Vụ thảm sát Mỹ: Cảnh sát tinh nhuệ đứng nhìn
Một đơn vị tinh nhuệ của Cảnh sát Quốc hội Mỹ đến hiện trường vụ thảm sát sớm nhất nhưng đột nhiên được lệnh rút lui không rõ lý do.
Lực lượng Cảnh sát Quốc hội Mỹ đang điều tra nguyên nhân tại sao một đơn vị chiến thuật tinh nhuệ của lực lượng này đột nhiên bị triệu hồi trong khi họ là những người đầu tiên chuẩn bị đối mặt với tay súng đang thực hiện vụ thảm sát kinh hoàng ở Sở chỉ huy Hải quân Mỹ.
Sau khi đơn vị tinh nhuệ này rút lui nửa chừng, các cảnh sát thuộc Sở Cảnh sát Đô thành tiến vào Sở chỉ huy Hải quân mà không có sự yểm trợ của lực lượng đặc biệt, và hậu quả là một người đã bị trúng đạn của kẻ tấn công Aaron Alexis.
Cảnh sát Quốc hội tinh nhuệ đã không tham gia ngăn chặn vụ thảm sát
Ngày 18/9, Chỉ huy trưởng Cảnh sát Quốc hội Mỹ Kim Dine đã ra lệnh tiến hành một cuộc điều tra độc lập về sự cố này và phải trình kết quả cùng khuyến nghị trước ngày 21/10.
Đơn vị Ứng phó Khẩn cấp tinh nhuệ của Cảnh sát Quốc hội Mỹ đóng quân chỉ cách Sở chỉ huy Hải quân vài tòa nhà. Một nguồn tin cảnh sát cho hay đơn vị này chỉ mất chưa đầy 30 giây để tiếp cận hiện trường và đã tập trung lực lượng để đối phó với tình huống ngay khi Cảnh sát Đô thành nhờ giúp đỡ.
Cảnh sát Quốc hội Mỹ có nhiệm vụ bảo vệ an toàn cho Quốc hội và hỗ trợ an ninh trong các tình huống khẩn cấp ở thủ đô Washington D.C.
Tuy nhiên một sĩ quan cảnh sát cho biết viên chỉ huy giám sát thuộc Cảnh sát Quốc hội “đã không cho họ tiến vào nhằm ngăn chặn vụ thảm sát”.
Sĩ quan giấu tên này cho biết: “Chúng tôi rõ ràng là đơn vị chiến thuật ở gần hiện trường vụ việc nhất trong thành phố. Chúng tôi đến hiện trường rất sớm trong chưa đầy hai phút. Thế nhưng họ lại ra lệnh cho chúng tôi không tham chiến và rút lui. Vì lý do gì thì tôi hoàn toàn không biết.”
Video đang HOT
Sở chỉ huy Hải quân nằm rất gần nơi đóng quân của Cảnh sát Quốc hội
Chỉ huy lực lượng Cảnh sát Quốc hội Kim Dine đã loại trừ nguyên nhân có bất đồng giữa Cảnh sát Quốc hội và Cảnh sát Đô thành vì hai lực lượng này luôn “hợp tác chặt chẽ và thường xuyên với nhau” khi đảm bảo an ninh cho các khu vực ở thủ đô nước Mỹ.
Ông Dine cho biết: “Là một Chỉ huy Cảnh sát, tôi đặt ưu tiên cao đối với việc quan hệ với các cơ quan hành pháp cũng như việc phối hợp và liên lạc giữa các cơ quan này.”
Đơn vị Ứng phó Khẩn cấp của Cảnh sát Quốc hội Mỹ được thành lập từ năm 1978 với 3 đội, trong đó có 2 đội tấn công và một đội chống bắn tỉa. Khi vụ thảm sát hôm thứ Hai diễn ra, có 2 đội thuộc đơn vị này đang trực chiến, còn một đội đang huấn luyện ở căn cứ Fort Meade.
Cảnh sát Quốc hội Mỹ cho biết “nhiệm vụ chính của họ là giải cứu các thành viên Quốc hội và du khách bị bọn khủng bố bắt làm con tin. Nhiệm vụ thứ hai là chống lại các mối đe dọa đối với các yếu nhân, đối phó với các vụ việc nghiêm trọng và hỗ trợ an ninh cho các sự kiện lớn.”
Quốc hội Mỹ thành lập Cảnh sát Quốc hội vào năm 1828 để đảm bảo an ninh cho tòa nhà Quốc hội. Ngày nay, nhiệm vụ của lực lượng này được mở rộng, trong đó có việc bảo vệ cho các thành viên Quốc hội và gia đình cũng như đảm bảo trị an trong phạm vi khoảng 25 khu nhà xung quanh Quốc hội Mỹ.
Ngày 16/9, nghi phạm Aaron Alexis, một cựu binh từng phục vụ trong Hải quân Mỹ đã xông vào Sở chỉ huy Hải quân ở Washington Navy Yard và xả súng giết chết 12 người. Alexis đã thiệt mạng trong khi đấu súng với lực lượng Cảnh sát Đô thành Mỹ. 2 cảnh sát đã bị thương trong khi chạm trán với tay súng này.
Theo khampha
Sự thật ớn lạnh về kẻ thảm sát ở căn cứ hải quân Mỹ
Những chi tiết ớn lạnh về vụ thảm sát ở căn cứ hải quân Mỹ hôm qua (17/9) đã dần được hé lộ qua bản báo cáo của cảnh sát. Theo đó, nghi phạm chính gây ra vụ thảm sát kinh hoàng ở căn cứ Hải quân Yard - Aaron Alexis được cho là đã rơi vào tình trạng hoang tưởng, mất liên hệ với thế giới thực tại từ vài tuần trước khi gây án.
Nghi phạm Alexis.
Sáng hôm 16/9 theo giờ Mỹ (tức là vào buổi tối theo giờ Hà Nội), cả nước Mỹ chấn động trước tin một vụ thảm sát kinh hoàng đã xảy ra ngay tại tòa nhà tổng hành dinh căn cứ Hải quân Yard ở thủ đô Washington. Đây là nơi có khoảng 3.000 người đang làm việc và chỉ cách Nhà Trắng - trung tâm quyền lực của nước Mỹ, chưa đầy 6km. Ít nhất 13 người đã chết và nhiều người bị thương trong vụ việc trên. Một trong hai nghi phạm gây ra vụ xả súng điên cuồng nói trên đã bị cảnh sát bắn chết và tên này được xác định là Aaron Alexis, 34 tuổi, đến từ Queens, New York. Gần đây nhất, tên này sống ở Fort Worth , bang Texas
Theo những báo cáo ban đầu được công bố của lực lượng cảnh sát, người ta đã dần thấy được chân dung của nghi phạm Alexis cùng những sự thật ớn lạnh về kẻ thảm sát này.
Alexis được cho là đã sống trong tình trạng hoang tưởng từ vài tuần trước khi gây ra vụ thảm sát điên cuồng. Tên nghi phạm này từng gọi cho lực lượng cảnh sát ở Newport hôm 7/8 sau khi hắn chuyển khách sạn 3 lần chỉ bởi vì hắn nghe thấy những giọng nói trong các bức tường và trần nhà nói chuyện với hắn, cố tìm cách đánh thức hắn và hắn đã trình báo với cảnh sát về cái mà hắn gọi là sự quấy rối này, tài liệu của cảnh sát cho biết.
Alexis kể với cảnh sát rằng, hắn đã nghe thấy những giọng nói mà hắn sợ là đang "làm cho toàn bộ cơ thể hắn chuyển động" và gây hại cho hắn. Alexis giải thích rằng, hắn từng có một cuộc cãi nhau trên chuyến bay đến đảo Rhode và hắn tin rằng người cãi nhau với hắn đang cử 3 người đi theo hắn.
Alexis "nói rằng có người đang sử dụng &'một kiểu máy vi sóng' để gây ra những cơn rung lắc khắp trần nhà, xâm nhập vào cơ thể của hắn ta khiến hắn ta không thể ngủ nổi", các sĩ quan Mỹ cho biết trong bản báo cáo của cảnh sát về nghi phạm Alexis.
Alexis từ lâu cũng than phiền rằng, hắn đã phải chịu đựng sự căng thẳng về thần kinh, sự ám ảnh và trầm cảm sau khi giúp "dọn dẹp" hiện trường loạt vụ tấn công khủng bố kinh hoàng ngày 11/9/2001 ở Trung tâm Thương mại Thế giới. Tuy nhiên, giới chức thành phố New York khẳng định, họ không hề có ghi chép gì chứng tỏ Alexis đã làm việc ở khu vực hiện trường này.
Cảnh sát đã từng hỏi Alexis về việc liệu hắn có tiền sử về vấn đề tâm thần nào trước đây hay có giai đoạn trầm cảm hoặc lịch sử gia đình có ai bị bệnh về thần kinh hay không nhưng Alexis khẳng định là không. Sau đó, cảnh sát đã gửi thông báo đến lực lượng cảnh sát hải quân và gửi cả một bản copy báo cáo đến Lực lượng Hải quân về những trình báo của Alexis.
Giai đoạn mà Alexis đấu tranh với các vấn đề về thần kinh chỉ diễn ra vài tuần trước khi tên này xông vào căn cứ hải quân Yard ở thủ đô Washington , D.C. , và xả súng điên cuồng vào nơi đây, khiến 12 người thiệt mạng.
Alexis đã bị bắn chết trong cuộc đọ súng với cảnh sát.
"Hồ sơ" không bình thường
Ngoài bị nghi là sống trong hoang tưởng, nghi phạm Alexis còn có một "hồ sơ" không bình thường về việc nhiều lần phải làm việc với các cơ quan thực thi pháp luật.
Từ lâu trước khi gây ra vụ thảm sát ở căn cứ Yard, Alexis - một cựu lính dự bị của Lực lượng Hải quân, đã từng phải đấu tranh với những cơn giận không thể kiểm soát cũng như tình trạng bạo lực.
Trước cuộc gọi điện cho cảnh sát hồi tháng 8 ở đảo Rhode, Alexis đã nhiều lần đối mặt với các cơ quan thực thi luật pháp cũng như cả Hải quân. Lực lượng này đã phải thỏa thuận một "sự ra đi trong danh dự" cho Alexis sau khi không thể bắt anh ta giải ngũ theo cách thông thường.
Năm 2004, Alexis khai với cảnh sát rằng hắn ta đã "không thể kiểm soát được cơn giận" và đã bắn vào lốp xe của một người đàn ông chỉ bởi vì người đàn ông đó được cho là đã nhìn hắn, cảnh sát Seattle từng bắt giữ Alexis cho biết.
Alexis còn nói, hắn ta không thể nhớ là đã bắn vào xe của người đàn ông nói trên cho đến một giờ sau khi xảy ra vụ việc. Một cảnh sát ở Seattle sau đó đã nói lại vụ việc với cha của Alexis và ông này cho biết con trai của ông ta đã trải qua những vấn đề về việc kiểm soát cơn giận. Gia đình Alexis tin rằng, con trai của họ bị chứng PTSD - Hội chứng chấn thương tâm lý. Cha của Alexis khẳng định, con trai của ông ta đã tham gia tích cực vào công việc giải cứu nạn nhân trong vụ tấn công khủng bố ngày 11/9/2001.
Tuy nhiên, các quan chức ở New York cho biết, không có ghi chép gì cho thấy Alexis tham gia vào các hoạt động ở hiện trường vụ tấn công khủng bố. Mặc dù không có tên trong danh sách chính thức nhưng Alexis có thể đã là một tình nguyện viên đến làm việc tại Khu vực Số 0. Điều này sẽ khó có thể xác nhận trừ khi có một nhân chứng đến nói là đã nhìn thấy anh ta từng có mặt ở đó.
Dù vấn đề của Alexis có thực sự xuất phát từ vụ việc ngày 11/9 hay không thì những vấn đề bất thường trong hành vi của người này rõ ràng đã xuất hiện nhiều năm trước khi xảy ra vụ thảm sát hôm 16/9.
Theo khampha
Thảm sát Mỹ: Nghi phạm từng là lính Hải quân Nghi phạm Aaron Alexis gây ra vụ thảm sát kinh hoàng ở sở chỉ huy Hải quân Mỹ đã từng nhận được những nhận xét tốt đẹp của Hải quân. Tay súng gây ra vụ thảm sát kinh hoàng khiến 12 người thiệt mạng hôm thứ Hai ở sở chỉ huy Hải quân Mỹ ngay tại thủ đô Washington D.C. của nước Mỹ...