Vụ ‘nuôi hổ như nuôi lợn’: Nơi được nhờ chăm bức xúc
Việc UBND tỉnh Nghệ An có quyết định chuyển giao 3 cá thể hổ, beo thu giữ từ nhà dân nuôi nhốt trái phép cho Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Sóc Sơn, Hà Nội chăm nuôi vào đầu tháng 2/2013 vừa qua đã khiến đơn vị được gửi nuôi phản ứng.
Theo diễn biến, sau khi TS có loạt bài phản ánh thực trạng nhiều hộ dân nuôi hổ trái phép tại Yên Thành (Nghệ An), ngay sau đó, ngày 6/11/2012, Công an huyện Diễn Châu đã kiểm tra và thu giữ 2 cá thể hổ được nuôi nhốt tại hộ ông Nguyễn Văn Sáng, trú tại xóm 5, xã Diễn Quảng.
Hai cá thể hổ được Nghệ An chuyển giao cho Trung tâm cứu hộ Sóc Sơn vào đầu tháng 2/2013.
Thời điểm thu giữ, hai cá thể hổ này có trọng lượng khoảng 30kg/con, tình trạng sức khỏe không tốt, chậm chạp, mắt lờ đờ, không linh hoạt.
Do không đủ điều kiện nuôi nhốt, ngày 14/11/2012, cơ quan chức năng của Nghệ An đã nhờ Khu du lịch sinh thái Trại Bò ở xóm Đồng Nông, xã Diễn Lâm (Diễn Châu)… nuôi hộ.
Tiếp đó, ngày 2/1/2013, CA Diễn Châu tiếp tục phát hiện 1 cá thể beo lửa trưởng thành, khoảng 6kg, nuôi nhốt trái phép tại hộ ông Nguyễn Văn Đông, xóm Ngọc Tân, xã Diễn Ngọc (Diễn Châu).
Công an huyện Diễn Châu tiếp tục ký gửi cá thể beo lửa này cho Khu du lịch sinh thái Trại Bò nuôi hộ vào ngày 5/1/2013.
Ngày 8/2/2013, UBND tỉnh Nghệ An đã có quyết định chuyển giao ba cá thể hổ và beo lửa đang được Khu du lịch sinh thái Trại Bò chăm sóc cho Trung tâm Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã (ĐVHD) và Kỹ thuật Bảo vệ rừng Sóc Sơn (Trung tâm Cứu hộ Sóc Sơn).
Hổ trắng được nuôi dưỡng tại Khu sinh thái Trại Bò (Diễn Châu – Nghệ An).
Tuy nhiên, trước đó, Khu du lịch sinh thái Trại Bò đã có văn bản gửi UBND tỉnh Nghệ An để xin được giữ ba cá thể này chăm sóc, nuôi giữ để bảo tồn tại khu sinh thái Trại Bò.
Video đang HOT
Ông Nguyễn Sĩ Quyết – Phó Giám đốc Khu du lịch sinh thái Trại Bò (Công ty TNHH Lê Thanh Thản) cho biết: “Việc Khu sinh thái Trại Bò xin giữ hai cá thể hổ và beo lửa này lại chăm sóc nhằm đảm bảo tốt hơn cho công tác bảo tồn của các cá thể chứ không có mục đích nào khác”.
Theo ông Quyết, khu sinh thái Trại Bò chắc chắn sẽ chăm sóc tốt hơn cho các cá thể động vật hoang dã này, vì điều kiện chuồng trại, môi trường sinh thái, chế độ nuôi dưỡng… tại đây tốt hơn so với Trung tâm cứu hộ ĐVHD Sóc Sơn.
“Khu sinh thái Trại Bò có lực lượng cán bộ, chuyên gia, bác sỹ thú ý, công nhân chăm nuôi… giàu chuyên môn, kinh nghiệm. Với hơn 100ha diện tích tự nhiên được quy hoạch từ nhiều năm nay, Trại Bò hiện đang chăm nuôi bảo tồn nguồn gen quý của 26 giống loài với hàng ngàn cá thể động vật hoang dã, nhiều giống loài được chọn lọc từ các nước Châu Phi để đưa về Việt Nam.
Tất cả các cá thể này đều phát triển rất tốt, nhiều cá thể vẫn sinh sản tự nhiên tại đây. Hơn nữa, mục đích của Khu sinh thái Trại Bò là bảo tồn, phát triển nguồn gen các giống loài đang nằm trong danh sách bảo vệ chứ không vì mục đích thương mại” - ông Quyết nói.
Ông Nguyễn Đăng Long – PGĐ phụ trách chăn nuôi của Khu du sinh thái Trại Bò nhận định: “Điều kiện chăm sóc các cá thể động vật hoang dã tại Trại Bò đảm bảo vào loại tốt nhất ở Việt Nam. Trại Bò đã có hai cặp đôi hổ vàng và hổ trắng vằn đen sinh sản, nhân giống lên thành 6 cá thể khác, tất cả các cá thể F2 này đều phát triển rất tốt. Hiện tại, một cặp đôi sư tử Châu Phi cũng sắp sửa sinh sản – một điều rất hiếm tại nhiều trung tâm chăm nuôi động vật hoang dã ở Việt Nam”.
Với điều kiện chăm nuôi, cơ sở hạ tầng, điều kiện môi trường tốt tại Trại Bò, chủ trại đã kiến nghị xin Nghệ An cho phép được nuôi hai cá thể hổ thu giữ từ các nhà dân nuôi nhốt trái phép.
Với điều kiện chăm nuôi, cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất tốt như vậy, khi CA huyện Diễn Châu gửi hai cá thể hổ và một cá thể beo lửa nuôi nhốt trái phép tại các hộ dân, Trại Bò đã tiếp nhận vô điều kiện.
“Sau hơn một tháng chăm sóc, chúng tôi đã phục hồi các cá thể này ở tình trạng rất tốt. Hai cá thể hổ đã khỏe mạnh trở lại, tăng trưởng nhanh, được theo dõi chăm sóc ở chế độ đặc biệt. Nếu được nuôi tại đây, chúng tôi đảm bảo chúng sẽ có những điều kiện tốt nhất” PGĐ Nguyễn Sỹ Quyết nói.
Tuy nhiên, công văn đề nghị xin được giữ lại các cá thể này đã không được tỉnh Nghệ An đồng tình.
Sau khi lấy lại ba cá thể hổ và beo lửa này để chuyển giao cho Trung tâm cứu hộ ĐVHD Sóc Sơn, UBND tỉnh Nghệ An đã trả chi phí chăm nuôi cho Khu sinh thái Trại Bò số tiền hơn 100 triệu đồng.
“Chúng tôi cũng không yêu cầu tỉnh Nghệ An phải trả tiền chăm nuôi các cá thể trên trong thời gian nhờ chăm sóc. Việc lấy ngân sách nhà nước để chi trả cho những việc này là điều không cần thiết.
Hơn nữa, đã bảo tồn, phát triển nguồn gen, môi trường chăm sóc nào tốt, có lợi cho giống loài thì nên để cho đơn vị đó được chăm nuôi. Đó là lý do Trại Bò đề nghị UBND tỉnh Nghệ An được chăm sóc, dù chi phí chăm nuôi đối với động vật hoang dã không phải là nhỏ” ông Nguyễn Sỹ Long cho hay.
Giải thích với TS, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, ông Thái Văn Hằng, người ký quyết định chuyển giao 2 cá thể hổ gửi nuôi tại Khu sinh thái Trại Bò cho Trung tâm Cứu hộ ĐVHD Sóc Sơn cho biết: Về mặt luật pháp hiện hành, 2 cá thể hổ này là tài sản Nhà nước thu hồi, thuộc quyền sở hữu của Nhà nước, nên không thể giao cho một đơn vị tư nhân.
Về lý do Khu sinh thái Trại Bò có điều kiện chăm sóc tốt hơn, ông Hằng cho biết: về mặt lâm sinh, có nhiều đơn vị, cá nhân có điều kiện nuôi tốt và sẵn sàng nhận nuôi suốt đời. Nhưng theo nguyên tắc, chúng ta vẫn phải giao lại cho một đơn vị Nhà nước để quản lý, tránh gây hiểu nhầm tịch thu của người này, lại giao cho người khác.
Ông Hằng cũng cho biết: UBND tỉnh Nghệ An đã nhận được nhiều ý kiến ủng hộ Khu sinh thái Trại Bò được chăm sóc, nuôi giữ hai cá thể hổ kể trên.
Ông Trần Thế Liên – Vụ trưởng Vụ Bảo tồn thiên nhiên (Tổng cục Lâm nghiệp – Bộ NN&PTNT) thông tin: “Theo các quy định hiện hành, Khu sinh thái Trại Bò có thể được mua để nuôi, bảo tồn các cá thể beo, hổ bị tịch thu. Tuy nhiên, xét về diện ưu tiên, chỉ khi các trung tâm Nhà nước không đảm bảo yêu cầu hoặc vượt quá năng lực mới xem xét đến các trung tâm của tư nhân”.
Về lâu dài, ông Liên cho biết, hiện, Bộ NN&PTNT đang xây dựng chiến lược bảo tồn các loại động vật quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng một cách bền vững.
Trong chiến lược này, Bộ sẽ đưa ra định hướng khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia bảo tồn trong đó có cả việc bảo tồn các động vật là tang vật tịch thu được.
Ông Ngô Bá Oanh – Giám đốc Trung tâm Cứu hộ Sóc Sơn cũng thừa nhận, nhiệm vụ của Trung tâm Cứu hộ là “cứu hộ”, còn bảo tồn lại là vấn đề khác.
“Chúng ta có rất nhiều cách để bảo tồn, ngoài các trung tâm bảo tồn của Nhà nước, các cá nhân, tập thể cũng có thể tham gia bảo tồn, miễn là phải đảm bảo mục đích bảo tồn giống loài chứ không vì mục đích thương mại” – ông Oanh nói.
Theo vietbao
Khánh thành nhà tưởng niệm và đặt tên đường Đại tướng Chu Huy Mân
Chiều ngày 14/3, tại xã Hưng Hòa, TP Vinh, UBND tỉnh Nghệ An, UBND thành phố Vinh đã long trọng tổ chức lễ cắt băng khánh thành Nhà tưởng niệm và đặt tên đường Đại tướng Chu Huy Mân.
Đồng chí Chu Huy Mân tên thật là Chu Văn Điều, sinh ngày 17/3/1913, trong một gia đình nông dân nghèo, hiếu học tại xã Yên Lưu, tổng Yên Trường, phủ Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An (nay thuộc thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An). Năm lên 16 tuổi, đồng chí đã tham gia hoạt động cách mạng. Trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh (1930 -1931) đồng chí Chu Huy Mân được phân công làm đội phó đội Tự vệ đỏ, sau đó được đứng vào hàng ngũ Đảng Cộng Sản Việt Nam lúc 17 tuổi.
Nhà tưởng niệm đồng chí Chu Huy Mân, được xây dựng bằng nguồn vốn của tỉnh và con cháu trong gia đình.
Trong cuộc đời hoạt động của mình đồng chí đã đảm nhiệm chức vụ quan trọng của Đảng và nhà nước như: Tư lện kiêm chính ủy, Bí thư Đảng ủy Quân khu 4, tư lện kiêm chính uy, Bí thư Đảng Ủy Mặt trận B3 Tây Nguyên Tư Lện Quân khu 5, Phó Bí thư Đản Ủy Quân khu , Chính ủy chiến dịch Huế - Đà Nẵng, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa 3, 4, 5 Uỷ viên Bộ Chính trị khóa 4, 5 Phó chủ tịch Hội đồng Nhà nước, Phó Bí thư Đảng Ủy Quân sự Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, đại biểu Quốc hội khóa 2, khóa 6, khóa 7.
Với công lao và thành thành tích to lớn, đồng chí Chu Huy Mân được Đảng và nhà nước tặng Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương quân đội hạng nhất, Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng và nhiều huân, huy chương cao quý khác.
Lễ cắt băng khanh thành nhà tưởng niệm Đại tướng Chu Huy Mân
UBND tỉnh Nghệ An đã có quyết định 2328 về việc phê duyệt quy hoạch chi tiết Khu tưởng niệm đại tướng Chu Huy Mân. Công trình nhà tưởng niệm được chính thức khởi công ngày 28/6/2012.
Đến nay, sau hơn 6 tháng thi công, công trình đã cơ bản hoàn thành với tổng mức xây lắp 8,2 tỷ đồng/ 9,5 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh, thành phố, nguồn đóng góp của thân nhân gia đình đại tướng và từ tình cảm tri ân của nhiều cơ quan, đơn vị.
Nhà tưởng niệm tọa lạc trên khuôn viên 7.473m2, gồm có nhà tưởng niệm, nhà khách, hai nhà phục chế. Công trình có tường rào bao quanh và các công trình phụ trợ khác như hệ thống đường giao thông nội bộ, bãi đỗ xe, hệ thống cấp điện, cấp thoát nước, không gian cây cảnh, hệ thống phòng chữa cháy.
Tại buổi lễ, UBND tỉnh Nghệ An đã công bố đặt tên đường Đại tướng Chu Huy Mân, con đường có chiều dài 3.600m, chiều rộng 11m, điểm đầu của đường là ngã ba đường Nguyễn Viết Xuân cho đến hết xóm Phong Hảo, xã Hưng Hòa (TP Vinh).
Theo soha
Kỳ lạ hổ vàng Nghệ An đẻ ra... hổ trắng vằn đen Hiện tượng đặc biệt này được ghi nhận ở Diễn Châu - Nghệ An. Một cá thể hổ vàng đẻ ra ba hổ con, trong đó có hai hổ con khoẻ mạnh, có màu lông trắng, vằn đen. Ông Nguyễn Sĩ Quyết - Phó Giám đốc Khu du lịch sinh thái Trại Bò (thuộc Công ty TNHH Lê Thanh Thản) đóng tại xã...