Vụ nhà ngoại giao “cởi đồ”: Ấn Độ nổi xung
Cuộc khủng hoảng ngoại giao đầy căng thẳng giữa Mỹ và đồng minh Ấn Độ đã không thể chấm dứt sau khi Washington hôm qua (20/12) tiếp tục làm “rắn” khi từ chối hủy bỏ những cáo buộc nhằm vào một nữ nhân viên ngoại giao của New Delhi. Nhà nữ ngoại giao này đã bị bắt giữ ở New York hồi tuần trước và sau đó bị bắt cởi đồ để lục soát vì cáo buộc gian lận visa và trả công cho người giúp việc thấp.
Nữ nhân viên ngoại giao Devyani Khobragade
Có thể nói, quan hệ Mỹ-Ấn đang lao dốc không phanh vì vụ scandal liên quan đến nữ nhân viên ngoại giao cấp trung Devyani Khobragade. Phó Tổng lãnh sự của Ấn Độ – bà Khobragade, 39 tuổi, đã bị bắt giữ tại New York hôm 12/12 vì bị cáo buộc trả mức lương quá thấp, chỉ bằng một phần nhỏ so với mức lương quy định tối thiểu của thành phố New York, cho người giúp việc của bà này, đồng thời nói dối về mức lương của nhân viên trong đơn xin cấp visa.
Những tiết lộ sau này cho thấy, nữ nhân viên ngoại giao Khobragade đã bị cảnh sát Mỹ bắt lột đồ hoàn toàn để họ thực hiện công việc lục soát khắp thân thể. Vụ việc này đã thổi bùng lên ngọn lửa phẫn nộ ở Ấn Độ. Chính phủ Ấn Độ đang yêu cầu Washington phải hủy bỏ những cáo buộc nhằm vào nhân viên ngoại giao của họ đồng thời chính thức đưa ra lời xin lỗi.
Hiện tại, bà Khobragade đang được bảo lãnh tại ngoại.
Phản ứng trước những diễn biến trên, trưởng công tố viên Mỹ Preet Bharara khăng khăng khẳng định, nhà nữ ngoại giao Khobragade đã bị bắt giữ theo một cách thức “thận trọng nhất” có thể và động cơ duy nhất dẫn đến vụ bắt giữ này là việc duy trì pháp quyền, bảo vệ các nạn nhân và buộc bất kỳ ai vi phạm pháp luật đều phải chịu trách nhiệm “bất chấp người đó giàu như thế nào, quyền lực như thế nào và có mối quan hệ như thế nào”.
Ngoại trưởng Ấn Độ đã thẳng thừng bác bỏ những giải thích trên của trưởng công tố Bharara, nói rằng: “Chỉ có một nạn nhân trong vụ việc này, đó là Devyani Khobragade. Không hề có sự đối xử lịch sự và ưu đãi nào được thực hiện theo đúng quy định dành cho các nhà ngoại giao ở đây”.
Bộ Ngoại giao Ấn Độ cũng bày tỏ sự hoài nghi về quyết định của Mỹ trong việc cho phép gia đình Sangeeta Richards, người tố cáo nhà nữ ngoại giao Ấn Độ, chuyển đến Mỹ dù Richards cùng với chồng đang phải đối mặt với một vụ án pháp lý khác ở trong nước.
Ấn Độ đang tìm cách đảm bảo sự miễn trừ ngoại giao hoàn toàn cho bà Khobragade bằng cách chuyển bà này đến làm việc tại phái đoàn Liên Hợp Quốc ở New York . Tuy nhiên, động thái đó cần phải được sự phê chuẩn của Bộ Ngoại giao Mỹ.
Trong khi đó, một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 19/12 cũng đã nói rõ tại một cuộc họp báo rằng, Mỹ không thể hủy bỏ vụ án của bà Khobragade bởi “tiến trình hành pháp ở nước này hoàn toàn độc lập” với chính phủ.
Bà Khobragade đến nay vẫn bác bỏ mọi lời cáo buộc nhằm vào mình. Tuy nhiên, nếu bị kết tội, nữ nhân viên ngoại giao Ấn Độ sẽ phải đối mặt với án tù 10 năm vì tội gian lận visa và 5 năm tù vì tội trả lương thấp cho nhân viên.
Video đang HOT
Ấn Độ quyết không nhân nhượng
Trước sự cứng rắn của Mỹ, Ấn Độ cũng không vừa khi nhất định không chịu nhân nhượng. Điều này đe dọa nguy cơ phá hỏng quan hệ vốn thân thiết giữa Mỹ và Ấn Độ.
Vài giờ sau khi Mỹ tuyên bố không thể hủy bỏ những cáo buộc nhằm vào nữ nhân viên ngoại giao Ấn Độ, New Delhi đã lên tiếng đáp trả, nhắc lại yêu cầu đòi Washington xin lỗi đồng thời nhấn mạnh, hành động bắt giữ Phó Tổng lãnh sự của họ là “không thể chấp nhận”. New Delhi cảnh báo, Mỹ nên hiểu rằng “thời đại đã thay đổi”.
“Mỹ đang chơi trò với Ấn Độ. Nhưng Mỹ phải hiểu rằng, thế giới đã thay đổi, thời đại đã thay đổi và Ấn Độ cũng đã thay đổi”, Bộ trưởng phụ trách các vấn đề Quốc hội của Ấn Độ – ông Kamal Nath đã tuyên bố như vậy trước báo giới ở thủ đô New Delhi.
Hôm 18/12, trong một nỗ lực làm dịu căng thẳng, Ngoại trưởng Mỹ được cho là đã gọi điện cho Cố vấn An ninh Quốc gia Ấn Độ Shiv Shankar Menon để bày tỏ “sự lấy làm tiếc” về vụ bắt giữ bà Khobragade..
Tiếp đó, ngày 19/12, Ngoại trưởng Mỹ tiếp tục gọi điện cho nhà ngoại giao cấp cao thứ ba của Ấn Độ – Wendy Sherman để nói về vụ việc. Ông Kerry lại một lần nữa thể hiện “sự lấy làm tiếc” về việc nữ nhân viên ngoại giao Khobragade bị bắt giữ đồng thời nhấn mạnh rằng hai nước không nên để vụ việc này làm chệch hướng “quan hệ song phương có tính sống còn” này. Được biết, chỉ trong hai ngày, Ngoại trưởng Kerry đã 3 lần gọi điện cho các quan chức ngoại giao cấp cao của Ấn Độ để tìm cách “hạ nhiệt” tình hình.
Cùng với đó, các nguồn tin ngoại giao tiết lộ, ông Nancy Powell – Đại sứ Mỹ tại New Delhi , cũng đang tiến hành các cuộc hội đàm với giới chức ngoại giao Ấn Độ để nhanh chóng tìm hướng giải quyết cho cuộc khủng hoảng ngoại giao hiện nay giữa hai nước.
Tuy nhiên, có vẻ như các nỗ lực trên của Washington không thể làm dịu được cơn tức giận của chính phủ Ấn Độ – nước đang coi mình là một cường quốc mới nổi và cần được các nước đối xử với sự tôn trọng, đặc biệt là với một đồng minh như Mỹ.
Giới chức Ấn Độ hôm qua (20/12) vẫn tiếp tục đòi Mỹ phải chính thức đưa ra lời xin lỗi rõ ràng.
New Delhi đã “tung” ra một loạt hành động trả đũa như giảm những ưu tiên ngoại giao dành cho các nhà ngoại giao Mỹ ở Ấn Độ, trong đó có việc thu hồi thẻ nhân viên ngoại giao mà chính phủ Ấn Độ cấp cho các nhà ngoại giao Mỹ, tước giấy phép ra vào sân bay và gỡ bỏ bớt những biện pháp bảo vệ an ninh bên ngoài Đại sứ quán Mỹ ở thủ đô New Delhi.
Kiệt Linh – (tổng hợp)
Theo_VnMedia
Vì sao Mỹ "phân biệt đối xử" với TQ và Ấn Độ?
Trong khi chỉ trích Trung Quốc vô trách nhiệm trong vụ chạm trán với tàu Mỹ thì nước này lại nhanh chóng xuống nước với Ấn Độ trước vụ bắt giữ nhà ngoại giao Ấn Độ.
Hai thái độ khác
Channel News Asia ngày 20/12 dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel nhận xét, Trung Quốc đã hành động một cách vô trách nhiệm trong tình huống chạm trán với tàu chiến Mỹ ở Biển Đông ngày 5/12.
Tàu tuần dương mang tên lửa Mỹ USS Cowpens đã phải chuyển hướng cơ động đột ngột để tránh va chạm một chiến hạm Trung Quốc chặn ngang trước mặt trong một khoảng cách nguy hiểm.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel.
Hành động của tàu Trung Quốc được Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nhận xét là "chẳng ích gì, vô trách nhiệm". Ông cho biết tình huống chạm trán, đối đầu trên Biển Đông lần đầu tiên trong nhiều năm giữa tàu Trung Quốc và tàu Mỹ cho thấy sự cần thiết phải có quy định rõ ràng giữa quân đội 2 nước.
"Những hành động như vậy rất dễ gây xung đột, nó có thể là một kích hoạt hoặc một tia lửa gây ra một số tính toán sai lầm" Chuck Hagel nhấn mạnh, "chúng tôi đang làm việc về vấn đề này".
Trong khi đó, trong một tuyên bố gần đây Bộ Quốc phòng Trung Quốc khẳng định, trong suốt vụ chạm trán tàu Mỹ, các tàu hải quân nước này đã hành động đúng quy định và xử lý sự cố một cách thích hợp và Bộ Quốc phòng hai nước cũng đã "giao thiệp hiệu quả" về vụ việc.
Thái độ căng thẳng của Mỹ dành cho Trung Quốc khác hẳn sự xuống nước mà nước này vừa thể hiện trong vụ bắt giữ một nhà ngoại giao Trung Quốc. Theo đó, Phó Tổng lãnh sự Ấn Độ tại New York Devyani Khobragade, 39 tuổi đã bị các cơ quan chức năng Mỹ bắt giữ ngày 12/12 với cáo buộc gian lận visa, bóc lột sức lao động của người giúp việc và trông trẻ.
Trước phản ứng gay gắt của Ấn Độ, Bộ Ngoại giao Mỹ cam kết sẽ tiến hành điều tra nội bộ về vụ việc. Mỹ cũng khẳng định sẽ cùng New Dehi giải quyết vấn đề này thông qua các kênh chính thức trên tinh thần đối tác và hợp tác, sau khi vụ việc gây phản ứng giận dữ từ New Delhi.
Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Marie Harf thừa nhận đây là "vấn đề nhạy cảm," nhưng đồng thời cũng khẳng định vụ việc chỉ là một tai nạn riêng rẽ, cá biệt.
Bà Harf nhấn mạnh không nên để vụ việc làm tổn hại quan hệ hữu nghị sâu rộng giữa hai nước. Phía Mỹ sẽ rà soát lại các chi tiết vụ việc mặc dù trước đó đã tiến hành các thủ tục theo đúng quy trình luật định.
Vì sao Mỹ phân biệt đối xử?
Theo các chuyên gia, lý do để Mỹ vội vàng xuống nước với Ấn Độ là vì Ấn Độ là nước quan trọng trong chiến lược xoay trục sang châu Á - Thái Bình Dương và sự trỗi dậy của Trung Quốc khiến cho Mỹ và Ấn Độ xích lại gần nhau.
Trung Quốc cũng đang tích cực đầu tư mạnh cho hải quân, không quân và tên lửa, đe dọa đến sức mạnh của Mỹ. Vì thế, Mỹ cần đồng minh để đánh lạc hướng Trung Quốc khỏi việc tập trung vào hiện đại hóa hải quân, không quân mà quay về củng cố lực lượng truyền thống để phòng thủ lãnh thổ. Và ứng viên ấy là Ấn Độ.
Thực tế, Ấn Độ đang làm theo hướng này khi tăng cường sự hiện diện quân sự ở gần biên giới tranh chấp: nâng cấp sân bay, triển khai máy bay chiến đấu hiện đại, tên lửa tấn công tới khu vực biên giới, thành lập các đơn vị chiến đấu mới tác chiến vùng núi...
Chính vì thế, hơn bao giờ hết Mỹ cần 'con cờ' Ấn Độ để phân tán sự chú ý của Trung Quốc cũng như hạn chế sức mạnh của quốc gia này.
Trong khi đó, việc Mỹ làm căng với Trung Quốc có thể lý giải là do mới đây Trung Quốc đã công khai thách thức Mỹ khi tiến hành vụ thử thứ hai tên lửa đạn đạo liên lục địa mới nhất của nước này - DF-41. Tên lửa có khả năng nhắm tới các mục tiêu ở Mỹ bằng đầu đạn hạt nhân.
Không những thế, khi Ngoại trưởng Mỹ John Kerry ngày 17/12 cảnh báo sẽ chống lại cái gọi là vùng nhận diện phòng không trên biển Đông mà Bắc Kinh có ý định đơn phương thành lập, Trung Quốc đã bác bỏ những bình luận của ngoại trưởng Mỹ và yêu cầu Mỹ cẩn trọng trong lời nói và hành động của mình.
Một nguyên nhân sâu xa hơn đó chính là sự cạnh tranh giành ảnh hưởng tại châu Á - Thái Bình Dương giữa hai cường quốc, trong bối cảnh Mỹ xoay trục về khu vực này giữa lúc Trung Quốc đang không ngừng ra oai với các nước xung quanh.
Chính vì thế, Mỹ cố tình làm căng với Trung Quốc để chứng tỏ cho nước này thấy không dễ đùa với lửa
Theo Đất việt
Bão tố ngoại giao New Delhi - Washington Ấn Độ hết sức giận dữ trước việc một nhà ngoại giao nước này bị bắt tại New York, và tiến hành trả đũa đối với ngoại giao đoàn Mỹ. Xe cẩu xô đổ hàng rào bê tông trước Đại sứ quán Mỹ ở New Delhi - Ảnh: Reuters Tranh cãi ngoại giao giữa Ấn Độ với Mỹ đang ngày càng tăng nhiệt...