Vụ than lậu ở Thái Nguyên: Công ty Yên Phước từng bị phạt nhiều lần
Trước khi bị khởi tố, mỏ than Minh Tiến (ở Đại Từ, Thái Nguyên) từng bị cơ quan chức năng tỉnh Thái Nguyên xử phạt hành chính nhiều lần.
Cơ quan Cảnh sát điều tra (C03) Bộ Công an phối hợp với một số đơn vị liên quan vừa triệt phá vụ khai thác, mua bán hàng triệu tấn than trái phép tại mỏ than Minh Tiến (xã Minh Tiến và xã Na Mao, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên), thu lợi bất hợp pháp hàng trăm tỷ đồng.
Liên quan đến vụ án trên, trao đổi với PV Dân trí , ông Nguyễn Thanh Tuấn – Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Nguyên – xác nhận, mỏ than Minh Tiến từng bị cơ quan chức năng tỉnh này xử phạt hành chính nhiều lần.
Cụ thể, năm 2019, đoàn kiểm tra đã phát hiện mỏ than này vi phạm các lỗi như: Không thông báo cho cơ quan quản lý khi phát hiện sự cố môi trường; không lập báo cáo quản lý chất thải nguy hại định kỳ theo quy định; khai thác khoáng sản không có giám đốc điều hành mỏ với trường hợp khai thác khoáng sản bằng phương pháp lộ thiên.
Từ các lỗi vi phạm trên, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên đã ra quyết định xử phạt hành chính mỏ than Minh Tiến 200 triệu đồng.
Mặc dù đã bị xử phạt, nhưng mỏ than này vẫn tiếp tục vi phạm, chính vì vậy, tháng 5/2020, Sở Công Thương tỉnh Thái Nguyên đã thành lập đoàn thanh tra liên ngành để kiểm tra về việc chấp hành quy định trong hoạt động khai thác, chế biến, kinh doanh than của mỏ than này.
Đoàn thanh tra phát hiện 5 vi phạm gồm: Doanh nghiệp khai thác không đúng thông số về chiều cao tầng của hệ thống khai thác đã xác định trong thiết kế mỏ; tổng diện tích đã khai thác vượt ra ngoài ranh giới khu vực được phép khai thác (theo bề mặt) đến dưới 0,1 ha.
Ngoài ra, mỏ than Minh Tiến còn sử dụng 189.844 m2 đất rừng sản xuất vào mục đích khác không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép; không thu gom chất thải nguy hại theo quy định để chất thải nguy hại ngoài trời gây ô nhiễm môi trường xung quanh và hộ chiếu nổ mìn lập không đầy đủ nội dung.
Với các lỗi vi phạm nêu trên, tỉnh Thái Nguyên đã ra quyết định xử phạt mỏ than Minh Tiến 375 triệu đồng và yêu cầu thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả. Đồng thời buộc nộp lại số tiền hơn 123 triệu đồng thu lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.
Video đang HOT
Như đã đưa tin, mới đây, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đã khởi tố vụ án “Vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên” xảy ra tại Công ty CP Yên Phước, Công ty TNHH Đông Bắc Hải Dương và các đơn vị có liên quan.
Căn cứ kết quả điều tra và tài liệu thu thập được, C03 xác định bà Châu Thị Mỹ Linh, Tổng Giám đốc Công ty CP Yên Phước đã câu kết, bàn bạc với Bùi Hữu Thanh, Bùi Hữu Giang là người điều hành Công ty TNHH Đông Bắc Hải Dương tổ chức thực hiện khai thác, mua bán hàng triệu tấn than trái phép tại mỏ than Minh Tiến (xã Minh Tiến và xã Na Mao, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên) thu lợi bất hợp pháp hàng trăm tỷ đồng.
Ngày 25/8, C03 đã ra các quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam, lệnh khám xét đối với 12 đối tượng về tội “Vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên”. Trong số này có Châu Thị Mỹ Linh, Bùi Hữu Thanh, Bùi Hữu Giang.
Bùi Hữu Thanh và Bùi Hữu Giang là anh em ruột, cùng sinh năm 1989, ở Mạo Khê (Đông Triều, Quảng Ninh). Hai anh em này cùng một số người khác đã đầu tư số tiền lớn để xây dựng vườn lan Var Đất Mỏ (lan đột biến) ở Quảng Ninh. Vừa qua, hai người này nổi tiếng với vụ giao dịch lan đột biến trị giá 250 tỷ đồng.
Cơ quan chức năng kiểm tra bãi than ở Hải Dương. (Ảnh: Tổng cục quản lý thị trường).
Theo kết quả điều tra ban đầu, năm 2014, Công ty CP Yên Phước được UBND tỉnh Thái Nguyên cấp giấy phép khai thác khoáng sản tại mỏ than Minh Tiến thuộc huyện Đại Từ với trữ lượng 8.500 tấn/năm. Thời hạn khai thác đến năm 2031 với tổng trữ lượng được phép là hơn 136.000 tấn.
Sau khi hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, từ năm 2018, Công ty CP Yên Phước mới bắt đầu đi vào hoạt động khai thác than mỏ than lộ thiên.
Tuy nhiên, khoảng một năm sau, bà Châu Thị Mỹ Linh đã bán toàn bộ việc khai thác tại mỏ than Minh Tiến cho Công ty TNHH Đông Bắc Hải Dương do Bùi Hữu Giang và Bùi Hữu Thanh điều hành.
Theo đó, Công ty CP Yên Phước đồng ý cho Công ty Đông Bắc Hải Dương khai thác, chế biến than tại mỏ với giá một tấn than thành phẩm 450.000 đồng. Hợp đồng ký kết giữa hai bên thể hiện khối lượng khai thác ít nhất 400.000 tấn/năm, có thời hạn trong 5 năm.
Như vậy, theo thỏa thuận và hợp đồng ký kết, bà Châu Thị Mỹ Linh đã để Công ty Đông Bắc Hải Dương khai thác gấp 47 lần công suất hàng năm (8.500 tấn), vượt cả sản lượng mỏ được cấp phép (136.000 tấn).
Cơ quan điều tra xác định từ tháng 3/2019 đến tháng 8 năm nay, Công ty TNHH Đông Bắc Hải Dương trực tiếp thực hiện việc khai thác dưới sự chỉ định và giám sát của nhân viên Công ty CP Yên Phước, với sản lượng khoảng 2,5 triệu tấn than. Bình quân hàng năm, lượng than công ty này khai thác “chui” gấp hơn 120 lần số lượng được phép khai thác.
Điều đáng chú ý, số lượng than bị khai thác lậu lên đến cả triệu tấn, diễn ra rầm rộ trong thời gian dài nhưng không bị chính quyền địa phương phát hiện và xử lý kịp thời, gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền lớn.
Các đối tượng từ trái qua phải, từ trên xuống dưới: Châu Thị Mỹ Linh; Bùi Hữu Giang; Bùi Hữu Thanh; Hà Anh Tuấn; Bùi Mạnh Cường; Ngô Đăng Hải; Ngụy Quang Thuyên; Doãn Thị Định; Bùi Hữu Thương; Bùi Hữu Khoa; Đỗ Thị Luyến; Nguyễn Tuấn Anh.
Các bị can trong đường dây này đã sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi vừa tránh bị phát hiện, vừa trốn thuế, phí hàng chục tỷ đồng.
Cụ thể, Công ty CP Yên Phước và Công ty TNHH Đông Bắc Hải Dương đã lập khống hồ sơ nghiệm thu, báo cáo số lượng khai thác với UBND tỉnh và Sở Tài nguyên – Môi trường tỉnh Thái Nguyên, sản lượng khai thác hàng năm chỉ bằng đúng với số lượng được cấp phép.
Kết quả điều tra ban đầu xác định công ty của Linh đã bán cho công ty của Giang và Thanh hơn một triệu tấn than được khai thác lậu, thu về số tiền hơn 121 tỷ đồng.
Qua kiểm tra, hiện tại bãi chứa ở chân mỏ khai thác, số lượng than đã khai thác được chất đống ở đây gần 1,5 triệu tấn.
Cơ quan điều tra xác định, hành vi khai thác vượt trữ lượng tối đa của giấy phép khai thác khoáng sản của Linh, Giang, Thanh cùng một số lãnh đạo, nhân viên của Công ty CP Yên Phước và Công ty TNHH Đông Bắc Hải Dương là không đúng với nội dung giấy phép của các bị can gây thiệt hại cho Nhà nước về thuế hàng chục tỷ đồng.
Hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đang tiếp tục điều tra triệt để, mở rộng vụ án và áp dụng các biện pháp theo luật định để thu hồi tài sản cho Nhà nước.
Thái Nguyên: Bắt 2 đối tượng trộm trâu trên địa bàn thành phố Thái Nguyên
Công an thành phố Thái Nguyên (Thái Nguyên) cho biết vừa phát hiện, bắt quả tang hai đối tượng trộm trâu trên địa bàn gồm: Nguyễn Minh Chuyên (sinh năm 1973) và Nguyễn Duy Phương (sinh năm 1993), cùng trú tại xã Cát Nê, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên.
Cơ quan Công an lấy lời khai của đối tượng Nguyễn Minh Chuyên. Ảnh: Hoàng Nguyên/TTXVN
Tại cơ quan công an, hai đối tượng khai nhận từ đầu tháng 3/2021, Chuyên rủ Phương đi trộm trâu trên địa bàn thành phố Thái Nguyên. Chuyên có nhiệm vụ đi thăm dò các nhà dân ven đường có nuôi trâu, khi xác định được mục tiêu, các đối tượng đợi đến đêm tối, dùng búa phá cửa chuồng, dắt trâu lên xe ô tô đem đi bán. Từ đầu tháng 3 đến nay, hai đối tượng đã thực hiện trót lọt 5 vụ, trộm 5 con trâu đem bán được hơn 100 triệu đồng để tiêu xài cá nhân. Đối tượng Nguyễn Minh Chuyên đã có 2 tiền án về tội "Đánh bạc" và "Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có".
Cơ quan Công an tiến hành xác định hiện trường vụ án. Ảnh: Hoàng Nguyên/TTXVN
Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an thành phố Thái Nguyên đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can để tiếp tục điều tra, làm rõ.
Điều tra anh em đại gia lan đột biến tại Quảng Ninh rửa tiền từ than lậu Dù không trực tiếp tham gia điều hành hoạt động tại các pháp nhân khai thác, vận chuyển và tiêu thụ than lậu nhưng 2 anh em Bùi Hữu Thanh, Bùi Hữu Giang giữ vai trò đặc biệt quan trọng là "cổ đông lớn" và giật dây. Ít ai biết nghệ nhân lan đột biến Bùi Hữu Giang đóng góp 70 tỉ đồng...