Vụ MS804 mất tích phơi bày hàng loạt lỗ hổng an ninh sân bay
Sân bay vốn là một trong những địa điểm được cho là an toàn nhất thế giới. Nếu chiếc máy bay mang số hiệu MS804 của EgyptAir, Ai Cập mất tích do bị tấn công khủng bố thì đây sẽ là một cơn ác mộng mới đối với ngành hàng không thế giới.
Đối với nhiều quan chức sân bay, kịch bản tồi tệ nhất đó là phát hiện chính các nhân viên của mình cấu kết với khủng bố để phá vỡ các hàng rào an ninh và làm chiếc máy bay biến mất. Nếu chiếc máy bay EgyptAir 804 bị khủng bố tấn công, giống như điều mà các quan chức tình báo đang lo ngại hiện nay, thì các nhà chức trách trên toàn thế giới sẽ phải đối mặt với một thực tế là: ngay cả những sân bay được thắt chặt an ninh nhất thế giới như Charles de Gaulle ở Paris cũng không an toàn!
Chiếc máy bay chở 56 hành khách và 10 thành viên phi hành đoàn đã biến mất khỏi màn hình radar hôm 19/5 ở khu vực phía Đông biển Địa Trung Hải. Đến nay, chưa có mảnh vỡ nào được tìm thấy, chưa rõ nguyên nhân mất tích và chưa có nhóm khủng bố nào nhận trách nhiệm về vụ việc.
Theo các chuyên gia hàng không, việc MS804 cất cánh từ thủ đô Paris đồng nghĩa với việc nó được kiểm tra an ninh gắt gao. Các vật liệu khả nghi, dấu hiệu bất thường của hành khách chắc chắn sẽ được kiểm tra kỹ lưỡng, nhất là kể từ sau vụ khủng bố ngày 11/9 và gần đây nhất là vụ tấn công liên hoàn ở Paris và Brussels, hàng loạt sân bay của châu Âu đã được đặt trong tình trạng thắt chặt an ninh cao độ. Theo quy định của EU, các chuyến bay từ ngoài Liên minh châu Âu sau khi hạ cánh sẽ phải kiểm tra kỹ từ khoang hàng hóa, phòng của phi hành đoàn tới nhà vệ sinh.
Tuy nhiên, theo ông Norman Shanks, cựu giám đốc an ninh sân bay Heathrow, London, trách nhiệm kiểm tra máy bay lại không thuộc về cảnh sát địa phương hay an ninh sân bay mà thông thường, các hãng hàng không thuê các nhà thầu độc lập. Điều này làm dấy lên mối lo ngại thường trực về khả năng nhân viên sân bay hoặc nhà thầu độc lập này bí mật liên kết với tội phạm hoặc các mạng lưới khủng bố.
“Điều khiến tôi lo ngại đó là mối đe dọa từ bên trong, đó là những người làm việc ở khu vực an ninh. Họ vẫn rà soát bằng các màn hình soi chiếu, nhưng bạn sẽ không bao giờ biết được họ có trung thực hay không”.
Cảnh sát Pháp tại sân bay Charles de Gaulle sau khi máy bay EgyptAir MS804 mất tích.
Các quan chức Pháp cho biết, trong khoảng thời gian từ tháng 1 tới tháng 11 năm 2015, khoảng 57 nhân viên sân bay đã phải ngừng làm việc bởi các lý do liên quan tới an ninh. Theo quan chức cảnh sát Pháp Philippe Riffaut, cảnh sát đã phát hiện dấu hiệu tư tưởng thánh chiến ở một số nhân viên sân bay. Theo đó, hàng nghìn lượt tìm kiếm của các nhân viên sân bay có các từ khóa như “ma túy”, “vũ khí” và “tuyên truyền tư tưởng cực đoan”.
Video đang HOT
“Sau vụ khủng bố Paris, các nhà chức trách Pháp đã rà soát lại hồ sơ của khoảng 86.000 nhân viên ở sân bay Charles de Gaulle và sa thải hàng chục người do phát hiện mối liên hệ với người Hồi giáo và chủ nghĩa khủng bố”, ông Charles Brisard, Giám đốc Trung tâm phân tích khủng bố ở Paris tiết lộ.
Nếu kết quả điều tra cho thấy khủng bố là nguyên nhân gây ra vụ rơi máy bay, đây sẽ là một loại hình khủng bố mới và nguy hiểm mà các tổ chức cực đoan có thể sử dụng để tấn công phương Tây. Trong các vụ tấn công Paris hồi tháng 11 năm ngoái và Brussels tháng 3 năm nay, IS đều nhắm vào các mục tiêu mềm như quán cà phê, rạp hát và ga tàu điện ngầm, những nơi thường ít khi có mặt nhân viên an ninh có vũ trang. Nhưng tấn công máy bay thì lại là một câu chuyện khác, nó đồng nghĩa với việc các phần tử khủng bố đã tìm ra cách thức phá vỡ hàng loạt hàng rào an ninh dày đặc và máy quét ở sân bay. Một vụ tấn công trót lọt nhằm vào một chuyến bay khởi hành từ Paris sẽ thiêu rụi niềm tin về sự đảm bảo an toàn ở các sân bay châu Âu.
“Nếu khủng bố thực sự là nguyên nhân đằng sau vụ mất tích bí ẩn của MS804, đây sẽ là một mối rủi ro ở tầm cao mới đối với các máy bay, không chỉ đối với các chuyến bay xuất phát từ các khu vực bất ổn như Trung Đông mà còn ở trung tâm châu Âu, nơi được cho là có hàng rào an ninh tốt hơn”, ông Adam Schiff, thành viên Ủy ban Tình báo Nhà Trắng nhận định.
Bình Minh
Theo_Hà Nội Mới
MH370 - Bí ẩn không lời giải 2 năm sau ngày mất tích
Hôm nay, 8/3, vừa tròn 2 năm ngày chiếc máy bay mang số hiệu MH370 của hãng hàng không Malaysia Airlines biến mất không dấu vết khỏi màn hình radar, sự mất tích của chiếc máy bay vẫn là bí ẩn lớn nhất trong lịch sử ngành hàng không thế giới.
Những hy vọng chưa nguôi
Trong một bài phát biểu sáng nay, Thủ tướng Malaysia Najib Razak cho biết, công tác tìm kiếm MH370 dự kiến sẽ được hoàn tất trong năm nay. "Chúng tôi vẫn hy vọng rằng MH370 sẽ được tìm thấy trong khu vực đang tìm kiếm rộng 120.000 km vuông", ông nói.
Chiếc máy bay này đã biến mất ngày 8/3/2014 với 239 người trên khoang, trong hành trình từ Kuala Lumpur tới Bắc Kinh. Nếu không tìm thấy, Malaysia, Australia và Trung Quốc sẽ cùng thảo luận đề quyết định bước đi tiếp theo.
Tất cả các hành khách và phi hành đoàn được cho là đều đã thiệt mạng, nhưng gia đình họ thì vẫn chưa nguôi hy vọng.
Bà Zhang Meiling, một bà mẹ có con gái là hành khách trên chuyến bay mất tích khẳng định, bà đã từ chối mọi lời đề nghị bồi thường và lên kế hoạch khởi kiện hãng hàng không Malaysia Airlines. "Tiền có thể giải quyết được vấn đề của MH370 ư? Con tôi hiện đang ở đâu? Tôi và con gái luôn có sự kết nối tâm linh đặc biệt. Nếu nó có mệnh hệ gì, chắc chắn tôi đã cảm thấy được điều đó. Tôi có linh cảm nó vẫn còn sống và an toàn".
Nhiều thân nhân hành khách MH370 vẫn hy vọng tìm thấy chiếc máy bay mất tích.
Những manh mối mới nhất
Trong tuần trước, một nhóm chuyên gia Malaysia đã tới Mozambique để xác minh mảnh vỡ được cho là một phần của MH370. Gần đây nhất, ngày 6/3, người phát hiện mảnh vỡ máy bay MH370 hồi năm ngoái trên đảo Reunion cho biết đã tình cờ phát hiện mảnh vỡ thứ 2, có thể thuộc về chiếc máy bay mất tích.
Ông Johnny Begue, người phát hiện ra phần cánh của chiếc máy bay bị sóng đánh dạt vào bờ biển hồi tháng 7 năm ngoái, đã giao nộp vật thể khả nghi cho cảnh sát ngay khi tìm thấy.
Mảnh vỡ nghi của MH370 tìm thấy ở Mozambique.
Johnny Begue nói rằng đã tìm thấy mảnh vỡ có kích thước 40x20 cm khi đang đi dạo trên bờ biển. Mảnh vỡ có mặt trên màu xanh lá cây và mặt dưới màu xám.
Những mảnh vỡ mới nhất nghi là một phần của MH370 đang tiếp tục được điều tra và hiện chưa có kết luận chính thức, nhưng nó đã nhen nhóm tia hy vọng về việc vén màn bí ẩn của chiếc máy bay mất tích cách đây 2 năm.
Những câu hỏi còn bỏ ngỏ
Hai năm sau ngày mất tích, vẫn còn hàng loạt những câu hỏi không lời đáp xung quanh sự biến mất của MH370, bí ẩn lớn nhất trong lịch sử ngành hàng không thế giới: Mảnh vỡ máy bay ở đâu? Nguyên nhân khiến nó mất tích? Thảm kịch xảy ra là do phi công hay lỗi động cơ?
Công tác tìm kiếm chiếc máy bay mất tích vẫn tiếp tục.
Thủ tướng Malaysia khẳng định, các nhà chức trách vẫn đang nỗ lực trả lời những câu hỏi trên. "Chúng tôi tiếp tục cam kết sẽ làm tất cả những gì có thể để giải đáp bí ẩn này và dành câu trả lời cho thân nhân các hành khác. Trong những ngày đầy khó khăn này, chúng ta hãy tưởng nhớ và câu nguyện cho những người sẽ không bao giờ bị lãng quên".
Thanh Hà
Theo_Hà Nội Mới
Người Sài Gòn lại bì bõm vượt ngập Cơn mưa trưa 18-5 chi keo dai khoang 30 phút nhưng cung kịp nhấn chìm hàng loạt con đường ở TP HCM. Người Sài Gòn lại phải bì bõm vượt ngập Ngập nặng nhất là đường Nguyễn Hữu Cảnh, phường 22, quận Bình Thạnh. Đoạn dươi câu vươt Nguyên Hưu Canh nươc đen ngom bôc mui hôi thôi. Quan sat tai môt sô...