Vụ trọng án tại Bình Phước: Mức độ phạm tội của bị can Trần Đình Thoại như thế nào?
Các cơ quan tố tụng tỉnh Bình Phước vừa công bố cáo trạng truy tố 3 bị can Nguyễn Hải Dương, Vũ Văn Tiến và Trần Đình Thoại về hành vi giết 6 người trong căn biệt thự của gia đình ông Lê Văn Mỹ tại tỉnh Bình Phước. Luật sư Trương Anh Tú cho rằng, cần thận trọng trong việc xác định vai trò và mức độ phạm tội của bị can Thoại.
Từng bàn kế hoạch chi tiết với hung thủ
Chiều 4 – 11, VKSND tỉnh Bình Phước công bố cáo trạng truy tố Nguyễn Hải Dương và 2 đồng phạm Vũ Văn Tiến, Trần Đình Thoại về tội “Giết người và Cướp tài sản”, với hàng loạt tình tiết tăng nặng như: giết nhiều người, giết trẻ em, giết để thực hiện một tội danh khác, mang tính chất man rợ, côn đồ, đê hèn. Cơ quan chức năng nhận định vụ thảm sát do 2 bị can Nguyễn Hải Dương và Vũ Văn Tiến trực tiếp gây ra, nên các bị can này bị truy tố ở khung hình phạt cao nhất.
Còn đối với bị can Trần Đình Thoại (người bị bắt sau thời điểm vụ án mạng xảy ra 1 tháng) dù không trực tiếp thực hiện hành vi giết người nhưng qua điều tra, VKS cho là có đủ cơ sở xác định Thoại đã bàn kế hoạch chi tiết với Dương và đã thực hiện kế hoạch giết người, cướp tài sản nhưng không thành. Sau đó, Thoại còn chủ động đề xuất rồi mua dao cho Dương gây án. Nhưng vì quá sợ nên bị can này bỏ cuộc vào phút chót, và Nguyễn Hải Dương phải “nhờ” đến Vũ Văn Tiến. Do vậy, Thoại phạm tội với vai trò giúp sức, thực hành trước khi vụ án mạng xảy ra.
Cụ thể, theo kết quả điều tra, sau khi lên kế hoạch và thị sát thành công, trưa 4 – 7, khi gặp nhau tại một quán cà phê, Dương nói với Thoại: “Anh giúp em chuyện này được không. Em làm ăn, hùn tiền mua gỗ cao su chừng 800 triệu đồng nhưng người đó bán gỗ mà không chịu trả, giờ lên cướp lại”. Thoại thắc mắc: “Người ta nợ tiền thì lên đòi chứ sao phải cướp”. Dương liền bịa ra lý do: “Em làm ăn không có giấy tờ, đòi người đó không trả”.
Khi Thoại hỏi: “Biết nhà có tiền không mà cướp”, Dương trả lời: “Em nghe nói họ mới bán cao su, có mấy tỷ gì đó. Anh giúp em cướp lại đi, em lấy đủ số tiền của em thôi, còn bao nhiêu đưa anh hết. Em lên kế hoạch hết rồi, lúc trước em lên nhà đó chơi, giờ em còn liên lạc với thằng con của ổng (tức Dư Minh Vỹ, cháu nhưng thường gọi ông Mỹ là cha). Khi mình lên đến đó điện thằng nhóc ra mở cửa rồi xử thằng nhóc luôn”. Thoại thắc mắc “sao phải xử thằng nhóc”, thì được Dương trả lời “xử thằng nhóc mình mới vào nhà được. Mình vào nhà bằng đường thằng nhóc đi ra”.
Luật sư Trương Anh Tú: “Theo thông tin mà CQĐT cung cấp, chắc chắn Thoại là đồng phạm đối với tội “cướp tài sản”, còn đối với tội “giết người” cần hết sức thận trọng”. Ảnh: Sỹ Hào
Cung cấp hung khí cho kẻ chủ mưu
Chiều ngày 4 – 7, Thoại hỏi Dương: “Chuẩn bị gì chưa?”. Dương nói: “Em có cây súng điện và một con dao bấm”. Khi nghe Dương cho biết sẽ giết hết 6 người trong gia đình ông Mỹ, Thoại cắt ngang: “Cướp được tiền thì sao phải giết?” nhưng Dương giải thích là để không bị lộ vì các nạn nhân đều biết mặt Dương. Thoại bảo “thù tức ai thì giết người đó”, nhưng Dương vẫn không nghe. Khoảng 23g hôm đó, cả hai lên đường đi Bình Phước theo kế hoạch. Gần đến nhà ông Mỹ, Thoại tiếp tục bày tỏ băn khoăn: “Có cách nào cướp mà không giết người được không?”. Nguyễn Hải Dương vẫn khẳng định quyết tâm thực hiện “kế hoạch”, để “tránh bị lộ mặt”. Thoại lo sợ: “Vào lỡ bị phát hiện thì sao?”. Dương trấn an: “Anh yên tâm. Em có kế hoạch hết rồi, không bị phát hiện đâu. Lỡ bị phát hiện thì xử luôn”. Thoại lại hỏi: “Nhà có mấy người?”. Dương đáp: “6 người, có một đứa bé 2 tuổi”.
Đến nhà ông Mỹ, Dương gọi điện thoại nhiều lần nhưng Vỹ không mở cửa. Thấy vậy Thoại liền hối Dương về, mai lên lại. Trên đường về TP HCM, Thoại đề xuất mua thêm con dao để hôm sau đi tiếp và Dương gật đầu: “Ừ, vậy ngày mai anh mua rồi đem đi luôn”. Thoại chạy xe mà Dương mượn của dì về nhà. Sáng 5 – 7, Dương đến xưởng gỗ gặp Tiến nên rủ đi uống cà phê và gọi điện cho Thoại nhưng bị can này báo bận không đến. Đến 19g, đang ngồi cà phê với Tiến, Dương tiếp tục gọi điện cho Thoại ra uống nước với mục đích đi đến nhà ông Mỹ luôn. Thì Thoại đáp lại, “cứ uống nước xong rồi về, khuya sẽ đến đón đi luôn”.
Video đang HOT
Chiều 5 – 7, Thoại chạy xe máy mà Dương giao hôm trước đến chợ Thạnh Xuân, quận 12, TP HCM mua một con dao giá 45.000 đồng, để dưới yên xe rồi đi chơi. Nhưng nhận thấy kế hoạch cướp tài sản của Dương phải giết nhiều người nên Thoại không muốn thực hiện.
22g30 ngày 5 – 7, Thoại đem xe và dao đến cho Dương, lấy lý do phải “về quê gấp để gặp mặt bà ngoại” nên không… đi cùng được. Thoại cũng nói với Dương: “Con dao anh mua rồi, bây giờ mày giữ đi anh phải về quê”. Kế hoạch đi cùng Thoại “bất thành” nên tối đó, Dương về xưởng gỗ giấu dao rồi nhắn cho Vỹ bảo xe hỏng không lên được. Đến tối 6 – 7 Dương rủ Vũ Văn Tiến đi cùng mình đột nhập căn biệt thự, và sát hại 6 nạn nhân vào rạng sáng 7 – 7.
Cơ quan điều tra nhận định, mặc dù không tiếp tục thực hiện hành vi phạm tội nhưng không những không can ngăn, tố cáo hành vi của Dương với cơ quan có thẩm quyền mà Thoại còn cung cấp hung khí cho kẻ chủ mưu và để mặc cho hậu quả xảy ra. Chính con dao này đã giúp Dương làm công cụ phạm tội cùng với Tiến. Do vậy, Trần Đình Thoại cũng bị VKS tỉnh Bình Phước truy tố hai tội danh “Giết người và Cướp tài sản”.
Các bị can Dương; Tiến và Thoại bị VKSND tỉnh Bình Phước truy tố hai tội danh “giết người” và “cướp tài sản”. Ảnh: TL
Phạm tội ở mức độ nào?
Trao đổi với PV báo về diễn biến mới nói trong vụ án nói trên, luật sư Trương Anh Tú cho rằng, đối với hai bị can Nguyễn Hải Dương và Vũ Văn Tiến thì hành vi phạm tội đã rõ ràng, nhưng bị can Trần Đình Thoại, cần thận trọng bình tĩnh để xem xét đánh giá chính xác mức độ phạm tội của bị can.
Thời điểm trước khi án mạng xảy ra, vào ngày 4 – 7, tình huống Thoại đi cùng Dương với ý định gây án, nhưng trở về cũng như có “can ngăn” Dương không nên giết người. Thì với hành vi cụ thể của ngày hôm đó, thì có thể xác định Thoại tự ý nửa chừng chấm dứt tội phạm.
Nhưng sau khi án mạng xảy ra, về mặt hình thức, việc Thoại đã bàn bạc kế hoạch – yếu tố mang tính định tính, khó xác định nhưng việc cung cấp hung khí (con dao) cho bị can Nguyễn Hải Dương, là yếu tố định lượng, dễ xác định hơn. Như vậy rõ ràng đây là điều kiện cần để có thể đi đến xác định Thoại là đồng phạm trong vụ án.
“Không khó để có thể xác định Thoại là đồng phạm của Dương trong tội “cướp tài sản”. Nhưng cần làm rõ thêm, thời điểm Thoại mua dao đưa cho Dương, thì mục đích là để làm gì? Nếu Thoại mua dao và đưa cho Dương và nói rằng chỉ nhằm mục đích đe dọa khống chế nạn nhân thôi, thì bị can Trần Đình Thoại chưa hẳn là đồng phạm với Dương về tội giết người” – luật sư Trương Anh Tú nói.
Để làm rõ mức độ phạm tội của bị can Trần Đình Thoại, theo luật sư Trương Anh Tú, có thể bóc tách rõ ràng giữa hai thời điểm, trước vụ án và sau vụ án. Thời điểm trước vụ án (ngày 4 – 11), bị can Trần Đình Thoại đã tự ý nửa chừng chấm dứt tội phạm và hậu quả không xảy ra trong ngày hôm đó. Nhưng “vấn đề” là sau đó, bị can Nguyễn Hải Dương lại tìm được Vũ Văn Tiến (thay thế Thoại) để thực hiện trót lọt hành vi phạm tội.
“Giữa hai thời điểm trước và sau vụ án này có “gạch nối vô hình” là sự bàn bạc giữa Dương và Thoại trong kế hoạch gây án, và “gạch nối hữu hình” là con dao Thoại cung cấp cho Dương làm hung khí gây án. Chính những “gạch nối” này đã làm cho sự việc thành một chuỗi liên hoàn. Thế nên, việc làm rõ mức độ phạm tội của bị can Trần Đình Thoại có phạm hai tội “giết người” và “cướp tài sản” hay không, là điều đòi hỏi cơ quan chức năng phải rất thận trọng, bình tĩnh” – luật sư Trương Anh Tú nói.
Theo những thông tin mà CQĐT cung cấp, luật sư cho rằng chắc chắn Thoại là đồng phạm đối với tội “cướp tài sản”, còn đối với tội “giết người” cần hết sức thận trọng. Bởi lẽ, tính chất mức độ hành vi của bị can Trần Đình Thoại có một “khoảng cách” khác biệt so với hai bị can trực tiếp gây án là Nguyễn Hải Dương và Vũ Văn Tiến. Các cơ quan tiến hành tố tụng chắc chắn sẽ nghiên cứu kỹ lưỡng để đảm bảo việc truy tố xét xử các bị can đúng người đúng tội.
Để răn đe và ngăn ngừa tội phạm, TAND tỉnh Bình Phước sẽ đưa 3 bị can Nguyễn Hải Dương, Vũ Văn Tiến và Trần Đình Thoại ra xét xử lưu động ở gần hiện trường vụ thảm sát. Cơ quan điều tra đã trưng cầu giám định tâm thần đối với Dương và Tiến, kết quả khẳng định cả hai đều không có bệnh tâm thần, đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự trước, trong và sau khi gây án.
Theo Phap luât Xa hôi
Sẽ xét xử lưu động vụ thảm sát tại Bình Phước ở gần hiện trường
Tòa án nhân dân tỉnh Bình Phước khẳng định vụ án thảm sát 6 người tại xã Minh Hưng (huyện Chơn Thành) sẽ được đưa ra xét xử lưu động gần hiện trường xảy ra án mạng để răn đe và ngăn ngừa tội phạm.
Hiện trường vụ thảm sát 6 người vào sáng 7/7
Ông Hoàng Thanh Dũng - Phó Chánh án TAND tỉnh Bình Phước cho biết, vụ án này sẽ được đưa ra xét xử lưu động vì đây được xác định là vụ án điểm nên Toà án đã cử thẩm phán tham gia nghiên cứu hồ sơ từ đầu. "Chúng tôi sẽ đưa vụ án ra xét xử lưu động, địa điểm gần nơi xảy ra vụ thảm sát, qua đó nhằm răn đe, ngăn ngừa tội phạm" - Ông Dũng khẳng định.
Ông Lê Đức Xuân - Viện trưởng VKSND tỉnh Bình Phước cho biết, Viện KSND tỉnh Bình Phước đã chuyển cáo trạng sang TAND tỉnh Bình Phước đề nghị truy tố bị can Nguyễn Hải Dương (24 tuổi, quê An Giang, tạm trú tại huyện Hóc Môn, TP.HCM), Vũ Văn Tiến (24 tuổi, nguyên quán Bình Phước, tạm trú tại huyện Hóc Môn, TP.HCM) và Trần Đình Thoại (27 tuổi, quê Vĩnh Long, tạm trú tại Q.Gò Vấp, TP.HCM) về hai tội danh "Giết người" và "Cướp tài sản". Việc truy tố hai tội danh này được căn cứ theo khoản 1 điều 93 và điều 133 Bộ Luật Hình sự.
Nguyễn Hải Dương, Vũ Văn Tiến và Trần Đình Thoại bị truy tố mức án cao nhất
Viện trưởng VKSND tỉnh Bình Phước khẳng định, VKSND tỉnh đã đề nghị truy tố cả 3 bị can Nguyễn Hải Dương, Vũ Văn Tiến và Trần Đình Thoại ở khung hình phạt cao nhất, 3 bị can sẽ đối mặt với mức án tử hình. Bên cạnh đó, ông Xuân cũng thông tin về các tình tiết giảm nhẹ của 3 bị can, theo đó, các bị can sẽ được xem xét tình tiết giảm nhẹ như phạm tội lần đầu và thành khẩn khai báo.
Về về động cơ gây án của Nguyễn Hải Dương, ông Xuân lý giải, qua nghiên cứu 651 hồ sơ giết người chúng tôi rút ra "mấu chốt" quan trọng là nguyên nhân sâu xa chính trong vụ án này là ở động cơ, ở quá trình hình thành nhân cách tội phạm, nhân cách con người, đạo đức bị xuống cấp trầm trọng... bị can nhìn thấy người ta có cuộc sống giàu sang thì muốn đạt được bằng mọi giá, đạt được nhanh nhất. Ở đây chính các bị cáo trong vụ án này quá trình hình thành nhân cách đã phát sinh vấn đề này. Khi phát sinh mâu thuẫn, cộng với lòng tham, lòng thù hận nên dẫn đến động cơ các bị can giết cả nhà ông Mỹ hết sức dã man.
Bên cạnh đó, ông Xuân cũng cho rằng, nếu không giết hết mọi thành viên của gia đình ông Lê Văn Mỹ (47 tuổi, ngụ xã Minh Hưng, huyện Chơn Thành) thì hành động các bị can sẽ bị phát hiện, các bị can giết hết để bịt đầu mối, tránh sự điều tra truy tố của cơ quan chức năng. Đây là hai nguyên nhân cơ bản trong vụ thảm sát này.
"Mối quan hệ giữa Trần Đình Thoại, Vũ Văn Tiến đối với Nguyễn Hải Dương thì không có tình bạn nào ác liệt như vậy, do tham tài sản nên cả hai tham gia với Dương quyết liệt đến cùng" - Ông Xuân khẳng định.
Ông Lê Đức Xuân - Viện trưởng VKSND tỉnh Bình Phước
Cũng theo ông Xuân, quá trình hình thành nhân cách của các bị can có sự lệch lạc với xã hội, cộng với sự hận thù ích kỷ trong tình yêu nên các bị các thực hiện gây án. Bên cạnh đó, giá trị đạo đức, văn hóa, con người...của một số đối tượng thanh thiếu niên coi nhẹ, đặt giá trị đồng tiền lên tất cả. Chính vì vậy, toàn xã hội cần chung tay coi tội ác là cái không thể chấp nhận tồn tại trong xã hội ta, người dân cần nâng cao cảnh giác, cơ quan pháp luật quyết liệt lôi ra ánh sáng các hành vi giết người. Mong cơ quan thông tin đại chúng viết các nội dung mang tính chất định hướng lên án cái ác, hướng đến cái thiện... theo đúng truyền thống của người Việt Nam.
Thượng tá Nguyễn Văn Đợi - Phó thủ trưởng cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Phước
Trước câu hỏi những bị can nào tham gia trực tiếp vào vụ thảm sát 6 người ? Thượng tá Nguyễn Văn Đợi - Phó thủ trưởng cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Phước khẳng định, trong đêm thảm sát vào rạng sáng 7/7 chỉ có Nguyễn Hải Dương và Vũ Văn Tiến trực tiếp gây ra, điều này dựa trên quá trình điều tra khách quan, chứng cứ, dấu vết thu được tại hiện trường. Đặc biệt là vết máu và dấu vân tay tìm thấy trong căn biệt thự, qua xét nghiệm được xác định trùng khớp với mẫu máu, vân tay của Dương và Tiến. Riêng Trần Đình Thoại chỉ tham gia thời điểm ban đầu.
Trung Kiên
Theo Dantri
Thảm sát ở Bình Phước: Cuộc tẩu thoát bất thành của chủ nhà Trong khi Dương và Tiến tra khảo bà Nga, hỏi chỗ cất tiền, ông Mỹ cởi được dây trói, chạy ra ngoài nhưng bị phát hiện và Dương quát: "chạy hả, đi vô", ông Mỹ đáp: "em đâu có chạy, em tưởng mấy anh đi rồi em mới đi ra". Dương và Tiến thực nghiệm hiện trường việc đột nhập vào nhà và...