Vụ nổ Beirut khoét hố rộng hơn 100 mét
Ảnh vệ tinh cho thấy một miệng hố rộng hơn 100 mét hình thành ở cảng Beirut, sau vụ nổ kho chứa hơn 2.700 tấn amoni nitrat hôm 4/8.
Ảnh vệ tinh do Planet Labs, công ty tư nhân có trụ sở tại San Francisco, Mỹ, chụp lại cho thấy gần như mọi toà nhà tại khu vực xảy ra vụ nổ ở cảng Beirut, thủ đô của Lebanon, đều bị san phẳng hoàn toàn hoặc hư hại nặng nề. Một hố lớn ngập nước xuất hiện ở vị trí của hai toà nhà trước đó tại bến cảng.
CNN đã sử dụng phần mềm không gian địa lý để đo kích thước của miệng hố và xác định nó có đường kính 124 mét. Với sai số là cộng/trừ 10 mét, miệng hố này lớn hơn cả chiều dài của một sân bóng đá.
Hình ảnh vệ tinh cho thấy một góc cảng Beirut trước và sau khi vụ nổ tạo ra một miệng hố lớn. Ảnh: CNN/Planet Labs
Theo hình ảnh vệ tinh, các toà nhà ở phía nam bến cảng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Một số chỉ còn trơ khung, số khác đã trở thành đống đổ nát.
Thiệt hại của vụ nổ còn lan tới một bán đảo ở phía đông, nơi một toà nhà bị thổi bay và một con tàu dường như cũng bị hất nghiêng. Ở một khu dân cư lân cận về phía đông cảng, nhiều ngôi nhà bị hỏng mái. Phía tây của cảng cũng có nhiều toà nhà bị hư hại nghiêm trọng.
Cảnh tan hoang ở cảng Beirut sau vụ nổ hôm 4/8. Ảnh: CNN/Planet Labs
Theo Thủ tướng Lebanon Hassan Dia, thảm hoạ xảy ra hôm 4/8 do kho chứa 2.750 tấn amoni nitrat phát nổ. Vụ nổ tạo ra đám mây hình nấm khổng lồ và sóng xung kích mạnh đến mức có thể cảm nhận được ở Cyprus, quốc gia cách đó 200 km.
Ít nhất 135 đã người thiệt mạng, hơn 5.000 người bị thương. Hàng chục người mất tích và nỗ lực giải cứu đang tiếp tục diễn ra.
Chính phủ Lebanon đã ban bố tình trạng khẩn cấp kéo dài hai tuần ở Beirut, yêu cầu quân đội quản thúc tại gia tất cả quan chức phụ trách lưu trữ hàng hóa và an ninh tại cảng Beirut từ năm 2014.
Quan chức cảng Beirut nói trữ amoni nitrat theo lệnh của tòa
Tổng giám đốc cảng Beirut nói rằng họ lưu trữ amoni nitrat từ 6 năm trước theo lệnh của tòa và đã vài lần yêu cầu tìm cách xử lý.
Tổng giám đốc cảng Hassan Koraytem ngày 5/8 nói với đài truyền hình địa phương OTV rằng họ biết amoni nitrat rất nguy hiểm nhưng mức độ tàn phá của nó vượt sức tưởng tượng.
2.750 tấn amoni nitrat được tàu Rhosus treo cờ Moldova chở từ Gruzia tới Mozambique vào năm 2014, nhưng bị bỏ lại khi con tàu gặp sự cố động cơ lúc cập cảng Beirut. Số amoni nitrat trên tàu được chuyển tới lưu trữ trong nhà kho ở cảng Beirut suốt 6 năm qua mà không được áp dụng các biện pháp an toàn cần thiết. Koraytem cho biết hóa chất được đưa vào kho theo lệnh của tòa án.
Cảnh tượng đổ nát sau vụ nổ tại cảng ở Beirut ngày 4/8. Ảnh: Reuters.
Koraytem và lãnh đạo Tổng cục Hải quan Lebanon Badri Daher nói rằng họ đã vài lần gửi thư đến cơ quan tư pháp để yêu cầu loại bỏ hợp chất này khỏi cảng nhưng không được đáp ứng. "Chúng tôi yêu cầu tái xuất khẩu chúng nhưng điều đó không được thực hiện. Vì sao lại vậy? Chúng tôi để vấn đề này cho các chuyên gia và những người liên quan xác định lý do", Badri Daher nói.
Hai tài liệu Reuters đã xem cho thấy hải quan Lebanon đã yêu cầu cơ quan tư pháp vào năm 2016 và 2017 ra lệnh cho cơ quan hàng hải có liên quan tái xuất khẩu hoặc phê duyệt việc bán amoni nitrat để đảm bảo an toàn cho cảng. Một tài liệu cho thấy họ cũng gửi yêu cầu tương tự năm 2014 và 2015.
Ít nhất 135 người thiệt mạng và 5.000 bị thương sau vụ nổ kho chứa 2.750 tấn amoni nitrat tại cảng ở Beirut ngày 4/8. Với sức công phá ngang 240 tấn TNT, nó tàn phá hơn nửa thành phố, gây thiệt hại ước tính lên đến 5 tỷ USD.
Vụ nổ "như bom nguyên tử" ở Lebanon. Video: CNN.
Amoni nitrat thường được dùng làm phân bón, nhưng có thể trở thành chất nổ mạnh nếu lẫn tạp chất hoặc được trộn với nhiên liệu dễ cháy. Hợp chất này từng được dùng trong hàng loạt cuộc tấn công khủng bố, trong đó có vụ đánh bom làm 168 người chết tại thành phố Oklahoma của Mỹ. Tuy nhiên, quan chức Lebanon và Mỹ đều bác bỏ khả năng đây là một vụ tấn công.
Khả năng gây nổ khiến nhiều nước đặt ra những quy định chặt chẽ về lưu trữ và xử lý amoni nitrat. "Nó thường được bảo quản trong môi trường được kiểm soát liên tục và điều chỉnh theo thể tích để hạn chế nguy cơ phát nổ", Brent Kaiser, nhà sinh học ở Đại học Sydney của Australia, cho hay.
Tổng thống Pháp sắp đến Lebanon Tổng thống Emmanuel Macron sẽ tới Beirut vào ngày mai sau khi Pháp điều ba máy bay chở nhân viên cứu hộ, thiết bị y tế và một phòng khám di động. Ngày 6/8, ông Macron sẽ tới Beirut để "gặp tất cả quan chức chính trị quan trọng", bao gồm Tổng thống Michel Aoun và Thủ tướng Hassan Diab, Điện Elysee hôm...