núi Ánh nắng chiều chênh chếch trên đỉnh núi, nắng vàng tựa mật ong mang theo cái hanh hao của mùa thu về đỉnh núi của người Tày, người Mông tự bao giờ. Triền núi vàng hơn, cái vàng được nhuộm sắc của bạt ngàn hoa cải - thứ thân quen của đồng bào trên núi từ bao đời. Mỗi năm chỉ một mùa...