Vụ phá hủy phòng liên lạc là minh chứng quyền lực của em gái ông Kim
Các chuyên gia nhận định quyền lực của bà Kim Yo Jong ngày càng được củng cố, đặc biệt sau khi Triều Tiên phá hủy văn phòng liên lạc liên Triều.
Em gái nhà lãnh đạo Kim Jong Un, bà Kim Yo Jong, hôm 13/6 đưa ra cảnh báo văn phòng liên lạc liên Triều sẽ sớm “hoàn toàn sụp đổ”. Đến ngày 16/6, Bình Nhưỡng biến tòa nhà nơi đặt văn phòng này thành đống gạch vụn.
Năm nay mới chỉ 32 tuổi, thế nhưng Kim Yo Jong đã là một trong những cố vấn được nhà lãnh đạo Kim Jong Un tin cậy nhất, đồng thời, bà cũng là một trong những người phụ nữ quyền lực nhất ở Triều Tiên. Hình ảnh bà Kim Yo Jong càng thêm nổi bật trong những tuần gần đây, khi xuất hiện những lời đồn đoán bà có thể là người kế vị ông Kim Jong Un, theo AFP.
Gắn bó với Kim Jong Un từ thời niên thiếu
Tuyên bố chính thức đầu tiên được bà Kim Yo Jong đưa ra vào tháng 3 vừa qua. Tuy nhiên, mãi tới những ngày gần đây, em gái ông Kim Jong Un mới được đưa lên tuyến đầu trong cuộc xung đột với Hàn Quốc. Mâu thuẫn xuất phát từ việc người đào tẩu Triều Tiên thả truyền đơn về miền Bắc.
Về mặt chính thức, bà Kim chỉ là ủy viên dự khuyết bộ Chính trị Trung ương đảng Lao động Triều Tiên. Tuy nhiên, trong tuyên bố đưa ra hôm 13/6, được trích dẫn bởi hãng thông tấn trung ương KCNA, bà Kim tuyên bố có thẩm quyền “được trao bởi lãnh tụ tối cao, đảng và nhà nước”.
Theo thông tin từ Bộ Thống nhất Triều Tiên, bà Kim Yo Jong sinh năm 1988, là một trong 3 người con của cố lãnh đạo Kim Jong Il và người vợ thứ 3. Kim Yo Jong được ăn học tại Thụy Sĩ cùng anh trai, sau đó nhanh chóng thăng tiến trong bộ máy cầm quyền Triều Tiên sau khi Kim Jong Un kế thừa vị trí lãnh đạo đất nước năm 2011.
Sự tồn tại của Kim Yo Jong hầu như không được thế giới biết đến cho tới đám tang của cố lãnh đạo Kim Jong Il, khi bà đứng ngay phía sau ông Kim Jong Un, đẫm nước mắt và thẫn thờ, hình ảnh được phát sóng trên đài truyền hình quốc gia. Nhưng nay, bà Kim thường xuyên xuất hiện bên cạnh anh trai, với vai trò cố vấn thân cận.
Bà Kim Yo Jong thường xuyên xuất hiện bên nhà lãnh đạo Kim Jong Un. Ảnh: Reuters.
Video đang HOT
“Yo Jong rất trung thành trong việc đề bạt ông ấy (Kim Jong Un) làm lãnh đạo tối cao, nâng tầm hình ảnh trong nước và quốc tế của công ấy, và trên thực tế là chánh văn phòng của ông Kim”, Katherine Moon, giáo sư chính trị học từ Đại học Wellesley, Mỹ, nhận định.
Trên chuyến hành trình kéo dài 60 giờ bằng tàu hỏa tới Hà Nội dự hội nghị thượng đỉnh lần 2 với Tổng thống Mỹ Donald Trump, bà Kim Yo Jong được quan sát thấy đã mang cho nhà lãnh đạo Triều Tiên một chiếc gạt tàn khi ông Kim Jong Un muốn hút thuốc lá.
Yang Moo Jin, giáo sư chuyên nghiên cứu về Triều Tiên từ Đại học Seoul, cho rằng “không có nghi ngờ” về việc tồn tại mối quan hệ gần gũi đặc biệt giữa ông Kim Jong Un và em gái Kim Yo Jong.
“Jong Un và Yo Jong đã dành phần lớn thời gian niên thiếu cô đơn ở nước ngoài cùng nhau. Tôi nghĩ thời gian này đã giúp tạo ra thứ tình cảm tương tự như tình đồng chí, bên cạnh tình anh em ruột thịt”, ông Yang nhận xét.
Quyền lực được củng cố
Triều Tiên chưa từng có lãnh đạo là nữ giới, tuy nhiên những đồn đoán xung quanh tương lai chính trị và khả năng bà Kim Yo Jong sẽ là người kế nhiệm ông Kim Jong Un xuất hiện, sau khi nhà lãnh đạo Triều Tiên biến mất trong nhiều ngày hồi tháng 4.
Quyền lực lãnh đạo ở Triều Tiên từ lâu luôn là vấn đề nội bộ gia đình họ Kim. Bà Kim Yo Jong giờ đây trở thành một thành viên tiềm năng của “dòng máu Paektu”, một cụm từ tiếng Triều Tiên để miêu tả cố lãnh đạo, nhà khai quốc Kim Il Sung, cùng các con cháu.
Các nhà phân tích cho rằng việc truyền thông nhà nước tô đậm vai trò của bà Kim Yo Jong trong cơn giận dữ của Bình Nhưỡng đối với vụ việc thả truyền đơn. Và quyền lực đó càng thu hút sự chú ý sau khi Triều Tiên phá hủy văn phòng liên lạc hai miền. Đây cũng có thể là bước đi được tính toán nhằm nâng cao uy tín của em gái ông Kim Jong Un trong mắt giới quân sự nước này.
Trước đây, bà Kim Yo Jong được biết tới qua các hoạt động ngoại giao của Triều Tiên. Bà Kim nổi bật khi là thành viên trong đoàn quan chức Triều Tiên tới Hàn Quốc dự Olympics mùa Đông năm 2018. Sự kiện này đánh dấu hình ảnh bà Kim bắt đầu được biết tới rộng rãi trên trường quốc tế.
Mọi chi tiết trong chuyến đi của bà Kim Yo Jong tới Hàn Quốc đều được theo sát, từ quần áo, túi xách, cho tới chữ viết tay.
Khi bà Kim có cuộc thảo luận ngắn với các quan chức Seoul, trưởng phái đoàn Triều Tiên Kim Yong Nam, khi đó là chủ tịch quốc hội kiêm người đứng đầu nhà nước về mặt danh dự, đã đề nghị nhường bà Kim chỗ ngồi danh dự.
Bà Kim Yo Jong tại Olympics mùa Đông năm 2018 ở Hàn Quốc. Ảnh: Reuters.
Sự thành công của Olympics mùa Đông năm 2018 đã mở ra những cuộc thảo luận tiến triển nhanh chóng trên bán đảo Triều Tiên, kết quả là những hội nghị cấp cao liên tiếp sau đó giữa ông Kim Jong Un cùng Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In. Tại những sự kiện này, bà Kim Yo Jong liên tục xuất hiện bên nhà lãnh đạo Kim Jong Un.
Kể từ khi được bầu làm ủy viên dự khuyết bộ chính trị trung ương đảng Lao động Triều Tiên, vị trí của bà Kim ngày càng được củng cố. Diễn biến dẫn tới vụ phá hủy văn phòng liên lạc liên Triều hôm 16/6 cho thấy dấu ấn đậm nét của bà Kim Yo Jong, em gái nhà lãnh đạo Kim Jong Un.
Các chuyên gia nhận định việc Bình Nhưỡng phá hủy văn phòng liên lạc hai miền càng củng cố hình ảnh của bà Kim trong nội bộ Triều Tiên. Leii Eric Easley, giáo sư Đại học Ewha, Seoul, cho rằng hình ảnh văn phòng liên lạc liên Triều bị phá hủy sẽ được sử dụng triệt để cho mục đích đối nội
“Vụ việc này được lên kế hoạch nhằm nâng cao vai trò của bà Kim, để bà ấy được nhìn nhận là một nhà hoạch định chính sách có ảnh hưởng và một nhà lãnh đạo quyết đoán”, ông Easley đánh giá.
2 năm thượng đỉnh Mỹ-Triều: Từ điểm sáng quay trở lại xuất phát điểm
Mọi hy vọng vẫn chỉ là hy vọng. Triều Tiên cáo buộc trong 2 năm qua, Mỹ chỉ hứa hẹn sáo rỗng.
Cách đây tròn 2 năm, Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều là tâm điểm chú ý của toàn thế giới, khi lần đầu tiên lãnh đạo cấp cao nhất của 2 bên gặp nhau, nhen nhóm hy vọng về phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên và quan hệ Mỹ -Triều bước sang trang mới.
Thượng đỉnh Trump-Kim. Ảnh: Reuters.
Tuy nhiên mọi hy vọng vẫn chỉ là hy vọng. Triều Tiên cáo buộc trong 2 năm qua, Mỹ chỉ hứa hẹn sáo rỗng, trong khi chính quyền tổng thống Mỹ Donald Trump dường như không còn coi hồ sơ bán đảo Triều Tiên là vấn đề cấp bách.
Trong bình luận mới nhất nhân kỷ niệm 2 năm Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều, Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Son-gwon cho rằng những kỳ vọng cải thiện mối quan hệ Mỹ - Triều, vốn trở thành tâm điểm của truyền thông toàn cầu 2 năm trước, giờ đã trở thành nỗi thất vọng.
Ông Ri Son-gwon tuyên bố Bình Nhưỡng sẽ không bao giờ trao thêm cho Mỹ cơ hội nào nữa mà không nhận được sự đáp lại thích đáng và rằng các chính sách của Mỹ chứng minh, Washington vẫn là mối đe dọa lâu dài đối với nhà nước và nhân dân Triều Tiên.
Theo Ngoại trưởng Triều Tiên, khi nhìn lại 2 năm qua, chính quyền Tổng thống Donald Trump dường như chỉ tập trung vào việc "ghi điểm chính trị" trong khi "vẫn tìm cách cô lập, bóp nghẹt Triều Tiên" và "đe dọa bằng các cuộc tấn công hạt nhân phủ đầu và đòi thay đổi chế độ".
Gay gắt hơn, ông tuyên bố Triều Tiên thấy không có sự cải thiện trong mối quan hệ Mỹ - Triều bằng việc duy trì mối quan hệ giữa nhà lãnh đạo Kim Jong-un và Tổng thống Donald Trump.
Trước đó, hôm 11/6, Triều Tiên cũng chỉ trích Mỹ vì bình luận về việc Triều Tiên cắt đường dây nóng với Hàn Quốc, nói rằng Washington "nên giữ im lặng nếu muốn cuộc bầu cử tổng thống sắp tới diễn ra suôn sẻ".
Trước các tuyên bố dồn dập từ phía Triều Tiên, ông Ramon Pacheco Pardo, chuyên gia về Triều Tiên tại Trường King's College London phân tích, các bình luận của Ngọai trưởng Triều Tiên cho thấy nước này vẫn đặt mọi phương án trên bàn, từ ngoại giao cho tới phát triển hơn nữa chương trình hạt nhân.
Có thể thấy, sau những cam kết chung chung tại Hội nghị Singapore, các nỗ lực nhằm thực hiện thỏa thuận giữa hai bên vẫn rơi vào bế tắc do những bất đồng về phạm vi phi hạt nhân hóa của Triều Tiên, việc Mỹ từ chối dỡ bỏ các lệnh trừng phạt. Đối với Tổng thống Donald Trump, ông muốn có giải trừ vũ khí đơn phương.
Nhưng với quan điểm của nhà lãnh đạo Kim Jong-un, Bình Nhưỡng cần được đối xử bình đẳng với Mỹ và muốn giành được nhiều nhượng bộ hơn nữa về kinh tế và chính trị từ Tổng thống Donald Trump trước khi có bất kỳ sự giảm bớt trong chương trình hạt nhân. Sau khoảng thời gian ngắn Triều Tiên dừng các vụ thử hạt nhân, tên lửa và việc Mỹ dừng tập trận chung với Hàn Quốc, mọi thứ nay đã quay trở lại xuất phát điểm của tháng 6/2018 với các cuộc chiến ngôn từ và các cuộc thử nghiệm vũ khí.
Trước những chỉ trích của Triều Tiên, hôm qua, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ trả lời phỏng vấn Hãng Yonhap cho biết, Mỹ vẫn duy trì cam kết thực thi thỏa thuận Singapore đạt được vào tháng 6/2018, đồng thời khẳng định Mỹ sẵn sàng áp dụng một cách tiếp cận linh hoạt.
Với những gì mà thế giới chứng kiến trong 2 năm qua, con đường phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên còn chặng đường dài phía trước nhưng cộng đồng quốc tế yêu chuộng hòa bình vẫn trông chờ vào nỗ lực của cả hai phía và hy vọng vào tương lai tươi sáng cho bán đảo Triều Tiên như trong phát biểu của Tổng thống Donald Trump trước Quốc hội Hàn Quốc cách đây 1 năm.
"Chúng ta đều có quyền tin tưởng vào phẩm giá của mỗi con người cũng như tiềm năng của mọi quốc gia. Chúng ta đều có quyền tin tưởng vào một bán đảo Triều Tiên hòa bình, tự do và an toàn, các gia đình được đoàn tụ. Chúng ta mơ về các tuyến cao tốc kết nối Triều Tiên với Hàn Quốc và sẽ chờ đến ngày người dân hai miền sống trong hòa bình, không còn bóng ma của vũ khí hạt nhân", ông Trump nói
Cắt đường dây liên lạc, Triều Tiên muốn gây sức ép với Hàn Quốc? Triều Tiên hôm 9/6 tuyên bố sẽ cắt đứt hoàn toàn đường dây liên lạc giữa giới chức Triều Tiên và Hàn Quốc, lần đầu tiên kể từ năm 2018. Đây được cho là bước đi đầu tiên trong hàng loạt biện pháp phản ứng của Triều Tiên, phản đối các hoạt động thả truyền đơn chống Bình Nhưỡng qua biên giới liên...