Vụ phá rừng VQG Vũ Quang: Lâm tặc, kiểm lâm cùng lĩnh án
Ngoài tuyên 4 bị cáo lĩnh án tù, TAND tỉnh Hà Tĩnh đã buộc các đối tượng liên quan đến vụ phá rừng pơ mu nghiêm trọng tại Vườn Quốc gia Vũ Quang phải bồi hoàn cho nhà nước số tiền lên tới hàng trăm triệu đồng.
Ngày 29/6, nguồn tin từ TAND tỉnh Hà Tĩnh cho biết, cơ quan này vừa tiến hành xét xử vụ án phá rừng gây hậu quả nghiêm trọng tại VQG Vũ Quang xảy ra vào đầu năm 2013.
Một cây pơ mu tại Tiểu khu 198 thuộc VQG Vũ Quang bị lâm tặc đốn hạ, chưa kịp vận chuyển ra ngoài
Trong 4 bị cáo của vụ án, hai bị cáo Nguyễn Văn Thanh (trú xóm Thanh Lạng, xã Thanh Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình) và Trần Đình Phú (xóm 10, xã Phúc Đồng, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh) bị truy tố tội danh “Vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng”; Nguyễn Đình Lê (nguyên Trạm trưởng Trạm kiểm lâm Hoà Hải) và Lê Văn Vĩnh (nguyên Hạt phó Hạt kiểm lâm Vườn QG Vũ Quang) bị truy tố tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Theo cáo trạng, trong khoảng thời gian từ tháng 12/2012 đến tháng 2/2013, tại hai tiểu khu 198, 204 thuộc lâm phần quản lý và bảo vệ của VQG Vũ Quang bị lâm tặc triệt hạ trái phép 467 cây pờ mu, gây thiệt hại 697,41 m3gỗ thuộc nhóm IIA. Trong số này Nguyễn Văn Thanh được xác định là kẻ chủ mưu, cấu kết với và Trần Đình Phú tổ chức hai đợt đưa người vào rừng khai thác trái phép 19 cây pờ mu và 3 cây Tùng với tổng khối lượng là 52,7 m3 gỗ tròn.
Hậu quả của việc rừng quốc gia Vũ Quang bị khai thác trái phép là do một số cán bộ kiểm lâm Vườn Quốc gia Vũ Quang thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý, bao gồm ông Nguyễn Đình Lê, Trạm trưởng Trạm kiểm lâm Hoà Hải, Lê Văn Vĩnh, Hạt phó Hạt kiểm lâm VQG Vũ Quang.
Căn cứ khoản 2 điều 175, khoản 1 điều 48, khoản 2 điều 46 BLHS, TAND tỉnh Hà Tĩnh đã tuyên phạt: Nguyễn Văn Thanh (kẻ chủ mưu) 30 tháng tù giam, Trần Đình Phú 26 tháng tù giam; Lê Văn Vĩnh và Nguyễn Đình Lê cùng 36 tháng tù treo.
Theo TAND tỉnh Hà Tĩnh hiện vẫn còn 386,6m3 pờ mu bị lâm tặc đốn hạ trong lõi rừng VQG Vũ Quang chưa được thu hồi.
Ngoài lĩnh án tù, các bị cáo và những đối tượng liên đới trách nhiệm đã bị tòa tuyên phạt, bồi hoàn cho nhà nước số tiền hơn 353 triệu đồng. Trong số này, ông Đào Huy Phiên – Giám đốc kiêm Hạt trưởng Hạt kiểm lâm VQG Vũ Quang, người chịu trách nhiệm điều hành chung của cơ quan – bị phạt, bồi hoàn 96.785.000 đồng; số còn lại các bị cáo và những đối tượng liên quan khác phải gánh chịu.
Đối với 386,6m3 gỗ hiện nay đang để tại rừng TAND tỉnh Hà Tĩnh buộc Hạt kiểm lâm và lãnh đạo vườn Quốc gia Vũ Quang thu hồi và xử lý theo quy định.
Video đang HOT
Trước đó, liên quan đến vụ phá rừng mà Dân trí đã có nhiều tin bài này, lãnh đạo Vườn quốc gia Vũ Quang đã kỷ luật nội bộ đối với 8 cán bộ do thiếu tinh trần trách nhiệm trong công tác bảo vệ rừng.
Hà Phương – Xuân Sinh
Theo Dantri
"Vương quốc" pơ mu hàng trăm năm tuổi ở Quảng Nam
Hiện tại khu rừng có 1.037 cây pơ mu với tuổi thọ hàng trăm năm tuổi, đường kính từ 2 - 2,5m, cao trên 30m.
Cuối năm 2011, huyện Tây Giang (Quảng Nam) đã tổ chức cho thanh niên huyện nhà phát dọn, mở đường đi bộ từ thôn Voòng (xã Tr'hy) đi thôn Ganil (xã Axan). Đây là đường tiểu ngạch chủ yếu dành cho nhân dân các xã Ch'ơm và Gari đi lại mỗi khi về huyện trao đổi hành hóa (khi đó chưa có phương đi lại thuận tiện như bây giờ).
Trong lần ra quân làm đường, tại đồi núi Ziliêng (thuộc địa phận xã Axan), cách mặt nước biển hơn 1.500m, đã phát hiện một "vương quốc pơ mu" có tuổi thọ ước tính hàng trăm năm tuổi.
Hiện rừng cây pơ mu này nằm cách trung tâm huyện Tây Giang về phía tây khoảng 35- 40km, thuộc địa phận 2 xã Tr'hy và Axan đã được cơ quan chức năng địa phương kiểm đếm có 1.037 cây với đường kính từ 2 - 2,5m, cao trên 30m.
Trong đó, có một cây to nhất khu rừng với đường kính lên tới 2,5m (tầm 6 người ôm), cao 22m, khối lượng cây đứng ước tính 48,597m3, mang số hiệu cây thứ 477. Ngoài ra, khu rừng còn có 5 cây với đường kính 2m; 17 cây có đường kính từ 1,5-1,9m; 150 cây có đường kính từ 1,1-1,4m; còn lại là những cây có đường kính dưới 1m trở xuống.
Do nằm sâu trong rừng lại được người dân bảo vệ nghiêm ngặt bằng ý thức tự giác nên thời gian qua rừng gỗ quý pơ mu "độc nhất vô nhị" ở Quảng Nam tồn tại gần như nguyên vẹn. Điều lo lắng của chính quyền địa phương hiện nay, nếu không được đưa vào "sách đỏ" cùng những quy định nghiêm ngặt về công tác bảo vệ thì việc đầu tư cho giao thông miền núi vô hình dung sẽ "tiếp tay" cho lâm tặc tàn phá rừng cây pơ mu ở đây./.
Một số hình ảnh của "vương quốc pơ mu" Tây Giang (Quảng Nam):
Rừng pơ mu Tây Giang (Quảng Nam) là tài sản quý giá của Quốc gia cần được bảo
vệ nghiêm ngặt để phát triển du lịch sinh thái sau này.
Những cây pơ mu lớn, cao chót vót vẫn còn tồn tại nguyên vẹn cùng những cây
nhỏ khác đang trưởng thành.
Do điều kiện thời gian nên nhiều cây hàng trăm năm tuổi không còn trụ nổi đã ngã
sụp bên cạnh những cây con đang lớn dần.
Một người dân địa phương thăm bẫy thú rừng đang bước đi trên cây pơ mu hàng trăm
tuổi đã đổ vài chục năm trước.
"Vương quốc pơ mu" nguyên sinh dọc theo con suối nhỏ.
Rong rêu, địa chi đã bám đầy thân cây pơ mu cổ thụ.
Dù đang buổi trưa nhưng trong rừng pơ mu bạt ngàn vẫn mờ ảo như buổi sớm mai.
Ông Bhling Mia, Chủ tịch UBND huyện Tây Giang bên cây pơ mu voi.
Con số được đoàn kiểm tra thống kê, đánh dấu tại cây pơ mu bị bọn lâm tặc cưa
ngang dở dang.
Nhiều cây pơ mu bị hạ, ngã đổ ngổn ngang.
Theo Bhơriu Quân
VOV online