Vụ phá rừng Pơmu ở biên giới Việt Lào quá khủng khiếp
Trưởng đoàn công tác của tỉnh Quảng Nam khi tiếp cận hiện trường vụ phá rừng Pơ mu tại vùng biên Việt – Lào đã thốt lên: “Quá khủng khiếp!”.
Hiện trường vụ phá rừng khủng khiếp ở vùng biên giới Việt – Lào, địa phận tỉnh Quảng NamẢnh: Hứa Xuyên Huỳnh
* “Phải tìm cho ra phần tử thoái hóa biến chất”
Trưa 20.7, sau hơn một tiếng rưỡi đi bộ từ đường Quốc lộ 14B đoạn ngay sát biên giới Việt – Lào, đoàn công tác của tỉnh Quảng Nam mới tiếp cận khoảnh 5 tiểu khu 351 thuộc rừng phòng hộ Nam Sông Bung (ở xã La Dêê, H.Nam Giang).
“Lực lượng biên phòng tỉnh, những người mặc áo lính, phải tìm cho ra phần tử thoái hóa biến chất.”
Phó chủ tịch UBND Quảng Nam Lê Trí Thanh
Hơn 60 cây gỗ Pơmu bị đốn hạ trơ gốc, cùng với nhiều cây khác cưa xong nhưng chưa kịp xô ngã để xẻ thành phách, đã tạo nên khung cảnh tan hoang khủng khiếp.
Khu vực này nằm ở độ cao 1.200 mét so với mực nước biển và cách đường biên chỉ vài chục mét.
Trong báo cáo nhanh sáng nay 20.7, đại tá Lê Quang Vịnh, Trưởng công an H.Nam Giang cho biết kể từ ngày 9.7 đến tối qua 19.7, CQĐT đã phát hiện có tổng cộng 591 phách gỗ Pơmu, 8 bi (lóng) gỗ Pơmu và 34 phách gỗ Dỗi; tổng khối lượng phát hiện là 44,3 m3.
Lượng gỗ lớn này phần lớn đã tập kết ra khu vực xã Chà Vàl, cùng với 6 điểm tập kết phát hiện thêm kể từ ngày 15.7 ở khuôn viên Chi cục hải quan cửa khẩu Nam Giang, gần Trạm kiểm soát biên phòng cửa khẩu Nam Giang, bên dưới suối gần trạm kiểm soát biên phòng và 2 xưởng gỗ của người dân.
Hiện trường vụ phá rừng
Video đang HOT
Trong khi đó, hiện trường ở khoảng 5 trưa nay (20.7) vẫn còn ngổn ngang nhiều phách gỗ chưa kịp chuyển hết, nhiều gốc cưa ngã nhưng không xẻ, hoặc nhiều gốc bị khoét sâu…
Trả lời PV Thanh Niên ngay tại vạt rừng ngã đổ ở tiểu khu 351, ông Lê Trí Thanh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, nói ngắn gọn: “Quá khủng khiếp!”.
Một gốc Pơmu cưa xong nhưng chưa kịp xẻ
Lan sang phía Lào
Ông Lê Trí Thanh cũng cho biết Công an H.Nam Giang trong quá trình kiểm đếm phát hiện phía bên kia đường biên của Lào (địa phận H.Đắc Chưng, tỉnh Xê Kông) cũng có nhiều gốc Pơmu bị triệt phá.
Sáng nay, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Đinh Văn Thu đã ký công hàm gửi Tỉnh trưởng tỉnh Xê Kông (Lào) đề nghị phối hợp điều tra, xử lý. Riêng ông Lê Trí Thanh đã gọi điện thoại trực triếp với Phó tỉnh trưởng Xê Kông.
Ông Lê Trí Thanh: “Quá khủng khiếp!”
Gỗ lậu vứt bỏ ven đường
“Cơ quan chức năng đã tìm thấy một số manh mối”, ông Lê Trí Thanh nói thêm.
Trong khi đó, tại cuộc họp khẩn sáng nay (20.7), trung tá Hà Thế Xuyên, Phó trưởng Công an H.Nam Giang cũng cho hay CQĐT đã có manh mối nhưng chưa thể tiết lộ.
Trước khi tiếp cận hiện trường, đại tá Nguyễn Viết Lợi – Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam, đề nghị có cơ chế phối hợp để CQĐT Công an H.Nam Giang và PC46 Công an tỉnh Quảng Nam thuận lợi trong quá trình điều tra, vì hiện trường vụ án phá rừng nằm ở vùng biên được bảo vệ nghiêm ngặt.
Đại tá Nguyễn Đăng Chung, Phó chỉ huy trưởng BĐBP Quảng Nam, khẳng định vụ việc có liên quan đến trách nhiệm của biên phòng và cam kết sẽ chỉ đạo lực lượng chức năng phối hợp với CQĐT.
Chi cục trưởng Chi cục kiểm lâm Quảng Nam bên một cây Pơmu mới bị đốn hạ
Vị trí khu vực phá rừng chỉ cách đường biên vài chục mét
Ông A lăng Mai, Chủ tịch UBND H.Nam Giang, buồn bã: “Tôi cảm thấy rất buồn khi vụ án xảy ra ngay trên địa bàn huyện. Lượng gỗ trái phép phát hiện thì ngày càng nhiều hơn”.
Chiều nay, ông Lê Trí Thanh, Phó chủ tịch UBND tỉnh tiếp tục chủ trì buổi làm việc với các cơ quan chức năng ngay tại Trạm kiểm soát liên hợp cửa khẩu Việt – Lào.
Ông Thanh gay gắt: “Tại sao lâm tặc lại tự tin đến mức độ như vậy? Gỗ phát hiện ngay cạnh trạm biên phòng và chi cục hải quan, vị trí phá rừng cách không xa chỗ chúng ta đang làm việc đây. Các anh không quanh co được đâu, phải nhận trách nhiệm trong quá trình quản lý của mình. Nếu không thành khẩn khai báo, sau này sẽ xét tình tiết tăng nặng”.
Tuyến đường vào hiện trường vụ phá rừng là đường liên hợp tuần tra
Ông Thanh cũng đề nghị công an vào cuộc với lực lượng tinh nhuệ nhất, bám chắc địa bàn nhất; không chịu bất cứ áp lực nào, không để bất kỳ ai có thể can thiệp vào.
Ông Thanh yêu cầu lực lượng biên phòng tỉnh, những người mặc áo lính, phải tìm cho ra phần tử thoái hóa biến chất.
Theo Thanh Niên
Chi cục trưởng Hải quan bị đình chỉ công tác vì 100 khối gỗ trong trụ sở
Chi cục trưởng Hải quan Cửa khẩu Nam Giang (Quảng Nam) bị đình chỉ để phục vụ điều tra sau khi công an thu giữ 115 phách gỗ pơ mu tại cửa khẩu, nghi vấn liên quan vụ phá rừng nghiêm trọng.
Tối 19/7, ông Nguyễn Văn Cẩn, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, cho biết đã yêu cầu Cục Hải quan Quảng Nam tạm đình chỉ công tác ông Lê Trung Thịnh, Chi cục trưởng Hải quan Cửa khẩu Nam Giang. Động thái này được đưa ra sau khi công an thu giữ 115 phách gỗ giấu trong khuôn viên của trụ sở Hải quan Nam Giang.
"Tạm đình chỉ công tác dựa trên cơ sở báo cáo của Cục Hải quan Quảng Nam nhằm tạo thuận lợi cho công tác điều tra, xác minh vụ việc có dấu hiệu sai phạm", người đứng đầu ngành Hải quan thông báo. Ông Cẩn cũng cho hay đã yêu cầu Chi cục trưởng Hải quan Cửa khẩu Nam Giang giải trình, báo cáo cụ thể và sẽ xử lý kỷ luật nếu phát hiện vi phạm.
Tổng cục Hải quan cũng điều động ông Nguyễn Hoàng, Đội trưởng Đội kiểm soát hải quan, nhận nhiệm vụ tại Chi cục Hải quan cửa khẩu Nam Giang cho đến khi vụ việc được làm rõ.
Nhiều điểm tập kết gỗ pơ mu bị phát hiện khi công an điều tra vụ án phá rừng, trong đó 115 phách gỗ được tìm thấy trong khuôn viện trụ sở hải quan.
Trước đó ngày 9/7, trong lúc đi rừng, người dân xã La Dêê phát hiện 280 phách gỗ pơ mu (28 khối) đã được cưa xẻ, giấu cách Trạm Biên phòng Cửa khẩu Đắc Ốc (thuộc Đồn Biên phòng La Dêê) khoảng 500 m nên trình báo chính quyền. Khu vực này thuộc vành đai biên giới, cách Lào khoảng 100 m.
Sau khi khởi tố vụ án, công an liên tiếp phát hiện nhiều bãi tập kết gỗ pơ mu, trong đó 115 phách được tìm thấy trong khuôn viên chi cục hải quan. Lực lượng hải quan không đưa ra được giấy tờ chứng minh nguồn gốc nên bị công an thu giữ.
Trao đổi với VnExpress, Chi cục trưởng Hải quan Cửa khẩu Nam Giang, cho hay 115 phách gỗ này có nhiều nguồn gốc. "Một số do công an và Hải quan Lào thấy trụ sở chi cục tạm bợ, khổ nên đã mang qua cho để đóng bàn ghế, phòng ốc. Số còn lại do các doanh nghiệp xuất khẩu qua đây, họ cho anh em về sửa sang nhà cửa hoặc do trong quá trình bốc xếp gỗ bị sứt nên doanh nghiệp vứt lại, anh em thu gom vào để đó", ông Thịnh nói và cho hay đã cho cán bộ qua Lào để nhờ công an và hải quan bên đó xác nhận đã cho gỗ.
Vụ việc đang được làm rõ.
Tiến Hùng
Theo VNE
11 đàn em của ông trùm phá rừng ở Lâm Đồng bị bắt Những người bị bắt đều là tay chân thân tín của trùm gỗ lậu Hà Đen - kẻ đang bỏ trốn. Ngày 20/7, Công an huyện Bảo Lâm (Lâm Đồng) đã khởi, bắt tạm giam 11 người liên quan đến vụ phá rừng tại Tiểu khu 390 (thôn 2, xã Lộc Bắc, huyện Bảo Lâm) để điều tra về hành vi Vi phạm...