Vụ sập mỏ đá kinh hoàng: ‘Đá’ trách nhiệm?
Vụ sập mỏ đá Lèn Cờ tại địa bàn huyện Yên Thành khiến 18 người chết và 6 người bị thương là một trong 2 vụ sập mỏ đá lớn từ trước đến nay tại Nghệ An. Sau vụ tai nạn, nhiều người đã nhắc đến 2 chữ ” giá như”: giá như chủ mỏ khai thác đúng quy trình, giá như các cơ quan chức năng quản lý chặt công tác cấp phép, khai thác mỏ…
Xã bảo: huyện mới có quyền xử phạt
Trao đổi với PV VietNamNet xung quanh vụ sập mỏ đá Lèn Cờ, ông Phan Thế Trung, Chủ tịch UBND xã Nam Thành (huyện Yên Thành, Nghệ An) cho rằng: phía xã chỉ nhắc nhở chứ không thể đưa ra các quyết định xử phạt. Việc xử phạt thuộc thẩm quyền của huyện và các cấp cáo hơn.
- Thưa ông, sự việc xảy ra vụ sập mỏ đá Lèn Cờ gây hậu quả nghiêm trọng cho nhân dân xã nhà vừa qua, việc này đã được cảnh báo chưa?
Chuyện này đã được cảnh báo từ lâu rồi. Huyện cũng đã có những đợt kiểm tra để xử lý.
Mỏ đá Lèn Cờ với khẩu hiệu trước mỏ đá: “An toàn để sản xuất, sản xuất phải an toàn. An toàn là bạn, tai nạn là thù”.
- Thông tin việc chủ mỏ ông Phan Công Chín, giám đốc Công ty TNHH Chín Mến chuyển giao bán lại mỏ cho nhiều cá nhân trong xã tự ý khai thác. Ông có biết về vấn đề này?
Chuyển giao bán lại thì không có đâu. Mà công nhân của họ là chia ra từng bến để cho vào nhận làm từng bến. Ông Chín cho khoảng 13 hay 14 bến khai thác tại mỏ đá.
- Trong các chủ bến thì có bao nhiêu người bị chết trong vụ sập đá vừa rồi?
Vụ sập đá thì có 2 người là trưởng bến bị chết, bao gồm: ông Phan Công Mai (SN 1967) và Nguyễn Thọ Hoàng (SN 1984), đều ở tại xã Nam Thành.
- Là cơ quan gần nhất với doanh nghiệp khai thác đá trên, chính quyền xã có thường xuyên giám sát, đôn đốc chủ mỏ nâng cao ý thức an toàn cho người lao động không?
Nói chung là qua nhiều đợt kiểm tra thì xã đã có tham gia với huyện tại Công ty, do UBND huyện làm chủ trì. Khi nào chúng tôi cũng đôn đốc, nhắc nhở bằng miệng là nhớ phải cẩn thận. Khi nào gặp, tôi cũng nói giám đốc (Phan Công Chín – PV) là khi làm ăn suôn sẻ thì thế, chứ xảy ra tai nạn là mất hết sạch.
Video đang HOT
Đồ bảo hộ thì họ đều có cả, nhưng không ai mặc. Nghe nói là khi nào giám đốc lên xem thì mặc vào chứ không thì họ cứ để ngoài có mặc đâu. Nhưng nếu có mặc đồ bảo hộ trong vụ sập đá này thì cũng chết, mặc vào chỉ trong trường hợp là té đá và rơi những hòn đá từ trên cao xuống.
- Theo ông thì nguyên nhân dẫn đến vụ sập mỏ đá kinh hoàng như vừa qua là do đâu?
Nguyên nhân là do quy trình khai thác, đáng lẽ ra là họ phải khai thác đá từ trên xuống. Còn ở đây lại khai thác dưới dạng là từ dưới chân mỏ, để mìn chỉ phải nổ ít mà sản lượng đá lại được nhiều. Nguyên nhân chính là do khai thác quá ẩu.
- Trách nhiệm của chính quyền địa phương xã và cá nhân ông là người lãnh đạo đứng đầu như thế nào?
Thực chất tôi biết là người đứng đầu để xảy ra vụ việc trên là do mình cũng mới chỉ đôn đốc, nhắc nhở nhưng chưa cương quyết. Mà ở cấp xã thì chỉ một mức độ nào đó thôi, quan trọng là ở cấp huyện và cấp tỉnh. Đặc biệt là những cơ quan cấp phép cho khai thác. Những anh đó (PV – cơ quan) là có trách nhiệm. Chứ ở đây chủ tịch xã thì chưa bao giờ phạt công ty một đồng nào cả, chỉ mới đôn đốc nhắc nhở, phạt thì chỉ có huyện làm được thôi.
Huyện “đá bóng” lên tỉnh
Được biết, mỏ đá Lèn Cờ được phép khai thác năm 2007, nhưng đến 19/8/2010 tiếp tục được gia hạn thêm một lần nữa. Mỏ đá là nguồn thu nhập nuôi sống gần 100 lao động. Ông Nguyễn Tiến Lợi, Chủ tịch UBND huyện Yên Thành, Nghệ An cho rằng, để xảy ra sự việc này, có trách nhiệm của các cấp cao hơn, cứ chiếu theo luật là sẽ rõ.
- Thưa ông, trước khi xảy ra vụ sập mỏ đá Lèn Cờ, UBND huyện có thường xuyên đôn đốc kiểm tra an toàn lao động tại các mỏ không?
Có chứ. Cái đó anh gặp anh Tuyên (PV – ông Phan Văn Tuyên, Phó Chủ tịch huyện Yên Thành) vì anh ấy nắm rất chắc về lĩnh vực đó. Chúng tôi có đi kiểm tra và có xử phạt. Còn phạt mấy lần tôi không nắm được, toàn bộ tình tiết cụ thể thì người khác phụ trách về mảng đó.
Ông Nguyễn Tiến Lợi, Chủ tịch UBND huyện Yên Thành (người ở giữa đội chiếc nón màu trắng) tại hiện trường mỏ đá Lèn Cờ.
- Hiện nay công tác chỉ đạo khắc phục hậu quả nặng nề sau khi xảy ra sự cố đến thời điểm hiện này là như thế nào?
Sau khi hoàn thành công tác tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ thì chúng tôi đã giao mấy nhiệm vụ sau:
Tập trung xử lý hiện trường, đánh sập những mảng đá có nguy cơ sạt lở. Tiếp tục dùng lực lượng công binh và máy móc cho sạt xuống để đảm bảo an toàn. Cho phun thuốc để đảm bảo vệ sinh quanh môi trường khu vực mỏ khi có người chết. Ra quyết định đóng cửa mỏ lại, tổ chức nghiêm cấm việc ra vào trong khu vực cửa mỏ.
Tổ chức thống kê thiệt hại về người rồi thì nay còn có tài sản nữa. Điều tra tất cả các gia cảnh nạn nhân làm cơ sở sau này để phân phối tiền cứu trợ. Kiểm tra công tác quản lý Nhà nước về các mỏ trên địa bàn huyện Yên Thành để không có trường hợp tương tự xảy ra.
- Sự cố tại nạn Lèn Cờ cho thấy huyện Yên Thành rất buông lỏng trong vấn đề quản lý lao động cũng như chủ mỏ khai thác đá trên địa bàn?
Việc này thì tôi cũng chưa dám trả lời. Vì vừa rồi công an đã quyết định khởi tố vụ án rồi. Đối với chủ tịch huyện thì tôi cũng không vội kết luận khi chưa có kết luận của cơ quan chức năng.
- Vậy trách nhiệm của UBND huyện trước vụ sập mỏ đá kinh hoàng làm 18 người chết và 6 người bị thường là ở mức độ như thế nào?
Về mặt quản lý Nhà nước thì UBND huyện cũng có một phần trách nhiệm trong đó. Nhưng cái mỏ đá này đã được cấp phép đầy đủ và tư cách pháp nhân của doanh nghiệp và họ có quyền hợp đồng lao động về mặt dài hạn, ngắn hạn và thời vụ. Đó là quyền của doanh nghiệp, Nhà nước không thể can thiệp sâu vào việc của doanh nghiệp được.
- Riêng cá nhân ông nhìn nhận trách nhiệm trước vụ việc thương tâm trên là như thế nào?
Quyền hạn của chủ tịch UBND huyện trong việc quản lý mỏ theo luật thì không phải là toàn quyền. Mà cái này có liên quan ở cấp cao hơn như: Việc cấp mỏ, phê chuẩn hồ sơ thiết kế mỏ, những cái này thuộc cấp trên chứ cấp huyện không có được quyền. Còn huyện chủ yếu làm công tác quản lý Nhà nước để đôn đốc kiểm tra thôi.
Cá nhân tôi thấy về mặt quản lý Nhà nước thì mình chưa chặt chẽ, để xảy ra tai nạn. So với tầm của mình thì cũng có phần trách nhiệm trong đó. Ngoài ra còn có trách nhiệm của các cấp cao hơn, cái này cứ chiếu theo luật.
- Xin cảm ơn ông!
Theo Vietnamnet
Vụ sập mỏ đá Lèn Cờ: Từng được cảnh báo
Mỏ đá Lèn Cờ đã nhiều lần bị cơ quan chức năng xử phạt nhưng doanh nghiệp vẫn phớt lờ để khai thác.
Từng được cảnh báo
Ông Nguyễn Tùng (xóm Hợp Thành, xã Nam Thành) - nơi có mỏ đá Lèn Cờ, lắc đầu buồn bã: "Từ khi Công ty TNHH Chín Mến khai thác, dân xóm chúng tôi rất bất bình. Mỏ gần nhà dân, mỗi lần nổ mìn, cả xóm đều giật mình, xe cơ giới ầm ĩ suốt ngày rất ảnh hưởng đến thần kinh.
Lãnh đạo các ban, ngành của tỉnh Nghệ An và huyện Yên Thành bàn phương án cứu hộ sau khi xảy ra tai nạn tại mỏ đá Lèn Cờ.
Khi mìn nổ, đá bay tứ tung, những nhà ở gần đều bị thủng ngói phải đảo lại suốt. Nhiều người bị thương do mìn nổ đá văng trúng người.
Công ty TNHH Chín Mến có giấy phép hoạt động của tỉnh cấp ngày 23.4.2007, đến 23.4.2010 thì hết hạn. Ngày 19.8.2010 tỉnh có quyết định cấp phép gia hạn 24 tháng.
Ông Phan Văn Tuyên - Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Thành
Đầu năm 2010 giấy phép khai thác của công ty hết hạn, chúng tôi mừng vô kể nhưng ai ngờ lại được cấp lại. Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị lên cấp trên nhưng vẫn không được".
Mỏ đá Lèn Cờ liên tục trong mấy năm đều được báo chí địa phương và T.Ư cảnh báo về sự khai thác bừa bãi, ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường và an toàn lao động, các cơ quan chức năng huyện, tỉnh đã nhiều lần kiểm tra xử phạt nhưng công ty vẫn phớt lờ.
Đáng chú ý, ông chủ doanh nghiệp này đã khoán mỏ đá này lại cho 4 người khác để ngồi chơi kiếm lời.
Ông Bùi Nguyên Lân - Giám đốc Sở LĐTBXH Nghệ An cho biết: "Về nguyên tắc trong việc khai thác mỏ là không được bán lại như thế. Công ty này vi phạm nhiều lần và không đủ điều kiện để sản xuất và vẫn giao sản xuất là không được."
Buông lỏng quản lý
Trao đổi với NTNN, ông Phan Văn Tuyên - Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Thành cho biết: Năm 2010, đoàn kiểm tra liên ngành của huyện đã có kiểm tra 2 lần, phát hiện đơn vị khai thác mỏ đá Lèn Cờ không đóng BHXH; không trả bảo hiểm cho người lao động, vi phạm về thời gian làm việc...
Ông Nguyễn Thế Trung- Chủ tịch UBND xã Nam Thành nói: "Chúng tôi cũng thường xuyên đôn đốc nhắc nhở, nhưng làm gì đủ thẩm quyền, giấy phép là do tỉnh cấp".
Khi được hỏi về vấn đề này, ông Đinh Viết Hồng - Giám đốc Sở TNMT Nghệ An cũng cho biết: "Doanh nghiệp khai thác không tuân thủ đúng quy trình thiết kế được phê duyệt. Chúng tôi cũng đã thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở và xử phạt nhưng doanh nghiệp không chấp hành nên dẫn đến hậu quả đó".
Các nhà quản lý đều đổ lỗi cho doanh nghiệp. Nhưng một thực trạng cho thấy rằng nếu như không cấp phép khai thác tràn lan, kiểm tra và xử phạt nghiêm minh, buộc những đơn vị không đủ điều kiện khai thác ngừng hoạt động thì làm gì có những thảm họa kinh hoàng xảy ra như ở Lèn Cờ.
Theo Tiến Dũng ( Dân Việt)
Tang trắng phủ kín đường quê Màu tang trắng xóa những con đường, nhấp nhô đoàn người giữa cánh đồng lúa xanh rờm rợp. Xóm làng không còn bình yên. Đau thương tang tóc phủ trắng những đường quê sau ngày tai nạn sập mỏ đá kinh hoàng xảy ra... "Mẹ ơi" Con đường liên thôn Đăng Lưu - Sơn Thành (huyện Yên Thành, Nghệ An) vốn bình yên...