Vụ Trường Gateway: VKS đề nghị tù giam cả 3 bị cáo
VKS đề nghị xử tù giam ba bị cáo trong vụ bé trai Trường Gateway bị chết tức tưởi. Lời cảnh tỉnh nào từ vụ án đau lòng xảy ra từ sự cẩu thả này?!
Ngày 14-1, TAND quận Cầu Giấy (Hà Nội) mở phiên sơ thẩm xét xử ba bị cáo trong vụ án liên quan đến cái chết của bé trai theo học tại Trường Gateway. Sau gần một ngày xét xử, đại diện VKS đề nghị mức án đối với các bị cáo như sau: Nguyễn Bích Quy (người đưa đón học sinh (HS)) 20-24 tháng tù giam, Doãn Quý Phiến (tài xế lái xe) 15-18 tháng tù giam, cùng về tội vô ý làm chết người. Với bị cáo Nguyễn Thị Thủy (giáo viên chủ nhiệm), VKS đề nghị tòa phạt 12-15 tháng tù giam về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Tiếng chuông cảnh tỉnh cho ngành giáo dục
Theo cơ quan công tố, trong vụ án này, bị cáo Nguyễn Bích Quy đã cẩu thả trong việc kiểm tra HS dẫn tới không phát hiện bé trai LHL (nạn nhân) ngủ và bỏ quên cháu. Bị cáo Doãn Quý Phiến thì quá tự tin và tin tưởng bị cáo Quy nên không kiểm tra trên xe.
Còn với bị cáo Nguyễn Thị Thủy, VKS cho rằng bị cáo này không thực hiện đầy đủ trách nhiệm của một giáo viên chủ nhiệm, biết HS vắng mặt không lý do nhưng lại không thông báo cho gia đình.
Tại tòa, bị cáo Phiến khai bị cáo chỉ có trách nhiệm đảm bảo an toàn tính mạng khi lái xe chứ không có trách nhiệm bàn giao HS. Dù vậy, bị cáo thừa nhận mình đã chủ quan khi không kiểm tra lại khoang phía sau, đây là một trong những biện pháp đảm bảo an toàn cho hành khách, dẫn tới việc không phát hiện cháu bé bị bỏ quên.
Đối với bị cáo Thủy, VKS cho rằng nếu vắng HS, bị cáo phải có trách nhiệm liên lạc với phụ huynh hoặc thông qua phần mềm quản lý sĩ số của trường, qua email hoặc qua điện thoại nhưng bị cáo đã không làm.
Theo đại diện VKS, hành vi của ba bị cáo là độc lập, cháu L. tử vong trực tiếp phát sinh từ việc bị cáo Quy không kiểm tra xe, tiếp đó bị cáo Phiến tin tưởng bị cáo Quy nên cũng không kiểm tra, cuối cùng là bị cáo Thủy không thông báo với gia đình nên không kịp thời phát hiện nạn nhân.
Vụ án không chỉ để lại hậu quả về vật chất mà còn gây tổn thương to lớn về tinh thần cho gia đình, là tiếng chuông cảnh tỉnh toàn ngành giáo dục trong công tác quản lý HS cũng như việc sử dụng dịch vụ đưa đón HS do bên thứ ba cung cấp…
Ba bị cáo tại tòa. Ảnh: TUYẾN PHAN
Không tập huấn trước khi đưa đón học sinh
Trước đó, tại phần xét hỏi, bị cáo Nguyễn Bích Quy khai được Công ty Ngân Hà thuê làm nhân viên monitor cho Trường Gateway nhưng không có hợp đồng mà chỉ thỏa thuận mức thù lao 2,8 triệu đồng/tháng.
Chủ tọa hỏi trước khi thực hiện nhiệm vụ tại Trường Gateway, bị cáo có được tập huấn đưa đón HS hay không. Bà Quy khẳng định là không, còn lãnh đạo Công ty Ngân Hà cũng chỉ nói qua mà thôi.
Bị cáo thừa nhận khi thấy các HS xuống thì liền đóng cửa mà không kiểm tra lại, sau đó ghi vào sổ là đã đủ.
Ngược lại với lời khai của bà Quy, đại diện Công ty Ngân Hà thì nói trong năm học 2019-2020, Trường Gateway có tổ chức tập huấn cho tài xế và nhân viên xe buýt, gửi email cho công ty. Tuy nhiên, khi công ty thông báo thì cả hai người này đều vắng mặt do nhà có việc. Sau đó, công ty đã phổ biến các nội dung về nội quy đưa đón HS cho cả hai.
Về phần mình, bị cáo Doãn Quý Phiến khai mới lái xe cho Công ty Ngân Hà được ngày thứ hai thì xảy ra chuyện. Theo hợp đồng ký kết giữa hai bên, bị cáo có nhiệm vụ lái xe đến các điểm để bà Quy đón HS đưa đến trường, chiều thì đến trường đón HS về.
Bị cáo này nhiều lần khẳng định chỉ đi theo cung đường với các địa chỉ đã có trong danh sách chứ không biết có bao nhiêu HS, cháu nào nghỉ, cháu nào đi học.
Về sự việc ngày 6-8-2019, khi xe dừng trước cổng trường, bị cáo nhìn qua gương chiếu hậu, thấy bà Quy đưa HS xuống và đóng cửa nên bị cáo lái xe về bãi. “Bà Quy cứ đóng cửa là xe sẽ đi” – bị cáo khai.
Video đang HOT
Ông Phiến cũng cho rằng mình chỉ thực hiện đúng chức năng của tài xế là lái xe chứ không kiểm tra xe. Từ trường về bãi đỗ xe, bị cáo không phát hiện điều gì bất thường.
Riêng bị cáo Nguyễn Thị Thủy thừa nhận khi điểm danh có phát hiện thiếu bé trai LHL nhưng bị cáo lại không điều chỉnh sĩ số ở góc bảng của lớp, cũng không báo lại với phụ huynh HS.
Giáo viên chủ nhiệm xin lỗi gia đình nạn nhân
Một diễn biến đáng chú ý là việc HĐXX cho trình chiếu nhiều đoạn video liên quan đến vụ án, được trích xuất từ camera thu giữ của gia đình cháu bé, cổng Trường Gateway, nhà ăn… Các đoạn video này đã được giám định bởi Viện Khoa học hình sự Bộ Công an, không có dấu hiệu cắt ghép.
Các đoạn video được trình chiếu cho thấy bé trai LHL không bước từ xe xuống cổng trường cùng 12 HS đi cùng.
Trả lời trước tòa, bị cáo Quy thừa nhận mình là người mặc áo trắng trong đoạn video. Khi các cháu HS xuống xe, bị cáo đã không kiểm tra mà đóng cửa luôn.
Tương tự, bị cáo Phiến cũng thừa nhận người trong đoạn video quay chiếc xe đưa đón HS chính là mình…
Nói lời sau cùng trước khi tòa nghị án, bị cáo Nguyễn Bích Quy chỉ nói câu “Tôi không biết nói gì”. Bị cáo Doãn Quý Phiến thì gửi lời xin lỗi tới gia đình nạn nhân, mong HĐXX có một bản án phù hợp. Trong khi đó, bị cáo Nguyễn Thị Thủy khóc, quỳ sụp xuống xin lỗi gia đình nạn nhân. Bị cáo này cũng từng bật khóc tại phần xét hỏi.
Hôm nay, 15-1, tòa sẽ tuyên án.
Cha nạn nhân: Cái chết còn nhiều uẩn khúc
Được triệu tập với tư cách đại diện cho bị hại, ông Lê Văn Sơn (cha ruột nạn nhân) cho rằng cái chết của con trai mình rất oan nghiệt, có rất nhiều uẩn khúc, rất nhiều vấn đề chưa được rõ ràng, sáng tỏ. “Trong quá trình điều tra, gia đình chúng tôi chưa cảm nhận được điều gì sáng tỏ” – ông Sơn nói.
Ông Sơn cho rằng cáo trạng của VKSND quận Cầu Giấy rất sơ sài, chưa chỉ rõ trách nhiệm của những người có liên quan, các tình tiết trong vụ án chưa logic, chưa khớp với nhau…
Kể về ngày xảy ra sự việc đau lòng, ông Sơn cho biết từ thời điểm đưa cháu LHL xuống điểm đón xe cho đến cuối buổi chiều 6-8, gia đình không hề được thông báo bất cứ thông tin nào về cháu, từ điện thoại cho đến email, cũng không được giáo viên chủ nhiệm thông báo việc con trai mình vắng mặt.
Về dân sự, ông Sơn cho biết đã có thỏa thuận với nhà trường và bị cáo Nguyễn Thị Thủy nên không yêu cầu gì. Đối với hai bị cáo Nguyễn Bích Quy và Doãn Quý Phiến, ông đề nghị bồi thường cho gia đình số tiền 1 tỉ đồng. Theo ông, mức chi phí này có thể quá cao so với bình thường nhưng với sự mất mát của con ông còn rất nhiều uẩn khúc nên gia đình phải làm rất nhiều nghi lễ, rất nhiều lần…
Tuy nhiên, khi chủ tọa đề nghị gia đình cung cấp các chứng từ để HĐXX làm căn cứ giải quyết bồi thường, ông Sơn nói sự việc xảy ra khiến gia đình rất bàng hoàng, hoang mang nên mọi việc đều không có chứng từ gì…
Về hình phạt, ông Sơn cho rằng các bị cáo gây ra cái chết oan nghiệt, đầy uẩn khúc cho con trai ông, gây nỗi đau tột cùng cho gia đình. Ông đề nghị tòa xét xử nghiêm minh, rõ ràng, đúng người, đúng tội, tương xứng với hậu quả mà hành vi gây ra.
TUYẾN PHAN
Theo plo.vn
Vụ bé trường Gateway tử vong: Nạn nhân có 3 cơ hội thoát thân nếu...
Tối ngày 14/1, phiên toà sơ thẩm xét xử vụ án bé lớp 1 trường Gateway tử vong vẫn tiếp tục diễn ra. Luật sư bảo vệ cho bị hại tranh luận tại toà, đáng lẽ cháu Lê Hoàng L có 3 cơ hội thoát chết nếu Doãn Quý Phiến làm đủ một số điều.
Bị hại đề nghị tuyên mức án cao nhất
Sau khi nghe vị đại diện Viện kiểm sát nhân dân quận Cầu Giấy (TP.Hà Nội) đọc bản luận tội, đề nghị mức án, vị đại diện trường Gateway khi được toà hỏi đã khóc tại toà, nói sự việc không mong muốn, mong Hội đồng xét xử (HĐXX) có mức án hợp lý với các bị cáo.
Bố đẻ nạn nhân L, anh Lê Văn Sơn tại toà đã bày tỏ sự xúc động khi nói về con.
Người đàn ông này nhận định, đối với sự việc của cháu L là một sự việc rất hy hữu, chưa từng xảy ra, nghĩa là được hiểu việc này rất ít khi có những người làm dẫn đến những sai sót.
Bị cáo Nguyễn Bích Quy bị gia đình bị hại đề nghị tăng án tù ở mức cao nhất vì hành vi vi phạm và thái độ của bà này.
Theo ông Sơn, đó có nghĩa là được hiểu rằng các bị cáo ở đây đã hoàn toàn không có trách nhiệm, đặc biệt ông thấy việc đưa đón của bị cáo Nguyễn Bích Quy và Doãn Quý Phiến thể hiện trách nhiệm rất rõ trong hồ sơ.
2 bị cáo này, đều có trách nhiệm đưa đón, giao nhận, đảm bảo an toàn xuống xe, lên xe, vào trường.
"Trong tất cả quá trình, ông Phiến đẩy trách nhiệm cho bà Quy, bà Quy đẩy trách nhiệm cho ông Phiến, tôi thấy chưa có sự nhận thức rõ ràng về việc làm khi đã xảy ra hậu quả vô cùng nghiêm trọng dẫn đến tước đi mạng sống của con tôi.
Tôi yêu cầu xem xét mức hình phạt cao nhất cho ông Phiến và bà Quy, vì đây là những người trực tiếp gây ra cái chết cho con tôi" - ông Lê Văn Sơn nói.
Với bị cáo Thuỷ, gia đình bị hại có ý kiến toà xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo này.
Nếu bà Quy làm tròn trách nhiệm đã không xảy ra hậu quả
Đồng tình với thân chủ của mình, luật sư Vũ Gia Trưởng tranh luận, mức án Viện kiểm sát đưa ra là chưa răn đe đối với các bị cáo.
"Chúng tôi không mong muốn sự việc được đẩy đi quá xa, nhưng chúng tôi không nhận thấy sự ăn năn hối cải của các bị cáo, đặc biệt là bị cáo Quy, Phiến" - luật sư Trưởng bày tỏ.
Chia sẻ về vụ việc, theo luật sư Trưởng, bố đẻ nạn nhân đã trao đổi với ông vào giờ giải lao rằng ông rất buồn khi gia đình, người thân 2 bị cáo Quy, Phiến có mặt tại toà nhưng không hỏi thăm gia đình.
Thậm chí, theo luật sư này, việc gia đình các bị cáo vỗ tay trong phiên toà đầy buồn bã hôm nay đã khiến gia đình bị hại thêm đau khổ, buồn thảm.
Luật sư Trưởng (bên trái) cho biết, ông và phía gia đình bị hại thấy rất buồn trước thái độ, ứng xử của gia đình các bị cáo tại phiên toà.
"Sao gia đình bị cáo Phiến, Quy không biến cái vỗ tay đó thành cái nắm tay thật chặt? Chỉ cần một cái người ta cảm thấy được chia sẻ thì anh Sơn sẵn sàng xin cho các bị cáo giảm án. Đây là cơ sở đầu tiên chúng tôi đề nghị HĐXX tăng mức án cao nhất đối với các bị cáo" - luật sư Sơn tranh luận trước toà.
Căn cứ thứ 2 được luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho gia đình cháu Lê Hoàng L đưa ra là ông không đồng tình với quan điểm của luật sư bào chữa của bà Quy.
Ông Trưởng đặt câu hỏi, nếu bà Quy thực hiện nghĩa vụ của người giám sát thì liệu cháu L có chết hay không? Bị cáo Quy đã cố tình không đọc tin nhắn thông báo tập huấn, điều đó thể hiện sự trốn tránh trách nhiệm.
Luật sư Trưởng phân tích, về nhận thức, bà Quy trình bày rất rõ với cơ quan điều tra là nhận thức rõ việc giám sát phải đảm bảo an toàn cho học sinh, khi đến trường phải kiểm tra xe, xuống xe phải kiểm tra xem còn sót cháu nào không, tuy nhiên lại cẩu thả không kiểm tra.
Ngoài ra, luật sư Trưởng dẫn chứng, theo quy định phải gửi cho người trực và ký vào sổ bàn giao học sinh, đáng lẽ không thấy có giáo viên trực thì không giao, việc kiểm đếm chính là cơ sở khẳng định bà Quy đã hoàn thành trách nhiệm.
Luật quy định là phải giao cho giáo viên trực, chính vì vậy qua 2 hành vi này quá rõ đối với hành vi phạm tội của bà Quy. Không thể nại ra bất cứ lý do gì, phía bị hại không đồng tình với quan điểm của bà Quy lúc đó là bế 2 cháu bé khóc.
Nạn nhân đã có 3 cơ hội thoát nạn
Với bị cáo Phiến, luật sư Trưởng bày tỏ không đồng tình với quan điểm của luật sư bào chữa của bị cáo Phiến và quan điểm của Viện kiểm sát về mức hình phạt với nam tài xế xe bus trường Gateway này.
Luật sư của gia đình bị hại nhận định, cháu L đã có 3 cơ hội thoát nạn nếu ông Phiến thực hiện đầy đủ các biện pháp đảm bảo an toàn.
Ông Trưởng phân tích, theo quy định của pháp luật, ông Phiến trong vụ án này không phải chỉ là lái xe, ông ta còn là nhà cung cấp dịch vụ đưa đón học sinh vì chiếc xe chính là xe của ông ta.
"Ông Lê Đoàn (phó giám đốc Công ty Ngân Hà, đơn vị thuê ông Phiến, bà Quy lái xe, đưa đón trẻ cho trường Gateway) nói ông Phiến chỉ cần lái xe thôi, chúng tôi rất bất ngờ. Hành vi không làm của ông Phiến, ông quá tự tin vì cho rằng có bà Quy ở sau" - luật sư Trưởng bày tỏ quan điểm.
Ông Trưởng nhận định, cháu L đã có 3 cơ hội thoát thân trong vụ việc.
Đầu tiên, nếu ông Phiến kiểm tra lại xe khi xe đưa học sinh đến trường vào buổi sáng rồi rời đi; thứ 2 khi đến ký túc xá ở Học viện báo chí và tuyên truyền ông lại kiểm tra lần nữa; và cuối cùng là khi chiếc xe vận hành trở về trường, ông Phiến lại kiểm tra một lần nữa thì có lẽ cháu L đã không nhận kết thúc đau xót như điều đã xảy ra.
Đáng chú ý, về tình tiết sau khi phát hiện cháu L bất tỉnh, ông Phiến lại cho xe rời đi khỏi hiện trường, ông Trưởng dẫn chứng luật cấm trong mọi trường hợp bị nạn xảy ra, xe phải giữ nguyên hiện trường, nhưng ông ấy lại cho xe đi.
"Chúng tôi cho rằng hành vi của các bị cáo là hết sức nguy hiểm cho xã hội, đã cướp đi mạng sống của một cháu bé non nớt, để cho cháu chết trong một cái chết thảm thương, hoảng loạn trong chiếc xe ô tô. Xâm phạm trực tiếp đến lòng tin, sự tin cậy của các bậc cha mẹ cho các bị cáo" - đại diện nhóm luật sư bảo vệ quyền lợi cho phía bị hại đề đạt ý kiến tại toà.
Đến 20h, toà vẫn tiếp tục làm việc với phần đối đáp của Viện kiểm sát và các luật sư trong phiên toà.
Theo danviet
Vụ trường Gateway: Bà Nguyễn Bích Quy bị đề nghị bao nhiêu năm tù? Sau hơn nửa ngày xét xử, chiều 14/1, Viện kiểm sát nhân dân quận Cầu Giấy (TP.Hà Nội) đã luận tội đối với 3 bị cáo trong vụ việc khiến cháu Lê Hoàng L (học sinh lớp 1 Tokyo, trường Gateway) tử vong vào ngày 6/8/2019. Theo đó, Viện kiểm sát nhận định, nội dung truy tố trong bản cáo trạng của Viện...