Vườn cam hàng tỷ đồng trên núi Trà Sơn của người đàn bà “to gan”
Một thời, nhắc đến vùng đất Trà Sơn ( xã Thượng Lộc, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh) là nhắc đến khó khăn, đói nghèo. Thế nhưng, “gió đã xoay chiều” khi có một nữ nông dân tiên phong làm kinh tế mới ở vùng đất “khỉ ho cò gáy” này. Sau hàng chục năm gây dựng, đến nay bà Phan Thị Hiền đã có một cơ ngơi bạc tỷ mà ai cũng phải ngưỡng mộ.
Hồi sinh vùng “đất chết”
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông, đến khi lập gia đình, bà Phan Thị Hiền (xóm Anh Hùng, xã Thượng Lộc, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh) luôn trăn trở làm thế nào để kinh tế đi lên, tạo điều kiện cho các con ăn học.
Ngoài trồng cam thương phẩm, bà Phan Thị Hiền còn ươm giống cam sẵn sàng chuyển giao giống, công nghệ cho những người muốn làm giàu. Ảnh: Q.N
Vào những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, bà Hiền cùng 8 hộ dân khác trong và ngoài xã (thường gọi là vùng 9 hộ) xung phong lên vùng núi cao của xã Thượng Lộc để phát triển kinh tế.
Là một trong những người tiên phong lên làm kinh tế ở vùng đất sỏi đá này, sau hàng chục năm gây dựng, đến nay bà đã đứng ra thành lập Hợp tác xã (HTX) Kinh doanh dịch vụ cây ăn quả Thanh Hiền. Từ khi ra đời, HTX không những làm giàu cho chính gia đình bà mà còn đem lại cuộc sống sung túc cho nhiều thành viên.
Nhớ lại quãng thời gian đầu lên vùng đất chỉ nghe tên thôi đã thấy rùng mình, bà Hiền tâm sự: Vợ chồng bà vốn là công nhân ngành cao su Hà Tĩnh. Sau khi được chính quyền địa phương khuyến khích lên vùng núi hoang Trà Sơn làm kinh tế, vợ chồng bà thêm quyết tâm. Nhưng khi lên, nhìn địa hình của khu vực này, vợ chồng bà đã muốn bỏ cuộc vì 4 bề chỉ có núi và cỏ cây hoang dại, đất đai khô cằn.
“Thời gian đầu, cả nhà tôi ai cũng sợ. Những năm 90 đây là vùng núi hoang sơ, hẻo lánh, có nhiều thú hoang như lợn rừng, voi rừng thường xuyên xuất hiện phá vườn. Dân cư thưa thớt, không điện, không sóng điện thoại…, buồn chán nhiều lúc muốn bỏ về xuôi. Song vợ chồng ngày đêm động viên nhau ở lại, cố gắng làm lụng… Bà con dưới quê nghe chuyện, ai cũng bảo vợ chồng tôi “to gan” mới dám ở lại cái xứ đồng rừng hoang vắng và nguy hiểm đó” – bà Hiền kể.
Theo bà Hiền, thời điểm bà cùng gia đình lên núi Trà Sơn lập nghiệp may có Nghị định 327 của Chính phủ về chính sách đối với vùng sâu, vùng xa, được Nhà nước hỗ trợ các loại cây giống như cam, chanh, bưởi, bà Hiền cùng các gia đình ở vùng Thượng Can (vùng núi của huyện Can Lộc) bắt đầu trồng các loại cây ăn quả. Thế nhưng, những năm đầu việc này không mấy hiệu quả vì cây giống, phân bón không đảm bảo chất lượng, kỹ thuật trồng trọt chủ yếu tự mày mò, bà con chưa có kinh nghiệm.
Video đang HOT
Sau 5 năm thử nghiệm, “sàng lọc” một số loại cây ăn quả được nhà nước cấp, bà Hiền nhận thấy giống cây cam chanh rất phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng ở đây và đem lại thu nhập cao. Vậy là gia đình bà đã mạnh dạn phá bỏ các loại cây ăn quả khác và chú trọng mở rộng quy mô diện tích trồng cây cam chanh. Khi chọn được cây chủ lực, vợ chồng bà không quản ngày đêm đào đất, lật cỏ, biến vùng đồi núi hoang vu thành trang trại.
“Để có được thành quả như hôm nay, vợ chồng tôi đã phải mất hàng chục năm mày mò, thành công có, thất bại cũng không ít. Điều khiến tôi ngạc nhiên nhất lại là nhiều loại giống cây tưởng như bỏ đi lại thích hợp với vùng đất Thượng Lộc này, đây là một thành công ngoài sức tưởng tượng” – bà Hiền chia sẻ.
Sau hơn chục năm “nếm mật nằm gai” trên vùng đất “chó ăn đá, gà ăn sỏi”, đến nay gia đình bà Hiền đã sở hữu 2,7ha diện tích đất trồng cam theo tiêu chuẩn VietGAP. Doanh thu từ bán cam hàng năm hơn 1 tỷ đồng, nhờ đó đời sống vật chất, tinh thần của gia đình ngày càng phát triển. Đồng thời, trang trại của gia đình bà giải quyết việc làm thường xuyên cho 3 – 5 lao động với mức lương bình quân từ 5 – 6 triệu đồng/tháng. Tới năm 2016, bà Hiền mạnh dạn đầu tư xưởng chế biến gỗ lâm nghiệp với vốn đầu tư hơn 20 tỷ đồng, giải quyết việc làm thường xuyên cho hơn 20 lao động với mức thu nhập hàng tháng hơn 10 triệu đồng mỗi người.
“Phải giúp người khác giàu như mình”
Không chỉ đảm đang với vai trò một người vợ, người mẹ, bà chủ trang trại cam nức tiếng ở xứ Trà Sơn – bà Phan Thị Hiền còn khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của mình trong các phong trào ở địa phương. Người đang sở hữu một khối tài sản khiến nhiều người mơ ước ấy vẫn luôn tự nhắc nhở bản thân “mình giàu rồi thì phải giúp người khác giàu hơn mình”. Dù ngày mưa hay nắng, không quản ngại khó khăn, hễ ai cần đến bà tư vấn, chuyển giao kỹ thuật làm vườn là bà luôn sẵn sàng.
Hiện trang trại của bà Hiền không chỉ trồng cam mà còn ươm cây giống, bà sẵn sàng hỗ trợ cây giống cho những người muốn làm giàu từ trang trại, đặc biệt bà hỗ trợ giống, kỹ thuật trồng cho những hộ nghèo mà không lấy tiền vốn.
“Trong những lần tôi đi chuyển giao kỹ thuật trồng cây cam, tôi nhớ nhất là trường hợp của bà Nguyễn Thị Thu ở xã Mỹ Lộc (huyện Can Lộc). Gia đình bà Thu có một trang trại rất rộng, trồng đủ các loại cây như chanh; chuối; bưởi… Lần đầu tiên tôi lên thăm trang trại của bà Thu, bà than vãn vườn thì rộng, trồng đủ loại cây mà vẫn không đem lại hiệu quả kinh tế. Sau một hồi loay hoay trong trang trại của bà Thu, tôi bảo bà chặt bỏ hết các loại cây trên vườn để chuyển sang trồng cam. Mới đầu bà không đồng ý, tôi phải thuyết phục mãi bà mới chặt bỏ. Đến nay, sau một thời gian trồng cam, trang trại của gia đình bà Thu đã mang lại hiệu qua kinh tế cao” – bà Hiền chia sẻ.
Theo Danviet
Mất 14 tấn lợn vì dịch tả, lão nông có thu từ 5.000 vịt trời
"Tôi thấy nhiều người cứ làm trang trại rồi đi khoe mình là triệu, tỷ phú nhưng tôi lại khác, không thích khoe khoang và các danh hiệu tự xưng mà tôi thích thực chất, bền vững và thích để mọi người tự đánh giá, ghi nhận mình hơn" - đó là tâm sự của ông Phạm Văn Miền - một chủ trang trại đa canh nổi tiếng đất xã Yên Mạc, huyện Yên Mô (tỉnh Ninh Bình).
Nhờ thành tích nổi bật của mình trong sản xuất nông nghiệp, nhất là lĩnh vực chăn nuôi và đóng góp xây dựng quê hương, ông Phạm Văn Miền đã được Hội đồng chung khảo bình chọn là 1 trong 63 gương mặt nhà nông của cả nước nhận danh hiệu "Nông dân Việt Nam xuất sắc 2019".
Bí quyết đa canh độc đáo
Là chỗ quen thân nên tôi và vị chủ trang trại này thường xuyên liên lạc với nhau để trò chuyện, chia sẻ về các kỹ thuật trồng trọt và chăn nuôi. Khi nói về mình, ông Miền thường rất khiêm tốn và giản dị.
Hiện ông Miền đang có thu nhập cao nhờ nuôi và kinh doanh vịt trời. Ảnh: Hải Đăng
Ngoài đức tính ấy, ông Miền còn được mọi người đánh giá là một lão nông rất đa tài và khá "liều". Đa tài thể hiện ở việc nhân nuôi và phát triển thành công nhiều con vật nuôi mới cho hiệu quả kinh tế rất cao.
Lý giải việc làm của mình, ông Miền cho rằng, thế mạnh của việc chăn nuôi nhiều loại vật nuôi sẽ giúp tận dụng hết nguồn thức ăn, tạo cho thu nhập đa dạng và ít gặp thất bại hơn việc chăn nuôi 1 loại con. Ví như việc nuôi vịt trời trên mặt ao, khi đổ cám, rau cho vịt trời ăn mà vịt ăn không hết, cá sẽ ăn phần thừa còn lại, đảm bảo không bị lãng phí và ô nhiễm môi trường, lại tăng được thu nhập đáng kể.
Mới đây trang trại của ông Miền bị dịch tả lợn châu Phi tấn công và gây thiệt hại trên 14 tấn lợn, gồm lợn đực, nái và lợn thịt thương phẩm. Tuy nhiên, vợ chồng ông vẫn bình tĩnh tiếp tục lao động, sản xuất. Bởi lẽ, không có lợn, gia đình ông vẫn còn các con nuôi khác "kéo" lại.
Tỷ phú nông dân
Nhìn trang trại tổng hợp của vợ chồng ông Miền ngày nay, ít ai biết được rằng trước kia nơi này là vùng ruộng trũng, đất đai bạc màu, chẳng ai muốn làm... Ông Miền kể, năm 2003, khi Nông trường chè Tam Điệp thực hiện dự án nuôi bò sữa, được sự giới thiệu của bạn bè, ông quyết định đầu tư nuôi bò sữa để cung cấp một phần sữa cho nông trường chè.
Ông Phạm Văn Miền chăm sóc đàn gà Đông Tảo.
Để có diện tích nuôi bò, ông Miền đã xin thuê đất của xã làm trang trại và được địa phương chấp thuận cho thuê hơn 3ha đất ở khu vực xóm 4 ven đê sông Bút. Thời điểm nhận đất, ai cũng ái ngại cho ông vì phần lớn diện tích là trũng và chua nặng, cấy lúa kém hiệu quả. "Nhưng trong khó khăn, vợ chồng tôi luôn động viên nhau và phải cố gắng, nỗ lực hết mình. Thế rồi những con bò sữa đầu tiên cũng được vợ chồng tôi bắt về nuôi" - ông Miền kể.
Nhưng, "niềm vui ngắn chẳng tày gang", con bò sữa cũng chẳng thể nào trụ lại với trang trại của ông Miền khi Dự án chăn nuôi bò sữa của Nông trường chè Tam Điệp phá sản mà sản lượng sữa bò của gia đình thì vượt quá nhu cầu của thị trường.
Trước khó khăn đó, với quyết tâm bám trụ trang trại, vợ chồng ông Miền quyết định chấp nhận lỗ để "phá" đàn bò sữa, chuyển sang nuôi bò thịt và tiếp tục cải tạo khu đất bạc màu để đào ao, khử chua, thả cá, chăn nuôi thêm lợn, gà, vịt...
Ông Miền bảo: "Đã có lúc trang trại gặp những rủi ro vì dịch bệnh, giá cả thị trường có nhiều biến động. Nếu không có bản lĩnh và không có niềm tin thì khó có thể thành công. Xuất thân từ nông dân và với kinh nghiệm của mình, tôi luôn tin, tâm niệm rằng "đất không phụ công người" và "có niềm tin ắt sẽ có thắng lợi". Nên ngay cả những lúc trang trại đứng trước những khó khăn lớn nhất, tôi vẫn luôn động viên vợ con "thua keo này ta bày keo khác".
Đàn bò thịt đang được nuôi tại trang trại của gia đình ông Phạm Văn Miền.
Với kinh nghiệm "dắt lưng" và niềm tin vào thành công, năm 2013, ông Miền và một số hộ nông dân trong xã được huyện Yên Mô cho đi tham quan mô hình chăn nuôi vịt trời thuần hóa, gà chín cựa ở Bắc Giang, Hưng Yên. Trở về, ngoài nuôi cá, nuôi lợn thịt, lợn giống, ông mạnh dạn đầu tư nuôi và kinh doanh thêm vịt trời. Hiện giờ, vừa vịt trời thương phẩm, vừa vịt giống, trang trại nhà ông có khoảng 5.000 con.
Để có được nguồn hàng dồi dào, vợ chồng ông Miền liên kết với bà con ở trong và ngoài tỉnh bằng hình thức cung cấp con giống và nhận thu mua sản phẩm khi vịt đến tuổi xuất chuồng. Chính nhờ cách làm này mà ông Miền luôn có sẵn hàng để cung cấp cho các đối tác ở khắp cả nước với số lượng lên đến vài vạn con mỗi tháng.
Đặc biệt, ông Miền cũng là một trong những người đầu tiên ở địa phương đưa giống gà Đông Tảo vào nuôi. Để có được giống gà quý này, ông Miền đã phải cất công sang Hưng Yên học hỏi và tìm hiểu thêm trên mạng Internet, sách báo và bước đầu đã thành công. Với 20 con giống ban đầu, đến nay ông đã nhân rộng lên 200 con.
Ngoài tạo việc làm cho gia đình, trang trại của ông Miền còn giải quyết việc làm cho 5 lao động địa phương với mức lương từ 3,5 - 5 triệu đồng/người/tháng. Từ trang trại này, vợ chồng ông đã xây dựng cơ ngơi khang trang, nuôi các con khôn lớn...
Theo Danviet
Tỷ phú tôm cá, nuôi tận gốc bán tận ngọn bên đầm Cù Mông Đến đầu cầu Bình Phú trên tuyến đường Quy Nhơn - Sông Cầu, hỏi ông Lâm Xuân Hóa thì mọi người chỉ ngay: "Cái nhà lớn nhất khu này là nhà ông Hóa đấy". Ông Lâm Xuân Hóa (48 tuổi, ở thôn Hoà Mỹ, xã Xuân Cảnh, TX.Sông Cầu, tỉnh Phú Yên) là một nông dân tỷ phú với nghề nuôi trồng, kinh...