Vụ máy bay Malaysia mất tích: Úc lo ngại vật thể tình nghi đã bị chìm
Phát biểu trong một cuộc họp báo ngày 21.3, Phó Thủ tướng Úc Warren Truss nói rằng các vật thể tình nghi là mảnh vỡ của chiếc máy bay Malaysia mất tích trôi tại nam Ấn Độ Dương có thể đã chìm xuống đáy biển.
Hình chụp từ vệ tinh của một trong hai vật thể tình nghi là mảnh vỡ của chiếc máy bay mất tích trôi ở vùng phía nam Ấn Độ Dương. Vật thể trong hình là vật có kích thước lớn nhất, dài đến 24 m – Ảnh: Reuters
“Một số vật trôi trên biển trong một thời gian dài như vậy có thể đã không còn trôi nữa. Có thể nó đã chìm xuống đáy biển”, Reuters dẫn lời ông Truss nói.
Được biết, vệ tinh đã phát hiện hai vật thể lớn vào ngày 16.3.
Phó thủ tướng Úc cũng khẳng định nhóm tìm kiếm chiếc máy bay do Úc dẫn đầu đã “không tìm thấy bất kỳ thứ gì đáng kể” trong ngày 21.3.
Được biết, Úc đã gửi 5 máy bay đi đến khu vực có vật thể tình nghi là mảnh vỡ của chiếc MH370 để tìm kiếm.
Video đang HOT
Ông Truss cho hay việc tìm kiếm sẽ được kéo dài sang ngày 22.3 tại một khu vực nằm cách thành phố cảng Perth (Úc) khoảng 2.500 km về phía tây nam
Theo TNO
Tìm kiếm MH370: Nhiệm vụ khắc nghiệt
Người lãnh đạo các cuộc điều tra tìm kiếm máy bay Air France 447 của Pháp bị rơi xuống Đại Tây Dương năm 2001 cảnh báo lực lượng tìm kiếm máy bay MH370 sẽ phải đối mặt với một nhiệm vụ khắc nghiệt.
Ý kiến của nhà lãnh đạo người Pháp, ông Alain Bouillard được đưa ra khi các chuyên gia mô tả khu vực tìm kiếm là một vùng nước sâu, có thể chứa các mảnh vỡ của máy bay Boeing 777, và là "một trong những môi trường khắc nghiệt nhất thế giới".
Ông Bouillard, 63 tuổi, làm việc cho văn phòng điều tra tai nạn hàng không Pháp (BEA), là một cơ quan mang tầm thế giới về việc thăm dò các vụ tai nạn hàng không và cũng là cơ quan dẫn đầu cuộc điều tra về vụ tai nạn Concorde trên vùng biển nước Pháp năm 2000.
Ông Bouillard là chuyên gia phụ trách việc săn lùng máy bay AF447 (chuyến bay từ Rio de Janeiro tới Paris với 228 hành khách) bị rơi xuống Đại Tây Dương vào ngày 1/6/2009. Chỉ mất sáu ngày để lực lượng hải quân Pháp và Brazil tìm kiếm thấy các manh mối đầu tiên của chiếc Airbus A3330 dù đó chỉ là bước khởi đầu của một cuộc tìm kiếm dài ngày nhằm xác minh được vị trí để vớt được xác máy bay và lấy được các cuộc ghi âm trên chuyến bay.
Ba thành viên của BEA đang hỗ trợ chính quyền Malaysia trong việc tìm kiếm chiếc máy bay MH370 đã biến mất trên đường bay từ Kuala Lumpur đến Bắc Kinh vào ngày 8 tháng 3 với 239 hành khách.
Bốn chiếc máy bay thăm dò đang cố gắng kiểm tra hai vật thể trôi nổi trong khu vực 2.500km về phía tây thành phố Perth được xác định từ vệ tinh liệu có phải là mảnh vỡ từ máy bay Boeing 777 hay không.
Ông Alain Bouillard
Trả lời phỏng vấn của hãng tin Telegraph, ông Bouillard cho hay: "Vụ mất tích này vẫn còn là một bí ẩn lớn, điều đó có nghĩa là phạm vi tìm kiếm cần phải mở rộng hơn nữa so với phạm vi mà chúng tôi đã tìm chiếc Air France 447".
Ông Bouillard nói thêm: "Thuận lợi trong vụ AF447, đó là chúng tôi có nhiều manh mối hơn. Chúng tôi biết rằng, chiếc máy bay đã gặp phải vấn đề nhờ vào 24 thông điệp được phát đi từ hệ thống thông tin liên lạc ACAR trên máy bay trong khoảng hơn 4 phút".
Ông cho biết các chuyên gia cần thận trọng hơn khi nhìn thấy các mảnh vỡ. "Chúng tôi đã bước đầu xác nhận các hình ảnh vệ tinh tìm được không phải là hình ảnh của chiếc máy bay mất tích".
Nếu chứng minh được các mảnh vỡ xuất phát từ chiếc MH370, ông cho rằng các chuyên gia cần ngay lập tức bắt tay vào nghiên cứu các dòng chảy trong khu vực này để làm rõ việc "trôi dạt ngược"- một lý thuyết ước tính về vị trí ban đầu của xác máy bay và các mảnh vỡ bằng cách nghiên cứu dòng chảy và hướng gió trong khu vực tai nạn.
Ông nhận định rằng: "Các mảnh vỡ có thể đã bị trôi dạt trong vòng hai tuần qua và đã đi qua một chặng đường dài trong thời gian đó. Nếu các dòng chảy hiện tại có vận tốc là 4 hải lý thì có nghĩa là các mảnh vỡ đã trôi dạt 4 hải lý một ngày, và trong vòng 14 ngày thì đó là một chặng đường đáng kể".
Ông cho biết thêm rằng sau khi tìm thấy các mảnh vỡ cần tiến hành tìm hiểu xem máy bay đã vỡ như thế nào, là đã vỡ trên không trung, trong quá trình hạ cánh xuống biển hay là do bị sóng biển nhấn chìm? Từ đó các chuyên gia có thể đưa ra giả thuyết chính xác nhất về quá trình máy bay gặp nạn.
Tuy nhiên, để tìm ra các mảnh vỡ chính xác, việc tìm kiếm phải vượt qua một loạt những thách thức gần như không tưởng do vùng biển sâu nên chỉ có rất ít các tàu có thể rà soát được dưới đáy đại dương để tìm hộp đen của máy bay mất tích.
Thêm vào đó, ông Bouillard nhận định rằng việc tìm kiếm xác máy bay chưa phải là khó khăn lớn nhất đối với đội tìm kiếm. Ông cho biết đội tìm kiếm của ông tìm thấy xác máy bay AF 447 ở độ sâu khoảng 3.500m nhưng lại tìm thấy hộp đen ở khoảng 6.000m dưới đáy đại dương. Việc tìm kiếm hộp đen và xác máy bay Air France 447 đã không có kết quả trong suốt một thời gian dài và cần nhiều trang thiết bị tối tân hỗ trợ. Cuối cùng, sau rất nhiều tính toàn và phán đoán, đội tìm kiếm đã tìm được vị trí của hộp đen và trục vớt bằng một thiết bị điều khiển từ xa.
Ông cho rằng việc tìm kiếm máy bay mất tích thuộc hãng hàng không Malaysia Airlines sẽ gặp khó khăn hơn nhiều, cần có sự hợp tác cao độ giữa các quốc gia và các máy móc thiết bị hiện đại trợ giúp.
Các nhà chức trách Malaysia cho biết họ cũng đã nói chuyện với các chuyên gia BEA của Pháp về cách tiếp cận và xoa dịu người thân của các hành khách. Theo ông Bouillard, khó khăn nhất là việc thông tin sai lệch bị lan truyền dẫn tới việc gia đình của hành khách trên máy bay mất tích có những phản ứng "khủng khiếp". Và việc các chuyên gia cần làm là trấn an tinh thần cho họ.
Trở lại với việc săn lùng máy bay MH370, chuyên gia Bouillard cho rằng: "Có ba câu hỏi cần được giải đáp. Thứ nhất, chuyện gì đã xảy ra? Thứ hai, tại sao nó xảy ra? Và thứ ba là Tại sao tới giờ này chúng ta vẫn chưa có bất kỳ manh mối nào?".
Ông cũng cho hay việc tìm kiếm là một công việc vô cùng khó khăn và có thể sẽ không thu được kết quả, nhưng chúng ta cần nỗ lực tìm kiếm và không ngừng hi vọng.
Theo Khampha
MH370 có thể bay thêm bao xa khi hết nhiên liệu? Khi hết nhiên liệu trên Ấn Độ Dương, MH370 có thể đã chịu kết cục rất bi thảm. Nếu những vật thể có kích thước lớn do vệ tinh của Úc chụp ảnh được trên vùng biển nam Ấn Độ Dương đúng là mảnh vỡ của máy bay MH370 thì rõ ràng chiếc máy bay này đã đối mặt với một kết cục...