Vụ siết cổ, cướp tài sản của tài xế taxi: Phạm tội có tổ chức
“Đây là trường hợp phạm tội có tổ chức, thuộc định khung tăng nặng tại khoản 2 của Điều 133 về tội Cướp tài sản với khung hình phạt cao nhất lên đến 15 năm tù”, thạc sĩ Nguyễn Thị Hằng nhận định.
Công an quận 9, TP.HCM đang tạm giữ hình sự 3 nghi phạm là Trần Văn Thiện (16 tuổi), Phạm Văn Linh (17 tuổi) và Hoàng Chí Thức (20 tuổi, tất cả cùng quê tỉnh Kon Tum, tạm trú quận 9) để điều tra về hành vi cướp tài sản.
Theo điều tra ban đầu, rạng sáng 25/1, Linh, Thiện và Thức gặp nhau tại tiệm internet trên đường Tây Hoà (phường Phước Long A, quận 9). Hết tiền tiêu xài nên cả 3 đối tượng này bàn nhau đi cướp. Sau đó các đối tượng chuẩn bị sẵn hung khí rồi đi bộ ra xa lộ Hà Nội để thực hiện tội phạm.
Ba nghi phạm tại cơ quan công an – Ảnh: Baogiaothong.vn
Gần 1h sáng cùng ngày, thấy anh Lê Hồng Khoa (23 tuổi, ngụ phường Cát Lái, quận 2) điều khiển taxi loại 7 chỗ của hãng Vinasun đổ dốc cầu Rạch Chiếc (hướng từ Cát Lái về ngã tư Thủ Đức) thì các đối tượng vẫy xe kêu chở về đường Tây Hoà.
Khi anh Khoa đang chạy trên đường số 1 (phường Phước Bình, quận 9) bất ngờ các đối tượng kêu dừng xe. Lúc này một đối tượng từ phía sau dùng dây điện siết cổ, đối tượng khác dí dao ra lệnh tài xế ngồi yên, rồi lột sạch gần 4 triệu đồng, 1 nhẫn vàng và 2 điện thoại di động của anh Khoa. Sau đó, các đối tượng dùng dây dù, dây điện trói tay tài xế vào vô lăng, rồi bung cửa tẩu thoát.
Ngay sau khi các đối tượng bỏ đi anh Khoa hô hoán thì được người dân địa phương phát hiện, giải cứu và trình báo công an địa phương.
Video đang HOT
Có sự đánh giá dưới góc độ pháp lý của vụ việc Thạc sĩ luật Nguyễn Thị Hằng – Công ty TNHH Tôi Yêu Luật cho biết: “Với những thông tin mà báo chí đưa về vụ việc thì hành vi của các nghi phạm đã thỏa mãn dấu hiệu của tội Cướp tài sản (Điều 133 BLHS 1999).
Để thực hiện tội phạm các đối tượng đã có sự bàn bạc, chuẩn bị công cụ phương tiện phạm tội. Cả 3 đối tượng cùng nhau phối hợp thực hiện việc phạm tội. Điều này cho thấy sự cấu kết chặt chẽ trong việc thực hiện hành vi phạm tội. Do vậy, mà đây là trường hợp phạm tội có tổ chức, thuộc định khung tăng nặng tại khoản 2 của Điều 133 về tội Cướp tài sản với khung hình phạt cao nhất lên đến 15 năm tù”.
Theo thạc sĩ Nguyễn Thị Hằng thì trách nhiệm hình sự của từng người sẽ khác nhau tùy thuộc vào vai trò, mức độ tham gia vào việc thực hiện tội phạm. Trong vụ việc này có hai nghi phạm là người dưới 18 tuổi nên sẽ được áp dụng thủ tục tố tụng đối với người chưa thành niên.
Ngoài trách nhiệm hình sự thì các nghi phạm còn phải có trách nhiệm bồi thường tài sản và những thiệt hại về sức khỏe cho tài xế taxi (nếu có).
Nhất Phiến
Theo_Người Đưa Tin
Sử dụng máy quay tùy tiện: Có phạm pháp?
Hiện nay việc sử dụng máy quay cá nhân để quay phim hoặc sử dụng các thiết bị để quay công khai mọi thứ hay thậm chí là quay lén không phải là chuyện gì đó khó khăn. Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật, không phải cái gì quay cũng được sử dụng...
Điều 38, Bộ luật Dân sự đã quy định: Quyền bí mật đời tư của cá nhân được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ. Việc thu thập, công bố thông tin, tư liệu về đời tư của cá nhân phải được người đó đồng ý. Trường hợp người đó chết, mất năng lực hành vi dân sự (hoặc chưa đủ 15 tuổi) thì phải được cha, mẹ, vợ, chồng, con đã thành niên hoặc người đại diện về pháp luật đồng ý. Trừ trường hợp thông tin được thu thập và công bố theo quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, cơ quan tiến hành tố tụng (tòa án, viện kiểm sát, cơ quan cảnh sát điều tra...).
Ảnh minh họa
Nếu bí mật đời tư của công dân bị xâm phạm thì cá nhân có quyền được bảo vệ theo quy định tại Điều 25, Bộ luật Dân sự: "Yêu cầu người vi phạm hoặc yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền buộc người vi phạm chấm dứt hành vi vi phạm, xin lỗi, cải chính công khai; Yêu cầu người vi phạm hoặc yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền buộc người vi phạm bồi thường thiệt hại".
Cũng theo quy định của pháp luật, sau khi thực hiện hành vi quay lén, nếu người quay mang đi phát tán trên mạng Internet... thì hành vi này có dấu hiệu của tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy. Tội phạm và hình phạt được quy định tại Điều 253, Bộ luật Hình sự năm 1999.
Cụ thể: Người nào làm ra, sao chép, lưu hành, vận chuyển, mua bán, tàng trữ nhằm phổ biến sách, báo, tranh, ảnh, phim, nhạc hoặc những vật phẩm khác có tính chất đồi trụy, cũng như có hành vi khác truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm: Vật phạm pháp có số lượng lớn; Phổ biến cho nhiều người; Đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
Điều 253 cũng quy định rõ nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm: Có tổ chức; Vật phạm pháp có số lượng rất lớn; Đối với người chưa thành niên; Gây hậu quả nghiêm trọng; Tái phạm nguy hiểm.
Cũng theo Điều 253, phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm: Vật phạm pháp có số lượng đặc biệt lớn; Gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.
Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 3 triệu đồng đến 30 triệu đồng.
Cũng theo quy định của luật pháp, trong trường hợp người thực hiện việc quay lén lại dùng các hình ảnh quay lén đó nhằm mục đích tống tiền thì còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 135, Bộ luật Hình sự về tội cưỡng đoạt tài sản:
Cụ thể, Điều 135, Tội cưỡng đoạt tài sản quy định: Người nào đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm; Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm: Có tổ chức; Có tính chất chuyên nghiệp; Tái phạm nguy hiểm; Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng; Gây hậu quả nghiêm trọng.
Theo quy định tại Điều 135 này, phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm: Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ 200 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng; Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
Nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm: Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên; Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Nhật Lâm
Theo_VnMedia
Thấy người bị tai nạn nguy kịch không cứu, có phạm tội? Nếu hậu quả chết người phải xảy ra và hậu quả chết người là do bị bỏ mặc không cứu giúp thì "người có điều kiện mà không cứu giúp" đó có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Bạn đọc hỏi: Tôi đang là công nhân của một công ty điện tử, hai ngày trước khi đi làm ca đêm về...