Vụ xóm trưởng nhận nhiều quà cứu trợ: “4 suất cho 2 vợ chồng và 2 con tôi”
“Đây là đoàn từ thiện họ về trao nhưng không qua chính quyền, có người nhờ tôi lập danh sách. Trong quá trình lập thì có nhiều người đến xin nên tôi thương tình cho họ vào danh sách được nhận. Còn gia đình tôi có 4 suất gồm hai vợ chồng tôi và hai đứa con của tôi…”, xóm trưởng nhận 4 suất quà cứu trợ lý giải.
Người dân phản ánh danh sách nhận quà có nhiều vấn đề
Chiều ngày 14/11, PV Dân trí tiếp tục có buổi làm việc với Xóm trưởng xóm 3 (xã Hương Đô, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh) và Nhóm từ thiện Thiện Tâm Hương Khê.
Ông Nguyễn Trai, Xóm trưởng xóm 3, thừa nhận sự việc trên là sai hoàn toàn và cho biết đã thu lại số suất quà trao sai để nộp lại cho nhóm từ thiện.
“Đây là đoàn từ thiện họ về trao nhưng không qua chính quyền, có người nhờ tôi lập danh sách. Trong quá trình lập thì có nhiều người đến xin nên tôi thương tình cho họ vào danh sách được nhận. Còn gia đình tôi có 4 suất gồm hai vợ chồng tôi và hai đứa con của tôi. Các con đã tách khẩu nhưng vẫn chung sống trong gia đình tôi nên tôi cũng có cho các con vào diện được nhận quà”, ông Trai lý giải.
Liên quan đến việc lập danh sách nhận quà, lúc đầu ông Trai khẳng định, trong số 50 suất quà thì ông chỉ lập danh sách 32 suất (16 hộ vì nhiều người có quan hệ vợ chồng), còn 18 suất ông không hề hay biết (?).
Tuy nhiên, sau khi PV làm việc với các bên liên quan, ông Trai lại gọi điện cho biết ngoài 32 suất do ông lập, ông còn nhờ một người tên Phương (Trần Đình Phương, trú tại xóm 3) lập thêm 18 suất.
Việc thu lại 300 nghìn đồng/mối suất quà cứu trợ của dân, ông Trai cho rằng đó là do người dân… tự nguyện. “Sau khi phát hiện ra việc phát quà sai, tôi đã thu lại mỗi hộ một suất, tức là 500 nghìn đồng, còn 100 nghìn đồng là dân họ tự nguyện cho thêm”, ông Trai bao biện.
Ông Trai cho biết trong quá trình lập danh sách, có nhiều người đến xin nên ông đã “thương tình” cho tên họ vào. Điều lạ là hầu hết các đối tượng nhận quà là các cặp vợ chồng.
Video đang HOT
Ông Trai nói sau khi báo chí phát hiện sai trái, ông mới thu lại tiền của dân. Tuy nhiên, một hộ gia đình thuộc diện được nhận quà cho biết là đã bị ông Trai thu lại ngay sau khi nhận tiền. “Cái này là do họ thỏa thuận trước rồi, đồng ý thì họ mới cho phiếu nhận quà”, một người nhận quà cho biết.
Việc các gia đình được nhận quà đều thuộc diện khá giả, ông Trai nói trong thôn thì các hộ đều… khá giả như nhau (!?).
Làm việc với PV Dân trí, anh Phan Thanh Trầm, Trưởng nhóm từ thiện Thiên Tâm Hương Khê, khẳng định anh không hề hay biết những nhập nhèm nói trên.
“Sau khi báo chí phản ánh, nhóm đã làm việc với các thành viên thì phát hiện danh sách nhận quà đa số là các cặp vợ chồng nên nhóm đã gọi cho xóm trưởng thu lại số suất trao sai. Còn trước đó, xóm trưởng có thu lại một phần quà của người dân hay không thì tôi không biết”, anh Trầm nói.
Cũng theo anh Trầm thì đến sáng ngày 14/11, nhóm đã thu lại hết 25 suất quà trao sai để trao lại cho các hộ dân khác.
“Hiện nhóm đã lập 25 hộ dân có hoàn cảnh khó khăn và nhờ chính quyền xã xác nhận. Sau khi xã xác nhận các hoàn cảnh đó là đúng, nhóm sẽ thay mặt đoàn từ thiện để trao cho các hộ dân”, anh Trầm cho biết.
Chiều ngày 14/11, ông Lê Ngọc Huấn, Chủ tịch UBND huyện Hương Khê đã chỉ đạo các phòng, chính quyền xã Hương Đô khẩn trương xác minh làm rõ vụ việc.
“Trong đợt lũ lụt vừa qua, Hương Khê là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề. Thời gian qua, đã có rất nhiều đoàn từ thiện, đồng bào trên mọi miền Tổ quốc đã chung tay chia sẻ với người dân Hà Tĩnh cũng như huyện Hương Khê. Trong quá trình đó, huyện đã chỉ đạo các phòng, ban, chính quyền các cấp phối hợp và thực hiện rất tốt công tác cứu trợ, khắc phục sau lũ. Giờ để xảy ra sự việc trên đã ảnh hưởng rất lớn đến địa phương cũng như tỉnh.
Sau khi nhận được thông tin từ báo chí phản ánh, chúng tôi đã chỉ đạo các phòng ban, xã Hương Đô khẩn trương xác minh làm rõ vụ việc. Quan điểm của huyện là không bao che, nếu sai phạm thì sẽ xử lý nghiêm những người liên quan”, ông Huấn cho biết.
Trao đổi với PV, ông Đinh Văn Lâm, Chủ tịch UBND xã Hương Đô cho biết, sau khi có thông tin báo chí phản ánh, huyện đã có chỉ đạo và xã cũng đã mời xóm trưởng lên để xác minh làm rõ vụ việc trên. Cái này là đoàn từ thiện trao quà không thông qua chính quyền nên xã phải làm rõ. Sau đó đúng sai thế nào thì sẽ có hình thức xử lý phù hợp.
Xuân Sinh
Theo Dantri
Người đàn ông gần 30 năm nấu cơm cho cán bộ trực lũ
Nhờ sức khỏe dẻo dai, lại khéo nấu nướng, nên mỗi khi lũ lớn bủa vây, ông lại trở thành đầu bếp lo những bữa cơm đạm bạc cho hàng chục con người có thêm sức trắng đêm canh lũ, bảo vệ an toàn cho bà con.
Rốn lũ Phương Mỹ, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh một ngày đầu tháng 11. Con sông Ngàn Sâu bình thường hiền hòa, mùa hè cạn trơ đáy có thể lội bộ, vậy mà dòng nước từ thượng nguồn hồ thủy điện Hố Hô cuồn cuộn đổ về khiến nó trở nên hung dữ. Nước lũ nhấn chìm toàn xã Phương Mỹ, có nơi ngập sâu đến 4m.
5h chiều, chúng tôi có mặt tại trụ sở UBND xã. Nơi đây bình thường khá rộng rãi nhưng do lũ ngập tầng 1 nên tất cả đồ đạc, thiết bị, con người đều phải di chuyển lên tầng 2. Trong những căn phòng chật chội, đàn ông, phụ nữ ai cũng căng mình lo công việc. Người nối máy đến các thôn xóm nắm bắt tình hình cuộc sống. Người chỉ đạo cứu trợ không được để bà con gặp nạn, thiếu đói trong lũ. Lại có tốp chị em đang cẩn thận lên danh sách để ngày mai các đoàn cứu trợ bên ngoài vào phát quà cho các hộ dân.
Trong số hàng chục cán bộ xã, dân quân tự vệ có mặt tại đây, có một con người đang lặng lẽ làm một công việc tưởng như rất bình thường nhưng lại rất quan trọng. Đó là ông Hoàng Xuân Vân, 57 tuổi, người có gần 30 năm lo những bữa com cho cán bộ xã ngày đêm trực lũ.
Khi cán bộ xã đang tất bật công việc giúp dân đối phó mưa lũ thì ông Hoàng Xuân Vân lặng lẽ chuẩn bị bữa cơm tối cho cán bộ trực lũ ở tầng 2 trụ sở ủy ban xã.
Tất tần tật, từ lo nước sạch, dầu đèn, thực phẩm, đun nấu, đến rửa ráy dọn dẹp, một mình ông lo liệu. Mất điện nên đôi tay, đôi chân ông thoắt thoắt di chuyển để kịp lo bữa cơm tối cho mấy chục con người trước khi màn đêm buông xuống.
Bữa cơm mùa lũ cho mấy chục con người, trong điều kiện vô cùng thiếu thốn, là công việc không hề đơn giản.
Mở nồi cá đồng kho thơm phức, ông bảo, do lũ dữ bủa vây khó khăn đi lại, nên mấy ngày rồi cán bộ xã trực lũ chỉ ăn toàn cơm cà, tép khô, canh rau tạm bợ, có khi là những miếng lương khô và nước khoáng của đoàn cứu trợ mang đến. Thương anh em cán bộ quá vất vả nên sáng nay ông đã gọi điện nhờ người thân mua hộ ít cá dân thả lưới được trong lũ từ chợ Phúc Đồng, cách gần 10km.
"Mưa lũ thế này có khi anh em có gì ăn nấy, không ai kêu ca gì. Nhưng tôi hiểu anh em, nhất là những người đi xuồng cả ngày, mệt và vất vả lắm. Vì thế tôi muốn trong điều kiện có thể phải lo chu đáo cho anh em có cái ăn để có sức chống chọi với lũ, lo cho bà con. Họ có sức thì mới lo được cho bà con phải không nào"- ông Vân trò chuyện.
Đợi mọi người xong việc, ông tiết lộ, việc trở thành người lo những bữa cơm trực lũ gần 30 năm nay ở trụ sở xã như là cái duyên, đến với một một cách rất tình cờ.
Gần 30 năm trước, khi mới chân ướt chân ráo về nhận công việc địa chính của xã, cũng là lúc trận lũ lớn tràn về. Là lính trẻ, lại có sức khỏe, chàng trai Hoàng Xuân Vân xung phong vào bếp lo bữa ăn tạm bợ mùa mưa lũ. Bữa ăn chỉ đạm bạc nhưng ai cũng khen. Và thế là từ đó, như được mặc định, cứ mỗi lần lũ bủa vây, ông lại nghiễm nhiên trở thành đầu bếp lo cơm nước cho mấy chục con người đêm hôm trực lũ.
Để có nước sạch nấu cơm, ông phải nhờ người chèo thuyền cả vài tiếng đồng hồ đến một vài gia đình có trữ nước sạch để xin hoặc mua lại.
Trò chuyện với những người cán bộ xã ở đây, ai cũng thán phục trước sự tận tình, trách nhiệm của người đầu bếp già. "Cái chi với vùng lũ lúc này ăn cũng ngon. Mà bác ấy nấu có khi chỉ nắm tép, canh rau vặt với cơm cà thì lại càng ngon nữa. Lũ về, có bác ấy chúng tôi ấm lòng hơn để lo cho bà con" - ông Phan Đình Quân, Bí thư xã Phương Mỹ bày tỏ lời thán phục.
Còn ông Nguyễn Hữu Tình, Phó Công an xã, thì mãi nhớ những nắm cơm đùm nóng hổi với vừng lạc, tép kho, mà bác Vân luôn chuẩn bị sẵn cho những người trực ở các thôn không thể về trụ sở. "Chúng tôi phần bị lũ bủa vây đi lại khó khăn, phần bận phải ở lại các thôn cùng bà con đối phó với lũ. Mỗi lần như thế, biết chúng tôi cả ngày chỉ có mì tôm sống với nước khoáng, bác ấy lại gói cơm đùm, ít thức ăn, tranh thủ có ghe xuồng về các thôn là gửi cho chúng tôi. Những nắm cơm giữa lũ như thế thật ấm lòng. Trách nhiệm, tận tình như thế, nên ở đây ai cùng cũng quý mến bác ấy" - ông Tình bày tỏ.
Mâm cơm đạm bạc giữa lũ cho gần 30 con người, trong đó có cả một số người dân đến nghỉ qua đêm tại trụ sở ủy ban xã, vừa chuẩn bị xong. Mấy chục con người bắt đầu quây quần trong bữa cơm tối trực lũ ấm cúng. Sau bữa cơm vội ấy, những người cán bộ xã lại tất tả lo lắng cho người dân đang dập dềnh với nước lũ trắng trời...
Văn Dũng
Theo Dantri
Nhiều người bất chấp nguy hiểm vớt gỗ giữa lũ Dù chính quyền đã cảnh báo, song nhiều người dân vẫn bất chấp nguy hiểm, ra cầu tràn ở xã Gia Phố (Hương Khê, Hà Tĩnh) vớt gỗ từ thượng nguồn đổ về. Sáng 2/11, nước lũ ở huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) đang rút dần, nhiều loại gỗ và củi từ thượng nguồn đổ về hạ du, mắc kẹt ở một số...