Vừa đoạt giải gạo ngon nhất thế giới, cha đẻ ST24 sợ bị… làm nhái
Niềm vui gạo Việt được danh xưng “ngon nhất thế giới” chưa được bao lâu, tác giả giống lúa ST24 và ST25 và những người gắn bó cả đời vì cây lúa… đau đáu nỗi lo hàng nhái.
Sau khi giống gạo ST của KS. Hồ Quang Cua (Sóc Trăng) đạt giải nhất tại cuộc thi gạo ngon nhất thế giới vừa được tổ chức tại Philipines cách đây vừa đúng 1 tuần, nhiều cửa hàng gạo rao bán gạo ST nhưng không có bao bì như ông Cua đã đăng ký. Thậm chí có nguồn tin nói rằng, không loại trừ họ giả cả bao bì gạo ST “chính hãng”!
Tìm đâu ST thứ thiệt?
Trên nhiều website có trưng bán gạo ST24 và ST25 nhưng mẫu mã, bao bì và nhãn hiệu khác với những bao bì mà ông Cua đã đăng ký bảo hộ bản quyền. Tại website “ kho gạo Sài Gòn” An Bình Phát có thông tin đầy đủ về hạt gạo ST24 của ông Cua nhưng có tên là Hương Phù Sa. Tại website Gạo sạch Thiện Tâm (Gò Vấp, TP.HCM), dù là loại gạo nào, từ gạo nội địa cho đến gạo ngoại, tất nhiên là có cả ST21, ST24 của ông Cua đều được đóng trong một mẫu bao bì chung của nhà kinh doanh này.
Nhiều website cứ việc rao bán gạo ST24 nhưng không hề có hình mà chỉ là một chén cơm trắng, rồi cứ nói đó là gạo ST24. Chưa rõ khi mua chủ hàng sẽ giao loại gạo nào nhưng rõ ràng, với hình ảnh đó, không thể thuyết phục người mua và làm chủ hạt gạo ngon ST là ông Cua không khỏi lo lắng hạt gạo ST24 bị làm giả.
Tại Cần Thơ, theo một nguồn tin, có một doanh nghiệp lập lờ với bao bì giống lúa ST24. Tại An Giang, một doanh nghiệp kinh doanh lúa giống ST24 nhưng chưa được ông Cua nhượng quyền.
Nhiều đại lý mua gạo ST tại công ty Phương Nam (Phú Nhuận, TP.HCM)
Trả lời câu hỏi trên không khó. Bà Trịnh Kim Tuyến, đại diện giao dịch sản phẩm gạo đặc sản ST của kỹ sư Hồ Quang Cua cho biết, trước hết, toàn bộ những thông tin về hạt gạo ST24 và ST25 đều được in trên bao bì. Điều thứ hai, để nhận diện “gạo ST24 xịn” đó là tìm đến các đại lý chính thức có kinh doanh gạo ST24. Những đại lý này, theo tìm hiểu của Thế giới Tiếp thị, được ông Cua cấp giấy chứng nhận như là “lời xác nhận chính thức” để phân biệt với những đại lý bán gạo khác.
Được biết, tại TP.HCM, chỉ có khoảng chục sạp gạo có bán gạo ST24, ST25 với đầy đủ các phiên bản. Những dòng gạo ST24/25 được đóng gói với trọng lượng 5kg/túi với những thông tin của thương hiệu và tác giả Hồ Quang Cua. Hình thức và thông tin trên bao bì này đã được đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ. Ông Phan Thành Hiếu, Giám đốc công ty cổ phần kinh doanh Gạo Phương Nam cho biết, tại TP.HCM, ông và một đại lý tên là Loan chính thức phân phối các dòng gạo ST của ông Cua vì đây là những đầu mối tin cậy. “Chúng tôi bán từ khách mua sỉ, cho đến các sạp gạo nhỏ, cửa hàng, khách sạn… cho đến khách gia đình”, ông Hiếu cho biết. Mỗi tháng, theo lời ông Hiếu, Phương Nam bán từ 20 – 30 tấn gạo ST các loại, nhưng phổ biến nhất là loại gạo ST24.
Hiếm như gạo ông Cua
Những ngày gần đây, sau khi có thông tin gạo ST đạt giải gạo ngon nhất thế giới, đã có rất nhiều khách hàng hỏi mua mặt hàng gạo này. “Trước đây, khi khách hàng mua 15kg trở lên sẽ được Phương Nam “ship” miễn phí. Còn nay, với mặt hàng gạo mới, Phương Nam sẵn sàng chuyển những đơn hàng nhỏ, tất nhiên là miễn phí để người tiêu dùng ăn làm quen”, ông Hiếu nói.
Video đang HOT
Hiện giá gạo ST24 tại Phương Nam có 3 mức tùy theo quy trình sản xuất. Nếu sản xuất tại cánh đồng mẫu lớn sẽ có giá 26.000 đồng/kg, sản xuất an toàn có giá 30.000 đồng/kg, còn sản xuất hữu cơ có giá 80.000 đồng/kg; riêng dòng gạo ST25 có giá 27.000 đồng/kg. Các sản phẩm gạo ST đều được đóng gói 1kg và 5 kg/túi, tùy theo loại gạo với mẫu mã bao bì đã được ông Cua đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ.
Gạo ST chánh hiệu có đầy đủ thông tin của ông Cua trên bao bì.
Với gạo ST24, người tiêu dùng có thể tìm mua tại các cơ sở kinh doanh gạo hoặc qua các kênh thương mại điện tử. Giá gạo chênh lệch ở các tỉnh, các vùng miền do chi phí vận chuyển khác nhau. Tuy nhiên, sản phẩm gạo ST25 chưa phổ biến trên thị trường. Hiện chỉ có một khối lượng nhỏ và chỉ có doanh nghiệp Hồ Quang Trí vẫn đang là đầu mối kinh doanh sản phẩm này.
Tại chợ Trần Hữu Trang (Phú Nhuận, TP.HCM), khi hỏi về gạo ST24, bà Liên, chủ một sạp gạo rổn rảng: “Tui kinh doanh sạp gạo ở đây hơn 10 năm, gạo ST24 đã được bán cách đây vài năm nhưng lúc đó chưa bán đắt như bây giờ. Đâu như lúc trước mỗi ngày chỉ một hoặc hai khách hàng, kể từ ngày gạo Việt đứng nhứt, nhiều khách hàng tới hỏi mua, có đến cả chục khách hàng, đến nỗi không có gạo mà bán”. Bà chủ sạp này còn giải thích: ST24 này là giống cao sản ở Sóc Trăng, được trồng trên đầm tôm, nên cây lúa được nuôi bởi các chất hữu cơ tự nhiên của tôm thải ra, nhờ vậy hạt gạo hấp thụ nhiều dưỡng chất tự nhiên, không có chất hóa học gây hại cho cơ thể, hạt gạo cũng dẻo, thơm…
Cũng giống ST, nhưng 5-7 đường
Theo bà Trịnh Kim Tuyến, khó trách được các cơ sở bán gạo không đúng bao bì, nhãn mác như các sản phẩm ST chính hãng. “Do bà con nông dân mua giống lúa ST về sản xuất, sau đó bán lúa cho các thương lái để họ xay xát, chế biến rồi cung cấp gạo ra thị trường nên mới có chuyện này xảy ra. Lẽ ra, trên bao bì sản phẩm, tùy theo vùng trồng mà cần có thông tin rõ ràng để người tiêu dùng biết đâu là hàng chính hãng ông Cua, đâu là hàng cho mọi người mua giống về trồng”, bà Tuyến chia sẻ.
“Chúng ta hay than phiên gạo Việt Nam chưa có thương hiệu. Thế nhưng, nếu không tôn trọng công sức hơn 20 năm nghiên cứu của nhóm tác giả Hồ Quang Cua thì dù có thêm 20 hoặc 30 năm nữa, Việt Nam cũng khó có thêm một giống lúa nào ngon hơn và đươc xếp hạng nhất như giống lúa ST vừa qua”, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt Lê Thanh Tùng nhận xét.
Cũng theo lời bà Tuyến, do nhiều mối chế biến, xay xát gạo ST không đúng kỹ thuật như cách làm của ông Cua, sấy không đạt, ủ gạo quá lâu hoặc khi bán ra thị trường nhưng bán chậm khiến gạo mất mùi… đã ảnh hưởng xấu đến chất lượng hạt gạo ST. “Người tiêu dùng bây giờ tinh lắm, nếu mua phải gạo ST24 hoặc ST25 mà lỡ không ngon, lần sau sẽ tìm mua chỗ khác. Sản phẩm gạo chính hãng có đóng bao bì, nhãn mác và có ghi số điện thoại của tác giả giống lúa ST cũng như các đầu mối giao dịch…”, bà Tuyến nói.
Theo Danviet
Bỏ gieo sạ cấy máy, người trồng lúa tăng lợi nhuận 4,5 triệu/ha
Phải nhanh chóng đẩy mạnh cơ giới hóa trong trồng lúa ở ĐBSCL để giúp giảm nhân công, hạ giá thành, tăng thu nhập và giúp bà con yên tâm gắn bó với cây lúa hàng hóa...
Đó là ý kiến của nhiều đại biểu, chuyên gia tại Diễn đàn Khuyến nông @ nông nghiệp chủ đề "Cơ giới hóa trong sản xuất lúa" tổ chức tại Kiên Giang mới đây.
Hoạt động này nằm trong khuôn khổ dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (viết tắt là VnSat), do Trung tâm Khuyến nông quốc gia (Bộ NNPTNT) thực hiện.
Mô hình cánh đồng lớn thâm canh trồng lúa và áp dụng cơ giới hoá đồng bộ ở xã Thạnh Đông A, Tân Hiệp, Kiên Giang. (ảnh: Đỗ Tuấn)
Nghịch lý ở vựa lúa
Theo TS Phạm Văn Tấn - Phó Giám đốc Phân viện Cơ điện Nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch (SIAEP), ĐBSCL có gần 2,8 triệu hộ làm nông nghiệp, hàng năm sản xuất khoảng 23-25 triệu tấn lúa, cung cấp tới 90% lượng gạo xuất khẩu của cả nước... nhưng số hộ có máy kéo và máy nông nghiệp còn khá thấp, bình quân 62 hộ mới có 1 máy kéo. Mặc dù cao hơn cả nước (1,16 HP/ha), song mức độ trang bị động lực cho nông nghiệp ở ĐBSCL chỉ khoảng 2 HP/ha, trong khi Thái Lan đã đạt 4 HP/ha, Hàn Quốc 4,2 HP/ha, Ấn Độ và Trung Quốc trên 6 HP/ha.
Mức độ cơ giới hóa (CGH) trong sản xuất lúa ở ĐBSCL còn không đồng đều giữa các khâu. Cụ thể, khâu làm đất đạt khoảng 95% so với nhu cầu, bơm nước 95-100%; gieo sạ bán cơ giới và thu hoạch 70-75%; trong đó sử dụng máy gặt đập liên hợp (GĐLH) đạt khoảng 55-60%; sấy lúa 60-65%; bảo quản đúng yêu cầu kỹ thuật chỉ đạt khoảng 20%; xay xát lúa gạo đạt trên 95%.
Các đại biểu và bà con nông dân thăm mô hình CGH trong trồng lúa ở xã Thạnh Đông A, Tân Hiệp, Kiên Giang. (ảnh: Đỗ Tuấn)
Theo ông Tấn, hiện các cơ sở chế tạo máy nông nghiệp ở ĐBSCL còn rất ít và yếu cả về công nghệ, thiết bị và nguồn nhân lực, chưa được tiêu chuẩn hoá và kiểm định chất lượng chặt chẽ. Bên cạnh đó, đến nay ĐBSCL cũng chưa có một trung tâm đào tạo và tập huấn sử dụng máy móc, thiết bị nông nghiệp.
Trong khi đó, theo Cục Trồng trọt, thực hiện CGH trong sản xuất lúa vừa là yêu cầu, vừa là giải pháp tiên tiến trong canh tác lúa nói chung và canh tác lúa thích ứng với biến đổi khí hậu. Khâu làm đất tốt và bằng phẳng, xẻ rãnh đều sẽ giúp giảm lượng giống gieo sạ, dễ sử dụng các thiết bị phun thuốc BVTV, bón phân, thu hoạch...
Đại diện Sở NNPTNT tỉnh Kiên Giang cho biết, việc CGH sản xuất lúa của tỉnh cũng gặp nhiều bất lợi do hệ thống kênh nội đồng chưa đồng bộ, trình độ canh tác của nông dân còn lạc hậu, mật độ sạ cao, có nơi sạ tới 200 - 250kg lúa giống/ha, làm tăng áp lực sâu bệnh, tăng chi phí đầu tư và giảm phẩm chất lúa gạo.
Trước tình hình đó, Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang đã xây dựng nhiều mô hình giảm lượng giống gieo sạ như nhân giống lúa cấp xác nhận tại nông hộ, mô hình "1 phải 5 giảm" mật độ sạ từ 80 - 100kg/ha, dự án cánh đồng mẫu lớn với mật độ sạ 120kg/ha; phối hợp thực hiện dự án khuyến nông quốc gia Trung ương với các mô hình sạ 80kg/ha, cấy máy, qua đó góp phần giảm chi phí, nâng cao thu nhập cho người dân trồng lúa, giảm những tác động xấu đến môi trường...
Bỏ dần gieo sạ
Chia sẻ kinh nghiệm tại diễn đàn, nông dân Nguyễn Thanh Vững, ấp 6, xã Vĩnh Viễn A (Long Mỹ, Hậu Giang) cho biết: "Vụ hè thu năm 2019, tôi tham gia dự án "Xây dựng mô hình cánh đồng lớn thâm canh và áp dụng CGH đồng bộ trong sản xuất lúa" với diện tích 5ha. Mặc dù được dự án hỗ trợ giống, phân bón, thuốc BVTV và 1 máy cấy lúa, song khi mới thực hiện tôi vẫn rất lo lắng vì trước đây, tôi gieo sạ tới 150kg giống lúa/ha, nay phải giảm chỉ còn 50kg giống/ha, phải tuân thủ cấy lúa, bón phân, giảm phun thuốc BVTV, có sổ nhật ký ghi chép...".
Tuy nhiên, trải qua thực tế sản xuất, ông Vững cho rằng: "Giá giống lúa hiện khá cao nên chỉ riêng việc giảm lượng giống đã giúp nông dân giảm đáng kể chi phí. Nhất là áp dụng kỹ thuật cấy máy, năng suất lúa đạt 5,76 tấn/ha, cao hơn ruộng đối chứng sạ 200kg là 0,76 tấn/ha, lúa ít dịch bệnh, ít đổ ngã.
Chưa kể dự án cũng xây dựng tổ liên kết tiêu thụ nên giá bán lúa cũng cao hơn bán cho thương lái bên ngoài 500 đồng/kg. Vụ hè thu này, gia đình tôi thu được 13 triệu đồng/ha, cao hơn nhiều so với nông dân trong vùng canh tác theo tập quán cũ".
Theo Trung tâm Khuyến nông Hậu Giang, áp dụng sản xuất lúa bằng phương pháp cấy cho lợi nhuận trên 10 triệu đồng/ha, cao hơn so với mô hình bên ngoài khi chỉ đạt lợi nhuận trên 4 triệu đồng/ha. Hiện, mô hình đã nhân rộng được gần 45ha, chiếm tỉ lệ trên 62% so với đầu tư ban đầu và tổ liên kết tiêu thụ cũng đã đầu tư thêm 1 máy cấy.
Nông dân đặt câu hỏi tại Diễn đàn Khuyến nông @ nông nghiệp chủ đề "Cơ giới hóa trong sản xuất lúa".
Ban cố vấn Diễn đàn gồm các chuyên gia nông nghiệp, nhà quản lý...
Theo ông Lê Thanh Tùng - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, từ năm 2017-2019 Trung tâm Khuyến nông quốc gia đã triển khai dự án xây dựng mô hình "Cánh đồng lớn thâm canh và áp dụng CGH đồng bộ trong sản xuất lúa ở phía Nam", thực hiện tại 7 tỉnh Vĩnh Long, Trà Vinh, Bạc Liêu, Kiên Giang, Bình Thuận, Tây Ninh, Hậu Giang.
Trong 3 năm triển khai, dự án đã xây dựng 18 mô hình cánh đồng lớn, mỗi mô hình hỗ trợ 50ha lúa cấy (năm 2019 là 72ha); hỗ trợ 1 máy cấy 4 bánh hoặc 2 máy cấy 2 bánh và 10 bình phun động cơ. Lúa trong mô hình áp dụng quy trình canh tác SRI (3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm).
Theo đánh giá của Trung tâm Khuyến nông quốc gia, mô hình đã giảm 70% lượng giống gieo sạ. Nhờ cấy thưa nên cây lúa sinh trưởng khỏe, ruộng lúa thông thoáng, giảm áp lực sâu bệnh, giảm phân bón, thuốc BVTV so với ruộng lúa sạ. Mặt khác, nhờ ít sâu bệnh nên lúa cấy như là một yếu tố thuận lợi để sản xuất lúa an toàn, lúa hữu cơ. Việc sử dụng máy cấy đã góp phần giảm nhân công, đảm bảo lịch thời vụ. Trung bình lợi nhuận của mô hình cao hơn đối chứng hơn 4,5 triệu đồng/ha.
Theo Danviet
Giải nhất Gạo ngon thế giới gọi tên ST24 của Việt Nam Hạt gạo ST24 của Việt Nam đã xuất sắc vượt qua đối thủ "đáng gờm" Thái Lan để nhận giải Gạo ngon nhất thế giới năm 2019 của tổ chức The Rice Trader. Cuộc thi Gạo ngon nhất thế giới năm 2019 - World's Best Rice do The Rice Trader tổ chức trong khuôn khổ hội nghị Thương mại Gạo Thế giới lần...