Vụ “tàn sát” cây xanh: Có thể khởi tố hình sự 4 tội danh?
Xung quanh việc chặt hạ, thay thế 6.700 cây xanh trên địa bàn thủ đô Hà Nội khiến dư luận “dậy sóng”, các chuyên gia pháp lý cho rằng, vụ chặt hạ cây xanh còn nhiều điều chưa minh bạch và có dấu hiệu vi phạm hình sự…
Đối chiếu với Nghị định 64/2010/NĐ-CP về quản lý cây xanh đô thị, Luật Thủ đô và Bộ luật Hình sự, nhiều chuyên gia pháp lý cho rằng, việc chặt hạ cây trong đề án thay thế 6.700 cây xanh đô thị mà Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội vừa triển khai có dấu hiệu cấu thành 4 tội danh.
Một luật sư (xin được giấu tên) nhận định, việc chặt cây xanh là hành vi bị cấm. Trong Khoản 2, Điều 14 Luật Thủ đô đã quy định rất rõ: “Trên địa bàn thủ đô, nghiêm cấm san lấp, lấn chiếm, gây ô nhiễm sông, suối, hồ, công viên, vườn hoa, khu vực công cộng; chặt phá rừng, cây xanh; xả chất thải chưa qua xử lý ra môi trường; sử dụng diện tích công viên, vườn hoa công cộng, sai chức năng, mục đích”.
Vị luật sư này nói, quá trình thay thế cây xanh có dấu hiệu của tội “Cố ý làm trái”, “Hủy hoại tài sản” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” hoặc “Lạm dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ”…
Lý giải rõ hơn, vị luật sư nói, cây xanh là tài sản giao cho Công ty TNHH MTV Công viên Cây xanh quản lý, chặt hạ cây xanh một cách vô tội vạ, thiếu minh bạch là việc làm trái quy định.
“Cơ quan chức năng cần phải khởi tố vụ án để điều tra cụ thể hành vi đó do ai đề xuất, ai chỉ đạo, ai đồng ý. Khi xác định được cụ thế cá nhân, hay tổ chức vi phạm sẽ xem xét, cân nhắc khởi tố bị can theo các hành vi có dấu hiệu phạm tội tương xứng” – vị luật sư này cho hay.
Video đang HOT
Hình ảnh công nhân đốn hạ cây xà cừ.
Nêu quan điểm dưới góc độ là một chuyên gia pháp lý, Luật sư Trần Vũ Hải – Đoàn Luật sư TP. Hà Nội phân tích, theo Luật Thủ đô thì việc chặt cây xanh chỉ thực hiện khi không còn giải pháp nào khác. Đó là trong trường hợp các tuyến phố chật chội cần mở đường, phục vụ dự án hạ tầng giao thông thì bắt buộc phải hy sinh cây xanh và phải di chuyển ra chỗ khác trồng chứ không được chặt phá theo cách Hà Nội làm thời gian qua.
Còn theo Nghị định 64/2010/NĐ-CP về quản lý cây xanh đô thị, muốn chặt cây phải có giấy phép, nhưng việc chặt hạ 6.700 cây vừa qua không hề có giấy phép. Bên cạnh đó, muốn thay thế cây, cơ quan chuyên môn phải có những cuộc hội thảo, lấy ý kiến của các nhà khoa học, kiến trúc tìm phương án đúng. Tuy nhiên, Hà Nội lại bỏ qua giai đoạn quan trọng này, gây nhiều thiệt hại cả về vật chất, tinh thần với người dân Hà Nội, gây ảnh hưởng đến uy tín cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương.
Từ những phân tích trên, vị luật sư nhận định, việc quản lý hệ thống cây xanh đô thị thuộc về UBND thành phố Hà Nội mà trực tiếp ở đây là Sở Xây dựng. Trong trường hợp kiểm tra, xác định được Sở Xây dựng đã không thực hiện đúng quy trình khi cấp phép cho việc chặt hạ cây thì Sở sẽ phải chịu trách nhiệm về việc này. Sau đó cũng cần xem xét đến trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trực tiếp thực hiện việc chặt hạ cây.
Một chuyên gia pháp lý khác cũng nhận định, việc chặt hạ hàng loạt cây xanh vừa qua là sai và có dấu hiệu của tội hủy hoại tài sản, cố ý làm trái và tội thiếu trách nhiệm của người quản lý. Trong vụ việc này, người trực tiếp thực hiện hành vi chặt phá cây có dấu hiệu của tội hủy hoại tài sản, còn với người chỉ đạo sẽ chịu trách nhiệm liên đới về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Theo chuyên gia pháp lý, vấn đề sai hay không thì phải xem xét những người trực tiếp chặt cây có thực hiện đúng đề án, chủ trương của thành phố không. Nếu cấp dưới không thực hiện đúng chỉ đạo của cấp trên thì là cấp dưới sai.
Ví dụ, đề án phê duyệt là thay thế cây mục, rỗng, hỏng, cong vênh chứ không phải chặt phá hàng loạt thì người thực hiện đã vi phạm đề án.
“Tôi chưa xem đề án nên chưa thể khẳng định chỉ đạo của thành phố Hà Nội là sai. Biết đâu là do cấp dưới họ cố tình làm sai việc cấp trên giao. Vậy nên, chưa thể khẳng định được là UBND thành phố Hà Nội phải chịu trách nhiệm chính. Còn về nguyên tắc, người đứng đầu cơ quan, tổ chức phải chịu trách nhiệm là chuyện đương nhiên. Nhưng để truy cứu trách nhiệm cá nhân thì phải xem xét thật kỹ” – vị chuyên gia này nói.
Về thông tin cây trồng mới trên đường Nguyễn Chí Thanh không phải là cây Vàng Tâm như Hà Nội công bố, vị chuyên gia pháp lý này khẳng định, phải xác định kinh phí mua cây là nguồn tiền ngân sách Nhà nước hay của nhà tài trợ. Nếu từ ngân sách Nhà nước mà làm sai sẽ bị xử lý hình sự.
Bên cạnh đó, khi đề án là thay thế cây đã chặt bằng cây Vàng Tâm mà lại trồng cây khác thì rõ ràng người thực hiện đã cấu thành tội “Cố ý làm trái”.
Theo Năng Lượng Mới
Nắn quốc lộ để giữ một cây cổ thụ
Tuyến quốc lộ 14 dù đã được hoàn thiện nhưng một cây gạo cổ thụ không bị chặt bỏ như kế hoạch ban đầu mà được đơn vị thi công giữ lại để tạo cảnh quan.
Cây gạo cổ thụ này nằm trên tuyến quốc lộ 14 đoạn giáp ranh cửa ngõ phía bắc TP Pleiku (Gia Lai).
Ông Nguyễn Văn Huấn - Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh (Bộ GTVT) cho biết theo thiết kế ban đầu, để nắn thẳng tuyến đường, cây gạo nói trên sẽ bị chặt hạ, san lấp để thay thế bằng nền đường.
Cây gạo cổ thụ trước cửa ngõ vào TP Pleiku, Gia Lai đã được giữ lại, đơn vị thi công chấp nhận chỉnh nắn tim đường.
Ông Nguyễn Ngọc Báu, Giám đốc hiện trường Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh đoạn qua Gia Lai - Kon Tum, cho biết thêm khi công nhân và các đơn vị thi công chuẩn bị làm thì nhiều người dân bày tỏ sự tiếc nuối vì mất đi bóng cây cổ thụ.
Cây gạo này đã có từ trước đó hàng chục năm, đi vào tiềm thức nhiều người dân ở Pleiku. Ban quản lý dự án đã báo cáo lên trên.
Sau khi khảo sát đánh giá kỹ lại khúc đường này, Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh đã đồng ý để đơn vị thi công chỉnh tim đường, né qua một khoảng cách ngắn để giữ lại cây cổ thụ.
Theo Tuổi Trẻ
Sốc với giá cây vàng tâm mua tại vườn ở Yên Bái Đại diện UBND huyện Văn Chấn (Yên Bái) khẳng định, có thể việc mua bán cây mỡ để trồng ở Hà Nội được mua thông qua doanh nghiệp, riêng huyện này chưa ghi nhận hợp đồng kinh tế nào trong việc bán loại cây này. Cây mỡ (hay còn gọi là cây vàng tâm) được tập kết trên đường phố Hà Nội, chuẩn...