Vụ sản phụ tử vong: Mất 1-2 tháng để làm rõ
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nhận định sự cố y khoa vừa xảy ra tại BV Phụ nữ TP Đà Nẵng là rất nghiêm trọng.
Liên quan đến vụ một sản phụ tử vong nghi do thuốc gây tê, trưa 21-11, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đã đến Đà Nẵng chia buồn với gia đình nạn nhân đã tử vong, thăm hỏi động viên sản phụ đang điều trị tại Bệnh viện (BV) Đà Nẵng.
Phải chờ kết quả kiểm nghiệm thuốc
Thứ trưởng Sơn nhận định sự cố y khoa xảy ra tại BV Phụ nữ TP Đà Nẵng là rất nghiêm trọng, đồng thời cũng mong bệnh nhân và gia đình thông cảm, chia sẻ với ngành y tế.
Trao đổi với báo chí, ông Sơn cho biết nguyên nhân vụ việc hiện vẫn chưa có kết luận cuối cùng. Tuy nhiên, có một số yếu tố nghi ngờ là do thuốc gây tê Bupivacaine WPW Spinal 0,5 Heavy.
Theo Thứ trưởng Sơn, một số BV lớn như BV Sản C, BV Hùng Vương, BV Từ Dũ ở TP.HCM cũng đang sử dụng thuốc Bupivacaine WPW Spinal 0,5 Heavy. “Chúng tôi nghĩ nếu mà quy kết do thuốc thì phải có chứng cứ khoa học, đánh giá về độ an toàn của thuốc. Mẫu thuốc đã gửi đi kiểm nghiệm, khoảng một tuần là có kết quả. Còn đánh giá về tạp chất trong thuốc thì cũng đang yêu cầu phía công ty cung cấp chất chuẩn, dựa vào đó sẽ biết thuốc có tạp chất hay không. Việc này sớm nhất cũng phải mất 1-2 tháng” – ông Sơn nói.
Trả lời câu hỏi trước đó những vụ tai biến tương tự đã từng xảy ra và Sở Y tế TP Cần Thơ đã có công văn thay thuốc Bupivacaine WPW Spinal 0,5 Heavy. Vậy bộ đã có kết luận nào liên quan đến việc sử dụng thuốc này hay chưa, Thứ trưởng Sơn cho biết: “Tôi cũng mới nắm được dữ liệu này từ sáng nay thông qua báo cáo của Sở Y tế Đà Nẵng. Tôi đã quyết định đi thẳng vào Đà Nẵng luôn. Khi về tôi sẽ yêu cầu các cục, vụ có liên quan báo cáo”.
Bà Ngô Thị Kim Yến, Giám đốc Sở Y tế TP Đà Nẵng, cho biết sở đã chỉ đạo BV Đà Nẵng tập trung hết sức lực, nguồn lực để cứu sống sản phụ nguy kịch còn lại. Tính đến hôm nay, sản phụ đã tạm thời ổn định.
Bà Yến cho hay ngay khi nắm được thông tin, sở đã yêu cầu BV Phụ nữ TP niêm phong phòng mổ và số thuốc còn lại, đồng thời lấy mẫu gửi đi kiểm nghiệm tại Viện Kiểm nghiệm thuốc trung ương. Sở cũng đề nghị các cơ sở y tế đang sử dụng thuốc này trên địa bàn TP tạm ngưng sử dụng, chờ kết quả.
Video đang HOT
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn thăm hỏi tình hình sức khỏe sản phụ đang điều trị tại BV Đà Nẵng. Ảnh: TA
Yêu cầu tạm ngưng sử dụng
Ngày 21-11, ông Nguyễn Văn Văn, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam, đã ký văn bản về việc tạm thời ngừng sử dụng thuốc Bupivacaine WPW Spinal 0,5% Heavy (gọi tắt là thuốc Bupivacaine) do Ba Lan sản xuất.
Sở Y tế tỉnh Quảng Nam yêu cầu các đơn vị y tế công lập, các bệnh viện đa khoa ngoài công lập ngừng sử dụng thuốc Bupivacaine trong thời gian chờ kết quả trả lời mẫu kiểm nghiệm thuốc này của Viện Kiểm nghiệm thuốc trung ương.
Đối với trường hợp có nghi ngờ liên quan đến thuốc sử dụng trong quá trình điều trị cho các sản phụ, cần chỉ đạo đơn vị lập báo cáo phản ứng có hại của thuốc theo hướng dẫn, khẩn trương gửi về Trung tâm DI&ADR Quốc gia, Cục Quản lý dược, Cục Quản lý khám chữa bệnh và Vụ Sức khỏe bà mẹ và trẻ em.
Liên quan, bốn tháng trước, Hà Nội từng phát hiện thuốc gây tê Bupivacaine, loại vừa gây chết sản phụ ở Đà Nẵng, có dấu hiệu không đạt tiêu chuẩn chất lượng.
Theo thông tin Pháp Luật TP.HCM nắm được, ngày 18-7, Sở Y tế TP Hà Nội có công văn kèm theo báo cáo của Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm Hà Nội gửi Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) về kết quả kiểm nghiệm lô thuốc tiêm Bupivacaine WPW Spinal 0,5% Heavy (Bupivacaine hydroclorid 5 mg/ml).
Theo đó, kết quả kiểm nghiệm cho thấy lô thuốc này không đạt tiêu chuẩn chất lượng đối với chỉ tiêu tính chất, độ trong, có dị vật lơ lửng. Lô thuốc này có mã số 02DB0718, hạn dùng 21-7-2020, SĐK: VN-20879-17, do Công ty CP Dược phẩm trung ương CPC1 cung ứng và trúng thầu tại Sở Y tế TP Hà Nội năm 2018.
Sau khi nhận được công văn của Sở Y tế TP Hà Nội, ngày 19-7, Cục Quản lý dược đã có công văn gửi Sở Y tế TP Hà Nội, Viện Kiểm nghiệm thuốc trung ương, Công ty CP Dược phẩm trung ương CPC1, Viện Kiểm nghiệm thuốc TP.HCM yêu cầu CPC1 phối hợp với các đơn vị phân phối thông báo tới tất cả cơ sở kinh doanh, bệnh viện, phòng khám đã và đang sử dụng Bupivacaine tạm dừng ngay việc sử dụng lô thuốc này.
Nhiều địa phương đã phản ứng
So sánh với nghi vấn sản phụ tử vong do thuốc gây tê tủy sống Bupivacaine ở Đà Nẵng thì thấy thuốc bị tạm dừng sử dụng ở Hà Nội cũng cùng loại, cùng do Công ty CP Dược phẩm trung ương CPC1 trúng thầu cung ứng nhưng khác mã số lô. Và thông tin cho đến nay, cũng loại thuốc này đã gây tác dụng phụ nguy hiểm ở Long An, Bến Tre, Cần Thơ, Quảng Ngãi, Quảng Nam… Lãnh đạo ngành y tế các địa phương này mới đây cũng đồng loạt phản ứng về thuốc gây tê tủy sống Bupivacaine mà họ đã cho dừng sử dụng.
Bà Ngô Thị Kim Yến, Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng, cho biết đến giờ phút này, theo báo cáo của Phòng nghiệp vụ dược (Sở Y tế), quy trình mua, sử dụng thuốc gây tê là đảm bảo quy định.
TÂM AN – AN HIỀN
Theo plo.vn
Đóng cửa phòng mổ Bệnh viện Phụ nữ sau khi sản phụ tử vong
Đà Nẵng đã đóng cửa phòng mổ Bệnh viện Phụ nữ sau khi sản phụ tử vong sau xảy ra vụ một sản phụ thiệt mạng và một người nguy kịch.
Bộ Y tế và UBND thành phố Đà Nẵng vừa có văn bản yêu cầu Sở Y tế báo cáo vụ việc xảy ra tại Bệnh viện Phụ nữ thành phố Đà Nẵng khiến một sản phụ thiệt mạng và một sản phụ nguy kịch. UND thành phố Đà Nẵng chỉ đạo Sở Y tế làm rõ các vụ việc và báo cáo UBND thành phố trước ngày 30/11.
Tạm đóng cửa Phòng mổ Bệnh viện Phụ nữ Đà Nẵng, tất cả sản phụ mổ đều phải chuyển sang Bệnh viện Phụ sản Nhi Đà Nẵng.
Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế thành phố Đà Nẵng báo cáo quá trình theo dõi, chăm sóc, xử trí của bệnh viện đối với 2 sản phụ. Bệnh viện Phụ nữ Đà Nẵng lập Hội đồng chuyên môn, nếu bệnh viện không đủ điều kiện thì Sở Y tế thành phố Đà Nẵng lập, để đánh giá quá trình tiếp đón, theo dõi chăm sóc, xử lý đối với sản phụ.
Bộ Y tế cũng yêu cầu Sở Y tế thành phố Đà Nẵng thông báo kết luận của Hội đồng chuyên môn tới gia đình sản phụ và cơ quan truyền thông; xử lý nghiêm tập thể, cá nhân sai phạm (nếu có) về chuyên môn, tinh thần, thái độ phục vụ, đạo đức nghề nghiệp.Trường hợp có nghi ngờ liên quan đến thuốc sử dụng trong quá trình điều trị cho các sản phụ thì cần lập báo cáo phản ứng có hại của thuốc.
Trước đó, như Đài TNVN đưa tin khoảng 8h ngày 17/11, sản phụ V.T.N.S (SN 1987, trú quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng) nhập viện Bệnh viện Phụ nữ TP Đà Nẵng để chờ sinh khi đang mang thai 38 tuần 3 ngày. Các bác sĩ chỉ định sinh mổ bắt thai trong trạng thái chuyển dạ, thai to, đa ối. Khoảng 11h20, các bác sĩ tiến hành gây tê tủy sống, mổ lấy thai nhi. Cuối ca mổ, sản phụ có biểu hiện duỗi thẳng 2 chi dưới từng cơn, mạch tăng nhanh. Bệnh nhân được chuyển sang Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng nhưng đã tử vong vào 20h cùng ngà y.
Cũng trong ngày 17/11, Bệnh viện Phụ nữ TP Đà Nẵng tiếp nhận sản phụ N.T.H (SN 1987, trú quận Liên Chiểu) đang mang thai 37 tuần 1 ngày trong tình trạng chuyển dạ vết mổ cũ. Đến 15h5 cùng ngày, sản phụ được đưa vào phòng mổ. Bệnh nhân được gây tê tủy sống nhưng sau đó có các biểu hiện tương tự sản phụ S. như đau vùng mông, khó chịu, bứt rứt nên các bác sĩ đã chuyển sang Bệnh viện Đà Nẵng. Các bác sĩ Bệnh viện Đà Nẵng tiến hành mổ lấy thai nhi, chuyển sản phụ H. vào Khoa Hồi sức tích cực - chống độc trong tình trạng nguy kịch.
Bác sỹ Nguyễn Út, Phó Giám đốc Sở Y tế thành phố Đà Nẵng cho biết, hiện nay 3 trẻ sơ sinh sau khi mổ đều khoẻ mạnh. Sở Y tế tiến hành đóng cửa Phòng mổ Bệnh viện Phụ nữ thành phố, tất cả các ca sinh mổ đều phải chuyển qua Bệnh viện Phụ sản- Nhi Đà Nẵng. Sở Y tế cũng tiến hành niêm phong toàn bộ lô thuốc đã sử dụng để gây tê do nghi ngờ có liên quan đến vụ việc này.
Theo Bác sĩ Nguyễn Út, hiện trên địa bàn thành phố có 3 cơ sở y tế thuộc quản lý của Sở đang sử dụng loại thuốc này gồm: Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng, Trung tâm Y tế quận Liên Chiểu và Bệnh viện Phụ nữ Đà Nẵng. Riêng tại Bệnh viện Phụ nữ, lô thuốc được nhập về có 250 liều, đã sử dụng 130 liều, còn lại 120 liều. Bác sỹ Nguyễn Út, Phó Giám đốc Sở Y tế thành phố Đà Nẵng cho biết thêm, Sở đã có báo cáo vụ việc đến Bộ Y tế và UBND thành phố Đà Nẵng. Hiện Viện Kiểm nghiệm của Bộ Y tế đã lấy mẫu thuốc gây tê để kiểm nghiệm và đang chờ kết quả.
"Sở thông báo toàn bộ thành phố; Đồng thời tổng hợp, thống kê lại và tạm dừng sử dụng số thuốc gây tê, đã có sự cố thì không cho dùng nữa. Bây giờ chờ kết quả xét nghiệm, kết quả như thế nào tính sau nhưng trước mắt là dừng sử dụng. Trường hợp sản phụ nguy kịch đang nằm điều tại Đà Nẵng, 2 ngày đầu nguy kịch, qua ngày thứ 3 cũng đỡ hơn. Hiện nay, đang chỉ đạo tập trung cứu chữa cho bệnh nhân", bác sỹ Nguyễn Út nói./.
Theo Đình Thiệu/VOV-Miền Trung
Thứ trưởng Bộ Y tế vào Đà Nẵng kiểm tra vụ sản phụ tử vong Dự kiến đoàn công tác của Bộ Y tế sẽ có buổi làm việc với Sở Y tế và lãnh đạo TP vào cuối giờ chiều nay. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn thăm sản phụ đang được điều trị tại bệnh viện đa khoa Đà Nẵng. Ảnh: Tâm An Theo đó, đoàn công tác của Bộ Y tế do Thứ...