Vườn cà phê lên tuổi “cụ” đạt năng suất trên 4 tấn/ha
Mặc dù những vườn cà phê đã lên tuổi “cụ” (32 năm) nhưng vẫn cho năng suất cao, chất lượng tốt. Có được kết quả này, nhờ Cty TNHH MTV Cà phê 704 đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ.
Sung sức vườn cà phê “cụ”
Những vườn cà phê xanh mướt, cành vươn dài, quả sai trĩu trịt của Cty Cà phê 704 không ai nghĩ chúng đã lên tuổi “cụ” cần phải tái canh thay thế. Ông Nguyễn Văn Bể, GĐ Cty phấn khởi cho biết, Cty có 150ha cà phê trồng từ năm 1984, nhưng vẫn chưa phải tái canh do vẫn đạt trên 4 tấn/ha.
Ông Nguyễn Văn Bể đi thăm vườn cây cà phê
Để có năng suất này, ban lãnh đạo Cty đã xác định việc duy trì và phát triển vườn cây thực hiện theo hướng bền vững, năng suất, chất lượng. Cụ thể, Cty đã triển khai nhiều giải pháp trong từng công đoạn như quản lý quy trình kỹ thuật chăm sóc vườn cây; đầu tư, cung ứng vật tư, phân bón; triển khai, kiểm tra việc thực hiện các công đoạn chăm sóc vườn cây của người lao động nhận khoán.
Đồng thời áp dụng đầu tư KH-CN cao vào sản xuất (chế phẩm sinh học, phân bón lá…); phối hợp thường xuyên với các cơ quan chuyên môn như Trạm BVTV các huyện Đăk Hà, Đăk Glei, Sa Thầy trong phòng trừ sâu bệnh hại cây trồng.
Cty Cà phê 704 (TCty Cà phê Việt Nam) tiền thân là Cty Cà phê Đăk Uy 3 được hình thành từ Nông trường cà phê thuộc Cty Xuất nhập khẩu Kon Tum, Cty Thủy nông Đăk Uy 3; gồm cơ quan Cty và 11 đội sản xuất.
Trong đó có 4 đội SX đóng trên địa bàn huyện Đăk Hà điều kiện kinh tế khá thuận lợi; 3 đội đứng chân tại hai xã HơMoong, Sa Nghĩa thuộc huyện Sa Thầy và đặc biệt có 3 đội ở xã Đăk Long, huyện Đăk Glei thuộc diện vùng sâu vùng xa, vùng biên giới.
Cty đang quản lý 510ha cà phê, 68ha lúa nước hai vụ, 48ha cao su. Năm 2016, hoạt động của Cty diễn ra trong điều kiện thời tiết đầu năm diễn biến phức tạp, nắng nóng kéo dài, tác động lớn đến sinh trưởng và phát triển của các loại cây trồng, đặc biệt là cây cà phê.
Video đang HOT
Trồng mới cây cà phê
Toàn bộ diện tích cà phê của Cty tại khu vực huyện Sa Thầy và huyện Đăk Glei phải tưới đến 4 đợt, có nơi tưới 5 đợt và phải tưới truyền 2 máy. Trước tình hình thời tiết khô hạn kéo dài, Cty đã thành lập BCĐ phòng chống khô hạn, để chỉ đạo tưới nước chống hạn cho các loại cây trồng tại các khu vực sản xuất.
Cty cùng với người lao động đã khắc phục mọi khó khăn, tìm cách khai thông nguồn nước, nạo vét, tu sửa hồ đập. Cty còn hỗ trợ 1 triệu đồng/ha đối với 74ha cà phê phải tưới truyền 2 máy. Tính đến đầu tháng 7, toàn bộ diện cà phê phát triển khá tốt, không bị khô hạn. Đồng thời Cty đã đầu tư 18 tỷ đồng để trồng mới 40ha cà phê.
Làm kinh tế song hành công tác xã hội
Địa bàn sản xuất của Cty phân tán, ở vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc, lao động thiếu cả về số lượng và chất lượng nhưng với tinh thần phấn đấu vượt khó, Cty đã hoàn thành vượt các chỉ tiêu kinh tế năm 2015 với doanh thu 42.373 triệu đồng, nộp ngân sách 1.149 triệu đồng, lợi nhuận 3.017 triệu đồng.
Với 510ha cà phê nằm trên 3 huyện Đăk Hà, Đăk Glei, Sa Thầy, chất lượng cây không đồng đều, nhất là ở Đăk Glei, Sa Thầy nhưng người nhận khoán đã nỗ lực chăm sóc, cà phê phát triển tốt và cho năng suất khá.
Vườn ươm cà phê chất lượng cao
Số hộ công nhân, người lao động nhận khoán gồm 689 hộ, việc ký hợp đồng giao nhận khoán và giao nộp sản phẩm khoán đạt 100%.
Với mức thu nhập bình quân của hộ trồng cà phê 44 triệu đồng/ha/năm và 34 triệu đồng/ha/năm cây lúa. Cụ thể, khu vực Đăk Hà (151,2ha) năng suất bình quân 16 tấn quả tươi/ha/năm; khu vực Sa Thầy (188,5ha) 15 tấn/ha/năm; khu vực Đăk Glei (170ha) 18,4 tấn/ha/năm; tổng sản lượng 8.296 tấn.
Với cây cao su, thu hoạch được 203 tấn mủ nước, cây lúa nước, sản lượng đạt 748 tấn, năng suất bình quân 11 tấn/ha/năm. Công tác kinh doanh vật tư phân bón, xăng dầu đạt doanh thu 13.628 triệu đồng, duy trì tốt tổ dịch vụ thu mua toàn bộ sản phẩm cà phê sau chế biến đạt 1.480 tấn nhân.
Thực hiện Nghị quyết 04 của Tỉnh ủy Kon Tum về phân công các đơn vị kết nghĩa, đỡ đầu xây dựng các phum sóc khó khăn, Cty đã vận động 02 sóc tham gia nhận khoán, giúp bà con ngói lợp nhà, hỗ trợ kinh phí xây dựng nâng cấp nhà rông, tu sửa đường sá, tặng quà đối tượng chính sách, gia đình khó khăn dịp lễ tết. Nơi địa bàn Cty đứng chân, về cơ bản không còn hộ đói, hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội được cải thiện đáng kể, trình độ dân trí, đời sống mọi mặt của nhân dân được nâng lên. Kế hoạch năm 2016 của Cty là nỗ lực thâm canh các loại cây trồng để đạt sản lượng 8.136 tấn cà phê, 61 tấn mủ cao su, 816 tấn lúa; kinh doanh vật tư phân bón các loại 1.500 tấn, tiêu thụ xăng, dầu 450 ngàn lít. Tổng doanh thu 55,8 tỷ đồng; nộp ngân sách 1,5 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế 3,4 tỷ đồng.
Theo Ngọc Thăng (Nông Nghiệp Việt Nam)
Thu vài tỷ đồng mỗi năm từ nuôi cá lóc
Với nghề nuôi cá lóc, mỗi năm, Nguyễn Văn Thêm xuất bán hàng trăm tấn cá, sau khi trừ chi phí thu lời được vài tỷ đồng. Không những trở nên khá giả nhờ loại cá này...
Nguyễn Văn Thêm (giữa) đang đưa khách đi tham quan các ao cá
Xung quanh hồ Dầu Tiếng, từ nhiều năm nay đã xuất hiện rất nhiều trang trại làm ăn có hiệu quả. Trong đó, không thể không thể không nhắc tới trang trại cá lóc của anh Nguyễn Văn Thêm ở ấp Phước Hội, xã Phước Ninh, huyện Dương Minh Châu, Tây Ninh.
Nguyễn Văn Thêm vốn là Việt kiều Campuchia, nhưng đã cùng gia đình hồi hương về định cư ở Đồng Tháp từ năm 1970. Năm 2000, anh lặn lội lên hồ Dầu Tiếng, đầu tư nuôi cá lồng bè trong lòng hồ. Vốn liếng không nhiều, anh mua một bè cá, thả nuôi nhiều loại cá nước ngọt như trắm, chép...
Trong nhiều năm trời, nghề nuôi cá bè tuy vất vả, bấp bênh, nhưng cũng giúp anh ổn định được cuộc sống gia đình, có chút tích lũy. Tuy vậy, Thêm vẫn luôn trăn trở tìm cách nào đó có thể đưa nghề nuôi thủy sản nước ngọt của gia đình một cách ổn định hơn và phát triển tốt hơn.
Năm 2010, nhận thấy cá lóc là loài cá có thị trường tiêu thụ ổn định, giá tốt, Thêm quyết định chuyển hẳn sang loại cá này. Anh bán bè cá, lên bờ, mua 1,6ha đất ở ấp Phước Hội. Anh vét hết những đồng vốn tích lũy được, cộng với vốn vay từ Agribank, thuê người đào 1ha mặt nước, thả nuôi cá lóc đen. Sở dĩ Thêm chọn loại cá lóc đen vì dễ tìm kiếm con giống, thức ăn lại có thể sử dụng các loại cá tạp rất sẵn có do những người đánh bắt cá trong hồ Dầu Tiếng bán lại với giá rẻ.
Với loại cá mới này, Nguyễn Văn Thêm lại phải bỏ ra nhiều thời gian tìm tòi kiến thức, cách nuôi sao cho giảm thiểu được tỷ lệ hao hụt, cá phát triển nhanh...
Nhờ vậy, anh đã sớm có được thành công với con cá lóc đen. Thậm chí so với những giống cá anh nuôi trước đây, cá lóc đen cho giá trị kinh tế cao hơn bởi giá bán luôn ở mức tốt. Khi đã ổn định với cá lóc đen, anh quyết định nuôi thêm cá lóc bông bởi có giá trị kinh tế cao hơn và thị trường tiêu thụ cũng tốt.
Cả 2 loại cá lóc nói trên đều đã đem lại thành công lớn cho Nguyễn Văn Thêm. Với cá lóc đen, anh nuôi 5 tháng là xuất bán, đạt 0,8 - 1 kg/con, giá bình quân 30.000 đ/kg. Cá lóc bông nuôi dài hơn, tới 8 tháng, nhưng mỗi con đạt kích cỡ bình quân 2,5kg, giá bán 40.000 đ/kg.
Nguyễn Văn Thêm khẳng định giá cá lóc bông lẫn lóc đen trong nhiều năm qua luôn đảm bảo lợi nhuận cho người nuôi vì thường cao hơn giá thành (với riêng gia đình anh Thêm, luôn đạt lợi nhuận từ 10.000 đ/con trở lên).
Cái quan trọng là người nuôi có nắm vững được kỹ thuật để giảm tỷ lệ hao hụt, đạt được kích cỡ cần thiết vào thời điểm xuất bán hay không. Trang trại của anh Thêm còn có một lợi thế không nhỏ là gần hồ Dầu Tiếng, lấy được nguồn nước sạch và ổn định của hồ, rất thuận lợi cho sự phát triển của cá.
Với nghề nuôi cá lóc, mỗi năm, Nguyễn Văn Thêm xuất bán hàng trăm tấn cá, sau khi trừ chi phí thu lời được vài tỷ đồng. Không những trở nên khá giả nhờ loại cá này, Thêm còn có điều kiện hỗ trợ cho nhiều hộ nuôi quy mô nhỏ trong vùng.
Bởi vì để có đủ nguồn thức ăn có giá trị dinh dưỡng cao cho cá nhanh lớn, anh phải lặn lội tới Bình Thuận tìm mua thêm cá biển tạp. Do đã mua được xe tải đông lạnh, Thêm mua cá biển với khối lượng lớn hơn nhiều so với nhu cầu của trang trại về bán lại cho những người nuôi cá nhỏ lẻ trong vùng.
Trước đây, do quy mô nuôi nhỏ lẻ nên những hộ này không thể xuống Bình Thuận mua cá biển mà mua lại của các thương lái, đại lý trong vùng với giá cao hơn nhiều so với giá mua ở biển. Anh Thêm nhờ đi mua tận gốc nên bán lại cho bà con với giá rẻ hơn nhiều so với thị trường, do đó đã giúp cho các hộ nuôi cá nhỏ lẻ giảm được đáng kể chi phí thức ăn. Từ đó, bà con luôn tín nhiệm, lấy cá biển ở chỗ trang trại của anh.
Trang trại của anh trở thành một đại lý cá biển với lượng tiêu thụ không nhỏ (5 tấn/ngày), mang lại lợi ích cho cả gia đình Thêm lẫn những người nuôi cá nhỏ lẻ. Ngoài ra, trang trại còn giải quyết công ăn việc làm cho 8 lao động trong vùng với thu nhập 5 triệu đ/người/tháng.
Theo Sơn Trang (Nông Nghiệp Việt Nam)
Nuôi thỏ sạch bằng thảo dược, lời "khủng" 3 tỷ mỗi năm Dùng thảo dược tự nhiên để cho thỏ ăn, tạo sức đề kháng cho thỏ ngay từ khi mới sinh... đó là cách làm của các hộ chăn nuôi thỏ ở Ba Vì - Hà Nội tạo ra những chú thỏ sạch không hoóc môn sinh trưởng, không chất kháng sinh và đem lại lợi nhuận hơn 3 tỷ đồng mỗi năm. Thỏ...