Vụ Tân Hiệp Phát: Không thuộc trường hợp vi phạm về tiết lộ bí mật
Hiện không có chứng cứ gì thể hiện luật sư của Tân Hiệp Phát dùng những tài liệu có được trong lúc dự cung để có cách “ứng phó” nhằm buộc tội bị cáo.
Phiên toà xét xử vụ án Võ Văn Minh can tội “Cưỡng đoạt tài sản” của Công ty Tân Hiệp Phát, tạm thời khép lại bằng bản án sơ thẩm. Nhưng sau phiên toà, nhiều ý kiến cho rằng, trong vụ án này, Cơ quan điều tra có sự vi phạm nghiêm trọng về tố tụng, và vụ án có dấu hiệu lộ bí mật điều tra. Để rộng đường dư luận, PV báo Người Đưa Tin có cuộc trao đổi với luật sư Hồ Ngọc Diệp (Đoàn Luật sư TP.HCM) về vấn đề này.
Luật sư Hồ Ngọc Diệp (Đoàn Luật sư TP. HCM).
Không ảnh hưởng đến sự thật khách quan
Thưa luật sư, tại phiên toà sơ thẩm, các luật sư bào chữa cho bị cáo Minh cho rằng, việc Cơ quan điều tra cho luật sư bảo vệ quyền lợi của Công ty Tân Hiệp Phát tham dự các buổi hỏi cung đối với bị can Minh là vi phạm nghiêm trọng tố tụng. Luật sư đánh giá về vấn đề này thế nào?
Trước hết cần phải thấy rằng, trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử vụ án hình sự, không phải bất kỳ một sai sót nào của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng cũng đều bị xem là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, mà chỉ những sai phạm có thể dẫn đến việc thay đổi bản chất vụ án, ảnh hưởng đến việc xác định sự thật khách quan, và toàn diện của vụ án thì mới xem những thiếu sót, sai phạm đó là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng hình sự.
Theo tinh thần hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 01/2010/TTLT ngày 27/8/2010 của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Bộ Công an, Toà án Nhân dân Tối cao về những trường hợp được xem là có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng hình sự, thì việc Cơ quan điều tra (hay Điều tra viên) cho phép luật sư bảo vệ quyền lợi của Công ty Tân Hiệp Phát, tham dự các buổi hỏi cung đối với bị can Minh trong vụ án này, không thuộc trường hợp vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng hình sự. Vì vậy, quá trình điều tra, truy tố và xét xử vụ án, vẫn đảm bảo các nguyên tắc luật định, không có dấu hiệu ảnh hưởng đến việc xác định sự thật khách quan và toàn diện của vụ án nói chung.
Thế còn vấn đề tiết lộ bí mật điều tra thì sao, thưa luật sư?
Theo tinh thần quy định tại Điều 124 Bộ Luật Tố tụng hình sự thì, trong trường hợp cần giữ bí mật điều tra, Điều tra viên, Kiểm sát viên phải báo trước cho người tham gia tố tụng, người chứng kiến không được tiết lộ bí mật điều tra. Việc báo này phải được ghi vào biên bản.
Như vậy, trong quá trình thực hiện các hoạt động về điều tra, Điều tra viên, Kiểm sát viên sẽ tự mình đánh giá các tài liệu, chứng cứ nào thuộc trường hợp cần phải giữ bí mật điều tra, và thông báo cho người tham gia tố tụng, người chứng kiến biết, để họ không được tiết lộ bí mật điều tra.
Video đang HOT
Bị cáo Võ Văn Minh tại tòa.
Nếu Điều tra viên, Kiểm sát viên nhận thấy, các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án mà những người tham gia tố tụng được phép tiếp cận, không thuộc trường hợp cần phải giữ bí mật điều tra, nên không thông báo để họ giữ bí mật, thì cho dù họ có đưa những thông tin, tài liệu này ra bên ngoài, cũng không xem đó là hành vi tiết lộ bí mật điều tra.
Trong vụ án này, việc cho luật sư bảo vệ quyền lợi của Công ty Tân Hiệp Phát tham dự các buổi hỏi cung đối với bị can Minh, có thể theo đánh giá của Điều tra viên, những lời khai này không thuộc trường hợp cần phải giữ bí mật điều tra, và điều này, theo quy định của pháp luật, hoàn toàn nằm trong thẩm quyền đánh giá và quyết định của Điều tra viên, Kiểm sát viên trực tiếp thụ lý vụ án.
Mặt khác, cho đến thời điểm này, cũng không có chứng cứ gì thể hiện luật sư của Công ty Tân Hiệp Phát đã dùng những thông tin, tài liệu mà mình biết được trong lúc dự cung để có cách “ứng phó” nhằm buộc tội bị cáo. Vì vậy, cũng không thể xem đây là trường hợp có sự tiết lộ về bí mật điều tra.
Không thể xem là giao dịch dân sự
Cũng có một số ý kiến cho rằng, việc đại diện Công ty Tân Hiệp Phát chấp nhận ngồi lại thương lượng với bị cáo về số tiền phải trả, thể hiện đây là một giao dịch dân sự giữa các bên. Vậy, quan điểm của luật sư về vấn đề này thế nào?
Theo quy định tại Điều 121 Bộ luật dân sự (BLDS) thì giao dịch dân sự là hợp đồng hoặc hành vi pháp lý đơn phương làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự.
Một giao dịch dân sự chỉ được xem là hợp pháp, khi giao dịch đó thoả mãn các điều kiện quy định tại Điều 122 BLDS. Trong đó có điều kiện về mục đích và nội dung của giao dịch không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội, và người tham gia giao dịch hoàn toàn tự nguyện.
Trong vụ án này, thực chất hành vi của bị cáo là dùng sản phẩm bị lỗi của Công ty Tân Hiệp Phát để “bắt chẹt” gây sức ép, đe doạ làm mất uy tín của công ty trong hoạt động kinh doanh, để từ đó, buộc phía công ty phải lo sợ mà chấp nhận điều kiện giao số tiền 1 tỉ đồng cho bị cáo để đổi lấy sự im lặng. Vì vậy, bản thân sự ngã giá này đã là hành vi cưỡng đoạt tài sản, hoàn toàn không có một giao dịch dân sự nào ở đây cả.
Cái gọi là những cuộc “thương lượng” hay “trao đổi” giữa bị cáo và đại diện của công ty, có thể làm cho người ta nhầm tưởng, đây là một giao dịch dân sự. Tuy nhiên, thực chất sự thoả thuận hay thương lượng này, hoàn toàn bị pháp luật nghiêm cấm. Do vậy, nó cũng không được xem là một giao dịch hay thoả thuận dân sự theo đúng nghĩa của nó.
Xin cảm ơn luật sư !
TRẦN NGA
Theo_Người Đưa Tin
Vụ Tân Hiệp Phát: "Ông Minh đã có hành vi đe dọa, uy hiếp DN..."
Đây là lời khẳng định của Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp, khi trao đổi về tính pháp lý và bản chất vụ việc Võ Văn Minh cưỡng đoạt tài sản của công ty Tân Hiệp Phát.
Tranh cãi về tính pháp lý
Ngày 17/12, Tòa án Nhân dân tỉnh Tiền Giang chính thức xét xử vụ án Võ Văn Minh cưỡng đoạt tài sản của Công ty Tân Hiệp Phát. Phiên tòa đang thu hút sự quan tâm rất lớn từ dư luận, bởi những tranh cãi về các vấn đề pháp lý xung quanh vụ việc.
Trước phiên tòa, nhiều ý kiến cho rằng, việc khởi tố, bắt giữ ông Minh là không hợp lý, vì đây hoàn toàn là thỏa thuận dân sự, không có dấu hiệu hình sự. Trao đổi với PV báo Người đưa tin về điểm mấu chốt này, Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp cho rằng, vụ việc ông Minh tống tiền Tân Hiệp Phát thông qua chai nước có ruồi là một vụ việc gây nhiều tranh cãi trên cả khía cạnh pháp lý, áp dụng pháp luật và cả câu chuyện đạo đức trong kinh doanh.
Dưới góc độ pháp lý, thì mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Mọi hành vi vi phạm pháp luật đều phải được xử lý, không phân biệt người vi phạm là người giàu hay người nghèo; Ai vi phạm thì người đó sẽ bị xử lý; Hành vi vi phạm tới đâu thì xử lý đến đó.
Tân Hiệp Phát đang chịu tổn thất nặng nề bởi các chiêu trò cạnh tranh.
"Nếu Tân Hiệp Phát có sản phẩm không đảm bảo chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm thì thiệt hại trước tiên sẽ là mất uy tín, ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh của công ty, sau đó mới là câu chuyện trách nhiệm pháp lý. Đối với vụ án cưỡng đoạt tài sản mà ông Minh là bị cáo, còn công ty Tân Hiệp Phát là bên bị hại, lại là một câu chuyện độc lập", Luật sư Cường phân tích.
Theo luật sư Cường, việc chai nước có "ruồi" chỉ là cái cớ. Nếu Minh báo sự việc có con ruồi trong chai nước cho Hội bảo vệ người tiêu dùng, cho các cơ quan truyền thông, hay cho doanh nghiệp để làm rõ nguyên nhân, vì mục đích tốt cho sức khỏe của cá nhân, sức khỏe của cộng đồng, thì đáng phải khen thưởng, nếu con ruồi đó xuất phát từ lỗi trong quy trình sản xuất. Khi doanh nghiệp (DN) có sản phẩm lỗi, gây thiệt hại tới sức khỏe, tài sản của người tiêu dùng, thì họ có quyền yêu cầu công ty phải bồi thường thiệt hại.
Luật pháp hiện hành cũng nghiêm cấm việc chuyển dịch quyền sở hữu tài sản một cách trái pháp luật. Hành vi gian dối, lén lút, đe dọa hoặc uy hiếp tinh thần người khác, nhằm chuyển giao quyền sở hữu tài sản từ chủ thể này, sang chủ thể khác là những hành vi trái pháp luật.
Nhưng ở đây, Minh không lựa chọn hành vi ứng xử theo quy định pháp luật mà lại có hành vi đe dọa, uy hiếp doanh nghiệp nhằm chiếm đoạt tài sản và thực tế đã chiếm đoạt thành công 500 triệu đồng. Hành vi này thỏa mãn các dấu hiệu cấu thành tội cưỡng đoạt tài sản theo quy định tại Điều 135 Bộ luật hình sự.
Bên nào cũng thiệt hại nặng nề
Dù kết quả phiên tòa ngày hôm nay có như thế nào chăng nữa, thì vụ việc này cũng để lại nhiều bài học xương máu, không chỉ với Minh và Tân Hiệp Phát mà còn dành cho nhiều người, nhiều DN về sau.
Theo ông Tuấn Hà, Giám đốc điều hành của Vinalink Media, dưới góc độ truyền thông, vụ việc này là điều "đáng tiếc" cho cả hai bên. "Có thể khẳng định vụ việc này đã khiến Tân Hiệp Phát bị thiệt hại lên tới cả trăm triệu USD về thương hiệu và doanh thu. Với cộng đồng người sử dụng mạng xã hội Facebook lớn tới 26 triệu người như hiện nay, cùng khả năng tương tác tốc độ lan truyền lớn, vụ việc đã gây thiệt hại khôn lường cho Tân Hiệp Phát. Có thể với nhiều người, cách làm của Tân Hiệp Phát khiến họ không thoải mái, nhưng xét về góc độ pháp lý, tính minh bạch của thị trường về sau, họ làm như thế là đúng", ông Tuấn Hà nhận định.
Nhiều người tiêu dùng mua trà Thảo mộc Dr. Thanh tại siêu thị.
Dù vụ việc đang dần đi đến hồi kết, viện Khoa học Hình sự Bộ Công an cũng đã khẳng định, chai sản phẩm có ruồi đã bị tác động và có dấu vết mở nắp. Nhưng, trước tình trạng một số trang mạng xã hội dưới sự "dẫn dắt" của các phần tử xấu, luôn tìm mọi cách "biến" sự việc này thành một làn sóng tẩy chay Tân Hiệp Phát và lan rộng trên cộng đồng internet khiến DN này phải nỗ lực tìm mọi cách để "cứu" lấy chính mình, trước các chiêu trò cạnh tranh không lành mạnh của đối thủ.
Về phía Minh, dù Tân Hiệp Phát đã thể hiện thiện chí, và không yêu cầu bồi thường các thiệt hại sau vụ việc do ông gây ra. Phiên tòa cũng chưa đi đến hồi kết. Tuy nhiên, chốn lao tù là điều gần như khó tránh khỏi với Minh, bởi hành vi sai trái của mình và làm ảnh hưởng lớn đến gia đình và cuộc sống sau này của ông.
Người tiêu dùng cũng là đối tượng bị hại Trong vụ việc này, không thể không nhắc người tiêu dùng, cũng đang là đối tượng bị hại. Lý do bởi việc gây nhiễu thông tin và cố gắng "dẫn dắt" dư luận theo ý đồ của nhóm đối tượng nêu trên, đã tác động một cách trực tiếp hoặc gián tiếp tới tâm lý người tiêu dùng, gieo rắc nỗi hoang mang trong việc lựa chọn, sử dụng các sản phẩm của Tân Hiệp Phát ,vốn đã được thị trường và cả người tiêu dùng thừa nhận bấy lâu nay.
Hoài Thu
Theo_Người Đưa Tin
"Làm giá" hạ án, một kiểm sát viên bị cách chức Liên quan đến việc bị người dân tố cáo "làm giá hạ án", kiểm sát viên sơ cấp Nguyễn Thủy Chung, Viện KSND quận 1 (TP HCM) đã bị cách chức. Sáng nay (22/12), báo Thanh niên đưa tin, ông Trần Kiến Xương, Chánh văn phòng Viện KSND TP HCM cho biết, Viện KSND Tối cao có quyết định kỷ luật hình thức...