Vụ VN Pharma: Đại biểu Quốc hội chất vấn trách nhiệm, Bộ trưởng Y tế trả lời gì?
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tạo phân tích, trong vụ án VN Pharma, việc nhập thuốc không rõ nguồn gốc về bằng giấy tờ giả xuất phát từ việc làm tắc trách của Bộ Y tế. Trách nhiệm của cá nhân Bộ trưởng trong việc để xảy ra vụ việc? Bộ trưởng Y tế không trả lời thẳng câu hỏi này…
Ngày 27/4, cổng thông tin điện tử Quốc hội công bố văn bản số 6665 của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội Nguyễn Tạo (Lâm Đồng).
Đại biểu Tạo đặt vấn đề chất vấn Bộ trưởng Y tế, thời gian qua, cử tri rất lo lắng, bức xúc về việc thuốc chữa bệnh giả trên thị trường như vụ án liên quan đến Công ty VN Pharma; vụ buôn bán thuốc và thực phẩm chức năng giả điều trị bệnh ung thư bị phát hiện gần đây tại Hà Nội…
Đại biểu Nguyễn Tạo gửi chất vấn bằng văn bản tới Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến
Theo đại biểu, trong vụ án liên quan đến Công ty VN Pharma, việc nhập thuốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ vào Việt Nam tiêu thụ bằng hàng loạt giấy tờ giả… là xuất phát từ việc làm tắc trách, thiếu trách nhiệm của cán bộ Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế trong việc thẩm định, cấp phép hồ sơ nhập khẩu. Không những vậy, ông Đỗ Văn Đông – Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) – đơn vị cấp phép cho lô thuốc H-Capita – tham gia thành viên Hội đồng giám định tư pháp lô hàng do chính mình cấp phép.
Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết trách nhiệm cá nhân của Bộ trưởng trong việc để xảy ra những vụ việc nêu trên? Bộ Y tế đã xử lý như thế nào đối với những cá nhân có liên quan? Vấn đề cử tri băn khoăn liệu số thuốc giả, hoặc kém chất lượng đã đưa ra thị trường để chữa bệnh người bị ung thư theo kê toa của bác sỹ chưa? Hậu quả của bệnh nhân khi sử dụng thuốc này? Đề nghị Bộ Y tế báo cáo rõ vấn đề này? Bộ đã đề ra những giải pháp gì để hạn chế tình trạng thuốc chữa bệnh giả?”.
Trong văn bản trả lời, đầu tiên, nói về vụ việc liên quan đến Công ty VN Pharma, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định, sau khi có nghi ngờ về thuốc H-Capita của Công ty Cổ phần VN Pharma, Bộ Y tế đã quyết liệt chủ động phát hiện, phối hợp chặt chẽ, hết sức trách nhiệm, kịp thời ngăn chặn không để một viên thuốc H-Capita nào được lưu thông ra thị trường và quyết liệt, nhanh chóng chuyển toàn bộ hồ sơ, thông tin cho cơ quan chức năng điều tra…
Video đang HOT
Về thông tin cho rằng người của đơn vị cấp phép tham gia Hội đồng giám định lô thuốc do chính mình cấp phép, Bộ trưởng nhận định, đây là thông tin không chính xác. Việc thành lập Hội đồng giám định tư pháp dựa trên cơ sở quyết định trưng cầu giám định của cơ quan điều tra đối với Bộ Y tế. Đại diện của Cục quản lý Dược không tham gia vào việc đánh giá chất lượng lô thuốc, chỉ tham gia với vai trò giám sát. Việc đánh giá chất lượng lô thuốc là do Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương thực hiện…
Về những giải pháp để hạn chế tình trạng thuốc chữa bệnh giả nhập khẩu vào Việt Nam, văn bản trả lời của Bộ trưởng nêu rõ, để tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước đối với thuốc nhập khẩu, trong Luật Dược 2016 và các văn bản hướng dẫn, Bộ Y tế đã bổ sung một số quy định và đang nghiên cứu bổ sung quy định liên hệ với cơ quan quản lý dược của nước có thuốc xuất khẩu vào Việt Nam trước khi cấp phép lưu hành thuốc tại Việt Nam.
Câu chất vấn trách nhiệm cá nhân của Bộ trưởng trong việc để xảy ra những vụ việc về thuốc như VN Pharma không có nội dung trả lời.
Tại kỳ họp thứ 4 của Quốc hội (cuối năm 2017), có 11 đoàn đại biểu Quốc hội cùng đề nghị chất vấn Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến về trách nhiệm quản lý Nhà nước, công tác giám sát, kiểm tra trong việc cấp phép sản xuất, nhập khẩu, quản lý phân phối, lưu hành, kiểm định thuốc. Nhưng Bộ trưởng Y tế không được chọn đăng đàn trả lời chất vấn. Các đại biểu quan tâm đến vấn đề này thực hiện quyền chất vấn với Bộ trưởng bằng văn bản.
P.Thảo
Theo Dantri
Đại biểu muốn chất vấn, sao Bộ trưởng Giao thông, Y tế không đăng đàn?
Khi thăm dò ý kiến các đoàn đại biểu Quốc hội, có 18 đoàn muốn chất vấn Bộ trưởng Y tế về quản lý nhập khẩu thuốc, 4 đoàn cùng muốn chất vấn cả Bộ trưởng GTVT và Thủ tướng về BOT nhưng cả 2 vị tư lệnh ngành không được chọn đăng đàn. UB Thường vụ Quốc hội giải thích lý do cụ thể...
Ngày 8/11, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ ký báo cáo kết quả xin ý kiến đại biểu Quốc hội về việc tổ chức hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 4 của Quốc hội. Theo thống kế, đến 14h ngay 7/11/2017, có 443 văn bản ý kiến của đại biểu Quốc hội gửi về. Đại đa sô y kiên đai biêu nhất trí vơi cách đặt vấn đề, cách thức tổ chức, dự kiến thời gian tổ chức hoạt động chất vấn, số lượng người trả lời chất vấn, tiêu chí lựa chọn và nôi dung cac nhom vân đê do UB Thường vụ đề xuất.
Cụ thể, có 393/443 đại biểu đồng ý chọn nhóm vấn đề tài chính, 377 vị chọn thông tin và truyền thông, 345 chọn ngân hàng, 335 người chọn toà án và 315 chọn lao động - thương binh và xã hội.
Tại kỳ họp trước, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đăng đàn trả lời chất vấn ngày 14/6/2017.
Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho biết, một số ý kiến đề nghị chất vấn về công tác khám bệnh, chữa bệnh, bảo hiểm y tế; phòng, chống dịch bệnh, y tế dự phòng, quản lý giá thuốc và chất lượng thuốc chữa bệnh. Đại biểu cũng muốn chất vấn về tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với tổ chức mô hình hợp tác xã, nông thôn mới, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Theo UB Thường vụ Quốc hội, đây đều là những vấn đề nổi lên trong đời sống xã hội, được đai biêu Quốc hội, cử tri quan tâm. Tuy nhiên, tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội đã tiến hành chất vấn Bộ trưởng Bộ Y tế và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Những nội dung nêu trên đã được Quốc hội yêu cầu có những giải pháp cụ thể để khắc phục, tạo chuyển biến trong thời gian tới. Do vậy, xin không đưa nội dung nêu trên vào nhóm vấn đề chất vấn tại kỳ họp thứ 4.
Ngoài ra, một số ý kiến đề nghị chất vấn về những vấn đề liên quan đến đầu tư các công trình giao thông theo hình thức BOT, về định mức kinh tế-kỹ thuật, đơn giá xây dựng, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, quản lý vốn ODA.
UB Thường vụ Quốc hội cũng cho rằng đây đều là những vấn đề được đai biêu Quốc hội, cử tri và dư luận quan tâm.
Năm 2017, UB Thường vụ Quốc hội đã tổ chức giám sát chuyên đề "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức BOT" và ban hành nghị quyết về một số nhiệm vụ và giải pháp để khắc phục những hạn chế, bất cập trong đầu tư các công trình giao thông theo hình thức này.
Ngoài những vấn đề trên, kết quả phiếu xin ý kiến còn ghi nhận một số ý kiến đề nghị bổ sung một số vấn đề về quản lý nhà nước, nâng cao hiệu quả công tác nghiên cứu khoa học; giải ngân vốn xây dựng cơ bản; về quản lý rừng; việc bán, cho thuê đất đai, tài sản công; về bảo hiểm xã hội...
UB Thường vụ Quốc hội vẫn khẳng định đây đều là những vấn đề được cử tri và dư luận quan tâm nhưng do thời lượng dành cho hoạt động chất vấn có hạn, căn cứ vào tiêu chí lựa chọn, đặc biệt là ưu tiên những vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội lựa chọn (qua phiếu xin ý kiến) nên đề nghị xin được xem xét để tổ chức chất vấn các nội dung nêu trên tại kỳ họp Quốc hội hoặc phiên họp UB Thường vụ Quốc hội vào thời điểm thích hợp.
Vì vậy, việc Bộ trưởng Tài chính - Thông tin truyền thông, Thống đốc NHNN và Chánh án TAND Tối cao vào danh sách chất vấn chính thức lần này được khẳng định là đã cân nhắc nhiều mặt.
Sau phần đăng đàn của 4 bị này, theo nghị trình, Thủ tướng sẽ trả lời chất vấn sau cùng, vào chiều 18/11.
Và với Thủ tướng, nội dung các nhóm vấn đề chất vấn không giới hạn. Kết quả phiếu xin ý kiến cũng đã cho biết có 16 nhóm vấn đề đại biểu muốn chất vấn Thủ tướng, từ BOT cho đến 12 dự án "đắp chiếu" của ngành công thương.
P.Thảo
Theo Dantri
Bộ trưởng Y tế nói gì về vụ VN Pharma? Báo Pháp Luật TP.HCM đã trao đổi với bà Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế, để làm rõ các vấn đề dư luận đặt ra đối với trách nhiệm của Bộ Y tế và cá nhân bộ trưởng trong vụ VN Pharma. Gần đây, dư luận xôn xao trước một số thông tin về việc người thân Bộ trưởng Bộ...