Vụ trao nhầm con ở Hà Nội: Người mẹ sẽ bị xử lý hình sự nếu quyết không hoán đổi con
Liên quan đến vụ trao nhầm con ở Hà Nội, theo Luật sư La Văn Thái, nếu người mẹ kiên quyết không hoán đổi vị trí của hai đứa trẻ có thể bị xử lý hình sự.
Bệnh viện Ba Vì – nơi xảy ra vụ trao nhầm con và anh Phùng Giang Sơn – bố của một trong hai cháu bé Ảnh: IT.
Sáng 11.7, Vụ Sức khỏe bà mẹ trẻ em (Bộ Y tế) cho biết, vừa tiếp nhận đơn kiến nghị của anh Phùng Giang Sơn (28 tuổi, ở Tây Đằng, huyện Ba Vì, TP Hà Nội) về việc Bệnh viện Đa khoa Ba Vì (Hà Nội) trao nhầm con cho gia đình anh cách đây 6 năm.
Bộ Y tế đã chuyển đơn đến Sở Y tế Hà Nội, yêu cầu xử lý nghiêm sai phạm (nếu có) của kíp trực tại Bệnh viện Đa khoa huyện Ba Vì, nhanh chóng giải quyết để 2 đứa trẻ đoàn tụ với gia đình, báo cáo kết quả giải quyết về Vụ Sức khỏe Bà mẹ Trẻ em (Bộ Y tế) trước ngày 30.7.
Trao đổi với báo chí, đại diện Bệnh viện Ba Vì cho rằng, khó khăn hiện nay chính là chị Vũ Thị H (xã Phú Sơn, Ba Vì, Hà Nội) – người nhận nhầm con của anh Sơn chưa chuẩn bị về tâm lý. Hiện nay, chị H vẫn đang rất sốc, chưa chấp nhận sự thật là sẽ phải xa con trai đã nuôi nấng từ sơ sinh.
Video đang HOT
Liên quan đến vấn đề này, PV Báo Lao Động đã có cuộc trao đổi với Luật sư La Văn Thái – Giám đốc Cty Luật TNHH Tầm Nhìn & Thịnh Vượng, Đoàn Luật sư TP.Hà Nội.
PV: Thưa Luật sư, nếu chị H – người mẹ trong vụ việc này nhất quyết không hoán đổi vị trí 2 cháu bé thì sự việc sẽ được xử lý ra sao dưới góc độ pháp lý?
Trước hết, theo tôi nên xem xét vụ việc dưới góc độ tình cảm. Do đã nuôi nấng cháu bé từ lúc sơ sinh nên có thể chị H chưa thể xa cháu trong ngày một, ngày hai. Phía gia đình anh Sơn nên tìm gặp chị H trao đổi, khuyên giải để chị H chấp nhận hoán đổi vị trí 2 cháu bé.
Nếu chị H vẫn nhất quyết không chịu hoán đổi thì bị xử phạt hành chính và buộc phải trả, nặng thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội chiếm đoạt người dưới 16 tuổi theo Điều 153 BLHS 2016, sửa đổi bổ sung 2017 có khung hình phạt từ 3 năm đến 15 năm tùy tính chất phạm tội. Ngoài ra, còn có thể bị phạt tiền từ 10 – 50 triệu đồng.
PV: Đối với kíp trực gây ra vụ trao nhầm con này thì có thể bị xử lý thế nào, thưa Luật sư?
Thứ nhất, nếu việc trao nhầm trẻ là sơ suất thì bị xử lý kỷ luật hành chính tùy theo mức độ nặng nhẹ.
Nếu có chứng cứ chứng minh việc trao nhầm là cố ý thì sẽ bị xử lý hình sự về tội đánh tráo người dưới 1 tuổi theo quy định tại điều 152 BLHS 2015, sửa đổi bổ sung 2017, có khung hình phạt từ 2 năm đến 7 năm tùy tính chất phạm tội, ngoài ra còn có thể bị phạt tiền từ 10 – 50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1- 5 năm.
VÂN TRƯỜNG
Theo Laodong
Hà Nội: Cả gia đình sốc nặng khi phát hiện nuôi nhầm con 6 năm trời
Thấy con trai càng lớn càng có nhiều nét không giống mình, vợ chồng anh Sơn đã đưa con đi xét nghiệm ADN và bất ngờ nhận kết quả con không cùng huyết thống với bố mẹ.
Sáng 11/7, Bộ Y tế cho biết, vừa tiếp nhận đơn kiến nghị của anh Phùng Giang Sơn (SN 1990, trú tại Tây Đằng, Ba Vì, Hà Nội) về việc Bệnh viện Đa khoa Ba Vì trao nhầm con cho gia đình sau khi sinh.
Theo đó cách đây 6 năm, vào sáng 1/11/2012, vợ anh Sơn hạ sinh một bé trai tại khoa Sản, Bệnh viện Đa khoa huyện Ba Vì. Sau khi nhận con, vợ chồng anh Sơn thấy tã lót của cháu khác nên có hỏi lại bác sĩ đỡ đẻ nhưng người này vẫn khẳng định đây là tã lót của cháu, không có chuyện nhầm. Từ đó đến nay, gia đình anh Sơn đã yêu thương, nuôi dưỡng bé trai như con đẻ của mình.
Bệnh viện Đa khoa Ba Vì nơi xảy ra sự cố trao nhầm trẻ sơ sinh. Ảnh: Infonet
Tuy nhiên, khi cháu bé càng lớn càng có nhiều điểm không giống bố mẹ, nên mới đây vợ chồng anh Sơn đã quyết định cho cháu đi xét nghiệm ADN. Kết quả cho thấy, bé trai và vợ chồng Sơn không cùng huyết thống.
Nhận được kết quả, gia đình anh Sơn rất sốc và tổn thương quá nhiều. Anh Sơn sau đó đã phản ánh sự việc lên Bệnh viện Đa khoa huyện Ba Vì và phía bệnh viện đã thừa nhận sai sót. Bệnh viện cũng đã rà soát lại hồ sơ, tìm ra người có khả năng cao bị trao nhầm con là một phụ nữ ở Phú Sơn, Ba Vì. Bệnh viện đã gặp gỡ hai gia đình vào ngày 14/4/2018 và cả hai gia đình cùng thống nhất đưa hai trẻ đi kiểm tra ADN chéo, kết quả cho thấy, có sự sai sót trao nhầm con giữa 2 gia đình.
Tuy nhiên, từ đó đến nay đã hơn 3 tháng, 2 cháu nhỏ vẫn chưa thể đoàn tụ được với bố mẹ đẻ của mình và phía Bệnh viện Đa khoa huyện Ba Vì cũng không có động thái nào.
Phía gia đình anh Sơn mong muốn cơ quan chức năng vào cuộc để anh có thể sớm nhận lại con của mình.
Ngay sau khi tiếp nhận đơn, Bộ Y tế đã chuyển đơn đến Sở Y tế Hà Nội, yêu cầu xử lý nghiêm sai phạm (nếu có) của kíp trực tại BVĐK huyện Ba Vì.
Theo_Đời Sống Pháp Luật
Vụ trao nhầm con ở Hà Nội: Thủ tục nhận lại con ruột như thế nào? Liên quan đến vụ việc trao nhầm con ở Hà Nội, PV Báo Lao Động có cuộc trao đổi với bà Hồ Xuân Hương, Phó giám đốc Sở tư pháp Hà Nội về các thủ tục nhận lại ruột nếu cả hai gia đình đều có sự đồng thuận. Bé H cùng bố mẹ nuôi dưỡng mình 6 năm nay là vợ chồng...