Vùng đất dân quanh năm ra biển lặn mò toàn những loài sò ngon
Trong đời người hầu như ai cũng có bến đậu riêng cho mình. Với không ít người dân xã Chí Công ( huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận), bến sò chính là bến đậu, là nơi sinh sống của họ, gắn với bao kỷ niệm vui buồn .
Sống nhờ biển
“Đi về đâu vậy cô? Dạ, chú chở con về bến sò ạ” – cuộc trao đổi ngắn gọn của tôi tại chợ Chí Công (Tuy Phong). Và chỉ sau vài phút chạy xe tốn 5.000 đồng, tôi đã có mặt tại bến sò – nơi có người quen sinh sống.
Căn nhà nhỏ của bà Sáu vừa xây lại cách đây chưa được chục năm, mặt hướng ra biển và cách bến sò có mấy bước chân. Hàng ngày, bà bày biện bàn nước giải khát, phục vụ cho các ngư dân lặn sò vào bờ, những người làm nghề hậu cần nghề biển như bốc vác, xẻ sò… quanh năm, suốt tháng.
Bà Sáu cho hay, xã Chí Công hiện có 3 bến sò liền kề, nằm dọc bờ biển thuộc thôn Hà Thủy 2. Lượng người và xe cộ tập trung đông đúc nhất ở bến sò này thường bắt đầu từ 12 giờ trưa đến 4 giờ chiều.
Biển ở đây là bãi ngang nên luôn bình yên, có lúc mặt nước êm đềm chỉ nghe tiếng sóng rì rào, xưa nay người dân hầu như chưa bị sạt lở nhà cửa. Hàng chục chiếc thuyền thúng neo đậu, dập dềnh trên sóng. Xa hơn nữa là những chiếc thuyền công suất lớn hơn đang vào bờ trút chiến lợi phẩm sau chuyến biển dài hơi.
Đã thành thông lệ, người dân địa phương ăn sâu vào tiềm thức với 2 mùa nam và mùa bấc như những thời điểm để làm ăn từ nghề biển. Từ đàn ông trụ cột gia đình, phụ nữ, người già, trẻ em… đều gắn bó với biển.
“Ai cũng có nghề từ biển – muốn có tiền cứ xuống bến sò, ắt sẽ có việc để làm”- như lời của bà Năm Lùn, dì Bé đang lao động tại đây.
Video đang HOT
Tôi đứng trên bậc thềm nhà bà Sáu ngắm nhìn cảnh buôn bán, vận chuyển hải sản tại bến sò. Tiếng người nói rộn rã, đi liền với những bàn tay thoăn thoắt, làm việc không ngừng nghỉ. Đang mùa nam, lượng cá, sò về bờ nhiều, khiến niềm vui của người mua, kẻ bán càng nhân lên.
Tầm 12 giờ trưa, bến sò bắt đầu nhộn nhịp, con đường vào bến sò tắc nghẽn xe cộ vào ra. Hàng chục người vây quanh từng đống sò đủ loại, nhanh tay phân loại, cân ký, sơ chế rồi bốc lên xe. Những chiếc xe thồ, xe hoa lâm chất từng bao sò đến các nậu vựa hải sản, chế biến tỏa khắp tiêu thụ trong và ngoài tỉnh.
Bến… xưa
Bà Sáu là dân gốc Hòa Thắng (Bắc Bình), về làm dâu xứ biển này đã gần 40 năm. Bởi thế, bến sò đã gắn bó với bà gần như cả cuộc đời. Bà đã quen với nhịp sống ồn ào, nhộn nhịp ở đây tự bao giờ. Đến nỗi, mỗi lần xa nhà vào Phan Thiết thăm con cháu ít bữa đã “than” buồn, nhớ cái không khí ồn ào, rôm rả ở bến sò.
Bà Sáu nhớ lại: Con đường nhỏ ven biển vào bến sò mấy chục năm nay vẫn vậy – nhỏ hẹp, ngoằn ngoèo, chỉ có 1 xe ba gác đi lọt. Có điều, ngày xưa xe cộ không đông đúc, chen lấn, còn bây giờ nhịp sống bận rộn hơn, xe cộ, người qua lại, tàu thuyền ra vào liên tục, chỉ cần 2 xe chở sò tránh nhau cũng dễ gây ra chuyện cãi vã inh ỏi.
Nhưng người dân miền biển dễ bỏ qua, cãi nhau chút rồi ai lại về công việc nấy, vội vàng. Ngày xưa, hải sản nhiều và đa dạng vô kể, ra khơi chút là thuyền ắp cá về bến. Bởi vậy, người dân ở đây hầu như không nhà nào đói ăn vì có mẹ biển bao bọc, chở che.
Cảnh buôn bán, vận chuyển tấp tập tại bến sò xã Chí Công.
Còn ông Sáu – chồng bà, vốn sinh ra và lớn lên ở xóm nhỏ này. Năm nay đã gần 70 tuổi, nhưng ký ức về bến sò ngày xưa theo ông lớn lên gần cả cuộc đời. Đó là tuổi thơ chơi trốn tìm trong các hang đá ven bờ, là trò chơi mạo hiểm bơi lặn dưới đáy thuyền đang neo đậu. Da chai sạn, đen sì vì nắng, gió và vết cào xước từ vô số vỏ sò, cạnh đá nhọn, mang dấu ấn thời gian gắn bó với biển của ông thời thơ ấu.
Đó cũng là chuỗi thời gian của tuổi thơ hồn nhiên, vui vẻ không thể nào quên của ông. Sau này lớn lên, lập gia đình, ông cũng theo nghề biển gần 20 năm. Mãi đến thời điểm gặp cơn bão ngoài khơi trong lúc đi đánh bắt, ông thoát chết trong gang tấc.
Một thời gian sau, ông quyết định bán ghe, lên bờ kiếm nghề khác sinh sống. Sau này, đám con trai dù không ai theo nghề cha, nhưng hàng ngày, vẫn tranh thủ vác lưới xuống biển thả lưới, chỉ chưa đầy 1 tiếng đồng hồ đã thu về từng mẻ cá vài kg để đỡ một phần tiền chợ.
Theo một lãnh đạo xã Chí Công, so với ngày xưa, thì nay đời sống bà con địa phương đã khởi sắc, no ấm hơn nhờ nghề biển, nhưng hộ nghèo vẫn còn nhiều. Một phần, bởi bà con chưa mạnh dạn đầu tư tàu thuyền công suất lớn. Nguyên nhân sâu xa vẫn do vùng biển xã Chí Công là xã bãi ngang, khiến tàu thuyền lớn không thể vào neo đậu, nhất là mùa mưa bão.
Cùng với đó là vấn đề môi trường biển bị ô nhiễm. Hàng chục năm nay, người dân sống quanh bến sò này vẫn xả rác thải sinh hoạt ra biển, khiến mức độ ô nhiễm càng nhân lên theo năm tháng. Sống dựa vào biển – làm giàu từ biển, nhưng hàng ngày, chính vùng biển này lại đang phải hứng chịu vô số rác thải do người dân thả xuống.
Nghiệp… biển
Đêm. Khi đồng hồ mới chỉ đến 3 giờ sáng, tôi đã nghe tiếng í ới và bước chân của những người thợ lặn. Họ có mặt tại bến sò để chuẩn bị cho chuyến biển.
“Nghề lặn sò rất nguy hiểm, nhất là nghề lặn dưới nước sâu. Nghề này quan trọng nhất phải có sức khỏe và hết sức thận trọng. Nếu sơ suất, ắt phải trả giá đắt bằng sinh mạng của mình” – anh Trần Ngọc Thu có thâm niên 23 năm lặn sò ở thôn Hà Thủy 2 chia sẻ.
Quả vậy! Theo UBND xã Chí Công, chỉ tính từ đầu năm 2019 đến nay, trên địa bàn xã đã xảy ra 4 vụ tai nạn lao động gây chết người, chủ yếu là do nghề lặn biển. Đáng nói, đó phần lớn là những lao động chính trong gia đình, có vợ trẻ, con thơ.
Đến bến sò này nhiều lần, tôi từng chứng kiến những đám tang với đoàn người đưa tiễn nối dài qua con đường ven biển này! Bởi vậy, dân gian vẫn hay ví von gọi nghề lặn là “đổi bát máu lấy bát cơm”. Vẫn biết là vất vả, nhưng cuộc sống mưu sinh của những thợ lặn vẫn gắn bó với bến sò từ năm này qua năm khác…
Bến sò Chí Công gắn bó với người dân địa phương từ lâu đời. Rất nhiều người con được sinh ra ở vùng biển này, nay nhiều người đã thành tài, xa xứ lập nghiệp.
Ấy vậy, nhưng mỗi năm vào dịp lễ, tết, họ vẫn cố gắng tụ họp về với gia đình. Hay những người con xứ Duồng (tên gọi thân thương của xã Chí Công) dù sống ngay ở Phan Thiết nhưng hàng năm vẫn tổ chức hội họp đồng hương, kết tình quê cha đất tổ.
Ghé bến sò, tôi mua mấy ký sò điệp, sò lông về định nướng hành mỡ, hấp xả cho ngày cuối tuần. Chị bán sò vừa cân, vừa thêm một ít, cười: “Đặc sản bến sò đó, ngon lắm em”. Rời bến sò nhưng tôi vẫn nghe hương vị của biển mằn mặn – biển mùa này êm quá!
Theo Chủ tịch UBND xã Chí Công – Nguyễn Bình Phong Tuấn: Dân số toàn xã hiện có hơn 23.000 người, 2/3 trong số đó sống bằng nghề biển. Xã có 500 chiếc thuyền, trong đó thuyền trên 90 CV khoảng hơn 200 chiếc.
Bà con ở đây chủ yếu làm nghề kéo đơn, lặn… Hải sản ở đây dồi dào, với nhiều loại như ốc giác, ốc nhung, sò dương, ốc đá… nhưng nhiều nhất vẫn là sò điệp, sò lông. Sò khai thác tại Chí Công không chỉ nổi tiếng về chất lượng thơm, ngon mà vùng biển này vào mùa khai thác cho sản lượng đến cả trăm tấn làm nên một bến sò đặc trưng người dân từ rất lâu đời.
Theo Kiều Hằng (Báo Bình Thuận)
Một phượt thủ chết trên cung đường Tà Năng-Phan Dũng
Nghi nạn nhân đi xe leo đồi dốc không có bánh xích chuyên dụng thì bị té ngã.
Ngày 28/4, tin từ các cơ quan chức năng cho biết đang làm rõ cái chết và truy tìm thân nhân của một phượt thủ gặp nạn trên cung đường Tà Năng- Phan Dũng (Bình Thuận).
Trước đó vào khoảng 9 giờ ngày 27/4, một thanh niên đi hái lan rừng phát hiện nam phượt thủ đi xe máy 72L6-7364 nằm gục trên bãi cỏ tại dốc đồi thông thuộc huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng, đoạn giáp ranh với xã Phan Dũng, huyện Tuy Phong, Bình Thuận.
Hiện trường vụ việc
Nghi người này bị té xe nên người phát hiện tìm kiếm giúp đỡ và ngay sau đó nạn nhân được một nhóm phượt khác sơ cứu nhưng đã tử vong. Vụ việc được trình báo lực lượng chức năng khám nghiệm hiện trường, điều tra làm rõ nguyên nhân.
Theo Pháp luật TPHCM
"Yến tặc" xuất hiện, bịt mặt dùng que sắt lấy trộm cả ký tổ yến Tình trạng mất trộm tổ yến thời gian qua liên tục xảy ra tại các huyện Bắc Bình, huyện Hàm Thuận Bắc (tỉnh Bình Thuận)...gây bức xúc cho người dân, làm thiệt hại hàng trăm triệu đồng đối với chủ nhà bị mất cắp. Trộm cắp tổ yến có tổ chức Những năm gần đây nghề nuôi chim yến lấy tổ trong tỉnh...