Vụ tài khoản bị mất 30 triệu VIB đòi nợ gần 100 triệu: VIB giấu bớt sự thật?
Một ngày sau khi PV đăng tải bài viết “Tự dưng mất 30 triệu trong tài khoản, VIB đòi truy thu cả gốc, lãi gần 100 triệu”, Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) đã có những thông tin phản hồi đến báo chí về vụ việc này.
Trả lời trên báo điện tử Tri thức trẻ và được dẫn lại bởi trang điện tử CafeF, VIB cho biết: “sau buổi làm việc với VIB ngày 3/12/2015 thì khách hàng (ông Phan Diệu Ch) đồng ý thanh toán 50% tổng giá trị đang trong quá trình tra soát, thời gian thanh toán dự kiến vào tháng 12/2015. Phần còn lại ngân hàng sẽ hỗ trợ. Trường hợp khách hàng không thanh toán khoản nợ nêu trên thì VIB sẽ hủy phương án hỗ trợ 50% từ phía ngân hàng. Tuy nhiên, từ thời gian đó đến nay thì khách hàng vẫn chưa thanh toán 50% này”.
“Khách chưa thanh toán thì hệ thống kỹ thuật vẫn phải tự động ghi đầy đủ nợ gốc và lãi của giao dịch này, do vậy mới phát sinh con số trên. Nhưng khách hàng vẫn được ngân hàng thông báo nhiều lần qua điện thoại về trách nhiệm để thanh toán 50% nói trên”, phía VIB nói.
Tuy nhiên, trao đổi với PV Infonet, ông Phan Diệu Ch cho biết trong buổi làm việc nói trên giữa hai bên, bà Lê Việt Thu, Trưởng phòng tín dụng VIB làm đại diện cho phía VIB đã đưa ra con số xấp xỉ 48 triệu đồng buộc khách hàng phải trả, bao gồm số tiền gốc 1.526,14 USD trong tài khoản thẻ tín dụng VIB đã bị kẻ gian lấy mất và số tiền lãi phát sinh. Tuy nhiên, ông Phan Diệu Ch đã đưa ra đề xuất ông chấp nhận thanh toán 50% tổng giá trị các giao dịch cần tra soát, đề xuất này đã được hai bên đồng ý ký vào biên bản làm việc. Tuy nhiên, “phía VIB đã hành xử một cách khác thường” theo phản ánh của ông Phan Diệu Ch.
“Hai bên đã đồng ý với đề xuất của tôi và cùng nhau ký vào biên bản làm việc. Tuy nhiên, chỉ 1 ngày sau buổi làm việc này, bà Lê Việt Thu có gọi điện cho tôi để thông báo rằng Tổng Giám đốc VIB đã không chấp nhận phương án giải quyết trên và buộc tôi phải thanh toán cả gốc lẫn lãi phát sinh.
Chính vì họ không có thiện chí trong việc giải quyết nên mới dẫn đến vụ việc bị tắc cho đến nay. Bây giờ họ lại khẳng định với báo chí là do tôi không thanh toán trong tháng 12 nên mới dẫn đến việc số tiền gốc và lãi tôi phải trả lên đến 88 triệu. Đó là thông tin hoàn toàn sai sự thật,” ông Phan Diệu Ch khẳng định.
Video đang HOT
Phía VIB cho biết kể từ tháng 12/2015 đến nay đã nhiều lần gọi điện thoại cho khách hàng để thông báo về trách nhiệm phải thanh toán 50% nói trên. Trong khi đó, ông Phan Diệu Ch khẳng định ông chỉ nhận được hai hoặc ba cuộc gọi từ phía VIB từ đó đến nay, nhưng không phải để giục thanh toán 50% mà là để báo về số nợ gần 100 triệu mà ông phải trả.
Theo Luật sư Hoàng Văn Hướng, Trưởng Văn phòng luật sư Hoàng Hưng – Đoàn luật sư TP Hà Nội, trong trường hợp này xác định trách nhiệm hoàn toàn thuộc về VIB, bởi vì khi xác định chính xác cả hai bố con ông Phan Diệu Ch. chưa rút tiền từ tài khoản thì tiền vẫn đang ở VIB, việc kẻ trộm đã trộm một khoản tiền là trộm từ ngân hàng (tức là VIB là người bị hại) nên VIB phải có trách nhiệm tố cáo đến các cơ quan bảo vệ pháp luật để điều tra xác minh và xử lý theo quy định của pháp luật, kể cả xác định hành vi dùng thẻ tín dụng giả và các yếu tố cấu thành tội phạm và trách nhiệm hình sự, qua đó xác định rõ sự ngay tình hợp pháp của chủ thẻ tín dụng là bố con ông Ch.
Trước đó, như đã đưa tin, ông Phan Diệu Ch mở tài khoản thẻ tín dụng VIB với một thẻ chính mang tên ông và một thẻ phụ mang tên con gái ông hiện đang học tập tại Mỹ. Nhưng khi thẻ phụ bị hack số tiền lên đến 1.526,14 USD, ngân hàng không những bỏ mặc khách hàng phải chịu thiệt hại, mà còn đòi truy đến cùng tiền gốc và lãi phát sinh.
Cụ thể, phía VIB cho biết ngày 09/10/2014 chủ thẻ phụ là con gái ông Ch đã thực hiện 3 giao dịch mua hàng cùng lúc với tổng giá trị là 1.526,14 USD. Tuy nhiên, khi ngân hàng trưng ra bằng chứng cho việc người mua hàng ký xác nhận giao dịch, cả hai cha con ông Chương đều khẳng định đó là chữ ký giả, và tài khoản phụ đã bị hack. Bằng mắt thường có thể dễ dàng nhận ra chữ ký mẫu in trên thẻ và chữ ký của người mua hàng khác nhau hoàn toàn.
Bản thân con gái ông cũng khẳng định mình chưa từng làm mất, cũng như chưa từng cho ai mượn thẻ. Thời điểm giao dịch diễn ra cũng là 1h sáng (giờ địa phương), đó là thời điểm chị Giang đang ở trong ký túc xá và không thể ra ngoài. Hơn nữa, địa điểm diễn ra giao dịch kể trên cũng cách xa ký túc xá khoảng 150 km.
Mặc dù VIB khẳng định trong trường hợp tra soát ra nguyên nhân mất tiền trong tài khoản sẽ trả lại khách hàng toàn bộ số tiền nếu khách hàng trả cả gốc lẫn lãi. Tuy nhiên, đến nay đã gần 2 năm nhưng VIB vẫn chưa “tra soát” ra, trong khi vẫn tự động cộng dồn lãi rất cao yêu cầu khách hàng thanh toán, trong khi đó khách hàng khẳng định không hề chi tiêu nên không có nghĩa vụ phải thanh toán số tiền này.
Theo Infonet
Vụ mất 500 triệu: trách nhiệm và niềm tin
Trách nhiệm của ngân hàng và niềm tin của khách hàng sẽ như thế nào qua câu chuyện bỗng dưng bị mất 500 triệu đồng (nhưng thu lại được 300 triệu) trong tài khoản thẻ của chị Hoàng Thị Na Hương tại Vietcombank?
Giao dịch tại ngân hàng Vietcombank. Ảnh: TL
12 giờ ngày 3-8 chị Hương nạp vào tài khoản thẻ của mình 500 triệu đồng (dự định để ngày hôm sau thực hiện giao dịch). Tuy nhiên, sáng sớm ngày 4-8, chị nhận tin nhắn từ Vietcombank (qua điện thoại) thông báo số tiền của chị đã không cánh mà bay bởi các giao dịch Internet Banking. Tức thì chị Hương thông báo [và cả khiếu nại] vụ việc đến Vietcombank.
Nhưng mãi đến chiều 11-8 đại diện Vietcombank mới làm việc với chị Hương. Và chiều 12-8, Vietcombank có thông cáo chính thức về vụ việc. Trên cơ sở thông tin chị Hương cung cấp, Vietcombank cho rằng chị này đã dùng điện thoại cá nhân truy cập vào trang web giả mạo http://creatingacreator.com/kob/1/index.htm (ngày 28-7) nên thông tin và mật khẩu của chị bị đánh cắp.
Do đó, đêm ngày 3 rạng sáng 4-8, các đối tượng lừa đảo đã truy cập vào tài khoản của chị Hương để chuyển tiền tới nhiều tài khoản tại ba ngân hàng ở Việt Nam và đã rút 200 triệu đồng qua ATM ở Malaysia. Còn 300 triệu đồng do chưa kịp chuyển ra khỏi hệ thống Vietcombank nên được kịp thời khoanh giữ lại và đã trả lại cho chị Hương.
Hiện Vietcombank đang phối hợp với chị Hương làm việc với cơ quan chức năng để làm rõ các đối tượng thực hiện hành vi lừa đảo này. Tuy nhiên, vấn đề không chỉ chị Hương mà tất cả khách hàng của Vietcombank quan tâm là ai sẽ chịu trách nhiệm với số tiền 200 triệu bị mất, ngân hàng hay chị Hương?
Thông tin của Vietcombank có vẻ như "đổ lỗi" cho chị Hương - đã truy cập vào trang web giả mạo và bị mất mật khẩu tài khoản. Chị Hương cho biết đang rất hoang mang vì không biết tại sao tiền bị mất khi chị không hề nhận được tin nhắn chứa mã OTP (mật khẩu chỉ sử dụng một lần gửi tới chủ tài khoản qua điện thoại) từ Vietcombank để xác thực giao dịch khi đối tượng lừa đảo tiến hành giao dịch.
Bởi vì, muốn thực hiện một giao dịch chuyển tiền qua internet thành công cần qua rất nhiều bước như yêu cầu mã Capcha, nhập mã OTP qua SMS hoặc Smart OTP, khi đó trong vòng 5 phút nếu khách hàng không nhập vào giao dịch thì mã sẽ tự hủy và giao dịch không thực hiện được.
Luật sư Nguyễn Kiều Hưng, Hãng luật Giải phóng, cho rằng trong vụ việc này, Vietcombank phải có trách nhiệm bồi thường 200 triệu bị mất cho chị Hương. Bởi vì, khi nhận tiền gửi của khách, ngân hàng phải có nghĩa vụ áp dụng các biện pháp, đảm bảo tiền của khách không bị thất thoát. Khi triển khai áp dụng thanh toán điện tử, ngân hàng phải có công cụ đảm bảo chắc chắn người ra lệnh thanh toán là chủ tài khoản.
Theo quy chuẩn của quốc tế, thì bước xác nhận cuối cùng này là OTP (one time password), lệnh chuyển tiền chỉ có hiệu lực khi người đặt lệnh nhập đúng mã OTP vào hệ thống của ngân hàng. Với công cụ này, chủ tài khoản chỉ có thể bị rút trộm tiền, khi bị mất username, password và mất cả điện thoại.
Luật sư Hưng nhận định: "Vietcombank đã áp dụng OTP trong giao dịch trực tuyến nên tại thời điểm tiền bị đánh cắp, có thể OTP bị lỗi hoặc bọn trộm hack được cả OTP. Và, cả hai trường hợp này, lỗi đều thuộc về Vietcombank, nên ngân hàng phải có trách nhiệm bồi thường cho khách hàng".
Ở góc nhìn về an toàn mạng, chuyên gia phần mềm Trần Đào Anh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty DigiNet (chủ sở hữu phần mềm Lemon 3), nhận định về vụ việc này: "Tôi nghĩ phần mềm bảo mật của Vietcombank chưa được hoàn hảo nên đã bị kẻ gian lợi dụng".
Theo ông Anh, việc bảo mật chỉ với username và password có tính an toàn không cao trong khi sự an toàn trong các giao dịch liên quan đến tiền bạc cần sự an toàn tuyệt đối. Ông cho biết, ngay ở công ty ông, khi nhân viên vào mạng nội bộ, ngoài nhập username và password còn phải nhập thêm mã khác nhằm xác định thời gian truy cập.
Thiết nghĩ, từ vụ việc này Vietcombank cũng như các ngân hàng khác của Việt Nam cần chú ý hơn đến khâu bảo mật cũng như kiểm soát các giao dịch vào ban đêm. Và, cũng qua vụ việc này, nếu Vietcombank xử lý không khéo không chỉ khách hàng của Vietcombank sẽ quay lưng với mình mà nguy cơ tiền của người Việt đổ vào các ngân hàng nước ngoài là hoàn toàn có cơ sở.
Theo Kinh Tế Sài Gòn
Hà Nội hỗ trợ nhà dân quanh hồ Hoàn Kiếm treo hoa trang trí Các ngôi nhà mặt phố xung quanh hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội) sẽ được chỉnh trang màu sơn, hệ thống cửa, ban công... đảm bảo thống nhất, hài hòa, gắn với nét văn hóa đặc trưng. Thành phố sẽ hỗ trợ nhà dân trang trí treo hoa trên mặt tiền công trình. UBND TP vừa có thông báo số 212/TB-UBND về kết luận...