Vừa 30 tuổi đã làm chủ DN lớn, nuôi mộng xuất khẩu nấm
Ở tuổi 30, anh Nguyễn Chí Thành (quê Bình Dương) đã la chủ doanh nghiệp lớn chuyên nuôi trồng, chế biến nấm với thương hiệu Linh chi Trường Thọ.
Anh Nguyễn Chí Thành tại trại nấm của mình. Ảnh: NVCC.
Tốt nghiệp trung học phổ thông, Nguyễn Chí Thành gác lại con đường đèn sách, bắt đầu với công việc lam lũ cạo mủ cao su ở nông trường Đồng Sen, Quân đoàn 4 thuộc Bộ Quốc phòng. “Trong một lần mệt ngồi nghỉ, tôi tình cờ phát hiện mớ nấm rơm ngay giữa lô cao su. Thế là trong đầu lóe lên ý tưởng sẽ trồng nấm để làm giàu”, anh Thành chia sẻ về cơ duyên đưa mình đến với nghề trồng nấm.
Anh Thành dồn hết số vốn sau 2 năm tích lũy từ những ngày làm công nhân cạo mủ cao su để làm lộ phí học nghề trồng nấm. Anh ngược xuôi gõ cửa nhiều nơi có nghề trồng nấm phát triển. Từ Củ Chi, Hóc Môn (TPHCM) cho đến các tỉnh Đồng Nai, Lâm Đồng rồi sang huyện Hớn Quản (Bình Phước)…, anh kiên trì học cho được cái nghề một cách bài bản.
Năm 2007, sau nửa năm “tầm sư học đạo”, anh Thành trở về và tận dụng 30m2 đất của gia đình mở trại trồng nấm. Dựng xong trại cũng là lúc cạn vốn nên anh phải đi mượn bà con lối xóm được 7 triệu đồng để mua 3.000 bịch meo bào ngư. Và kết quả thu được ban đầu khá khả quan, anh lãi 12 triệu đồng sau 3 tháng chăm sóc.
Video đang HOT
Khởi đầu suôn sẻ, anh Thành đầu tư gấp đôi số bịch meo và tiếp tục thành công. Từ thành công trong trồng nấm rơm, anh mở rộng diện tích để trồng thêm nấm mèo, nấm sò và cả nấm linh chi, nấm bào ngư. “Thế nhưng điều làm mình không ngờ là thời gian đầu sản phẩm nấm bào ngư đã không được người dân chào đón. Đơn giản là họ thấy cây nấm lạ lẫm nên không dám mua về ăn”, ông chủ trẻ Nguyễn Chí Thành nói về thất bại đầu tiên trong nghiệp trồng nấm.
Không nản, anh Thành tìm cách giới thiệu, thuyết phục những khách hàng khó tính. Rồi anh nhờ họ giới thiệu cho khách hàng khác, từ đó sản phẩm được thị trường biết đến và chấp nhận.
Không dừng lại ở việc trồng nấm, sau hơn 1 năm vừa sản xuất vừa tích lũy kinh nghiệm, anh chuyển sang nuôi cấy meo nguyên liệu để cung cấp cho các trại trồng nấm. Nguồn vốn tích lũy được cả tỷ đồng vào thời điểm năm 2011, anh đi mua 3.000m2 đất ở ấp 4, xã Tân Lập, huyện Đồng Phú (Bình Phước) để lập trang trại trồng các loại nấm mới. Nắm bắt nhu cầu tiêu thụ của thị trường, năm 2014, anh Thành thành lập Công ty TNHH Linh chi Trường Thọ, chuyên trồng loại nấm này. Đến nay, mỗi năm, doanh nghiệp sản xuất 18 tấn linh chi các loại, với giá trị kinh tế khá cao.
Nói về định hướng phát triển trong chặng đường sắp tới, anh Thành cho hay, sẽ đưa Cty Linh chi Trường Thọ trở thành đơn vị cung ứng các sản phẩm có dược tính cao nhất với giá cả hợp lý nhằm góp phần chăm sóc sức khỏe người tiêu dùng Việt Nam.
“Chúng tôi đang hoàn tất hồ sơ để xin giấy phép đầu tư khu nông nghiệp công nghệ cao nấm linh chi quy mô 2 héc-ta. Đây là khu nuôi trồng và chế biến chuyên sâu về nấm đầu tiên tại Việt Nam. Một khi đã phát triển bền vững rộng khắp thị trường 63 tỉnh, thành trong cả nước, sản phẩm của tôi sẽ hướng đến xuất khẩu sang thị trường nước ngoài”, anh Thành chia sẻ.
Bên cạnh chú trọng phát triển làm ăn, anh Thành còn phối hợp với Tỉnh Đoàn Bình Phước triển khai các chương trình giúp thanh niên khởi nghiệp, tạo công ăn việc làm cho thanh niên trên địa bàn tỉnh và tham gia các hoạt động vì cộng đồng. Anh Nguyễn Chí Thành vừa được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tặng thưởng Bằng khen “Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác cụm miền Đông Nam Bộ”, nhằm ghi nhận những thành tích, đóng góp suốt thời gian qua.
Theo Ngô Tung (Bao Tiên Phong)
Anh kỹ sư điện trồng được 32 loại nấm dược liệu quý hiếm, "độc", lạ
Từ công việc đồng ruộng một nắng hai sương của mình, với bản tính thích khám phá, chinh phục và làm cho cuộc sống của mình no ấm hơn, nhiều nông dân (ND)miền Tây đã làm nên những "kỳ tích" nông nghiệp - không chỉ được bà con ND trong nước và cả nước ngoài biết đến, khâm phục. Chúng tôi gọi họ là "những người đi trước và thành công".
Là kỹ sư điện nhưng anh Ngô Xuân Điền (28 tuổi, phường Trà An, quận Bình Thủy, TP.Cần Thơ) lại đam mê trồng nấm dược liệu. Đến nay, anh đã nghiên cứu, sản xuất được 32 loại nấm quý hiếm, trong đó có cả đông trùng hạ thảo.
Anh Điền và mô hình trồng nấm của mình. Ảnh: Huỳnh Xây
Năm 2014, anh Điền tốt nghiệp đại học và xin vào làm tại UBND phường Trà An. Thời gian rảnh, anh lại mày mò, tìm hiểu về mô hình nông nghiệp tốn ít diện tích đất và khởi nghiệp bằng mô hình trồng nấm linh chi. Ban đầu, nấm do anh Điền trồng chậm phát triển, tỷ lệ hao hụt cao. Dù rất "xót của" nhưng anh vẫn không nản lòng. Bên cạnh việc trồng nấm linh chi, anh trồng thêm nấm rơm. Anh Điền cho biết: "Nấm rơm dễ trồng, nhanh thu hoạch nên tôi đã xem đó là cách để "lấy ngắn nuôi dài", tạo nguồn vốn đầu tư cho nấm linh chi. Nấm rơm làm ra, tôi đi bán nhỏ lẻ tại các chợ".
Sau thời gian dài mày mò, cuối năm 2015, anh đã thành công với mô hình trên. Dịp Tết Nguyên đán 2016, sản phẩm của anh đã được bán ra thị trường, thu về lợi nhuận hơn 100 triệu đồng. Khi hỏi tại sao lại chọn làm những mô hình còn ít người quan tâm, anh Điền nói: "Ở thành phố có ít đất nên mình phải nghiên cứu, tìm tòi để phát triển những mô hình không cần nhiều đất nhưng vẫn mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đặc biệt, đó phải là những sản phẩm nông nghiệp sạch và ít đụng hàng".
Anh Điền cho hay, sau nhiều năm mày mò nghiên cứu, anh cũng đã thành công trong việc tạo ra đông trùng hạ thảo. Đây là loại đông trùng hạ thảo vô cùng đặc biệt và hiếm có ở Việt Nam. "Tôi tuyển chọn gắt gao từng con trong hàng ngàn con tằm và nhộng tằm còn sống khỏe mạnh. Tôi tách riêng những con đực, con cái cẩn thận, rồi tiêm tế bào nấm vào cơ thể chúng, để trong môi trường nhiệt độ thích hợp để tạo ra loại đông trùng hạ thảo quý" - anh Điền cho biết.
Theo phóng viên tìm hiểu, sau khi tiêm tế bào nấm vào, tằm và nhộng tằm phải luôn vận động để đào thải tế bào nấm ra khỏi cơ thể. Tuy nhiên, trong cuộc đấu tranh sinh tồn kéo dài hàng tuần có khi hàng tháng trời, tế bào nấm sẽ thắng và giết được con tằm và nhộng tằm. Cuối cùng, cơ thể con côn trùng này sẽ phát triển thành cơ thể, hình dáng mới, gọi là đông trùng thảo. Hiện loại sản phẩm này có giá bán ra khoảng 150 triệu đồng/kg hoặc từ 50.000-70.000 đồng/con.
Không chỉ thành công với vài mô hình trồng nấm trên, chàng trai quê Cần Thơ còn có thể trồng được 30 loại nấm khác. "Đến nay, tôi đã nghiên cứu thành công 32 loại nấm, trong đó toàn là những nấm "độc", lạ, có tác dụng bồi bổ sức khoẻ, trị bệnh" - anh Điền chia sẻ.
Anh Điền tận dụng mạng xã hội Facebook để quảng bá, tiếp thị và không ngại chia nhỏ sản phẩm để bán."Tới đây, tôi sẽ mở rộng quy mô trồng nấm ở huyện Phong Điền (TP.Cần Thơ), chỉ riêng tiền mua đất đã hơn 1 tỷ đồng" - anh Điền cho hay.
Theo Danviet
Lạ lùng: Thương lái tranh nhau thu mua rơm tươi Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang vào giai đoạn cuối vụ đông xuân và một số tỉnh đã bước vào thu hoạch lúa hè thu sớm, lượng rơm tươi được giới thương lái tranh nhau mua... Thương lái đang thu mua rơm của dân để đem đi giao cho các trang trại săn nuôi giá súc để làm thức ăn ĐBSCL đang...