Vụ nhầm con 29 năm tại Hà Nội: 1 người phụ nữ đồng ý xét nghiệm ADN với chị Hiền
Sau một thời gian chờ đợi, chị Lê Thanh Hiền khá vui mừng khi có 1 người phụ nữ sinh con cùng ngày với mẹ mình tại nhà hộ sinh Đống Đa gặp gỡ và đồng ý xét nghiệm ADN.
Thông tin từ chị Lê Thanh Hiền (12/12/1987 – trú tại Triều Khúc – Hà Nội) cho biết, sau một thời gian câu chuyện của gia đình bị nhầm lẫn con ở nhà hộ sinh Đống Đa được đăng tải trên báo chí, đến cuối tháng 3/2015 có 1 người phụ nữ đã đến gặp gỡ gia đình, đồng ý xét nghiệm ADN. Tuy nhiên, kết quả xét nghiệm cho thấy họ không cùng huyết thống.
Nhà hộ sinh Đống Đa nơi chị Hiền được sinh ra.
Theo đó, những ngày cuối tháng 3 vừa rồi, chị Hiền có nhận được điện thoại của một người phụ nữ trên phố Khâm Thiên (Đống Đa – Hà Nội) cũng sinh con tại nhà hộ sinh đúng vào ngày 12/12/1987.
Trao đổi về điều này, chị Hiền cho biết: “Khi nhận được thông tin, bản thân tôi và gia đình rất vui mừng bởi dù sao người ta cũng phải đấu tranh tâm lý rất nhiều rồi mới quyết định gọi điện và gặp gỡ gia đình tôi”.
Theo đó, người phụ nữ đến gặp và trao đổi cũng như đồng ý cùng chị Hiền đi làm xét nghiệm ADN tên là Nguyễn Thị Hà (trước ở số 46 ngõ Tiến Bộ – Khâm Thiên).
Theo tư liệu chị Hiền đã cung cấp cho chúng tôi trước đó thì bà Nguyễn Thị Hà nằm trong 3 sản phụ sinh sát giờ với bà Phan Thị Tuyết Hoa (mẹ chị Hiền). Theo đó, sản phụ Nguyễn Thị Hà sinh lúc 3 giờ 15 phút, còn bà Hoa sinh lúc 4 giờ 35 phút.
Chị Hiền rơi nước mắt kể về câu chuyện của mình.
“Mất hơn 3 năm tìm kiếm cô Hà nhưng không thấy. Gần đây, nhờ sự giúp đỡ của cơ quan công an, gia đình tôi đã tìm được cô Hà hiện đang sống tại quận Hoàng Mai. Khi tôi gặp cô và chia sẻ về việc mình đang đi tìm mẹ đẻ của mình, ngay sau khi nghe xong câu chuyện cô đã đồng ý cùng tôi đến Viện khoa học hình sự – Bộ Công an để giám định ADN. Tôi hồi hộp mong chờ giây phút nhận kết quả nhưng rất buồn, cô Hà không phải mẹ đẻ của tôi”, chị Lê Thanh Hiền chia sẻ.
Dù buồn chán, thất vọng nhưng thời điểm hiện tại chị Hiền vẫn nuôi hi vọng trong lòng bởi vẫn còn 2 người phụ nữ nữa và rất có thể người phụ nữ tên là T.T.T có rất nhiều nét giống với bản thân mình.
Chị cho biết, “Với cô T.T.T thì tôi thấy có nét trên khuôn mặt rất giống với cô. Tuy nhiên, khi gọi điện thoại liên lạc nhờ giúp đỡ, cô T. đã thẳng thừng từ chối và cô T. cho hay cô không sinh người con nào tại Việt Nam trong thời điểm năm 1987″.
Dù chưa tìm được người mẹ ruột của mình, nhưng chị Hiền vẫn mong ngóng một ngày gần nhất, cô T.T.T sẽ gọi điện và đến gặp gỡ bản thân để cùng làm xét nghiệm ADN.
Video đang HOT
Theo_2Sao
Chuyện chưa tiết lộ về vụ trao nhầm con 42 năm tại Nhà Hộ sinh Ba Đình
"Khi bà mẹ nhận kết quả từ Trung tâm, bà khóc rất nhiều. Người phụ nữ này nói, không biết đứa con kia của tôi ở đâu, tôi thương nó quá"...
Nước mắt người mẹ tại Trung tâm xét nghiệm ADN
Những ngày qua, truyền thông nhắc nhiều tới câu chuyện trao nhầm con tại Nhà Hộ sinh Ba Đình (Hà Nội) cách đây 42 năm và sự chú ý của dư luận cũng được đổ dồn về đây. Sự việc đó xảy tới với bà Nguyễn Mai Hạnh (SN 1952, Quán Thánh, Ba Đình) và con gái Tạ Thị Thu Trang (SN 10/10/1974). Sau khi bà Mai Hạnh đi xét nghiệm ADN và có kết luận chính xác, bà không phải mẹ ruột của chị Trang như hơn 40 năm qua mọi người vẫn nghĩ.
Tuy nhiên, cũng có những người ngày đêm nghiên cứu về ADN, về công nghệ di truyền lại cho rằng chuyện "trao nhầm con" ở các bệnh viện không phải hi hữu. Ở Trung tâm Phân tích ADN và Công nghệ di truyền (Thụy Khuê, Hà Nội) cũng đã xét nghiệm nhiều trường hợp cho ra kết quả không phải mẹ con hay bố con.
"Trường hợp bà Mai Hạnh xét nghiệm ADN tại Trung tâm của tôi từ năm 2015. Mấy hôm nay thấy báo chí đăng tải nhiều nhưng tôi không chú ý vì tôi xét nghiệm nhiều trường hợp nhầm như thế này rồi. Chỉ khi có nhiều phóng viên cùng gọi điện hỏi, tôi mới tra sổ và thấy đúng trường hợp mình đã từng làm", bà Nguyễn Thị Nga, Giám đốc Trung tâm Phân tích ADN và Công nghệ di truyền cho hay.
Bà Nguyễn Thị Nga, Giám đốc Trung tâm Phân tích ADN và Công nghệ di truyền
Bà Nga nhớ lại, nửa năm trước, có 1 người phụ nữ ngoài 60 tuổi, dáng người nhỏ nhắn, đi cùng 1 cô con gái giống mẹ, nhìn rất dễ thương tới Trung tâm của bà để được xét nghiệm ADN giữa người mẹ với cô con gái không đi cùng hôm ấy.
"Khi bà mẹ nhận kết quả từ Trung tâm, bà khóc rất nhiều. Tôi thắc mắc và có hỏi tại sao bác lại khóc như thế? Người phụ nữ này nói, không biết đứa con kia của tôi ở đâu, tôi thương nó quá.
Tôi lưu lại kết quả xét nghiệm cho bà để bà đi tìm con và khi nào tìm thấy con tôi sẽ làm xét nghiệm cho 1 mình đứa con đó thôi, bà không tốn tiền làm lại xét nghiệm ADN nữa. Còn tất cả các khách khác tôi xóa đi sau 1 thời gian để giữ bí mật cho khách", bà Nga chia sẻ.
Liên quan tới người phụ nữ này còn được bà Nga tiết lộ. Đó là câu chuyện bà Mai Hạnh đi vào 1 cửa hàng và thấy 1 cô gái trạc tuổi con gái mình, có gương mặt rất giống những đứa con của bà, trong khi đó chị Trang đang sống ngay bên cạnh lại không giống mẹ. Bà Mai Hạnh tìm tới tận nhà nhưng bà mẹ của người con gái kia lại nói, tôi sinh con không ở cùng bệnh viện với bà, đây không phải con bà đâu.
Sau đó, chính người con gái trong gia đình đó tìm tới nhà bà Mai Hạnh để gặp bà và cũng nói, "chắc bác nhầm, mẹ cháu sinh ở bệnh viện khác còn bác sinh ở bệnh viện khác". Nói rồi cô gái ấy lại lủi thủi ra về.
"Bà Mai Hạnh khóc ở Trung tâm của tôi, có lẽ vì nghĩ mình đã để tuột đứa con của mình lần nữa. Vì tại sao cô gái ấy lại quay lại tìm bà? Vấn đề là ở chỗ đó", bà Nga nói thêm.
Mỗi lần kể lại câu chuyện nhầm con, bà Mai Hạnh đều khóc
Bà Nga cũng kể cho chúng tôi nghe trường hợp của chàng trai Pháp gốc Việt, đã tìm được cha mẹ mình qua Facebook và nhờ trung tâm xác định ADN để chứng thực gene. Thất lạc con trai từ ngày cậu bé còn rất nhỏ và điều bất ngờ cậu được một cặp vợ chồng người Pháp nhận làm con nuôi và đưa ra nước ngoài sống. Qua nhiều đầu mối, người cha vẫn nuôi hy vọng gặp lại được con trai mình.
Cơ hội tưởng vuột khỏi tầm tay khi tìm được gia đình người Pháp nhận con nuôi nhưng họ lại từ chối xác nhận và cố tình chuyển nhà. Nỗi đau cứ gặm nhấm họ đến một ngày khi cậu con trai trưởng thành và quyết định tìm lại nguồn gốc của mình.
Bà Nga cho hay: "Khi họ đưa nhau đến đây xét nghiệm ADN và chờ kết quả nhanh. 4 giờ đồng hồ chờ đợi, kết quả như vỡ òa. Ngay cả những người của trung tâm cũng lặng đi trước giây phút trùng phùng của gia đình".
Quay trở lại câu chuyện bà Mai Hạnh 42 năm lạc con chỉ vì bị trao nhầm tại Nhà Hộ sinh Ba Đình, bà Nga đưa ra lời khuyên:
"Trường hợp này tốt nhất gia đình nên nhờ chương trình "Như chưa hề có cuộc chia ly". Họ có 1 đội ngũ tìm kiếm và liên hệ với các cơ quan chức năng cùng vào cuộc".
Tuy nhiên theo bà Nga, bệnh viện phải có quy trình, quy chế để tránh nhầm lẫn như thế.
"Tôi làm xét nghiệm ADN cho hàng vạn người cũng phải 5 - 7 ca nhầm con tại bệnh viện. Con số này không phải là nhiều nhưng cũng không phải hi hữu", bà Nga nhấn mạnh.
ADN không phá vỡ hạnh phúc gia đình
Cùng nêu quan điểm về trường hợp này, GS.TS Lê Đình Lương - Chủ tịch Hội Di truyền học Việt Nam đưa ra quan điểm:
"Trao nhầm con 42 năm, chắc chắn Nhà Hộ sinh Ba Đình, về mặt logic phải chịu trách nhiệm vì họ làm việc không chu đáo, không chuyên nghiệp để xảy ra nhầm lẫn.
Tôi nghĩ điều cần thiết phải giám định ADN để xem có đúng là gia đình mình không. Cũng có trường hợp không cần giám định mà vẫn có thể trở về với nhau hoàn hảo, không có vương vấn hay băn khoăn nào".
GS.TS Lê Đình Lương - Chủ tịch Hội Di truyền học Việt Nam (Ảnh: Người lao động)
Theo GS. TS Lê Đình Lương, để hạn chế việc "trao nhầm con" tại bệnh viện, mỗi 1 bệnh viện, mỗi 1 nhà hộ sinh đều có quy chế hoạt động và đó là quy chế tốt để không nhầm lẫn. Vì vậy, các nhân viên cần tuân thủ chặt chẽ các quy chế đó.
Bàn về hình dáng bên ngoài khác nhau có thể kết luận họ không cùng huyết thống, GS. TS Lương nói:
"Chúng tôi gặp nhiều trường hợp nghe thì lạ nhưng lại đúng cha và con hoàn toàn không giống nhau, xét nghiệm ADN lại cho kết quả đúng cha con. Ngược lại, nhiều người, cha con giống nhau, tôi quan sát camera cũng rất giống nhưng kết quả xét nghiệm lại không phải cha con. Tôi ngạc nhiên và phải làm xét nghiệm lại 2 - 3 lần nữa rồi mới dám trả kết quả cho khách.
Nhìn chung, hình dáng bên ngoài có thể phản ánh quan hệ có phải cha con hay không nhưng cũng có khá nhiều trường hợp cha con không giống nhau, có khi con giống người ngoài nhưng xét nghiệm ADN vẫn là cha con.
Hình dáng bên ngoài không thể kết luận mối quan hệ huyết thống mà nó chỉ là đặc điểm tham khảo.
Chính vì thế, trường hợp xa nhau 42 năm thì rất nên xét nghiệm ADN vì khó có thể nhận ra nhau bằng ngoại hình bên ngoài", GS Lương chia sẻ.
Chị Thu Trang - người con trong câu chuyện trao nhầm 42 năm, không có nét nào giống bố mẹ hay anh chị em trong gia đình.
Trước câu hỏi, nhiều người có suy nghĩ, xét nghiệm ADN dẫn tới hạnh phúc của nhiều gia đình bị phá vỡ, GS. TS Lê Đình Lương bác bỏ:
"Nói xét nghiệm ADN là phá vỡ hạnh phúc, đây là 1 tư duy rất lạ lùng, là ngộ nhận đáng tiếc cho những người có tư duy kiểu như thế.
Những người tới xét nghiệm AND, bản thân họ bức xúc trong quan hệ của mình, đã nghi ngờ nhau, bản thân họ đã bất hạnh rồi. Còn những gia đình bình thường có bao giờ xuất hiện ở Trung tâm để xét nghiệm ADN đâu? Họ đưa nhau tới Trung tâm để xét nghiệm ADN nhưng trong số đó, trên 1 nửa lại trở lại hạnh phúc bình thường vì ADN đã thanh minh cho họ.
Những trường hợp ADN không thanh minh cho họ là do chính họ đã gây ra sự cố với nhau chứ ADN không phá hoại hạnh phúc của họ".
Và ở Trung tâm Phân tích ADN và Công nghệ di truyền còn rất nhiều những câu chuyện "dở khóc dở cười" liên quan tới việc nhầm con.
Nguyễn Huệ
Theo_Người Đưa Tin
Nhầm con 29 năm: Vật vã hành trình tìm mẹ đẻ Từ khi nhận kết quả ADN, không một ngày nào chị Lê Thanh Hiền và chồng ngơi tìm kiếm thông tin về mẹ đẻ của mình. Mò kim đáy bể Sau khi làm xét nghiệm vì nghi ngờ, ngày 8/5/2013, Trung tâm Giám định sinh học pháp lý - Viện Khoa học hình sự gọi chị Hiền đến nhận kết quả giám định...