Vụ ô tô đâm máy bay: Ai sẽ “gánh” 1 triệu USD bồi thường?
China Airlines ước tính thiệt hại từ cú đâm của lái xe chở hành lý vào máy bay của hãng lên tới 1 triệu USD. Theo nhà chức trách hàng không, về nguyên tắc, Xí nghiệp Thương mại mặt đất Tân Sơn Nhất sẽ phải bỏ tiền ra trả cho China Airlines, còn lái xe thì chịu trách nhiệm theo cách khác.
Sự cố tài xế Trương Văn Toản lái xe chở hành lý đâm vào máy bay của China Airlines (Đài Loan) tại Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất – TPHCM hôm 27/8 được đánh giá là gây uy hiếp an toàn nghiêm trọng.
Thiệt hại nhìn thấy trước mắt là chiếc Airbus 330 bị hư hỏng, một vết xước trên thân máy bay kéo dài 1,3m và rộng 60cm, vì vậy chuyến bay CI782 đi Đài Bắc phải hủy bỏ; 300 hành khách phải xuống máy bay trước giờ khởi hành và được đưa đến khách sạn để chờ một chuyến bay mới trong vòng 15 tiếng đồng hồ, phần đông trong số này là khách bay quá cảnh Đài Loan nên hành trình bay tiếp theo bị thay đổi. Khi chiếc Airbus 330 bị đâm va phải dừng khai thác và nằm lại Tân Sơn Nhất ít nhất trong 3 ngày để sửa chữa thì China Airlines đã phải điều máy bay Feery từ Đài Loan sang Việt Nam để thay thế, cùng với một tổ chuyên gia kỹ thuật…
Một nguồn tin không chính thức cho biết, China Airlines đã đưa ra ước tính thiệt hại bằng tiền rơi vào khoảng 1 triệu USD. Ngày 29/8, PVDân trí đã liên lạc với đại diện China Airlines tại Việt Nam để làm rõ hơn về thiệt hại từ sự cố, vị đại diện của hãng hàng không này không phủ nhận về ước tính thiệt hại nhưng từ chối cung cấp thêm thông tin và cho biết sẽ có công bố chính thức sau khi sự việc được giải quyết xong.
Việc bồi thường thiệt hại cho China Airlines của TIAGS sẽ được bảo hiểm hàng không chi trả
Nói về trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho China Airlines, trao đổi với PV Dân trí, ông Lại Xuân Thanh – Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam nhận định, mọi việc khá rõ ràng, ở đây người gây thiệt hại là lái xe Trần Văn Toản và đơn vị quản lý lái xe là Xí nghiệp Thương mại mặt đất Tân Sơn Nhất (TIAGS), còn người bị hại là China Airlines.
“Về nguyên tắc, TIAGS sẽ phải bỏ tiền ra bồi thường cho China Airlines, mức bồi thường là bao nhiêu và hình thức bồi thường như thế nào là do 2 bên làm việc, thỏa thuận với nhau. Riêng đối với lái xe Trần Văn Toản – người trực tiếp gây ra sự cố và thiệt hại cho China Airlines, trách nhiệm của lái xe Toản được căn cứ theo hợp đồng lao động và các quy chế làm việc của TIAGS.” – Cục trưởng Lại Xuân Thanh khẳng định.
Video đang HOT
Đặt ra câu hỏi là cá nhân gây ra sự cố, nhưng đơn vị phải bỏ tiền ra bồi thường và gánh chịu hậu quả, vậy điều này có công bằng? Cục trưởng Lại Xuân Thanh cho rằng, đó là việc nội bộ của TIAGS với nhân viên của mình, TIAGS có ràng buộc được trách nhiệm tài chính với lái xe Toản hay không, TIAGS đuổi việc hoặc đưa ra hình thức xử lý kỷ luật như thế nào… Tất cả đều có trong quy định và hợp đồng lao động, là việc nội bộ của TIAGS.
Tuy nhiên, theo Cục trưởng Lại Xuân Thanh, hiện nay, hầu hết các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực hàng không đều mua bảo hiểm, vì vậy thường khi các sự cố xảy ra thì thiệt hại đều được bảo hiểm hàng không chi trả. Với trường hợp này, nếu TIAGS và China Airlines đã mua bảo hiểm hàng không thì đó là điều may mắn đối với họ.
Cung cấp thông tin mới nhất cho PV Dân trí về vấn đề bồi thường trong sự cố với China Airlines, ông Trần Doãn Mậu – Giám đốc Cảng vụ Hàng không miền Nam – cho hay, TIAGS phải bỏ tiền ra bồi thường hoàn toàn cho China Airlines. Tuy nhiên, số tiền này sẽ được bảo hiểm hàng không thanh toán, các đơn vị có liên quan đều đã mua bảo hiểm hàng không. Đối với tài xế Toản, những trách nhiệm liên quan sẽ được TIAGS giải quyết theo quy định riêng của đơn vị cũng như những quy định chung theo luật Lao động.
Giám đốc Cảng vụ Hàng không miền Nam cũng khẳng định tài xế Trương Văn Toản đã vi phạm các quy định trong hoạt động hàng không dân dụng. Cơ quan Cảng vụ sẽ ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với tài xế Trần Văn Toản.
Được biết, TIAGS đã tiến hành xử lý sự cố theo đúng quy định, tạm đình chỉ công tác 15 ngày đối với lái xe Trương Văn Toản để phục vụ cho công tác giải quyết sự cố, phối hợp tốt với China Airlines phục vụ chuyến bay và giải quyết hậu quả. Đơn vị này cũng đã tổ chức đánh giá sự cố một cách công bằng khách quan để cùng rút kinh nghiệm, tránh trường hợp tương tự xảy ra.
Cục Hàng không Việt Nam đã giao cho Cảng vụ Hàng không miền Nam chủ trì, phối hợp với các đơn vị có trách nhiệm khẩn trương làm rõ sự việc và yêu cầu đưa ra kết luận về sự việc trong thời gian sớm nhất.
Châu Như Quỳnh
Theo Dantri
Hé lộ tình tiết mới trong vụ ô tô đâm máy bay tại Tân Sơn Nhất
Khi đưa hành lý lên hầm hàng, lái xe Trương Văn Toản đã làm tắt các bước trong quy trình, tự ý điều khiển xe khi nhân viên mặt đất chưa phát tín hiệu tiếp cận máy bay, sau đó đạp nhầm chân ga khiến xe chồm lên đâm mạnh vào máy bay của China Airlines (CI).
Nhà chức trách hàng không đánh giá sự cố lái xe Trương Văn Toản chở hành lý đưa lên hầm hàng chuyến bay CI782 tại Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất - TPHCM hôm 27/8 là sự cố gây uy hiếp an toàn nghiêm trọng, máy bay phải dừng khai thác để đánh giá cho việc khắc phục/sửa chữa.
Ngày 28/8, cơ quan quản lý Nhà nước cao nhất về hàng không tại khu vực phía Nam là Cảng vụ Hàng không miền Nam đã tổ chức cuộc họp bình giảng rút kinh nghiệm về sự cố đối với Vietnam Airlines - Chi nhánh Xí nghiệp Thương mại mặt đất Tân Sơn Nhất (TIAGS), Phòng An toàn và kiểm soát chất lượng Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất. Trong cuộc họp này, Hãng hàng không CI xin vắng mặt vì đêm 27/8 phục vụ chuyển tiếp chuyến bay sau sự cố.
Trong báo cáo sự cố mới nhất vừa gửi Cục Hàng không Việt Nam, diễn biến của sự việc được thông tin cụ thể và nhiều tình tiết mới đã được Cảng vụ Hàng không miền Nam đưa ra.
Xe chở hành lý đâm vào máy bay của China Airlines là sự cố gây uy hiếp an toàn nghiêm trọng
Theo đó, lúc 10h40 ngày 27/8, tại bến đậu tàu bay số 18, ông Trương Văn Toản điều khiển xe băng chuyền mang biển số SGN 21005 trong quá trình tiếp cận máy bay Airbus 330-300 đã va quệt vào phần dưới bụng hầm hàng số 5. Ghi nhận các hình ảnh dấu vết va chạm trên tàu bay A330/BI8312 và trên xe SGN 21005 cho thấy, kích thước vết lõm trên bụng máy bay kéo dài 1.3m, rộng 0.6m và 3 rivê nối tấm kim loại ở bụng tàu bay bị bung ra.
Cơ quan có trách nhiệm đã kiểm tra đánh giá tình trạng kỹ thuật của xe băng chuyền SGN 21005 cho thấy khả năng di chuyển, thắng, hệ thống nâng, hệ thống lái, hệ thống dừng khẩn cấp, các thiết bị phụ trợ gồm chèn và bình cứu hỏa, phiếu kiểm tra tình trạng kỹ thuật trước khi đưa vào khai thác... đảm bảo khai thác.
Trong ngày 27/8, sức khỏe của lái xe Toản bình thường, không bị áp lực công việc do biết trước kế hoạch khai thác và phục vụ chuyến bay CI782, kết quả kiểm tra cũng ghi nhận không có nồng độ cồn trong hơi thở. Trước đó, ông Toản thực hiện ca 4h-2h và phục vụ được 3 chuyến bay: CX772 (6h19), JL079-750 (8h35), TG550-551 (9h59), trong giữa thời gian chờ phục vụ chuyến TG550-551 ông Toản cùng anh em có giờ nghỉ ngơi, ăn ca. Khi phục vụ CI 781/782 (10h22) thì sự cố xảy ra.
"Nguyên nhân xảy ra sự cố nêu trên là hoàn toàn do lỗi cá nhân của ông Trương Văn Toản. Lái xe này đã điều khiển xe băng chuyền SGN 21005 tiếp cận máy bay lần thứ 2 không tuân thủ đúng theo quy trình xe băng chuyền tiếp cận máy bay. Ông Toản đã làm tắt các bước để tiếp cận vào máy bay trước khi ông Nguyễn Công Bằng vào vị trí đánh tín hiệu tiếp cận.
Sau khi thả phanh tay, ông Toản đã đạp nhầm chân ga thay vì chân thắng do bất cẩn làm cho xe băng chuyền SGN 21005 chồm lên chui qua bụng máy bay, góc phải mui chắn mưa của xe băng chuyền va chạm phần dưới bụng hầm hàng 5" - lãnh đạo Cảng vụ Hàng không miền Nam khẳng định.
Liên quan đến sự cố nói trên, TIAGS đã tạm đình chỉ công tác đối với ông Trương Văn Toản 15 ngày để phục vụ công tác điều tra và giải quyết sự cố. Hiện TIAGS đang phối hợp tốt với Hãng CI để phục vụ chuyến bay và giải quyết hậu quả.
Cảng vụ hàng không miền Nam cho biết sẽ xem xét xử lý hành vi vi phạm của ông Trương Văn Toản theo quy định.
Châu Như Quỳnh
Theo Dantri
Xe chở hành lý đâm rách cánh máy bay tại sân bay Tân Sơn Nhất Theo nguồn tin riêng của Dân trí, vụ đâm va khá mạnh đã tạo ra vết lõm sâu 20cm và kéo dài hơn 1m trên thân máy bay Airbus 330 của hãng China Airlines. Máy bay của China Airlines tại Tân Sơn Nhất sáng 27/8 (ảnh minh họa) Trao đổi với phóng viên Dân trí, lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam xác...