Vụ xả súng tại Thái Lan: Ban hành quy định bổ sung để bảo vệ trẻ em
Ngày 7/10, Bộ Nội vụ Thái Lan đã triệu tập một cuộc họp khẩn cấp để tìm biện pháp giải quyết vấn đề lạm dụng ma tuý và sở hữu súng ở Thái Lan, sau khi xảy ra vụ xả súng tại một nhà trẻ ở tỉnh Nong Bua Lam Phu khiến hàng chục trẻ em thiệt mạng.
Người dân tập trung bên ngoài nhà trẻ ở quận Na Klang, tỉnh Nong Bua Lamphu, miền Đông Bắc Thái Lan, nơi xảy ra vụ xả súng đẫm máu ngày 6/10/2022. Ảnh: Reuters/TTXVN
Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, cuộc họp do Bí thư thường trực Bộ Nội vụ Suttipong Juljarern chủ trì nhằm đưa ra các biện pháp hiệu quả để ngăn chặn và trấn áp việc lạm dụng ma túy và cung cấp các phương tiện phục hồi chức năng cho người nghiện. Các đại biểu dự họp cũng xem xét điều kiện cần thiết để cấp phép sở hữu súng. Bên cạnh đó, ông Suttipong cho biết Bộ Nội vụ đang cân nhắc các biện pháp nhằm tăng cường an ninh, an toàn cho trẻ em bằng việc tiến hành kiểm tra thường xuyên các thiết bị ở sân chơi, lắp đặt thêm camera an ninh và kiểm soát khách ra vào các cơ sở dạy trẻ và trường học chặt chẽ hơn.
Bộ Nội vụ Thái Lan cũng ban hành một tiêu chuẩn 5 điểm để các thống đốc tỉnh và thị trưởng huyện thực hiện, đó là: Ngăn chặn và trấn áp các hành vi có nguy cơ và lạm dụng ma túy, đặc biệt là trong giới công chức, viên chức, đồng thời giúp người sử dụng ma túy cai nghiện và tăng cường an ninh bằng cách thiết lập các trạm kiểm soát cộng đồng; Khuyến khích cộng đồng giám sát và báo cáo các tình huống rủi ro cho chính quyền địa phương; Đảm bảo chính quyền địa phương hỗ trợ việc thành lập các điểm kiểm tra cộng đồng của cơ quan quản lý cấp tỉnh và cảnh sát địa phương; Liên kết với các mạng lưới địa phương để phát động các chiến dịch chống ma tuý; Kiểm tra trình độ của người có giấy phép sử dụng súng và người nộp đơn xin sở hữu súng.
Cuộc họp cũng đưa ra hướng dẫn về việc bồi thường cho gia đình các nạn nhân và những người bị ảnh hưởng trong vụ xả súng.
Cùng ngày, Thủ tướng Prayut Chan-o-cha và các thành viên Nội các Thái Lan đã tới đặt hoa tưởng niệm các nạn nhân trước cổng nhà trẻ ở huyện Na Klang thuộc tỉnh Nong Bua Lam Phu. Thủ tướng Prayut và các thành viên nội các sau đó đã tới thăm hỏi và động viên gia đình của các nạn nhân. Ông chia sẻ nỗi mất mát với gia đình các cháu nhỏ và mong những người bị thương sớm bình phục.
Tổng cộng 38 người, trong đó có 24 trẻ em, đã bị sát hại trong một vụ tấn công bằng dao và súng mà thủ phạm là một cựu cảnh sát đã bị sa thải vì tàng trữ và sử dụng ma tuý. Thủ phạm Panya Khamrab, 34 tuổi, đã giết cả vợ và con mình trước khi tự sát.
Vụ xả súng tại Thái Lan đặt ra vấn đề về kiểm soát súng đạn, lạm dụng ma tuý
Vụ xả súng nghiêm trọng vừa qua tại Đông Bắc Thái Lan sẽ không phải là vụ bạo lực cuối cùng và đã đến lúc xã hội Thái Lan phải suy nghĩ lại về việc sở hữu súng và vấn đề lạm dụng ma túy.
Đây là ý kiến của Phó Giáo sư - Tiến sĩ Krisanaphong Poothakool, Trợ lý Hiệu trưởng kiêm Chủ nhiệm Khoa Tội phạm học và Hành chính tư pháp tại Đại học Rangsit khi đề cập đến vụ tấn công vào một nhà trẻ ở tỉnh Nong Bua Lam Phu chiều 6/10 khiến 38 người thiệt mạng, trong đó có 24 trẻ em.
Chuyển người bị thương trong vụ xả súng nhằm vào một nhà trẻ ở quận Na Klang, tỉnh Nong Bua Lamphu, miền Đông Bắc Thái Lan ngày 6/10/2022. Ảnh: newsdrum/TTXVN
Theo phóng viên TTXVN tại Thái Lan, trả lời phỏng vấn trên trang Thai PBS World, Tiến sĩ Krisanaphong nói rằng đây là vụ giết người hàng loạt lớn thứ 2 ở Thái Lan, sau vụ ở tỉnh Nakhon Ratchasima vào ngày 8/2/2020 khiến 31 người thiệt mạng, trong đó thủ phạm là 1 quân nhân. Điểm chung giữa 2 thủ phạm là đều ở trong lực lượng vũ trang và được đào tạo bài bản về cách sử dụng súng. Sự khác biệt giữa 2 người là ở vụ mới nhất, thủ phạm Panya Khamrab đã bị sa thải khỏi ngành cảnh sát vì nghiện ma túy.
Theo báo chí Thái Lan, Panya đã sử dụng chất gây nghiện từ khi còn đang học ở trường trung học. Tiến sĩ Krisanaphong cho rằng ảnh hưởng của ma túy và tình trạng căng thẳng sau khi bị sa thải khỏi ngành cảnh sát có thể là nguyên nhân khiến đối tượng không kiểm soát được hành vi và gây tội ác. Tuy nhiên, ông lưu ý rằng trường hợp này sẽ phải được nghiên cứu và điều tra để xác định nguyên nhân thực sự khiến đến đối tượng có thể sát hại cả trẻ em.
Liên quan việc tàng trữ súng, Tiến sĩ Krisanaphong cho rằng những người có nhu cầu mua súng trong tương lai có thể phải khám sức khỏe tâm thần và kiểm tra lý lịch tư pháp trước khi được cấp phép. Ông cũng khuyến nghị các biện pháp kiểm soát đối với việc mua đạn dược.
Trong khi đó, Tư lệnh Cảnh sát quốc gia, Tướng Damrongsak Kittipraphat nói rằng Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan đã rút ra bài học sâu sắc từ vụ việc và cam kết sẽ nỗ lực giải quyết vấn đề nghiện ma túy trong lực lượng.
Không tìm thấy chất ma túy trong cơ thể kẻ sát nhân gây vụ thảm sát ở Thái Lan Dù có tiền sử sử dụng ma túy, phía pháp y cho biết không tìm thấy bằng chứng cho thấy kẻ sát nhân đã sử dụng chất ma túy trong vòng 72 giờ trước khi gây ra vụ thảm sát. Cảnh sát Thái Lan hôm nay (7/10) cho biết khám nghiệm tử thi bước đầu không tìm thấy bằng chứng cho thấy kẻ...