Vụ mổ nhầm chân: Cảm thông hay phê phán?
Theo luật sư Vũ Tiến Vinh, trong ngành y, sự cẩu thả, chủ quan của thầy thuốc suy đến cùng chính là sự xem thường tính mạng, sức khỏe của người bệnh.
Vài năm trở lại đây, ngành y tế đã có nhiều chuyển biến tích cực về cơ sở vật chất, y đức của đội ngũ y bác sĩ… và được xã hội ghi nhận. Tuy nhiên, thỉnh thoảng vẫn có những vụ việc ngoài mong muốn như đau chân phải thì lại mổ chân trái, đau tai trái thì lại mổ tai phải khiến dư luận bức xúc, ảnh hưởng đến tiến trình xây dựng những chuẩn mực tốt đẹp mà ngành y đang quyết tâm thực hiện. Luật sư Vũ Tiến Vinh – Giám đốc Công ty Luật Bảo An (Hà Nội) gửi đến Zing.vn quan điểm riêng của mình sau vụ việc vừa xảy ra ở bệnh viện Việt Đức (Hà Nội):
Trước vụ việc như vậy, dư luận xã hội bàn tán là không tránh khỏi, nhưng mỗi chúng ta cần làm gì để hạn chế sự xuất hiện thêm những “hạt sạn” trong tương lai thay vì sự hả hê, phê phán cho sướng miệng?
Có thể nói không thể có một đáp án ứng xử chung cho mọi sự vi phạm của y bác sĩ mà xã hội và mọi người phải tuân theo. Tuy nhiên, mỗi hành động của mỗi con người trong xã hội cần phải hướng tới một mục tiêu cụ thể, mà mục tiêu đó không gì tốt hơn là làm sao để đội ngũ y bác sỹ có thể hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ của họ, để họ có nhiều cơ hội hơn phục vụ xã hội.
Luật sư Vũ Tiến Vinh. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Cổ nhân vẫn nói “nhân vô thập toàn”. Thử hỏi có ngành nào, có lĩnh vực nào không có “sạn”, nhưng trước những sai phạm mà bị vùi dập một cách quá mức thì phản tác dụng, thậm chí còn là điều tai hại.
Một bài học kinh điển trong giáo dục là đặt niềm tin vào đối tượng (còn nhiều khiếm khuyết) cộng với những lời động viên, khích lệ, thì họ sẽ dồn hết tâm sức làm tốt nhất có thể, để xứng đáng với niềm tin mà những người xung quanh đã dành cho. Bài học này cho thấy, có nhiều cách thức để giúp một ai đó, rộng hơn là một nhóm người nào đó, một ngành nào đó tốt hơn, không nhất thiết chỉ là phê phán, chê bai.
Tuy nhiên, thái độ của người mắc lỗi cũng là vô cùng quan trọng và quyết định rất nhiều đến thái độ của người trong cuộc nói riêng và dư luận nói chung.
Video đang HOT
Trong đời sống vẫn luôn có câu nói rằng “đánh kẻ chạy đi, không ai đánh kẻ chạy lại”, do vậy khi mắc sai lầm hãy dũng cảm nhận trách nhiệm với tinh thần cầu thị, đừng né tránh, đổ lỗi cho người khác. Việc nhận lỗi cần xuất phát từ tâm, chứ đừng vì áp lực mà phải nhận. Một điều đặc biệt, là đừng mắc thêm một sai lầm nào liên quan đến lỗi mà mình đang mắc phải, bởi nó sẽ tạo ra sự cộng hưởng vô cùng lớn, khi đó đừng trách dư luận không rộng lượng.
Sự việc mổ nhầm chân là một đáng tiếc nhưng lại yêu cầu gia đình nộp thêm tiền để được mổ lại là một ví dụ. Nếu nhận trách nhiệm và tự giác tiến hành mổ lại cho bệnh nhân thì câu chuyện có lẽ đã đi theo hướng khác.
Những bài học của ngành y cũng như của các ngành khác trong thời gian vừa qua đã cho thấy rất rõ điều đó.
Ở khía cạnh khác, những lỗi thuộc về chuyên môn, trình độ thì đôi khi hậu quả lớn hơn nhưng lại được thông cảm bởi sự hiểu biết của con người là có hạn, bất kỳ ai cũng có thể mắc phải. Vậy tại sao những lỗi đến từ sự cẩu thả, chủ quan, thậm chí là vô trách nhiệm lại rất khó để tìm được sự cảm thông của công chúng?
Điều này cũng dễ hiểu bởi bởi trong ngành y thì sự cẩu thả, chủ quan của thầy thuốc suy đến cùng chính là sự xem thường tính mạng, sức khỏe của người bệnh. Người bệnh cần đến bác sĩ trước tiên là ở thái độ, là lương y rồi mới đến trình độ tay nghề. Vì thế, không phải ngẫu nhiên một từ trở thành phổ biến mang tính chuẩn mực trong ngành y là từ “thăm khám”.
Bác sĩ cần thăm hỏi, động viên, chia sẻ (thái độ) với bệnh nhân rồi mới đến khám (chuyên môn). Rộng hơn của thái độ chính là sự cẩn trọng, tỉ mỉ, trách nhiệm đối với bệnh nhân chứ không chỉ đơn thuần là sự thăm hỏi. Chuyên môn của bác sĩ cao hay thấp thì chỉ người trong ngành mới đánh giá được, nhưng thái độ của bác sĩ thì bất kỳ bệnh nhân nào cũng cảm nhận được một cách rất dễ dàng.
Một góc độ khác cũng cần phải nhìn nhận là trong thời đại bùng nổ thông tin như ngày nay, mọi lỗi lầm có thể sẽ bị “phơi” lên mạng trong tích tắc, từ mưa phùn có thể bị thổi thành bão, nên mỗi chúng ta cần phải có cái đầu lạnh trước những tin nóng, đừng hùa theo đám đông khi tự bản thân chưa kiểm chứng, suy xét. Nhiều bước chân cùng nhịp có thể làm sập cầu là vậy.
Như vậy, ứng xử theo cách phê phán hay thông cảm trước mỗi sai lầm của người khác là tùy thuộc nhận thức của mỗi người nhưng làm gì để thực trạng trở nên tốt đẹp hơn thì lại tùy thuộc ý thức của mỗi người!
* Chiều 19/7 tại Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội), bệnh nhân Nguyễn Văn Thảo (37 tuổi, ở huyện Ứng Hòa, Hà Nội) được chỉ định mổ chân trái, nhưng khi hết thuốc tê, anh phát hiện bác sĩ đã mổ nhầm chân phải.
Ngay sau khi sự việc xảy ra, phía bệnh viện, đặc biệt là bác sĩ trực tiếp mổ đã đến xin lỗi bệnh nhân, nhận trách nhiệm chữa trị và miễn phí toàn bộ viện phí.
* Tối 21/6, anh Lê Hoàng Lâm (27 tuổi, ở TP Tân An, Long An) điều khiển xe máy lên xã Bình Hiệp (Mộc Hóa, Long An) để giữ rẫy dưa thì bị té, chân phải đập mạnh vào gốc cây ven đường.
Tại Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP HCM, bác sĩ cho biết anh Lâm chỉ bị bong gân rồi kê thuốc cho xuất viện.
Về nhà được 3 ngày thì tình hình càng trở nặng, gia đình đưa lên lại bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình kiểm tra lại, sau đó, chuyển anh Lâm sang Bệnh viện Chợ Rẫy.
Sáng 25/6, các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy chẩn đoán anh Lâm bị hoại tử bàn chân phải, tắc động mạch kheo phải, chấn thương gối phải. Phương pháp điều trị: phẫu thuật cắt cụt 1/3 dưới đùi phải.
Theo Zing News
Mổ nhầm chân: chuyên môn yếu kém hay tắc trách?
Bác sĩ mổ nhầm chân bệnh nhân đã không xem bệnh án trước khi mổ. Sự tắc trách này ngay lập tức đã gây hậu quả nghiêm trọng. trường hợp đầu tiên.
Hàng loạt những "lùm xùm" liên quan đến chuyên môn, trách nhiệm của ngành y thời gian qua khiến lòng tin của người dân với hệ thống y tế bị sụt giảm nghiêm trọng. Đơn cử như vụ cắt nhầm bàng quang cháu bé 21 tháng tuổi, hỏng một quả thận bác sĩ lại cắt cả hai, cháu bé đau tay phải mổ tay trái... và gần đây nhất là vụ bệnh nhân liệt chân trái bác sĩ mổ chân phải ở Bệnh viện Việt Đức - một bệnh viện ngoại khoa đầu ngành của cả nước khiến người dân càng băn khoăn, lo lắng.
Đã vậy, sau khi đã mổ nhầm chân phải, trước khi mổ tiếp chân trái, phía bệnh viện đã yêu cầu người nhà bệnh nhân đóng thêm 5 triệu đồng tiền viện phí để tiếp tục thực hiện ca mổ khiến người nhà bệnh nhân vô cùng bức xúc.
Sai sót, tai biến trong y khoa là điều không thể tránh khỏi và phải nói công bằng rằng, trong tất cả các ngành nghề đều có thể xảy ra sai sót. Nhưng riêng với ngành y, nơi nắm tính mạng con người, cái đáng quí nhất, nên một sai sót, tai biến nhỏ có thể ảnh hưởng đến sinh mạng, cuộc đời của một con người. Cho nên, nếu các ngành nghề trong xã hội yêu cầu sự cẩn trọng, đúng qui trình ở mức 10 điểm thì với ngành y yêu cầu đó phải nhân lên gấp 10 lần, thậm chí là vô cùng chặt chẽ, nghiêm ngặt.
Vụ việc xảy ra ở Bệnh viện Việt Đức khiến dư luận xã hội băn khoăn, lo lắng hơn. Bởi, một bệnh viện lớn và uy tín mà lại xảy ra những chuyện như thế này thì còn biết tin vào đâu nữa?
Vậy chuyện mổ nhầm chân là do bác sĩ tắc trách hay trình độ chuyên môn kém? Có lẽ phần nhiều do tắc trách. Với một bệnh viện chuyên khoa đầu ngành như Việt Đức, tay nghề bác sĩ luôn là điều đáng tự hào. Thế nhưng, tay nghề giỏi chưa phải là yếu tố quyết định đến sự thành công tuyệt đối của ca điều trị. Trong trường hợp này, vị bác sĩ mổ chính trong ca mổ đã không xem bệnh án. Khi vào mổ, vị bác sĩ này chỉ cầm chân bệnh nhân lên và hỏi "mổ chân này hả?" - một cách làm thật ẩu, đại khái và không thể chấp nhận được trong y khoa.
Lãnh đạo Bệnh viện Việt Đức đã tạm đình chỉ chuyên môn đối với bác sĩ này vì đã vi phạm nội quy, quy định chuyên môn của bệnh viện, dẫn đến sự cố đáng tiếc trên.
Điều đáng buồn hơn, bác sĩ trong ca mổ này lại đang công tác tại một trường đại học y, không thuộc biên chế hay lao động hợp đồng của bệnh viện Việt Đức. Đã là thầy thì hơn ai hết phải hiểu rõ qui trình khi vào mổ như thế nào chứ không thể tự tin thái quá đến mức "liệt chân trái, mổ chân phải" như đã xảy ra.
Dư luận cũng có quyền đặt câu hỏi: Không biết, khi giảng dạy cho sinh viên của mình, ông nói gì về qui trình điều trị, đặc biệt là qui trình phẫu thuật cho bệnh nhân? Nếu sinh viên của ông cũng giống thầy thì hậu quả sẽ thế nào?
Bác sĩ phẫu thuật nhầm đã xin lỗi, Bệnh viện Việt Đức cũng đã xin lỗi người bệnh và gia đình. Đó là những lời xin lỗi được đưa ra để xoa dịu nỗi đau với gia đình người bệnh. Còn thực ra, tất cả các gia đình khi có người thân, bạn bè vào bệnh viện đều không ai muốn nhận lời xin lỗi đó. Ngay lúc này đây, nhiều người là bệnh nhân, người thân, bạn bè... đều cầu mong đừng bao giờ bác sĩ, bệnh viện phải xin lỗi mình!/.
An Nhi
Theo_VOV
Những ca bác sĩ ngớ ngẩn đau chân phải mổ chân trái ở Việt Nam Anh Thảo, bà Phấn, bé Hào là những trường hợp đáng tiếc bị bác sĩ phẫu thuật nhầm do chủ quan, tắc trách khi làm việc. Chiều ngày 19/7, tại Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) đã xảy ra sự việc bác sĩ mổ nhầm chân đang gây xôn xao dư luận. Nạn nhân bị mổ nhầm chân là anh Nguyễn Văn Thảo...