Vùng núi Nepal linh thiêng với Phật giáo Tạng truyền
Nóc nhà thế giới Himalaya có đời sống tâm linh huyền bí, nổi bật nhất là Phật giáo Tây Tạng với sự lan tỏa rộng khắp các quốc gia dưới chân núi như Nepal.
Vị Lama (tăng sĩ theo truyền thống Phật giáo Tây Tạng) đứng trên tầng cao nhất của một tu viện ở Kathmandu (Nepal). Hình ảnh hai chú nai hướng về bánh xe pháp luân là biểu tượng phổ biến ở các tu viện theo truyền thống Phật giáo Tây Tạng.
Phật giáo Tây Tạng có sự ảnh hưởng lớn đến đời sống văn hóa tinh thần ở Nepal và nhiều nước trong khu vực Himalaya. Trong ảnh là tượng Đức Phật trong tư thế đứng thuyết pháp ở bảo tháp Swayambunath. Nền văn hóa Himalaya là nền văn hóa Phật giáo Tây Tạng. Những nét nổi bật nhất, đặc sắc nhất của văn hóa Himalaya có sự bắt nguồn trong tinh túy của Phật giáo Tây Tạng.
Bảo tháp Bouddhanath là bảo tháp xây dựng theo truyền thống Phật giáo Tạng truyền. Đây cũng là bảo tháp lớn nhất thế giới của Phật giáo Tây Tạng, cách trung tâm thủ đô Kathmandu của Nepal không xa.
Trước trận động đất ở Nepal vào cuối tháng 4/2015, phần đỉnh tháp mang vẻ đẹp uy nghi tráng lệ. Tuy nhiên, sau đó, tháp bị hư hại nhẹ và hiện nay đang trong quá trình trùng tu.
Dù vậy, dòng người đổ về hành hương thánh tích này mỗi ngày vẫn nối dài bất tận. Những người đi theo truyền thống Phật giáo Tây Tạng thường đi nhiễu (đi vòng quanh tháp) vài chục vòng mỗi ngày khi đến đây.
Những người phụ nữ Tây Tạng trò chuyện quanh tháp. Xung quanh khu vực Bouddhanath có rất nhiều người Tây Tạng sinh sống.
Người Tây Tạng luôn là những Phật tử có lòng tín tâm và đời sống an lạc. Đến vùng Himalaya cũng không thể không đến những tu viện linh thiêng với sự tiếp nối không gian đoạn của các dòng truyền thừa Phật giáo Tây Tạng. Tu viện ở vùng này không chỉ là nơi tu học của chư tăng, ni mà còn là nơi truyền bá giáo pháp cho các Phật tử, được các Phật tử coi như ngôi nhà từ bi.
Xung quanh bảo tháp Bouddhanath có một hệ thống tu viện dày đặc với rất nhiều tăng sĩ. Trong hình là một buổi thực hành của các vị tăng ở tu viện Maitreya Gompa. Himalaya vẫn thường được gọi là “ Land of Padmasambhava” (Vùng đất của Đức Liên Hoa Sinh). Đức Liên Hoa Sinh được coi là vị Tổ của Phật giáo Tây Tạng, mang giáo Pháp của Phật giáo từ Ấn Độ tới Tây Tạng, để rồi Phật giáo Tây Tạng phát triển rộng khắp vùng đất này.
Video đang HOT
Duy trì truyền thống, Phật giáo Tây Tạng khi hoằng truyền rộng khắp sang các nước vùng Himalaya vẫn giữ hệ thống giáo dục kiến thức và giáo lý nghiêm ngặt. Từ lứa tuổi rất nhỏ, các Lama khi vào tu viện đã được đào tạo bài bản. Trong ảnh là một bữa ăn của các tiểu Lama ở tu viện Kanying.
Các vị cao tăng của Phật giáo Tây Tạng thường được xưng tụng là Rinpoche (Bậc Thầy cao quý). Trong ảnh là ngài Ayang Rinpoche đang ban pháp dược cho một Phật tử Việt Nam đến đảnh lễ ngài.
Vị Tổ cũng là Bậc Thầy của các bậc thầy Phật giáo Tây Tạng là Đức Liên Hoa Sinh (Padmasambhava).
Đức Liên Hoa Sinh cũng được biết đến với danh xưng Guru Rinpoche. Người dân vùng thung lũng Khumbu vẽ hình ngài trên một vách núi cao.
Tu viện theo truyền thống Phật giáo Tây Tạng trải rộng khắp các vùng núi cao. Trong ảnh là tu viện Tengboche, một tu viện cổ ở vùng Himalaya.
Các tu viện Phật giáo Tây Tạng có kiến trúc đặc trưng với sự cầu kỳ trong họa tiết. Các tu viện cũng luôn đốt trầm thảo dược được chế từ chính các loại thảo mộc vùng Himalaya để làm thanh tịnh bầu không khí.
Đến với tu viện cũng là đến với không gian thanh tịnh. Với người dân vùng này, tu viện giống như một mái nhà từ bi, luôn che chở, bao bọc cho họ.
Bồ câu được nuôi xung quanh các thánh tích. Việc cho bồ câu ăn mỗi sáng với người dân quanh các thánh tích là cơ hội để thực hành lòng tốt.
Một đàn chim bồ câu đậu trên dãy chuyển kinh luân. Người theo Phật giáo Tây Tạng quan niệm xoay chuyển kinh luân là cách để giải trừ nghiệp chướng.
Tại Swayambunath ở trung tâm thủ đô Kathmandu của Nepal, khỉ được coi là linh vật. Ngôi đền này còn có tên là đền khỉ. Một chú khỉ đu người uống nước bên trong thánh tích này.
Các nhà sư theo truyền thống Phật giáo Tiểu thừa cũng đến các thánh tích của Phật giáo Tây Tạng để khất thực.
Một người buôn bán quần áo ở Kathmandu hướng về bảo tháp để cầu nguyện. Với người dân ở đây, việc thực hành hàng ngày tự nhiên như hơi thở.
Theo Zing News
8 điều khách du lịch thường lầm tưởng về Nepal
Du khách thường cho rằng đây là một đất nước Phật giáo, đã bị hủy hoại hoàn toàn sau vụ động đất 2015.
Nepal là một quốc gia có phần lãnh thổ nằm hoàn toàn trong lục địa, giáp với Tây Tạng, Trung Quốc và Ấn Độ. Sở hữu 8 trên 10 đỉnh núi cao nhất thế giới gồm cả Everest, Nepal có nhiều hoạt động du lịch nối tiếng như dã ngoại, đi bộ đường dài, đạp xe xuyên rừng, cùng những chùa chiền đẹp. Tuy nhiên, du khách còn nhiều điều lầm tưởng về Nepal. Elen Turner, một nhà biên tập, nhà văn tại New York đã có giải đáp về những hiểu lầm này sau quãng thời gian sinh sống tại Nepal.
Mùa xuân được coi là thời điểm vàng để du khách tới Nepal. Ảnh: Flickr.
Nepal đã bị phá hủy hoàn toàn sau trận động đất 2015
Những trận động đất xảy ra hồi tháng 4 và tháng 5 năm ngoái đã cướp đi hơn 8.000 sinh mạng, khiến khoảng 21.000 người bị thương và hàng trăm nghìn hộ dân mất nhà cửa. Tuy nhiên, khung cảnh tan hoang trên báo đài không phải toàn cảnh Nepal. Những khu di sản tại thủ đô Kathmandu thiệt hại nặng nề nhất và chỉ có 75 quận thuộc Nepal chịu ảnh hưởng từ trận động đất. Những cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch như khách sạn, nhà hàng, khu nghỉ dưỡng vẫn trụ vững.
Sherpa chỉ là những người gùi hàng lên núi
Không chỉ là những người đàn ông trẻ tuổi được du khách thuê mang vác hành lý lên núi, Sherpa thực tế là tên một cộng đồng dân tộc thiểu số sống tại vùng phía nam Nepal. Họ có nguồn gốc từ Tây Tạng hàng trăm năm trước, chủ yếu sống tập trung quanh khu vực Everest. Nhiều người Sherpa cũng làm hướng dẫn viên du lịch, khuân vác hay sở hữu nhà nghỉ, nhưng không phải ai cũng làm du lịch. Do đó, Sherpa là một họ phổ biến của người dân Nepal tại vùng núi và bạn không nên nhầm lẫn với nghề nghiệp của họ.
Người Nepal đều là dân leo núi
Người Nepal ra nước ngoài thường được hỏi liệu họ từng chinh phục Everest chưa, điều này có thể khiến họ phiền lòng một chút. Địa lý Nepal không hoàn toàn là núi cao, đất nước có địa hình cao dần từ đồng bằng và rừng rậm phía biên giới Ấn Độ, vùng trung tâm là đồi, mật độ núi cao tăng dần về phía biên giới Tây Tạng. Nhiều người Nepal thậm chí không sinh ra và lớn lên ở vùng núi.
Nepal là đất nước Phật giáo
81,3% người dân theo Ấn Độ giáo, 9% theo Phật giáo, 4,4% là người Hồi giáo, hơn 4% còn lại là những người theo Mundhum giáo, Kitô giáo và các tôn giáo khác. Du khách thường biết đến Kathmandu từ lâu được coi là cái nôi của Phật giáo với bảo tháp Boudhanath nằm ở phía tây bắc thành phố, dẫn tới lầm tưởng về tôn giáo của người dân Nepal. Nhiều ngôi chùa cho phép cả người Ấn Độ giáo và Phật giáo vào thờ cúng.
Nepal chỉ là Ấn Độ phiên bản nhiều núi
Do biên giới giáp Ấn Độ ở 3 phía đông, tây và nam; có nhiều nét chung trong văn hóa, ngôn ngữ, nhiều người nghĩ Nepal không có điểm gì khác biệt với nước láng giềng. Tiếng Nepal nghe gần giống tiếng Hindi và những ngôn ngữ khác của người Ấn Độ. Thực tế, người Nepal sử dụng tới 123 ngôn ngữ khác nhau, trong đó tiếng Nepal phổ biến nhất. Không chỉ vậy Nepal còn có ít nhất 4 ngôn ngữ ký hiệu. Lịch sử hai nước cũng khác nhau do Ấn Độ từng là thuộc địa của Anh, trong khi Nepal thì không.
Bản độ địa lý mô tả độ cao địa hình Nepal. Ảnh: Wikimedia.
Nepal là thiên đường trên núi
Nepal từng được mệnh danh là "Shangri-la" (nghĩ là thiên đường trên núi) theo cách gọi của nhà văn người Anh James Hilton trong tiểu thuyết Lost Horizon (1933). Trong tác phẩm đó, đất nước này được miêu tả là miền đất hạnh phúc và khai sơ. Cụm từ trên đã được nhiều blogger du lịch dùng lại trong những bài viết về Nepal. Tuy nhiên, cuộc sống thực của người dân rất khắc nghiệt. Đây là một trong những nước nghèo nhất thế giới.
Nepal là một vương quốc
Điều này chỉ đúng trong khoảng thời gian từ 1768 đến 2008. Năm 2001, 9 thành viên Hoàng gia gồm cả vua và hoàng hậu đã bị thảm sát trong cung điện Narayanhiti ở Kathmandu. Vụ việc đã dẫn đến nhiều căng thẳng và mâu thuẫn chính trị. Cho tới 28/5/2008, nền cộng hòa Nepal chính thức được thiết lập và có tên theo Hiến pháp là Cộng hòa Dân chủ Liên bang Nepal.
Khung cảnh chùa Pashupatinath tại thủ đô Kathmandu. Ảnh: Nepal Info.
Thủ đô Kathmandu lạnh hơn Nam Cực
Khi sống một năm rưỡi ở New York, Elen đã được dặn dò chuẩn bị đầy đủ đồ dùng cho mùa đông trước khi đến thủ đô Kathmandu. Thực sự mùa đông ở đây không dễ chịu do người dân không có đầy đủ hệ thống sưởi nhưng nhiệt độ ban ngày chỉ khoảng 15 độ C và trời vẫn có nắng.
Theo VNExpress
Chinh phục Himalaya - về 'nơi trú ngụ của tuyết' Sau nhiều chuyến đi tới Himalaya (Nepal), tôi cảm nhận được nơi đây không chỉ có thiên nhiên kỳ vĩ với những rặng núi tuyết ngút ngàn, mà còn có một nền văn hoá đặc sắc. Để bắt đầu hành trình trekking tới Trại Chính Everest (Everest Base Camp - EBC), người leo núi phải bay từ thủ đô Kathmandu của Nepal tới...