Vụ máy bay rơi: “Dù mình ngồi xe lăn nhìn thấy con đá bóng cũng đáng sống!”
Trong hơn 100 ngày các bác sĩ chiến đấu giành giật sự sống cho chiến sĩ vụ máy bay rơi Đinh Văn Dương, có những lúc tưởng như phải đầu hàng số phận bởi bệnh nhân nôn ra máu ồ ạt, suy 4 – 5 phủ tạng… nhưng cuối cùng điều kỳ diệu cũng đã đến.
Không nhớ nổi bao lần bệnh nhân đối diện với tử thần
Trung úy Đinh Văn Dương, người duy nhất sống sót trong số 21 chiến sĩ của vụ rơi máy bay trực thăng ở Hoà Lạc ngày 7/7/2014 đã thoát cơn nguy kịch, vết bỏng trên da dần liền sẹo, được cai thở máy, rút nội khí quản tự thở, tự ăn, tự uống và đã nói chuyện “tròn vành rõ chữ”.
Hiện chiến sĩ Dương đã tự thở, tự ăn uống (mỗi ngày ăn nhiều suất nhỏ, từ sữa, súp đến trái cây nghiền) và đã có cảm giác thèm ăn, ngon miệng, nói chuyện được.
Nhìn chiến sĩ Dương ở thời điểm hiện tại, các bác sĩ khoa Hồi sức tích cực Viện Bỏng Quốc gia lắm lúc vẫn cứ ngỡ như… mơ, không tin nổi một bệnh nhân đã không biết bao nhiêu lần mười mươi là sẽ chết, thế rồi anh cứ mạnh mẽ vượt qua hết lần này đến lần khác, để nay có thể nói đã vượt qua được hiểm nguy. Hơn 100 ngày chăm sóc người bệnh cũng là bằng ấy thời gian các y bác sĩ tại viện dành tổng lực sự quan tâm, chăm sóc tốt nhất cho bệnh nhân.
TS An chia sẻ niềm vui về sự hồi phục diệu kỳ của chiến sĩ Dương.
TS Nguyễn Hải An, Trưởng Khoa Hồi sức cấp cứu, cho biết, ngay khi tiếp nhận những chiến sĩ trong vụ máy bay rơi, Bộ Quốc Phòng, Bộ Y tế đã đặc biệt quan tâm đến các bệnh nhân, cử các chuyên gia đầu ngành giỏi nhất về cấp cứu, hồi sức, lọc máu, chống độc… đến viện Bỏng hội chẩn, làm sao tìm phương án chữa trị tốt nhất cho người bệnh.
Thế nhưng, với chẩn đoán đa chấn thương, bỏng lửa rộng, sâu, bỏng hô hấp, 4/5 chiến sĩ đã lần lượt hi sinh dù đã được hết lòng cứu chữa. Chỉ còn chiến sĩ Dương vẫn bền bỉ cuộc chiến dù cũng bỏng sâu, rộng, 53%, bỏng hô hấp… Và điều kỳ diệu đã đến, anh thoát qua cửa tử một cách ngoạn mục.
TS Nguyễn Hải An cho biết, trong suốt quá trình điều trị, bản thân các bác sĩ không nhớ nổi bao lần bệnh nhân đã tưởng mười mươi là chết, chỉ sống thêm được 1 – 2 tiếng nữa, tình trạng được thông báo cho gia đình, cho Ban giám đốc bệnh viện.
“Tôi nhớ nhất thời điểm 77 ngày sau tai nạn, bệnh nhân cùng lúc suy đa 4 – 5 tạng, nước tiểu không có, suy phổi, suy hô hấp, niêm mạc phổi bong từng mảng lớn. Chúng tôi nội soi hút ra nhiều mảnh niêm mạc, bệnh nhân ho, nôn một lần đến 500 – 700ml máu. Đau buồn lắm, nghĩ là anh không qua khỏi. Nhưng rồi hồi sức, truyền máu, cho thuốc vận mạch, điều trị tích cực, mỗi ngày nguy kịch cũng đã qua.
Trải qua 17 lần ghép da, mỗi lần ghép sau, tổn thương da lại được thu nhỏ dần. Cứ hi vọng, hi vọng để cuối cùng đã bừng sáng. Bệnh nhân được cai thở máy, rút nội khí quản, tập ăn, tập uống, tập nói và giờ đã có thể nói chuyện được như bình thường.
Video đang HOT
Y học luôn tiềm ẩn những điều kỳ diệu. Có những lúc thầy thuốc tưởng đã bó tay thì bệnh nhân lại vượt qua được. Nghị lực sống của bệnh nhân cũng rất mãnh liệt. Sau thời gian hôn mê gần 100 ngày, bệnh nhân đã dần bình phục”, TS An vui mừng thông báo.
Ngày 1/11 là ngày vui mừng nhất của các thầy thuốc và gia đình chiến sĩ Dương, sau bao ngày hôn mê, nuôi qua xông, bệnh nhân đã tập ăn được một chút cháo.
Chiến sĩ Đinh Văn Dương đã tỉnh táo, có thể trò chuyện với mọi người, tự thở, tự ăn uống.
TS An cho biết, ở khoa anh có 4 bác sĩ trẻ dù không phải lịch trực cũng luân phiên nhau ở lại với bệnh nhân cả đêm. “Cả Bộ Quốc phòng, Bộ Y tế, các chuyên gia đầu ngành đều quan tâm, chăm sóc bệnh nhân. Ví như thầy Gia Bình, là bậc thầy về Hồi sức, công việc đầy bận rộn tại BV Bạch Mai mà hôm nào thầy cũng tự lái xe vào thăm khám cho bệnh nhân, trao đổi với bác sĩ điều trị. Các bậc thầy còn sâu sát thế, chúng tôi càng phải dặn mình cố gắng chăm sóc người bệnh tốt nhất có thể”, TS An cho biết.
Y tá trưởng khoa Hồi sức tích cực Phan Trường Tuệ cho biết, chăm sóc bệnh nhân bỏng, nhân lực gấp 4-5 lần bệnh nhân bình thường. Bởi yêu cầu môi trường đòi hỏi phải vô trùng tuyệt đối buồng bệnh, từ không khí đến mặt sàn, dụng cụ, tất cả những đồ tiếp xúc với bệnh nhân. Ngoài những vấn đề về dinh dưỡng, thì ngày nào bệnh nhân cũng cần phải thay băng. Và nay thì bệnh nhân được tập phục hồi chức năng, tập cai máy, tập thở, tập nói, tập uống, tập ăn như một đứa trẻ, phải từng ly, từng tí, từng câu, từng chữ.
Không chỉ bình phục về thể trạng mà trí nhớ chiến sĩ Dương cũng hồi phục rất tốt, sau khi tập nói, tập uống, tập ăn, anh nhớ được số điện thoại của vợ, nhớ vợ con, họ hàng, anh em đồng đội. Anh nhớ được thời điểm máy bay gặp nạn, anh bị bắn trên ngọn cây, mọi người cắt dây dù, đưa anh về bệnh viện. Và khi đến viện, vào thở máy, anh Dương mới chìm vào hôn mê.
“Cậu ấy đã nỗ lực, kiên cường rất nhiều”
Cùng với quá trình điều trị tích cực hơn 100 ngày, với những thuốc thang, máy móc hiện đại nhất có thể, cũng là từng ấy ngày các bác sĩ đã nỗ lực không ngừng nghỉ, động viên, “trò chuyện” với người bệnh ngay cả những lúc bệnh nhân hôn mê.
Luôn có bác sĩ, điều dưỡng ở bên bệnh nhân 24/24h để chăm sóc, động viên.
Mỗi ngày, bệnh nhân đều có y tá, bác sĩ thường xuyên túc trực, động viên an ủi. “Ngày nào, mỗi khi đến viện, tôi đều vào phòng Dương đầu tiên, nói với Dương: “Cố lên em. Vợ sinh cậu con trai đẹp lắm”, y tá trưởng Phan Trường Tuệ cho biết.
Khi chiến sĩ Dương có dấu hiệu tỉnh, sự chăm sóc, động viên tinh thần càng quan trọng hơn bao giờ hết. Bệnh viện tạo điều kiện tốt nhất để người nhà bệnh nhân được vào thăm nom, động viên.
“Có lần, chúng tôi còn quyết định cho em bé, con chiến sĩ Dương, mới được vài tháng tuổi vào thăm. Nghe tiếng khóc của con, dù không nói được, nhưng chiến sĩ Dương ứa nước mắt. Tôi động viên: “Cố lên Dương. Dù mình có ngồi xe lăn, nhìn thấy con đá bóng cũng đáng sống”. Dương gật đầu.
Tôi tin, cậu ấy đã nỗ lực, kiên cường rất nhiều để chiến đấu với bệnh trọng, để sống trở về với vợ con. Có lần khi vợ về, Dương lắc đầu ý muốn có vợ ở bên, nhưng khi mọi người động viên, vợ về cho con trai bú, cứng cáp còn lên thăm bố, Dương lại vui vẻ mỉm cười”, TS An chia sẻ.
Trung úy Đinh Văn Dương hiện vẫn tiếp tục được chăm sóc trong phòng hồi sức tích cực, sức khỏe ổn định hơn sẽ tiếp tục được tập phục hồi chức năng, hi vọng sớm nhất có thể xuất viện trở về gia đình.
Thiếu tướng, PGS. TS Nguyễn Gia Tiến – Giám đốc Viện Bỏng Quốc gia, đánh giá, trường hợp chiến sĩ Dương bình phục sau gần 4 tháng điều trị bỏng sâu, rộng, bỏng hô hấp, đa chấn thương, hội chứng sóng nổ… không chỉ đặc biệt ở Việt Nam mà cả trên thế giới. Bởi bệnh nhân đã vượt qua cửa tử kỳ diệu sau những thương tổn quá nặng nề, hôn mê gần 100 ngày.
Bài và ảnh: Hồng Hải
Theo Dantri
105 ngày giành giật sự sống của chiến sĩ vụ máy bay rơi
Bốn tháng điều trị, thượng úy Đinh Văn Dương phải trải qua 17 cuộc phẫu thuật, có lúc tình trạng diễn biến xấu, tim ngừng đập hai lần, suy đa tạng... tưởng chừng không vượt qua nổi.
Viện Bỏng quốc gia cho biết, thượng úy Đinh Văn Dương (31 tuổi), người duy nhất sống sót trong vụ tai nạn máy bay trực thăng rơi hôm 7/7 đã tỉnh lại. Sức khỏe của anh đang trong giai đoạn phục hồi, bỏ máy thở, có thể nói chuyện, ăn uống và vận động chậm. Bốn tháng điều trị tại Viện Bỏng quốc gia, anh trải qua 17 lần phẫu thuật, tháo bỏ 2 khớp gối, 10 đầu ngón tay và phần da bị bỏng nặng tạm thời được ghép từ da đồng loại và màng sinh học.
Bác sĩ Lê Quang Thảo, người trực tiếp điều trị cho anh Dương còn nhớ, hôm 7/7 bệnh viện nhận được tin báo có máy bay rơi, những người gặp nạn đang trên xe cấp cứu đưa đến viện. Các bác sĩ giỏi nhất của Viện Bỏng quốc gia cũng như các chuyên gia đầu ngành về bỏng nhanh chóng có mặt. Khoa cấp cứu Viện Bỏng đã có một đêm không ngủ.
Nhập viện trong tình trạng bỏng hô hấp kết hợp đa chấn thương, độ bỏng sâu gần 60%, anh Dương được nhận định nhẹ nhất trong số 5 chiến sĩ được cấp cứu sau tai nạn. Để cứu các anh, các bác sĩ đầu ngành của 7 bệnh viện lớn ở Hà Nội đã cử kíp trực đến cùng bác sĩ Viện Bỏng quốc gia, túc trực điều trị suốt hai tháng.
Hiện nay, sức khỏe anh Dương đang trong giai đoạn phục hồi. Ảnh: Thùy Dung.
Bác sĩ Thảo điều trị chính cho hai người. Nhưng tối hôm đó, một chiến sĩ bị bỏng quá nặng nên qua đời, chỉ còn lại anh Dương hôn mê sâu, tình trạng nguy kịch kéo dài. Hai ngày đầu tiên, dù điều trị theo đúng phác đồ nhưng huyết áp anh vẫn tụt, tim ngừng đập 2 lần. Trong thời kỳ nhiễm khuẩn nặng, các bác sĩ phải tháo khớp gối và 10 đầu ngón tay hoại tử. Bước sang ngày thứ 77 của đợt điều trị, anh Dương bị suy đa tạng: suy hô hấp, suy tuần hoàn, suy gan, suy thận, suy cơ quan tạo máu, tiên lượng tử vong cao.
Một cuộc hội chẩn kéo dài diễn ra ngay sau đó. Với phương châm "còn nước còn tát", phải cứu cho được bệnh nhân này, các bác sĩ tiếp tục cho anh dùng thuốc trợ tim, vận mạch, duy trì huyết áp, lọc máu liên tục kết hợp với các loại kháng sinh tốt nhất. Khoảng 15 ngày sau, các cơ quan mới bắt đầu hồi phục nhưng anh vẫn phải dùng máy thở cùng thuốc an thần.
Bị bỏng quá nặng, những đồng đội của anh lần lượt ra đi. Đến ngày chiến sĩ Nguyễn Hoàng Anh qua đời (2/9), anh Dương vẫn ở trong tình trạng hôn mê sâu, trở lại chế độ chăm sóc đặc biệt. Đối mặt với sinh tử hàng ngày tưởng đã quá quen thuộc, những người lính mặc áo blouse trắng vẫn không ngăn được nước mắt rơi mỗi lần nhận tin một chiến sĩ ra đi dù họ cố gắng làm mọi cách. "Trước khi là bệnh nhân, họ là đồng đội của chúng tôi", một bác sĩ điều trị chia sẻ.
Sau 105 ngày nằm trong phòng cấp cứu, đến ngày 31/10 anh Dương được rút ống thở và tỉnh lại. Bệnh nhân hồi phục trí nhớ nhanh chóng, tâm lý không hoảng loạn khiến các bác sĩ rất bất ngờ. Anh nhớ tất cả ký ức về thời khắc máy bay rơi và khóc mỗi lần nhớ lại. Các bác sĩ cũng tiến hành kết hợp điều trị tâm lý, để người nhà, đồng đội vào thăm, động viên hàng ngày để anh không suy sụp bởi những thương tật nặng mà vụ tai nạn để lại.
Bốn tháng thượng úy Dương cùng các chiến sĩ nằm viện là quãng thời gian căng thẳng của cả người thân và đồng đội anh. Chứng kiến 4 người anh em lần lượt ra đi, họ dần mất hết hy vọng cho đến khi anh Dương tỉnh lại thì tất cả như vỡ òa.
"Đó là tận cùng của nỗi đau, cũng là tột cùng của hạnh phúc, anh ấy là niềm hy vọng cuối cùng của 21 anh em. Từ khi anh tỉnh lại, chúng tôi không ai nhắc đến, cũng không ai dám cho anh biết đồng đội đi cùng trên chuyến bay đều hy sinh. Vết thương để lại trên người anh ấy quá đủ đau đớn rồi", thượng úy Ngô Văn Hiểu, Chính trị viên phó Đại đội đặc công, Tiểu đoàn đặc công18, Bộ Tư lệnh thủ đô chia sẻ.
Anh Hiểu là một trong những người có mặt tại hiện trường lúc chiếc máy bay rơi và vẫn nghèn nghẹn khi nhắc lại. Tận mắt chứng kiến cảnh đồng đội bị hất văng ra khỏi máy bay, sau phút thất thần hoảng loạn, anh cùng những người khác lao vào cứu nạn, vừa khóc vừa ôm đồng đội ra khỏi máy bay rồi đưa đi cấp cứu.
Anh tâm sự, đó là những ký ức đau buồn nhất mà một người lính không bao giờ muốn nhớ lại. Những ngày anh Dương nằm điều trị ở tầng 2, người nhà cùng 3-4 chiến sĩ được đơn vị cử đến ở tầng 7. Ngày nào họ cũng đảo vài lượt qua khu vực cấp cứu, hỏi han các bác sĩ tình hình của người nằm trong phòng.
Cùng công tác với nhau hơn 10 năm, anh Hiểu biết rõ gia đình thượng úy Dương rất khó khăn, bố mất sớm, mẹ già yếu. Vợ anh, chị Nguyễn Thị Hải trước đây là công nhân viên hợp đồng, nay được nhận chính thức vào Bệnh viện trung ương Quân đội 108. Trước ngày anh gặp nạn, chị Hải đang mang bầu đứa con thứ hai. Vợ chồng chị vẫn phải thuê phòng trọ để ở. Hai ngày sau tai nạn, chị Hải sinh con trai nặng 2,8 kg trong Bệnh viện 108. Do tâm lý bị ảnh hưởng nặng nên chị phải mổ sinh trước gần 10 ngày. Cô con gái đầu mới 4 tuổi ngày nào cũng theo bà và bác gái vào thăm cha nhưng chỉ được đứng ở ngoài. Ngày anh tỉnh lại, cô bé còn đứng hát cho cha nghe.
Mới sinh con gần 4 tháng nhưng thời gian này, chiều nào chị Hải cũng đi từ phòng trọ tận Vĩnh Hưng sang bệnh viện thăm chồng. Bốn tháng chờ đợi, bốn tháng âu lo, từng ngày trôi qua là niềm tin lại mất dần đi. Chị òa khóc khi nghe tiếng anh gọi "Vợ ơi" ngay sau khi tỉnh lại. Hôm đó cũng là lần đầu tiên anh nhìn thấy cậu con trai kháu khỉnh sau nhiều ngày nằm trên giường cấp cứu. Tất cả bác sĩ, người thân, đồng đội có mặt lúc ấy, không ai ngăn được nước mắt khi thấy "niềm hy vọng duy nhất của 21 người lính" trở về sau 105 ngày chiến đấu để giành lại sự sống.
Hoàng Phương
Theo VNE
Bệnh nhân ngồi xe lăn nhảy lầu tự vẫn Bệnh nhân đang điều trị tại Khoa phẫu thuật sọ não và cột sống của Bệnh viện Việt Tiệp Hải Phòng đã bất ngờ rướn người khỏi chiếc xe lăn, thả người từ tầng hai xuống đất tử vong. Vụ việc diễn ra trước sự chứng kiến của y bác sĩ và các bệnh nhân khiến nhiều người bàng hoàng. Sự việc xảy...