Vững niềm tin nơi biên giới biển
Thực hiện phương châm “Cùng ăn, cùng ở, cùng làm”, sát cánh cùng nhân dân trong gian khó, BĐBP Bình Định đã xây dựng được những “cột mốc” niềm tin trong lòng nhân dân, làm nền tảng cho sự nghiệp bảo vệ chủ quyền, an ninh khu vực biên giới biển của tỉnh.
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Mỹ Thọ giúp dân đắp bờ bao, bảo vệ an toàn khu dân cư bị triều cường uy hiếp. Ảnh: Phương Oanh
Sâu nặng nghĩa tình nơi gian khó
Từ trung tâm thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, chúng tôi vượt cầu Nhơn Hội, đến với xã Nhơn Lý khi chiều muộn, kịp giờ vào dự buổi sinh hoạt định kỳ Câu lạc bộ “Phụ nữ với chiến sĩ Biên phòng”, được tổ chức tại hội trường của xã. 19 giờ, hội trường của UBND xã đã có mặt đông đủ chị em và cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Nhơn Lý.
Những câu chuyện về biển đảo, về tình hình ngư trường, thông tin các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan trực tiếp đến công cuộc làm ăn của ngư dân đã thực sự mang đến cho chị em những góc nhìn rộng mở hơn về trách nhiệm thiêng liêng đối với công cuộc bảo vệ chủ quyền an ninh vùng biển đảo. Rồi mục hái hoa dân chủ, tham gia trò chơi hỏi đáp kiến thức về pháp luật biển, đảo, kiến thức chăm sóc sức khỏe gia đình, với sự khích lệ của mọi người đã tạo cơ hội cho chị em được trình bày hiểu biết, được mạnh dạn giao lưu, thể hiện năng khiếu.
Chị Nguyễn Thị Mỹ Ninh, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Nhơn Lý cho biết, dù thuộc thành phố Quy Nhơn, nhưng Nhơn Lý là vùng bán đảo, cách trung tâm thành phố đến gần 20 cây số đường bộ, đi qua cầu vượt biển. Trong sự cách trở, khó khăn, thiếu thốn muôn bề ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, những người lính Đồn Biên phòng Nhơn Lý đứng chân tại nơi đây luôn nỗ lực cùng với địa phương tổ chức nhiều hoạt động giúp dân, khơi dậy tinh thần tích cực trong cộng đồng, hỗ trợ người dân có cuộc sống tốt hơn.
Năm 2016, sau khi Câu lạc bộ “Phụ nữ với chiến sĩ Biên phòng” được thành lập, những chương trình sinh hoạt có sự phối hợp giữa hai đơn vị đã mang lại khí sắc mới, không khí sinh hoạt sôi động, chất lượng hơn, luôn thu hút chị em phụ nữ. “Ở vùng biển xa xôi, cách trở này, có mặt anh em BĐBP, chúng tôi như có thêm sức mạnh, thêm vững tin, lòng dân chúng tôi cũng thấy ấm áp” – Chị Ninh chia sẻ.
Video đang HOT
Không riêng ở Nhơn Lý, về làng biển nghèo Mỹ An (huyện Phú Mỹ) trong dịp lễ hội Văn hóa miền biển năm 2018, chúng tôi cũng được chứng kiến những câu chuyện cảm động của nghĩa tình quân dân cá nước. Nhắc chuyện đã qua, Thượng tá Lê Văn Hải, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Mỹ An xúc động cho biết, buổi chiều trước hôm khai mạc lễ hội, anh em đang lúi húi đóng cọc dựng trại, thì bất ngờ thấy các chị, các mẹ mang đồ ăn đến, nói là lo bộ đội bị đói nên “tiếp tế”. Rồi những chương trình hội thi, khi có đoàn của BĐBP tham gia, bà con háo hức xem, vỗ tay cổ vũ như chính người thân của họ đi dự thi. “Nghĩa cử ấy chúng tôi khắc ghi và căn dặn cán bộ, chiến sĩ của mình luôn sống xứng đáng với tình yêu thương, đùm bọc của dân” – Thượng tá Hải tâm sự.
Câu chuyện ở làng biển Nhơn Lý hay ở Mỹ An chỉ là hai trong hàng trăm câu chuyện đẹp về nghĩa tình quân dân đang hiện diện mỗi ngày, ở khắp các vùng quê ven biển của tỉnh Bình Định.
Nhắc đến nghĩa tình ấy, ông Nguyễn Trương, Bí thư Huyện ủy Hoài Nhơn cho biết, ở Hoài Nhơn, từ cán bộ chính quyền các cấp đến người dân đều coi anh em ở Đồn Biên phòng Tam Quan Nam như người trong nhà. Mọi người luôn háo hức đón đợi Ngày Biên phòng toàn dân 3-3, thanh niên thì rộn ràng tập múa hát, văn nghệ chào mừng, những cụ già thì mong có dịp đến thăm doanh trại, trò chuyện với bộ đội.
Nhiều ngư dân quanh năm cật lực, bươn chải ở biển vẫn dành một ngày nghỉ biển, ở nhà gặp gỡ, chung vui với cán bộ, chiến sĩ đồn Biên phòng. Vậy nên “những đề xuất, kiến nghị của anh em BĐBP luôn được lãnh đạo địa phương coi trọng. Mỗi năm, UBND huyện đều dành một khoản kinh phí nhất định để đầu tư, hỗ trợ về cơ sở vật chất, tạo điều kiện cho đồn Biên phòng thực hiện nhiệm vụ. Bởi lo cho Biên phòng tức là lo cho người dân của mình” – Ông Trương khẳng định.
Xây “phên giậu” lòng dân
Đại tá Lương Ngọc Chinh, Chỉ huy trưởng BĐBP Bình Định cho biết, trong mục tiêu hỗ trợ để nhân dân yên tâm bám địa bàn, bám biển làm ăn, cùng xây dựng nên thế trận biên phòng toàn dân vững chắc trên tuyến biển của tỉnh, hàng chục năm qua, cán bộ, chiến sĩ BĐBP Bình Định đã tích cực bám địa bàn, tận tụy với dân.
Từ các chương trình “Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới, hải đảo”, “Nâng bước em tới trường”, các mô hình “Hũ gạo tình thương”, “Thùng tiền tiết kiệm”, đến việc giúp dân làm các công trình dân sinh, làm đường giao thông nông thôn, xây dựng, sửa chữa lại nhà cửa các hộ nghèo bị rách nát, xiêu vẹo, cán bộ, chiến sĩ các đơn vị BĐBP Bình Định đều tham qua và trở thành chỗ dựa vững chắc, giúp người dân vững tin hơn, có thêm động lực để vượt khó, xây dựng cuộc sống.
Tình thương, nỗi lo cho dân của những người lính Biên phòng Bình Định được thể hiện rõ nhất trong thiên tai, hoạn nạn. Mỗi mùa mưa bão, trên khắp các địa bàn ven biển của tỉnh, nơi nào cuộc sống của người dân bị đe dọa, nơi đó có bóng dáng những cán bộ, chiến sĩ các đồn Biên phòng bất chấp gian nguy, xả thân cứu giúp.
Trên mỗi bước đường vươn khơi bám biển, làm ăn, sự gắn kết giữa ngư dân và những người lính Biên phòng càng khăng khít. Ngư dân Bùi Thanh Ninh, Tổ trưởng Tổ tàu thuyền đoàn kết (TTĐK) ở thôn Thiện Chánh 1, xã Tam Quan Bắc cho biết, ngày trước, ngư dân làng biển của ông hễ ra biển bị tai nạn, chìm tàu là chết người, mất của. Từ khi Đồn Biên phòng Tam Quan Nam đứng ra vận động xây dựng Tổ TTĐK, ngư dân quê ông đã kết nối nhau làm ăn, không chỉ bảo vệ nhau an toàn, mà còn có thu nhập khá hơn sau những chuyến biển.
“Cán bộ, chiến sĩ BĐBP Bình Định luôn nỗ lực, cùng với các cấp chính quyền xây dựng khu vực biên giới biển thành một địa bàn vững mạnh, giúp nhân dân thêm tin vào Đảng, Chính phủ, vững tâm ở nơi “đầu sóng, ngọn gió” này, sát cánh cùng với BĐBP và các lực lượng Quân đội, bảo vệ chủ quyền, an ninh vùng biển, đảo của Tổ quốc” – Đại tá Lương Ngọc Chinh khẳng định.
Theo ông Ninh, Tổ TTĐK của ông có 10 thành viên. Bây giờ ra biển, anh em không sợ tàu thuyền nước ngoài xâm lấn ngư trường, cũng bớt lo sợ sóng gió nên bám biển dài ngày hơn. Một năm, mỗi lao động kiếm về ít nhất 80 đến 90 triệu đồng. Anh em ngư dân cũng hiểu trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ chủ quyền, an ninh vùng biển, đảo.
Hễ nghi tàu nào có vấn đề là họ gọi về cho ông để báo cho trạm Kiểm soát Biên phòng. “Mà đâu chỉ trong tổ này. Người dân vùng biển Bình Định của tui đã coi việc báo cáo tình hình địa bàn, tình hình trên biển cho BĐBP là việc làm hết sức tự nhiên, là trách nhiệm mà mỗi người phải làm” – Ông Ninh thổ lộ.
Đại tá Lương Ngọc Chinh cho biết, 2 năm liền (2016-2017), BĐBP Bình Định được Bộ Tư lệnh BĐBP trao Cờ thi đua Quyết thắng và năm 2018 lại được nhận Cờ thi đua Quyết thắng của Bộ Quốc phòng. Đó là thành tích mà cán bộ, chiến sĩ BĐBP Bình Định rất đỗi tự hào, bởi cả một tập thể đã đoàn kết phấn đấu, nỗ lực không mệt mỏi thực hiện xuất sắc nhiệm vụ quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh vùng biển phụ trách. Song, đạt được thành quả đó, BĐBP không thể không nói đến sự kề vai, sát cánh, hết lòng yêu thương, đùm bọc giúp đỡ của nhân dân.
Phương Oanh
Theo Biên phòng
BĐBP Bình Định gặp mặt cán bộ hưu qua các thời kỳ
Ngày 27-2, Đảng ủy Bộ Chỉ huy BĐBP Bình Định tổ chức gặp mặt, sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, BĐBP Bình Định đã nghỉ hưu nhân kỷ niệm 60 năm Ngày Truyền thống BĐBP (3/3/1959-3/3/2019) và 30 năm Ngày Biên phòng toàn dân (3/3/1959-3/3/2019).
Dự buổi gặp mặt có đại diện lãnh đạo Bộ Chỉ huy BĐBP, Chỉ huy các Đồn Biên phòng và 79 đồng chí nguyên sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp đã từng công tác phục vụ trong lực lượng BĐBP đã nghỉ hưu, phục viên, chuyển ngành, hiện đang sinh sống tại tỉnh Bình Định.
Bộ Chỉ huy BĐBP Bình Định trao Huy chương Quân kỳ Quyết thắng cho cán bộ, sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp, BĐBP Bình Định. Ảnh: Công Cường
Tại buổi gặp mặt, các đại biểu đã cùng nhau ôn lại truyền thống anh hùng của BĐBP tỉnh qua các thời kỳ. Trong nhiều năm qua, các đồng chí nguyên sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp BĐBP tỉnh ở địa phương đã phát huy bản chất "Bộ đội Cụ Hồ", gương mẫu trong mọi mặt, tích cực lao động sản xuất giúp nhau xóa đói giảm nghèo.
Nhiều cựu chiến binh được nhân dân tín nhiệm bầu vào cấp ủy, chính quyền địa phương. Một số người đã xây dựng được doanh nghiệp, trở thành doanh nhân thành đạt, đóng góp một phần ngân sách Nhà nước, tạo việc làm cho người lao động. Một số sỹ quan biên phòng khi chuyển ngành đã phấn đấu trở thành cán bộ chủ chốt của các ban, ngành. Trong năm qua, nhiều cựu chiến binh đã giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, chia sẻ kinh nghiệm nuôi dạy con cháu, thăm hỏi, tặng quà khi ốm đau, giúp nhau khi gia đình có người thân qua đời.
Tại buổi gặp mặt Lãnh đạo Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã thông tin nhanh về thành tích của lực lượng BĐBP nói chung và BĐBP Bình Định nói riêng trong bảo vệ chủ quyền an ninh quốc gia, tham gia phát triển kinh tế - xã hội vùng biên giới; thông tin về tình hình quốc phòng - an ninh của đất nước trong tình hình mới. Đại diện cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Bình Định đã nêu quyết tâm sẽ phát huy truyền thống anh hùng của BĐBP, giữ vững chủ quyền an ninh biên giới, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.
Dịp này thừa ủy quyền Chủ tịch nước, Lãnh đạo Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã trao 57 Huy chương Quân kỳ Quyết thắng cho cán bộ, sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp, BĐBP Bình Định.
Công Cường
Theo Biên phòng
Hơn 101 tỉ đồng hoạt động nhân đạo 2018 Năm 2018, tổng giá trị các hoạt động nhân đạo toàn tỉnh Bình Định đạt 101,09 tỉ đồng. Đây là con số cao hơn những năm qua, minh chứng toàn ngành đã được kiện toàn và đổi mới phương pháp công tác, tạo ra chất lượng và hiệu quả thiết thực. Năm 2018, cuộc vận động "Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn...