Vụ Vinasun kiện Grab: Dừng tuyên án, mở lại phiên xử vào ngày 22.11
Hội đồng xét xử cho rằng cần phải xác minh, thu thập, bổ sung chứng cứ liên quan đến kết luận giám định nên phiên tòa sẽ được mở lại vào ngày 22.11, thay vì tuyên án hôm qua như dự kiến.
Đại diện Vinasun (ảnh trái) và Grab (ảnh phải) trả lời về kết quả giảm định thiệt hại ẢNH: NGỌC DƯƠNG
Theo kế hoạch, chiều 29.10 TAND TP.HCM sẽ tuyên án vụ “tranh chấp bồi thườngthiệt hại ngoài hợp đồng” giữa nguyên đơn là Công ty CP Ánh Dương VN (Vinasun) và bị đơn là Công ty TNHH Grab (Grab). Tuy nhiên, chủ tọa đã quay lại phần xét hỏi và sau khi hội ý, HĐXX thông báo tạm dừng phiên xử, chờ xác minh, thu thập, bổ sung chứng cứ liên quan đến kết luận giám định. Phiên tòa sẽ được mở lại vào ngày 22.11.
Giám định thiệt hại đúng hay sai ?
Trước đó, trong nội dung xét hỏi trở lại, thẩm phán Lê Công Toại (chủ tọa) tập trung hỏi các bên về Báo cáo kết luận giám định thiệt hại của Vinasun do Công ty Cửu Long thực hiện. Chủ tọa cho rằng do giám định viên vắng mặt nên những con số giải thích về phần thiệt hại của Vinasun trong báo cáo giám định khó lý giải, vì vậy HĐXX cần hỏi lại để làm rõ hơn.
Cụ thể, về hơn 2.770 xe Vinasun nằm bãi, không kinh doanh từ năm 2016 đến 6 tháng đầu năm 2017, chủ tọa hỏi căn cứ vào đâu Vinasun cho rằng nguyên nhân xe nằm bãi, khoảng 12.000 người lao động của Vinasun nghỉ việc do Grab gây ra. Đại diện Vinasun trình bày từ năm 2014, khi Grab tham gia dịch vụ vận tải, lượng xe Grab tăng liên tục do thực hiện hàng loạt hành vi vi phạm như khuyến mãi 0 đồng, thực hiện chương trình mỗi tài xế giới thiệu người tham gia sẽ được thưởng và mỗi cuốc xe sẽ được hưởng trợ giá; hỗ trợ lái xe vay tiền ngân hàng để mua xe chạy Grab… khiến tài xế Vinasun nghỉ việc, chuyển sang chạy Grab và xe của Vinasun phải nằm bãi.
“Căn cứ nào khẳng định con số này là có thật?”, chủ tọa hỏi. Vinasun trả lời: “Chúng tôi căn cứ vào kiểm định của cơ quan giám định”.
Đại diện của Vinasun cũng khẳng định chính hành vi vi phạm của Grab là nguyên nhân dẫn đến giá trị vốn hóa của doanh nghiệp trên thị trường bị sụt giảm. “Giá trị là có giảm nhưng làm sao chứng minh giá trị giảm là do Grab”, chủ tọa đặt vấn đề. Vinasun trả lời: “Trên cơ sở hoạt động vi phạm của Grab dẫn đến hoạt động của Vinasun sụt giảm. Từ đó các cổ đông, nhà đầu tư không còn tin vào khả năng tồn tại, phát triển của doanh nghiệp dẫn đến giá trị vốn hóa giảm xuống. Đây là những con số có thật và nguyên nhân là do đối thủ cạnh tranh có vi phạm pháp luật gây ra”.
Về phía Grab, do doanh nghiệp này yêu cầu giám định lại phần thiệt hại của Vinasun (nếu có), nên chủ tọa yêu cầu đưa ra căn cứ cho rằng giám định của Công ty Cửu Long không chính xác và có vi phạm pháp luật. Luật sư của Grab khẳng định số liệu và phương pháp tính theo báo cáo giám định không chính xác.
“Vậy có căn cứ nào đưa ra rằng phải tính phương pháp nào là chính xác không?”, chủ tọa hỏi và luật sư Grab trả lời: “Phải có phương pháp tính dẫn đến thiệt hại trực tiếp cho Vinasun. Còn giảm giá trị vốn hóa thị trường hay giảm giá trị cổ phiếu không phải là phương pháp tính thiệt hại trực tiếp…”.
Sẽ yêu cầu giám định viên giải thích
Theo chủ tọa phiên tòa, việc giám định trong lĩnh vực vận tải rất phức tạp, riêng hồ sơ về giám định là hơn 5.000 trang và giám định viên lại không có mặt tại phiên tòa nên rất khó để giải thích cho HĐXX để nắm được. Theo quy định tố tụng, trường hợp giám định viên vắng mặt không phải là trường hợp bắt buộc phải hoãn phiên tòa và HĐXX không có quyền ra quyết định dẫn giải giám định viên. Vì vậy, trong trường hợp cần thiết tòa sẽ yêu cầu giám định viên giải thích về kết quả giám định, về những con số, phương pháp tính mà hai bên đưa ra.
Theo đơn khởi kiện của Vinasun, Grab hoạt động tại thị trường VN thông qua Quyết định 24 của Bộ GTVT về việc thí điểm triển khai ứng dụng khoa học – công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng, tức cung cấp phần mềm cho đơn vị kinh doanh vận tải. Nhưng Vinasun cho rằng trên thực tế Grab là doanh nghiệp kinh doanh vận tải taxi, một lĩnh vực cùng ngành nghề với Vinasun; Grab thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, đánh tráo khái niệm, gây thiệt hại về doanh thu, lợi nhuận của Vinasun nên hãng khởi kiện, yêu cầu Grab bồi thường thiệt hại hơn 41,2 tỉ đồng.
Theo TNO
Vinasun kiện Grab: "Đâu có gì phải căng dữ vậy?"
Chủ tọa phiên tòa nhận thấy cả Vinasun và Grab đều rất căng thẳng khi hỏi và trả lời nên đã nhắc nhở thái độ của 2 bên.
Ngày 18-10, phiên xử vụ kiện "Tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng" giữa nguyên đơn là Công ty CP Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) và bị đơn là Công ty TNHH Grab (Grab) bước sang ngày thứ 2, tiếp tục phần xét hỏi.
Luật sư của Vinasun tiếp tục chất vấn đại diện pháp luật Grab Việt Nam là ông Jerry Lim (quốc tịch Singapore) những vấn đề liên quan đến thuế, hóa đơn điện tử cũng như nhiều vấn đề "nóng" khác.
Đại diện Vinasun đang chất vấn đại diện Grab, ông Jerry Lim (giữa), CEO Grab Việt Nam
Ở một số câu hỏi, phía Grab từ chối bình luận và trả lời luật sư Vinasun. Cao trào, luật sư của Grab đã đưa tay phát biểu và yêu cầu CEO Grab Việt Nam không trả lời. Ngoài ra, luật sư Vinasun cũng nhắc nhở đại diện pháp luật Grab về thái độ cũng như cách trả lời trước tòa.
Trước tình hình căng thẳng này, chủ tọa đã ngắt lời các bên, nhắc nhở: "Đâu có gì phải căng thẳng dữ vậy? Phía Grab có quyền phản đối nhưng phải xin phép chủ tọa. Các bên cứ từ từ hỏi, từ từ trả lời, không có gì phải căng hết".
Liên quan đến việc khen, phạt tài xế, tại phiên tòa ngày 17-10, CEO Grab Việt Nam nói rằng nếu làm tốt sẽ được thưởng, làm sai sẽ không được hưởng số tiền này và không biết việc tài xế bị phạt lên đến 3 triệu đồng. Trong phần trả lời chất vấn sáng 18-10, Grab khẳng định vẫn có trường hợp phạt tiền lái xe nhưng đối với một số tài xế thì phạt tiền sẽ tốt hơn là ngừng kết nối hoặc chấm dứt, đây là nguyên tắc ứng xử đạo đức trong hợp tác.
Phía Vinasun hỏi lý do gì Grab có quyền phạt đối với quyền lựa chọn của tài xế, Grab cho rằng phần mềm kết nối với các tài xế gần nhất nhưng nguyên tắc khi tham gia, trách nhiệm của tài xế phải sẵn sàng đón khách khi tài xế ở gần nhất, lợi ích của khách hàng là trên hết.
Grab thừa nhận có xử phạt, tuy nhiên, bắt buộc lên trụ sở nộp, trường hợp không lên thì ngừng kết nối hoặc chấm dứt. "Chúng tôi muốn cho tài xế đối tác một cơ hội thứ 2 để kiếm sống và thu lợi nhuận"- đại diện Grab biện minh.
Grab khẳng định khi xâm nhập thị trường Việt Nam hãng này đã tạo ra một lượng khách hàng tiềm năng, đưa những ứng dụng mới phục vụ mọi người. Qua đó nhiều người đã không sử dụng xe cá nhân mà chuyển sang sử dụng dịch vụ của Grab.
Đến 10 giờ ngày 18-10, đại diện Vinasun kết thúc phần chất vấn bị đơn và bắt đầu phần Grab chất vấn ngược lại.
Grab đề nghị triệu tập đại diện Bộ Giao thông Vận tải để làm cơ sở đánh giá vụ án một cách rõ ràng, khách quan; triệu tập những đơn vị tham gia đề án thí điểm như Grab với tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan; triệu tập giám định viên Công ty Cửu Long; triệu tập 2 công ty mà Vinasun đã thuê nghiên cứu thị trường để làm cơ sở khởi kiện đòi bồi thường 41,2 tỉ đồng.
Pham Dung
Theo nld.com.vn
Khó tuyên án, phiên tòa xét xử Vinasun và Grab phải tạm dừng Cho rằng cần phải xác minh, thu thập, bổ sung chứng cứ liên quan đến kết luận giám định thiệt hại từ Vinasun, HĐXX tạm dừng phiên tòa xét xử vụ 'tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng' giữa Vinasun và Grab Sau 5 ngày xét xử và 3 ngày HĐXX nghị án, theo dự kiến, chiều 29/10, TAND TP.HCM sẽ...