Vụ xâm hại hồ thủy lợi Próh ở Lâm Đồng: Sẽ xử lý kiên quyết, không có vùng cấm
Từ đầu năm 2021, hồ Próh – một trong những hồ thủy lợi lớn nhất ở tỉnh Lâm Đồng bắt đầu bị xâm hại nghiêm trọng và kéo dài cho đến nay.
Tại cuộc giao ban báo chí ngày 11/7, trước thông tin về tình trạng này, ông Trần Văn Hiệp – Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng tuyên bố sẽ xử lý dứt điểm. Tiếp nhận chỉ đạo này, UBND huyện Đơn Dương vào cuộc và tuyên bố sẽ xử lý kiên quyết, không có vùng cấm.
Công trình này được các cơ quan chức năng xác định có các hạng mục xây dựng trái phép trên lòng hồ. Ảnh: Nguyễn Dũng/TTXVN
Ngày 12/7/2022, UBND tỉnh Lâm Đồng có Văn bản số 5123/UBND-TL về việc kiểm tra, xử lý vi phạm hành lang bảo vệ công trình thủy lợi hồ Próh, huyện Đơn Dương; giao UBND huyện Đơn Dương chủ trì phối hợp với các sở, ngành, đơn vị có liên quan kiểm tra, rà soát và xử lý dứt điểm các hành vi, vi phạm trong hành lang bảo vệ đập, hồ chứa nước Próh theo quy định, như kiến nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Văn bản số 1523/SNN-TL ngày 08/7/2022 và phản ánh tại bài báo “Hồ Próh tiếp tục bị xâm hại”; hoàn thành trước ngày 30/7/2022. Trường hợp không xử lý dứt điểm các vi phạm này gây dư luận không tốt trong nhân dân, để báo chí tiếp tục phản ánh thì Chủ tịch UBND huyện Đơn Dương phải chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh về công tác quản lý nhà nước tại địa phương…
Hồ thủy lợi Próh có dung tích 3,2 triệu m3 nằm trên địa bàn xã Próh (huyện Đơn Dương, Lâm Đồng) có nhiệm vụ tưới nước cho 515 ha rau màu của 2 xã trong khu vực. Đây là một trong 5 hồ có sức chứa lớn nhất của tỉnh, nhưng lại đang có nguy cơ mất an toàn nghiêm trọng, cần được gia cố khắc phục khẩn cấp.
Nhiều công trình xây dựng khiến cho diện tích hồ Próh ngày càng bị thu hẹp. Ảnh: Quốc Hùng/TTXVN
Video đang HOT
Tại văn bản số 1523/SNN-TL ngày 8/7/2022, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng nêu rõ: “Tình hình vi phạm hành lang bảo vệ hồ thủy lợi Próh trong thời gian gần đây đang diễn ra hết sức nghiêm trọng”. Trong đó, tình trạng vi phạm cụ thể gồm: Ông Ya Kha, thôn Pró Ngó, xã Pró tái lấn chiếm để canh tác trồng rau màu và lắp dựng chòi để chứa dụng cụ, phân bón với diện tích lấn chiếm khoảng 6.000m2…
Công ty TNHH Du lịch Próh vi phạm tại vị trí: Khu vực lòng hồ, bờ trái đập cách đập tràn xả lũ khoảng 200m; nội dung vi phạm: Làm sàn thép hộp lát gỗ và xây dựng hàng rào trụ bê tông, lưới B40… Hiện nay công trình đã đưa vào kinh doanh.
Cũng theo văn bản số 1523/SNN-TL ngày 8/7/2022 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng: “Ngày 12/5/2022, Trạm quản lý khai thác thủy lợi Đơn Dương kiểm tra phát hiện phía thượng lưu hồ chứa nước Próh gần vị trí mốc HLBV-HCN số 30, một nhóm thợ đang thi công đắp bao tải cát với chiều dài khoảng 20m, cao khoảng 2m – 3m chặn ngang khe suối (nhánh suối này là một trong số những nguồn cấp nước của hồ chứa nước Próh). Tuy nhiên, khi đến địa điểm vi phạm thì một nhóm người ngăn cản không cho cán bộ Trạm quản lý khai thác thủy lợi Đơn Dương tiếp cận và làm việc nên chưa xác định được đối tượng vi phạm. Ngày 6/6/2022, Trạm quản lý khai thác Thủy lợi Đơn Dương đã gửi văn bản đề nghị UBND xã Pró kiểm tra xử lý dứt điểm hành vi vi phạm trong hành lang bảo vệ công trình. Cho đến nay, Trạm quản lý khai thác Thủy lợi Đơn Dương vẫn chưa thể đến gần khu vực vi phạm do có một nhóm người ngăn cản và hành vi vi phạm vẫn chưa được xử lý…”
Ngày 12/7, nhóm phóng viên TTXVN có mặt tại hồ thủy lợi Próh, sau nhiều tháng mới quay trở lại, quang cảnh xung quanh hồ đã thay đổi nhanh chóng, nhiều công trình mới xây dựng thêm trên mặt hồ, trên hành lang bảo vệ hồ hay trên con suối cung cấp nước cho hồ.
Các công trình ven hồ thủy lợi Próh tiếp tục được xây dựng. Ảnh: Nguyễn Dũng/TTXVN
Tại hiện trường, nhóm phóng viên gặp Đoàn công tác của UBND huyện Đơn Dương, UBND xã Pró cùng các đơn vị trực tiếp quản lý hồ Próh vừa đi kiểm tra thực trạng xâm hại khu vực này và trên đường trở về UBND xã Pró. Ông Đỗ Phú Hòa, cán bộ Trạm quản lý khai thác thủy lợi Đơn Dương tham gia Đoàn công tác cho biết: “Các đối tượng quản lý những công trình trên không hợp tác, phản ứng gay gắt, không cho Đoàn công tác thực hiện việc kiểm tra, đo vẽ quy mô, kích thước các công trình vi phạm…”.
Tại công trình có tên Próh Farm Coffe Camping (công trình đã nêu trong mục 2 của văn bản số 1523/SNN-TL), mặc dù không đóng cửa và không có biển ngừng kinh doanh, nhưng phóng viên vẫn bị ngăn cản, không cho tiếp cận khu vực được phản ánh là vi phạm. Cách đó khoảng 100m, trên bãi cỏ sát với mép hồ, một nhóm thợ đang đào những con hào nhỏ trên diện tích khoảng gần 200m2, hình thành chữ “Próh Farm” và biểu tượng chưa hoàn thành. Vị trí này được một cán bộ thuộc Trung tâm Quản lý đầu tư và khai thác thủy lợi Lâm Đồng có mặt tại đó xác định là có một phần thuộc hành lang bảo vệ công trình hồ thủy lợi Próh. Khi nhóm phóng viên tác nghiệp tại khu vực này, một nhóm khoảng gần 10 người lập tức ra ngăn cản, xua đuổi ra khỏi khu vực ven hồ mà theo họ là đất của gia đình.
Một nhóm người đang xua đuổi 2 phóng viên VTV9 ra khỏi khu vực mà họ nhận là đất có chủ ven hồ. Ảnh: Quốc Hùng/TTXVN
Cách vị trí trên khoảng 2km theo đường vòng quanh hồ, tại vùng thượng lưu, nhóm phóng viên chứng kiến một khu vực rộng lớn được rào bằng dây thép gai, đã xây dựng 2 căn nhà dưới chân rừng thông, trong đó có 1 nhà sàn lớn. Trên con suối đổ vào hồ có bao cát và máy múc xây dựng nhiều đập chắn nước, tạo thành các hồ nước nhỏ hình bậc thang trước khi chảy ra hồ Próh. Được biết đây là một trong 4 nguồn nước chính cung cấp nước cho hồ Próh. Theo văn bản số 1523/SNN-TL, đây là vị trí vi phạm (mục 3) mà một nhóm người đã ngăn cản không cho các cán bộ Trạm Quản lý khai thác thủy lợi Đơn Dương tiếp cận.
Làm việc với phóng viên TTXVN ngày 12/7, ông Nguyễn Đình Tịnh – Phó Chủ tịch UBND huyện Đơn Dương cho biết: “Ngay sau khi nhận được chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, huyện đã tổ chức Đoàn công tác vào kiểm tra thực địa trong chiều 11/7 và sáng 12/7. Theo kết quả kiểm tra ban đầu, các nội dung trong văn bản của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn gửi cho huyện đều chính xác…”
Phương tiện vận tải tiếp tục chạy gây hư hỏng mặt đập dù đã bị cấm. Ảnh: Quốc Hùng/TTXVN
Trả lời câu hỏi về việc dư luận xã hội bức xúc khi các vi phạm tại khu vực hồ Próh kéo dài, chưa được xử lý, ông Nguyễn Đình Tịnh thông tin: “Tiếp nhận chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, huyện Đơn Dương đã tiếp thu và sẽ xử lý kiên quyết, không có vùng cấm, không có bao che, bất cứ những công trình này là của ai thì cũng xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật…”.
Lâm Đồng: Phấn đấu nâng thu nhập đầu người vùng dân tộc thiểu số lên 84 - 87 triệu đồng
Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Lâm Đồng vừa phê duyệt "Kế hoạch thực hiện Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2022- 2030, tầm nhìn đến 2045 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng", đặt mục tiêu nâng thu nhập đầu người trong vùng dân tộc thiểu số lên 84 - 87 triệu đồng, giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 2-3% mỗi năm.
Thu hoạch chè búp tươi tại xã Đam Bri, thành phố Bảo Lộc. Ảnh minh họa: Huy Hùng/TTXVN
Theo Quyết định số 1183/QĐ-UBND ngày 30/6/2022, UBND tỉnh Lâm Đồng đặt mục tiêu chung cho Kế hoạch này nhằm phát triển toàn diện, nhanh, bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; khai thác tiềm năng, bảo vệ môi trường, không gian sinh sống của đồng bào dân tộc thiểu số; cải thiện rõ rệt đời sống, nâng cao sinh kế của nhân dân, rút ngắn khoảng cách về mức thu nhập giữa vùng đồng bào dân tộc thiểu số so với bình quân của tỉnh... Mục tiêu cụ thể đặt ra đến năm 2030, phấn đấu nâng mức thu nhập đầu người trong vùng dân tộc thiểu số từ 84 - 87 triệu đồng, bằng 70% thu nhập bình quân đầu người của tỉnh.
Kế hoạch này cũng đặt ra mục tiêu đến năm 2030, các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số đạt chuẩn nông thôn mới, có đường ô tô đến trung tâm xã rải nhựa hoặc bê tông; phấn đấu 95-99,5% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia, nước sinh hoạt hợp vệ sinh, được tham gia bảo hiểm y tế và tiêm chủng mở rộng...; giải quyết cơ bản vấn đề ổn định dân di cư tự do, thiếu đất ở, đất sản xuất; 70% lao động trong độ tuổi được đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu, điều kiện của người dân tộc thiểu số...
Để đạt được các mục tiêu này, tỉnh Lâm Đồng đặt ra 5 giải pháp gồm: Nâng cao nhận thức về công tác dân tộc; đảm bảo nguồn lực thực hiện Chiến lược công tác dân tộc với giải pháp ưu tiên nguồn lực từ ngân sách nhà nước, huy động sự tham gia của các ngân hàng thương mại; đổi mới việc thực hiện chính sách dân tộc như cụ thể hóa hệ thống pháp luật liên quan đến công tác dân tộc, công khai minh bạch các chương trình, dự án, kế hoạch để người dân và các tổ chức chính trị- xã hội biết, tham gia quản lý; kiện toàn và đổi mới bộ máy, đổi mới hoạt động, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về công tác dân tộc; xây dựng và triển khai các đề án, chương trình, chính sách thực hiện Chiến lược công tác dân tộc.
Tỉnh Lâm Đồng có 47 dân tộc sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số có 70.655 hộ với 333.561 nhân khẩu, chiếm 25,72% dân số của tỉnh. Toàn tỉnh hiện có 78/124 xã phường, 478/1.376 thôn là vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Trong năm 2020, tình hình kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số tiếp tục phát triển; công tác xóa đói giảm nghèo được quan tâm thực hiện, đến cuối năm 2020 tỉ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số còn 3,58%, giảm 2% so với cuối năm 2019.
Theo Quyết định số 75/QĐ-UBND ngày 12/1/2022 của UBND tỉnh Lâm Đồng về việc phê duyệt kết quả rà soát hộ nghèo đến cuối năm 2021 thì hiện toàn tỉnh có 9.731 hộ nghèo, chiếm 2,87% dân số tỉnh. Trong số đó, có tới 6.739 hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số. Như vậy trong tỷ lệ hộ nghèo người dân tộc thiểu số toàn tỉnh Lâm Đồng hiện còn 8,55%; tỷ lệ hộ cận nghèo người dân tộc thiểu số còn 10,41%.... Trước thực trạng này, tỉnh Lâm Đồng đã đặt ra mục tiêu quan trọng là cải thiện rõ rệt đời sống và nâng cao sinh kế của nhân dân, rút ngắn khoảng cách về mức thu nhập giữa vùng đồng bào dân tộc thiểu số so với bình quân của tỉnh...
Lâm Đồng: Hạn chế lưu thông một số phương tiện trên đèo Bảo Lộc dịp lễ 30/4 và 1/5 Ngày 29/4, UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết đã có văn bản số 953/UBND-GT về việc hạn chế lưu thông đối với một số phương tiện nhằm bảo đảm an toàn giao thông và giảm tình trạng ùn tắc giao thông trên đèo Bảo Lộc trong dịp lễ 30/4 và 1/5. Xe tải có tải trọng lớn sẽ hạn chế lưu thông trên...