Vụ tranh chấp bản quyền số Wolfoo và chiêu trò triệt hạ đối thủ trong ngành nội dung số
Không ít doanh nghiệp sản xuất nội dung số của Việt Nam đã gặp phải trở ngại khi bị cạnh tranh không lành mạnh, thậm chí đối thủ còn sử dụng nhiều chiêu trò chơi xấu khi kinh doanh trên nền tảng YouTube.
“Đánh nhầm hơn bỏ sót” và sự thiên lệch của YouTube
Hiện nay, ngành nội dung số Việt Nam đang rộng đường để xuất khẩu các sản phẩm ra thị trường quốc tế, nhờ sự nhanh nhạy nắm bắt xu thế cũng như khả năng sáng tạo tuyệt vời của trí tuệ Việt Nam. Đặc biệt trong ngành giải trí trực tuyến, một số doanh nghiệp nội dung số Việt Nam đã có những sản phẩm nằm trong top đầu khi cung cấp ra thị trường nước ngoài như: game Flappy Bird hay Axie Infinity, Bemil. Trong lĩnh vực phim hoạt hình có Wolfoo được dịch ra 17 thứ tiếng phát hành trên nhiều nền tảng số và đạt hơn 30 tỉ view kể từ khi ra mắt vào năm 2018 tới nay.
Tuy nhiên, khi kinh doanh trên các nền tảng xuyên biên giới như YouTube, thâm nhập thị trường toàn cầu, không ít doanh nghiệp Việt phải đối mặt vô số khó khăn, trong đó có thể kể đến là sự thiên lệch, ứng xử không công bằng của hệ thống Content ID của YouTube dẫn đến một số kẻ lợi dụng để cạnh tranh không lành mạnh, nhằm triệt hạ đối thủ.
Là thế lực thống trị thị trường chia sẻ video trực tuyến, YouTube đưa ra những quy định trở thành tiêu chuẩn của toàn ngành. Thông qua công cụ lọc bản quyền tự động Content ID, YouTube đã tạo ra luật chơi riêng của chính mình, kiểm soát và quyết định mọi thứ.
Trong nghiên cứu đăng tải trên Electronic Frontier Foundation (EFF), bà Katharine Trendacosta, Giám đốc Chính sách và Hoạt động tại EFF cho rằng YouTube cố tình tạo ra quy trình cực kỳ phức tạp cho Content ID để miễn trừ trách nhiệm, và những nhà sáng tạo nội dung sẽ phải tự đi giải quyết khi có rắc rối về bản quyền.
Mặc dù YouTube luôn nói rằng quy trình của mình rất rõ ràng và minh bạch, thực tế là nó phức tạp và thường thiên vị các hãng lớn. Thêm vào đó, do là hệ thống tự động, Content ID của YouTube thường xuyên để xảy ra nhầm lẫn trong quá trình ghi nhận bản quyền. YouTube là một cỗ máy, trong nhiều trường hợp hoạt động không chính xác, đánh nhầm bản quyền.
Anh Bùi Minh Tuấn – một YouTuber có kinh nghiệm cho hay: “Vì YouTube luôn đặt vai trò của người sáng tạo nội dung lên hàng đầu, bảo vệ họ gần như tuyệt đối nên có thể dẫn đến tình trạng “chém nhầm hơn bỏ sót”. Trong trường hợp nhận được đơn khiếu nại gửi đến, ngay lập tức YouTube có phản ứng gỡ video sau đó mới yêu cầu các bên gửi giấy tờ chứng minh để hậu kiểm. Bởi vậy, không thể tránh khỏi những vụ “oan sai” mà nhà sản xuất nội dung phải gánh chịu thiệt hại nghiêm trọng”.
Lợi dụng kẽ hở của YouTube để cạnh tranh không lành mạnh
Trường hợp công ty Anh Entertainment One UK Limited (gọi tắt là EO – có trụ sở tại London, Anh) phát tán thông tin sai lệch, lợi dụng chính sách chưa chặt chẽ, chưa nghiêm ngặt của YouTube để chơi xấu Công ty Sconnect Việt Nam (Sconnect) là một ví dụ nổi bật.
EO và một doanh nghiệp Anh khác, Astley Baker Davies Limited (đều có trụ sở ở London), đồng sở hữu sản phẩm Peppa Pig. Đây là bộ nhân vật và tập phim hoạt hình về gia đình chú heo Peppa Pig nhỏ tuổi. Các tập phim hoạt hình Peppa Pig (khoảng 450 tập) được chiếu trên truyền hình ở Anh và một số nước châu Âu.
Trong khi đó, Sconnect (trụ sở ở Hà Nội) là chủ sở hữu của sản phẩm Wolfoo – bộ nhân vật và hàng loạt phim hoạt hình với nội dung về chú sói nhỏ Wolfoo cùng gia đình và bạn bè. Các video hoạt hình Wolfoo (khoảng 2.700 tập) được dịch ra 17 thứ tiếng, phát trên nhiều nền tảng như mạng xã hội YouTube, Facebook, TikTok; Netflix, kênh truyền hình, nền tảng online của nhiều quốc gia từ năm 2018 tới nay.
Đến nay, Sconnect đã có chứng nhận bản quyền hình ảnh bộ nhân vật Wolfoo tại Việt Nam; chứng nhận bản quyền hình ảnh bộ nhân vật Wolfoo tại Mỹ (với 20 nhân vật); chứng nhận bản quyền kịch bản phim hoạt hình Wolfoo tại Việt Nam; chứng nhận bản quyền phim hoạt hình Wolfoo tại Việt Nam. Ngoài ra, Sconnect đăng ký nhiều nhãn hiệu Wolfoo tại Việt Nam; Nga; Mỹ và EU từ nhiều năm trước đây.
Hậu trường sản xuất Wolfoo Parody tại studio của Sconnect.
Tuy nhiên, lợi dụng kẽ hở của YouTube, từ cuối năm 2021 tới nay EO liên tục có hành vi cạnh tranh không lành mạnh, chơi xấu đối với Sconnect khiến doanh nghiệp Việt chịu thiệt hại nặng nề. Các hành vi sai phạm của EO có thể được chia làm 4 nhóm gồm: Đánh bản quyền không có căn cứ; đánh bản quyền bằng căn cứ không hợp pháp; đánh bản quyền bằng chính nội dung Wolfoo của Sconnect và sử dụng nhãn hiệu Wolfoo trong các video Peppa Pig.
Cụ thể, từ tháng 2/2022, EO đã nộp đơn khởi kiện Sconnect tại Vương quốc Anh với các cáo buộc phim hoạt hình Wolfoo vi phạm quyền sở hữu trí tuệ của phim hoạt hình Peppa Pig và liệt kê 91 video kèm theo đơn khởi kiện, dù đến nay chưa được tòa án Anh thụ lý, nhưng EO vẫn sử dụng đơn kiện một phía để đánh bản quyền rất nhiều các video Wolfoo, bao gồm cả các video trong và ngoài đơn khởi kiện mà EO đã nộp và YouTube vẫn chấp nhận gỡ toàn bộ các video bị đánh bản quyền, kể cả các video không liên quan đến đơn khởi kiện.
Trước đó, ngày 11/01/2022, EO cũng đã nộp đơn khởi kiện Sconnect ra Tòa án Moscow liên quan đến vấn đề bản quyền của phim hoạt hình Wolfoo và Peppa Pig.
Ngày 7/7/2022, dựa trên kết quả thẩm định của các chuyên gia văn học, nghệ thuật Nga khẳng định: “Bộ nhân vật Wolfoo không phải là làm lại của bộ nhân vật Peppa Pig”. Tòa án Moscow (Nga) đã ra phán quyết: “buộc EO không còn quyền khiếu nại, khiếu kiện về nội dung bộ nhân vật Wolfoo là làm lại bộ nhân vật Peppa Pig”. Thế nhưng cho đến nay, YouTube vẫn dung túng cho các hành vi “nhận vơ” bản quyền của EO, tiếp tục khoá hơn 1.000 video phim hoạt hình Wolfoo, gây thiệt hại vô cùng lớn cho Sconnect.
Bên cạnh hành vi “nhận vơ” bản quyền, EO còn sử dụng chiêu trò liên tục sử dụng các video Wolfoo, sau đó mạo nhận là chủ sở hữu và sử dụng các video đó làm căn cứ đánh bản quyền các video Wolfoo gốc của Sconnect.
Từ tháng 6/2022, Sconnect phát hiện EO đã sử dụng các từ khóa Wolfoo trong rất nhiều video Peppa Pig, trong cả các video từ cuối năm 2018 cho đến các video mới đây. Sconnect đã tiến hành lập vi bằng về hành vi vi phạm nhãn hiệu Wolfoo của EO. Theo bản tự khai tại Tòa án Vương quốc Anh hồi tháng 7/2022, EO thừa nhận đã sử dụng từ khóa Wolfoo trong các video và các kênh của Peppa Pig nhằm thu hút lượng người xem đến với Peppa Pig.
YouTube đang tiếp tay triệt hạ sản phẩm trí tuệ Việt Nam?
Mặc dù YouTube có chính sách về việc ngăn chặn hoặc nghiêm cấm các hành vi lạm dụng chính sách của nền tảng và phía Sconnect cũng có email xem xét hành vi lạm dụng của EO. Tuy nhiên, khi Sconnect đã cung cấp toàn bộ tài liệu chứng cứ, phán quyết của Tòa án Nga song YouTube vẫn “phớt lờ” tiếp tục cho phép EO thực hiện các yêu cầu đánh bản quyền sai trái. Phải chăng sự thiên vị, dung túng, làm ngơ của YouTube đã tiếp tay cho chuỗi hành vi nhằm triệt hạ các sản phẩm trí tuệ Việt Nam của EO.
Đặc biệt, mặc dù đã có phán quyết của Tòa án Nga, đồng thời Sconnect cũng đã cung cấp đầy đủ căn cứ pháp lý và gửi các thông báo yêu cầu EO tuân thủ pháp luật, tuân thủ bản án và chấm dứt hành vi vi phạm thế nhưng phía EO và YouTube vẫn không có bất cứ động thái nào tích cực.
Theo Luật sư Phạm Văn Anh, YouTube có trách nhiệm trong việc ngăn chặn, phòng ngừa các hành vi cạnh tranh không lành mạnh của EO. Khi Sconnect đã được Tòa án Nga công nhận là chủ sở hữu hợp pháp của bộ nhân vật hoạt hình Wolfoo thì YouTube, các trang mạng xã hội toàn cầu không được phép công nhận các yêu cầu đánh bản quyền của EO đối với các video Wolfoo, đồng thời phải có các biện pháp xử lý như xóa tài khoản, chặn yêu cầu của EO do các hành vi xấu của EO gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp Việt.
Trước những khó khăn do đối thủ từ nước ngoài gây ra cho Sconnect, Luật sư Phạm Văn Anh cho rằng, các cơ quan quản lý của Việt Nam, như Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ cần vào cuộc, lên tiếng với Google và YouTube để đảm bảo môi trường cạnh tranh bình đẳng với các sản phẩm dịch vụ của Việt Nam kinh doanh trên nền tảng YouTube.
Được biết, mới đây, Sconnect đã gửi đơn lên 4 Bộ trưởng các Bộ: Thông tin và Truyền thông; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Khoa học và Công nghệ; Công Thương. Trong đơn, Sconnect Việt Nam đề nghị các Bộ trưởng lên tiếng, can thiệp với Google và YouTube để bảo vệ bản quyền sản phẩm sáng tạo nổi tiếng của Việt Nam, đồng thời yêu cầu phía đối thủ chấm dứt các hành vi vi phạm pháp luật trên mạng Internet – như VietTimes đã đưa tin.
Nền kinh tế số bùng nổ đã tạo nền tảng cho nhiều doanh nghiệp sáng tạo nội dung số của Việt Nam sản xuất ra những nội dung giải trí có giá trị cao và phát hành xuyên biên giới. Các nhà sản xuất nội dung Việt Nam đã chứng minh được năng lực sáng tạo của mình với những bước tăng trưởng đáng nể trong 5 năm qua.
Theo Sách trắng “Công nghệ thông tin và truyền thông Việt Nam 2021″, số lượng doanh nghiệp nội dung số tăng mạnh những năm qua, từ 2.700 vào năm 2016 lên gần 4.200 vào năm 2020. Doanh thu ngành công nghiệp nội dung số cũng tăng từ 739 triệu USD năm 2016 lên 888 triệu USD năm 2020. Đặc biệt là sản phẩm nội dung số được xuất khẩu ra nước ngoài tăng trưởng đáng kể, kim ngạch xuất khẩu nội dung số tăng từ 661 triệu USD năm 2016 lên 771 triệu USD năm 2018; sau đó giảm nhẹ xuống 705 triệu USD năm 2019; rồi tiếp tục tăng lên 710 triệu USD năm 2020.
Sự kiện Apple tại Cupertino: Chuyến đi đầy sự trải nghiệm
Đây là lần đầu tiên Apple gửi lời mời đến các phóng viên và những người sáng tạo nội dung (content creator) của Việt Nam đến tham dự, cũng là một chuyến đi đem lại trải nghiệm và mở mang tầm mắt rất nhiều cho cá nhân tôi.
Bảo mật
Apple được nổi tiếng là rất khắt khe và bảo mật thông tin. Khoảng 3 tuần trước sự kiện ra mắt, tôi không hề biết họ có ý định mời sang Mỹ tham dự và bất ngờ một ngày lại nhận được email từ họ. Với thời gian sát sao như vậy, những ai đang có VISA Mỹ thì mới có thể kịp tham dự. Thậm chí ngay trong thư mời, họ cũng không nhắc tới là ra mắt sản phẩm mới, chỉ "rất hân hạnh mời bạn đến Steve Jobs Theater để tham dự sự kiện đặc biệt của Apple" và mọi thông tin khác về sản phẩm đều là dấu chấm hỏi.
Video đang HOT
Chiếc thư mời được gửi vào ngày 25/8, tức chỉ khoảng 2 tuần trước khi sự kiện bắt đầu.
Mọi thứ diễn ra rất nhanh sau khi Apple gửi thư mời cũng như sau khi tôi xác nhận tham dự, họ bắt đầu gửi chiếc email thứ hai, cẩn thận dặn dò trước sự kiện như cần chuẩn bị gì cho chuyến bay quốc tế, khi đáp đến sân bay thì làm gì tiếp theo, đến Apple Park bằng cách nào, check-in trước khi vào sự kiện ra sao và các thông tin về sức khỏe - y tế.
Nói một chút về vấn để sức khỏe - y tế, phía Apple yêu cầu người tham dự cần kiểm tra âm tính với COVID-19 trước khi bước vào sự kiện ngày 7/9. Bạn phải đồng ý với các điều khoản, tuân theo quy trình y tế cũng như cho phép chia sẻ data (ở đây là kết quả test COVID-19) cho bên thứ 3 là CTEH (Center for Toxicology and Environment Health, tạm dịch Trung tâm độc tố học và sức khỏe môi trường), tất nhiên dữ liệu của bạn cũng sẽ được bảo mật và chỉ phía Apple với CTEH này mới được truy cập.
Cũng trong phần này, Apple khuyến cáo rằng đeo khẩu trang hay không tại sự kiện là do cá nhân tự lựa chọn, tuy nhiên nếu vừa phục hồi sau COVID-19 hay vừa mới tiếp xúc gần với người nhiễm thì yêu cầu phải đeo.
Việc test COVID-19 có lẽ chẳng quá xa lạ với chúng ta, tuy nhiên trong lần tham dự sự kiện của một hãng công nghệ khác tại New York vào tháng 8 vừa qua, tôi chưa hề được yêu cầu kiểm tra COVID-19 cũng như không có các yêu cầu về các thông tin y tế hay sức khỏe này.
Có thể thấy Apple rất cẩn thận và quan tâm đến sức khỏe chung của tất cả người tham dự, thậm chí ban đầu bản thân cũng có chút nghi ngại và thấy hơi "phiền" nhưng đến khi bước vào bên trong sự kiện, tôi mới hiểu vì sao họ lại yêu cầu như vậy và tôi sẽ giải thích ở phần khác trong bài này.
Trải nghiệm, trải nghiệm và trải nghiệm
Cái gì quan trọng thì phải nói lại 3 lần. Apple luôn muốn người dùng có trải nghiệm xuyên suốt khi dùng hệ sinh thái của họ, và khi tổ chức sự kiện cũng vậy, mọi khách tham dự đều có được những trải nghiệm thoải mái nhất.
Gần đến ngày tham dự, Apple bắt đầu gửi email chuyến bay và tôi khá bất ngờ khi họ chọn mua vé hạng thương gia. Là một người từng tham dự rất nhiều sự kiện công nghệ quốc tế trong nhiều năm, tôi chưa bao giờ được bay ở ghế hạng này và rõ ràng đó là một trải nghiệm hoàn toàn mới đối với bản thân tôi. Trên dưới 10 lần công tác sang Mỹ, tôi đã khá "thấm đòn" và thậm chí ngán ngẩm với việc phải ngồi ngủ suốt gần 20 giờ đồng hồ, nhưng với lần công tác do Apple mời này, mọi thứ trở nên khác hẳn.
Với hạng ghế thương gia, bạn có được một không gian riêng để nghỉ ngơi đúng nghĩa, màn hình hiển thị to, góc bàn có thể ăn uống hoặc làm việc và tuyệt vời nhất chính là chỉ với một nút bấm là ghế có thể ngả thẳng ra thành giường để nằm ngủ suốt chuyến bay dài.
Nguồn: Upgraded Points.
Đáp xuống sân bay, bước ra cửa là có một nhân viên mặc suit đen sang trọng cầm tấm bảng tên tôi và đón về khách sạn bằng xe dịch vụ limousine. Anh tài xế này cũng chia sẻ những ngày này công ty anh đưa rước rất nhiều phóng viên từ khắp các quốc gia khi về đây, "Tôi đón chuyến này là chuyến thứ 3 trong ngày rồi và tất nhiên sự kiện này sẽ rất là hoành tráng đây", anh nói thêm.
Đây là khách sạn Ameswell tại thành phố Mountain View, cũng khá gần với Apple Park nên việc di chuyển vào ngày diễn ra sự kiện cũng rất dễ dàng.
Theo như tôi được biết, toàn bộ khách sạn này được thuê để cho phóng viên và khách tham dự khác như content creator hay đối tác nghỉ ngơi. Apple còn làm hẳn 1 router wifi riêng mang tên "Apple Wifi" với băng thông lớn hơn so với Wifi khách sạn, cũng cho thấy được họ tâm lý đến mức nào và hiểu rõ các content creator cần một đường truyền tốt để làm việc, đăng tải lượng nội dung khổng lồ lên các nền tảng social vào ngày diễn ra sự kiện.
Sau một đêm nghỉ ngơi, tôi tham dự một buổi tập Yoga chào bình minh do Apple tổ chức ngay tại khu vực sân vườn của khách sạn. Nói thêm về buổi tập này, nó được thiết kế dành riêng cho người tham dự sự kiện Apple và nhà Táo đã ngỏ ý mời từ lúc trước chuyến bay.
Do bên đây Mặt Trời mọc khá trễ nên buổi tập được bắt đầu từ 7h30 sáng và mọi thứ đã được chuẩn bị kỹ lưỡng từ thảm tập, khăn, đệm gỗ dành cho người mới bắt đầu và nước uống. Người tham dự buổi tập này cũng được tặng một bình nước màu đen rất đẹp với logo Apple Fitness khắc laser trên đó.
Tất nhiên chương trình này không hề bắt buộc nhưng tất nhiên tôi không thể bỏ lỡ được, một là vì tò mò cách Apple sẽ tổ chức các "hoạt động ngoại khóa" này thế nào và hai là để tốt cho sức khỏe bản thân. Yoga sẽ giúp tôi cân bằng lại được mọi thứ, giãn cơ sau một chuyến bay dài gần 24 giờ (bao gồm cả transit). Nếu ai từng bay chuyến bay dài thì sẽ hiểu cảm giác mệt mỏi, nhất là phần lưng, cổ và đầu gối, vậy nên việc đưa vào phần tập Yoga này là một điểm mà tôi rất thích, cho thấy sự tâm lý của Apple cũng như tạo sự thoải mái, tinh thần khỏe khắn nhất có thể cho mọi người trước buổi event quan trọng vào ngày hôm sau.
Buổi tập cũng khá nhẹ nhàng và đa phần để bạn khởi động các nhóm cơ vào buổi sáng và giãn các phần xương khớp, cột sống. Giáo viên trước khi vào buổi tập cũng không quên nhắc bạn chọn tính năng tập Yoga trên Apple Watch để đo và có thể xem lại các thông số của bản thân sau đó. Có thể nói đây là một chương trình tuy nhỏ nhưng lại cho thấy sự khéo léo của Apple khi vừa tỏ ra quan tâm đến sức khỏe của tất cả mọi người nhưng mặt khác cũng tạo nên sự kết nối chặt chẽ hơn với họ, âm thầm quảng cáo mà không quá kệch cỡm, ép buộc.
Thường với các sự kiện quốc tế mà tôi tham dự, các hãng có xu hướng đưa rất nhiều hoạt động hoặc các buổi họp, điều này dễ gây thêm áp lực và cũng chiếm khá nhiều thời gian của phóng viên. Cá nhân tôi nếu cố gắng theo lịch trình cả ngày, khi tối về lại phòng sẽ cảm giác khá mệt và không đủ tỉnh táo để có thể làm việc (ban đêm của Mỹ là ban ngày tại Việt Nam và tất nhiên tôi vẫn phải kiểm tra email công việc cũng như làm một số việc cần thiết của tòa soạn).
Sau buổi "giãn gân cốt" với Yoga buổi sáng, tôi lại tiếp tục được... tự do trải nghiệm. Điều này có nghĩa tôi có thể đi khám phá bất kỳ đâu theo ý muốn của mình mà không bị bó buộc theo giờ giấc hay lịch trình của nhà Táo. Do vậy, tôi cùng các anh em khách mời của đoàn Việt Nam rủ nhau ghé thăm Apple Park để tự chiêm ngưỡng bằng mắt thật của mình.
Điều khá buồn là Apple sẽ không cho bạn tham quan tòa nhà Ring Building bên trong Apple Park mà chỉ có thể đến khu vực Apple Visitor Center (nằm đối diện Apple Park) và nơi đây đặt một cửa hàng khá hoành tráng, bao bọc hoàn toàn bằng cửa kính cùng đội ngũ nhân viên trẻ trung năng động.
Một văn phòng lễ tân đặt ngay trước cổng của khuôn viên Apple Park, làm hoàn toàn bằng kính rất đẹp mắt. Ngoại trừ nhân viên, không một ai được vào khu vực Apple Park này và tôi đành phải đợi ngày mai, khi sự kiện Far Out diễn ra thì mới được phép tham quan.
Quay lại với Apple Visitor Center, ở đây họ có tổng cộng 3 khu vực chính: ở giữa là cửa hàng, bên trái là khu trải nghiệm AR mà tôi sẽ đề cập sau và bên phải là quán cafe của... Apple! Tất cả được ốp hoàn toàn bằng kính nên chúng ta có thể nhìn rõ từ bên ngoài vào.
Ảnh: Apple.
Để chống lại cơn buồn ngủ do lệch múi giờ, tôi chọn Caffè Macs là địa điểm đầu tiên để bước vào. Đây đúng là lần đầu tiên tôi nghe đến việc Apple có hẳn một quán cafe riêng tại đây, với menu và mọi bước lựa chọn, tùy chỉnh đồ uống và thanh toán đều được thực hiện trên một chiếc iPad. Không gian rất đẹp, mang xu hướng tối giản và đặc biệt là tận dụng giếng trời lẫn các tấm kính để lấy nguồn ánh sáng tự nhiên vào.
Bước sang không gian chính, đây là nơi trưng bày đầy đủ tất cả sản phẩm thuộc hệ sinh thái của nhà Táo, nhưng điều đặc biệt bạn nên biết đây cũng là một trong hai nơi duy nhất (store còn lại nằm ở One Infinite Loop - đại bản doanh đầu tiên của Apple tại Cupertino) bán đồ lưu niệm của Apple, từ túi tote, áo thun cho đến cả áo cho trẻ sơ sinh. Phải chăng nhà Táo cũng muốn định hướng cho các cháu sau này lớn lên hãy làm iFan?
Và đây là không gian cuối cùng, cũng là nơi thú vị nhất tại Apple Visitor Center: khu vực trưng bày mô hình Apple Park.
Nếu đã từng đến các bảo tàng hoặc triển lãm, ngắm nhìn các mô hình công trình thì chắc các bạn đã quá quen với kiểu này. Nhưng không, Apple đã đưa nó lên một tầm cao mới trong việc trải nghiệm của khách tham quan. Với thế mạnh là một ông lớn trong ngành công nghệ, Táo tất nhiên không bỏ qua cơ hội để ứng dụng và quảng cáo những gì mình đang có được: LiDAR.
Họ sử dụng công nghệ cảm biến này (vốn đang được tích hợp trên iPad và iPhone) để quét mô hình vô tri vô giác và biến nó thành thú vị hơn trên màn hình của một chiếc tablet. Công nghệ của cảm biến LiDAR cùng thực tế ảo tăng cường (AR) là thứ giúp khách tham quan có cái nhìn sinh động và chi tiết hơn về công trình mà Apple đã dày công xây dựng.
Ngay trên màn hình iPad, bạn có thể biết được Apple Park trông ra sao với các mốc thời gian trong ngày, hay ngắm nhìn cách họ mô phỏng tận dụng năng lượng tự nhiên như gió và Mặt Trời để vận hành toàn bộ khu vực, thậm chí là "bật tung nóc" để biết được bên trong các tòa nhà đấy có gì.
Hoành tráng nhưng gần gũi
Vào ngày diễn ra sự kiện, người tham dự được mời lên những chuyến xe bus để di chuyển từ khách sạn sang Apple Park. Đây mới chính thức là lúc tôi được bước qua cánh cổng Apple Park và "thâm nhập" vào bên trong.
Khi vừa qua cổng, nhân viên yêu cầu bạn lấy laptop ra khỏi balo và thực hiện thao tác quét an ninh.
Và đây là tòa nhà rạp hát Steve Jobs, nơi diễn ra sự kiện Far Out.
Một lần nữa chúng ta lại thấy Apple sử dụng những tấm kính lớn uốn cong cho toàn bộ kiến trúc của họ. Bản thân tôi rất thích kiểu thiết kế này vì đưa lượng ánh sáng tự nhiên vào bên trong rất nhiều, vừa không phải tốn điện để thắp sáng tòa nhà, lại vừa tạo cảm giác gần gũi với thiên nhiên nhiều hơn.
00:00:11
Một vòng Steve Jobs Theater.
Nhìn ra phía xa kia chính là tòa nhà Ring Building, với vòng tròn chu vi khoảng 1,6km.
Vì Ring Building là khu vực làm việc của nhân viên Apple nên người tham dự không được đến gần mà chỉ hướng mắt nhìn sang mà thôi. Hy vọng một ngày nào đó trong tương lai Apple sẽ làm một tour tham quan để tôi có thể được mở tầm mắt nhiều hơn và biết được cận cảnh điều kiện cũng như cơ sở vật chất của một công ty công nghệ tầm cỡ thế giới trông ra sao.
Sảnh chờ ở rạp hát Steve Jobs rất đông người tham dự, chính giữa có quầy phục vụ thức ăn nhẹ lẫn cafe và khuôn viên bên ngoài cũng vậy.
Quay trở lại với rạp hát Steve Jobs, lạ thay sự kiện sẽ không diễn ra ngay tại tầng này, mà nó nằm ở... lòng đất. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa rằng khu vực này sẽ u tối mà ngược lại được phủ đầy ánh sáng một cách bất ngờ.
Thật lòng mà nói, tôi rất thích ánh sáng tại khu vực trải nghiệm sản phẩm sau khi sự kiện ra mắt kết thúc. Trước đây tôi từng thắc mắc tại sao các trang tin và báo chí nước ngoài chụp iPhone ngày ra mắt quá đẹp, đến khi bản thân đi dự các sự kiện nước ngoài của các hãng khác tôi cũng thấy đa phần họ dùng tông tối, hoặc tắt đèn rồi dùng đèn chiếu spotlight tạo cảm giác như ở các nơi sang trọng, nhà hàng cao cấp... Nhưng không, nó khiến trải nghiệm của người tham dự lẫn tác nghiệp vô cùng khó khăn.
Lúc đó tôi lại nghĩ: "Có lẽ họ được mượn cầm về nhà chụp?". Và rồi ngày hôm nay, tôi thật sự được mở mang tầm mắt khi biết rằng mọi người đều như nhau, tức đều xuất hiện tại buổi trải nghiệm này để tác nghiệp chứ không hề được "ưu ái", từ các trang tin lớn cho đến các YouTuber nổi tiếng như MKBHD hay SuperSaf đều ở đây cả.
Bí kíp của Apple lại nằm ở chỗ sử dụng tường ốp màu sáng, có các giếng trời để đưa ánh sáng tự nhiên vào nhiều nhất có thể, vậy nên dù là ở dưới tầng B1 nhưng mọi thứ vẫn "sáng như ban ngày". Cũng nhờ đó, người tham dự như tôi có thể nhìn ngắm màu tím của iPhone 14 Pro được rõ ràng và chân thực nhất, không bị các ánh đèn màu phản chiếu vào làm đổi màu. Một lần nữa, Apple cho thấy họ có thể làm được những thứ khác hoàn toàn với đối thủ và mang lại trải nghiệm tốt nhất dù là người dùng khi nhận về sản phẩm hay khách tham dự với một chiếc máy trên tay tại bàn trải nghiệm. Đó là một trải nghiệm xuyên suốt mà không phải ai cũng có thể làm được.
Tuy nhiên, không có gì hoàn hảo cả và ngay tại sự kiện này, tôi cũng nhận thấy được rõ điều đó. Apple gói gọn khu vực trải nghiệm trong tòa nhà hình tròn này, vậy nên họ sử dụng 3 chiếc bàn dài và mỗi bàn đặt 1 series sản phẩm vừa ra mắt, cụ thể là 1 bàn cho iPhone, 1 bàn cho Apple Watch và 1 bàn cho tai nghe Airpods. Với số lượng phóng viên và content creator lên đến hơn 200 người, kèm với nhân viên Apple đứng demo cho sản phẩm, bạn có thể hiểu được cảm giác đông nghẹt và tắc nghẽn tại đây là thế nào. Có lẽ đó cũng là lý do vì sao Apple yêu cầu khách tham dự phải kiểm tra COVID-19 trước sự kiện 1 ngày để bảo đảm sức khỏe chung của mọi người.
Sau khi trải nghiệm sản phẩm xong, khách tham dự có thể trở về khách sạn bằng xe bus hoặc dùng bữa trưa tại Caffè Macs bên Visitor Center. Nhà Táo không bó buộc và để mọi người có sự lựa chọn thích hợp nhất, nhờ vậy ai cũng có thời gian thoải mái và tự do trải nghiệm theo ý thích của cá nhân.
Apple tiếp tục mời phóng viên và content creator tham dự một buổi Yoga vào sáng hôm sau, một lần nữa cho thấy họ rất quan tâm tới sức khỏe cũng như trải nghiệm của mỗi người.
Trái ngược với các hãng điện thoại khác có xu hướng gửi sản phẩm cho phóng viên trải nghiệm sớm sau sự kiện, Apple lại không có chủ trương này. Cũng vì vậy tôi dành thời gian còn lại để trải nghiệm các địa điểm lân cận. Nhìn chung, đây là một chuyến đi tuy gọi là công tác nhưng lại rất thoải mái, không hề áp lực, điều mà tôi chưa từng thấy ở tất cả những chuyến công tác khác. Có lẽ đó là nhờ cách Apple đưa tính trải nghiệm lên hàng đầu và quan tâm đến mọi người, "thiết kế" một cái trip tốt nhất trong khả năng của họ. Hy vọng tôi sẽ có dịp được trải nghiệm những chuyến đi sự kiện sắp tới và được mở rộng tầm mắt hơn nữa trong tương lai.
Một vài hình ảnh trải nghiệm sau sự kiện, chụp bằng iPhone 13 Pro Max.
Phát hiện thêm 1 trang web giả mạo thương hiệu EVN Trang web có tên miền evn158.top sử dụng một số nội dung, hình ảnh, logo có thể gây hiểu nhầm là ấn phẩm thông tin thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa cho biết, hiện nay trên mạng Internet xuất hiện trang web giả mạo thương hiệu EVN có địa chỉ tại http://evn158.top Khẳng...